Thuốc Tazopelin 4,5g có hoạt chất chính là Piperacillin và Tazobactam. Tazopelin là kháng sinh phổ rộng, thuốc có tác dụng diệt khuẩn với vi khuẩn Gram âm và Gram dương ưa khí hoặc kỵ khí, kể cả vi khuẩn sản sinh beta-lactamse.
1. Thuốc Tazopelin 4,5g là thuốc gì?
Tazopelin có hoạt chất chính là Tazobactam với hàm lượng 0,5g và Piperacillin với hàm lượng 4g. Thuốc được bào chế dưới dạng bột pha tiêm, màu trắng hoặc gần như trắng, không mùi, vị đắng.
Piperacilin là kháng sinh penicilin phổ rộng. Piperacillin có tác dụng diệt khuẩn đối với các vi khuẩn ưa khí và kỵ khí, Gram âm và Gram dương bằng cách ức chế tổng hợp thành tế bào vi khuẩn.
Cầu khuẩn Gram dương rất nhạy cảm với Piperacillin, có Streptococus, Enterococus, cầu khuẩn kỵ khí, Clostridium perfringens. Các tụ cầu sinh penicilinase kháng thuốc. Vi khuẩn ưa khí Gram âm nhạy cảm tốt với Piperacillin, có E.coli, Proteus mirabilis, Pseudomonas, chủng Citrobacter, Serratia, Enterobacter, Salmonella, Shigella, Haemophilus influenzae không sinh beta - lactamase và Meningococcus. Vi khuẩn nhạy cảm vừa hoặc tốt với Piperacillin, có Acinetobacter, Klebsiella, Bacteroides và Fusobacterium.
Piperacilin bị giảm tác dụng do beta-lactamase. Kháng Piperacillin có thể do beta lactamase và sự thay đổi ở nhiễm sắc thể làm giảm dần tác dụng của Piperacillin. Do đó, phối hợp chất ức chế beta lactamase (Tazobactam) và Piperacillin làm tăng tác dụng của Piperacillin.
Beta-lactamase là enzym có tác dụng làm cho vi khuẩn kháng Penicilin và Cephalosporin. Piperacilin phối hợp với Tazobactam có tác dụng mở rộng phổ kháng khuẩn của Piperacillin, tác dụng đối với vi khuẩn ưa khí và kỵ khí Gram âm và Gram dương, bao gồm vi khuẩn sinh beta-lactamase kháng Piperacilin.
Bacteroides thetaiotamicron và các chủng Pseudomonas trừ P. aeruginosa thường nhạy cảm trung bình với Piperacillin/Tazobactam. Tuy nhiên, tác dụng chống Enterococus và Pseudomonas của Piperacillin/Tazobactam và của Piperacillin đơn độc như nhau.
Tụ cầu kháng methicilin, Xanthamonas maltophilia và Chlamydia trachomatis không nhạy cảm với Piperacillin/Tazobactam. Tác dụng hiệp đồng khi phối hợp Piperacillin/Tazobactam với Aminoglycosid được ứng dụng trong điều trị nhiễm P. aeruginosa đa kháng.
Tazobactam là một triazolylmethyl penicilanic acid sulphone, là chất ức chế mạnh đối với nhiều beta-lactamase, đặc biệt là các men qua trung gian plasmid là nguyên nhân thường gây kháng Penicillin và Cephalosporin nhất là các Cephalosporin thế hệ ba. Do đó Tazobactam làm gia tăng phổ kháng khuẩn của Piperacillin.
2. Chỉ định và chống chỉ định thuốc Tazopelin 4,5g
Chỉ định: dùng ở người lớn và trẻ em trên 2 tuổi, điều trị các nhiễm khuẩn sau:
- Viêm phổi nặng (viêm phổi mắc phải ở bệnh viện hoặc viêm phổi liên quan đến thở máy).
- Nhiễm khuẩn nặng đường tiết niệu có biến chứng do các vi khuẩn nhạy cảm (bao gồm viêm thận-bể thận), đặc biệt do Pseudomonas.
- Nhiễm khuẩn nặng trong ổ bụng.
- Nhiễm khuẩn nặng da và mô mềm (bao gồm nhiễm trùng bàn chân do đái tháo đường).
- Nhiễm khuẩn huyết
- Nhiễm khuẩn toàn thân do Pseudomonas hoặc người bệnh có giảm bạch cầu trung tính, phối hợp Piperacillin và Aminoglycosid để điều trị.
- Phòng nhiễm khuẩn trong phẫu thuật tử cung, ổ bụng.
Chống chỉ định:
- Dị ứng hoặc quá mẫn với nhóm Penicilin, nhóm Cephalosporin.
- Trẻ em dưới 2 tháng tuổi.
3. Cách dùng thuốc Tazopelin 4,5g
2.1 Cách dùng
Tiêm tĩnh mạch: Mỗi lọ Tazopelin 4,5g pha với 20 ml nước vô khuẩn để tiêm hoặc dung dich NaCl 0,9%, tiêm tĩnh mạch chậm trong 5 phút.
Truyền tĩnh mạch: Mỗi lọ 4,5g pha với 20 ml nước vô khuẩn để tiêm hoặc dung dịch NaCl 0,9%, sau đó pha loãng thêm nữa thành ít nhất 50 ml với các dung môi tương hợp: NaCl 0,9%, Dextrose 5%, Dextrose 5% và NaCl 0,9%, truyền tĩnh mạch trong 20 - 30 phút.
2.2 Lưu ý khi dùng thuốc Tazopelin 4,5g
Không được pha chung thuốc A 4,5g với thuốc khác trong cùng 1 ống tiêm hoặc cùng chai dịch truyền vì chưa xác định được sự tương thích. Khi dùng đồng thời Piperacilin/ Tazobactam với thuốc khác, phải tiêm các thuốc này ở vị trí hay thời điểm tiêm khác nhau.
Do sự bất ổn định về hóa học, không pha thuốc Tazopelin 4,5g với dung dịch Natri bicarbonat. Không đưa thuốc Tazopelin vào sản phẩm máu hay sản phẩm thủy phân Albumin.
Dung dịch sau khi pha có thể ổn định trong 12 giờ ở nhiệt độ phòng và 24 giờ nếu bảo quản trong tủ lạnh (2 - 8°C).
2.3 Liều dùng:
Liều và tần suất dùng thuốc Tazopelin 4,5 g phụ thuộc vào các mầm bệnh dự kiến, mức độ nghiêm trọng và vị trí của nhiễm trùng.
- Bệnh nhân có chức năng thận bình thường
Người lớn, trẻ em từ 12 tuổi trở lên:
Liều thông thường: dùng 1 lọ Tazopelin 4,5g mỗi 8 giờ, tiêm tĩnh mạch. Trường hợp nhiễm khuẩn nặng, nguy hiểm đến tính mạng nghĩ nguyên nhân do Pseudomonas hoặc Klebsiella gây ra: liều hàng ngày ít nhất 4 lọ thuốc Tazopelin 4,5g, khoảng cách giữa các liều 4 - 6 giờ. Liều tối đa: 6 lọ thuốc Tazopelin.
Bệnh nhân có sốt và giảm bạch cầu đa nhân trung tính, điều trị theo kinh nghiệm bằng kháng sinh phổ rộng nhằm chống Pseudomonas aeruginosa và trực khuẩn Gram âm: tiêm tĩnh mạch 1 lọ Tazopelin 4,5g mỗi 6 giờ một lần, phối hợp với Gentamicin 4 - 5mg/kg/24 giờ, tiêm một lần hoặc chia 2 lần tiêm cách nhau 12 giờ.
Phòng nhiễm khuẩn trong phẫu thuật: dùng 1⁄2 lọ ngay trước khi phẫu thuật, sau đó cách mỗi 6 - 8 giờ dùng 1⁄2 lọ vòng 24 giờ của ca phẫu thuật (dùng ít nhất 2 liều nữa).
Trẻ em từ 2 tháng - 12 tuổi:
Liều thường dùng là 200- 300 mg/kg/24 giờ, chia liều cách nhau 4 - 6 giờ.
Không dùng cho trẻ dưới 2 tháng tuổi.
Người già: liều thuốc Tazopelin tương tự người lớn.
Bệnh nhân suy thận: Điều chỉnh liều thuốc Tazopelin theo mức độ suy thận.
Người lớn, trẻ em trên 50 kg
- Độ thanh thải creatinin 41 - 80 ml/phút: liều 1 lọ/ 8 giờ.
- Độ thanh thải creatinin 21- 40 ml/phút: liều 1 lọ/ 12 giờ.
- Độ thanh thải creatinin < 20 ml/phút: liều 1 lọ/ 24 giờ.
Đối với bệnh nhân thẩm tách: tổng liều hàng ngày tối đa là 2 lọ cách nhau 8giờ. Do thẩm tách loại bỏ khoảng 30- 50 % Piperacilin trong 4 giờ nên cần dùng thêm 1⁄2 lọ sau mỗi lần thẩm tách. Bệnh nhân suy thận, suy gan: đo nồng độ huyết tương sau đó điều chỉnh liều dùng của Tazopelin.
Trẻ dưới 50 kg:
Độ thanh thải creatinin 40- 80ml/phút: Liều 90mg/kg (80mg Piperacilin + 10mg Tazobactam) mỗi 6 giờ một lần.
Độ thanh thải creatinin 20- 40ml/phút: liều 90mg/kg (80mg Piperacilin + 10mg Tazobactam) mỗi 8 giờ một lần.
Độ thanh thải creatinin dưới 20ml/phút: Liều 90mg/kg (80mg Piperacilin + 10 mg Tazobactam) mỗi 12 giờ một lần.
2.4 Quá liều và xử trí:
Triệu chứng quá liều thuốc Tazopelin chủ yếu là nôn, buồn nôn, tiêu chảy, kích thích vận động hoặc co giật.
Xử trí khi quá liều Tazopelin: Ngừng sử dụng thuốc. Nếu xuất hiện co giật có thể dùng các thuốc như Diazepam, Barbiturat. Trường hợp tiêu chảy nặng, kéo dài phải xem xét đến khả năng viêm đại tràng giả mạc. Không được dùng thuốc ức chế nhu động ruột trong trường hợp này.
3. Một số lưu ý khi dùng thuốc Tazopelin 4,5g
Trước khi bắt đầu dùng thuốc Tazopelin, hỏi kỹ tiền sử dị ứng hoặc quá mẫn của bệnh nhân với Penicillin, hoặc các chất beta-lactam nào khác (Monobactam, Cephalosporin, Carbapenem) và chất gây dị ứng khác. Phản ứng quá mẫn nghiêm trọng, sốc phản vệ và đôi khi gây tử vong đã được báo cáo ở bệnh nhân điều trị bằng Penicillin, bao gồm cả Piperacillin/Tazobactam.
Tazopelin có thể gây tác dụng không mong muốn trên da như hội chứng Stevens-Johnson, hoại tử thượng bì nhiễm độc, chứng tăng bạch cầu ưa eosin, hội chứng ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp tính. Trường hợp bệnh nhân bị phát ban da, theo dõi chặt chẽ và ngừng sử dụng Piperacillin/Tazobactam nếu tình trạng nặng hơn.
Viêm đại tràng giả mạc có thể xuất hiện trong hoặc sau khi dùng kháng sinh, gây ra tiêu chảy nặng. Tạm ngưng sử dụng thuốc và có thể điều trị bằng Metronidazol. Điều trị Piperacillin/Tazobactam có khả năng xuất hiện vi khuẩn kháng thuốc và gây bội nhiễm.
Triệu chứng chảy máu có thể xảy ra ở bệnh nhân điều trị kháng sinh nhóm beta-lactam. Phản ứng này có thể liên quan đến các bất thường trong xét nghiệm đông máu, như thời gian đông máu, sự kết tụ tiểu cầu và thời gian prothrombin. Triệu chứng này thường xảy ra ở bệnh nhân suy thận. Nếu biểu hiện chảy máu do kháng sinh xảy ra, cần ngưng sử dụng thuốc và điều trị thích hợp.
Điều trị trong thời gian dài có thể gây giảm bạch cầu, do đó cần định kỳ kiểm tra chức năng hệ tạo máu.
Tương tự khi điều trị với các penicillin khác, biến chứng thần kinh như co giật có thể xảy ra khi dùng liều kháng sinh cao, đặc biệt là ở bệnh nhân suy giảm chức năng thận.
Thuốc Tazopelin 4,5g có chứa Natri, cần chú ý lượng Natri trong những liều điều trị của thuốc đối với người bệnh có tích luỹ Natri và nước, đặc biệt khi dùng liều cao.
Hạ kali máu có thể xảy ra ở bệnh nhân có trữ lượng kali thấp hoặc ở bệnh nhân sử dụng đồng thời với thuốc làm giảm kali máu. Theo dõi định kỳ nồng độ các chất điện giải ở những bệnh nhân này.
Suy thận: Tazopelin 4,5g có khả năng gây độc tính trên thận, nên sử dụng thuốc thận trọng ở bệnh nhân suy thận. Liều dùng và khoảng cách liều nên được điều chỉnh theo mức độ suy thận.
Thận trọng khi sử dụng thuốc ở bệnh nhân bị tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn.
4. Tương tác thuốc
Aminoglycosid: Piperacilin tác dụng hiệp đồng với thuốc nhưng không được tiêm đồng thời hai loại này.
Probenecid: dùng đồng thời Tazopelin với Probenecid làm tăng thời gian bán hủy và tốc độ thanh thải của cả Piperacilin và Tazobactam, nhưng nồng độ đỉnh trong huyết tương của các thành phần không bị ảnh hưởng.
Heparin: khi dùng đồng thời với Heparin liều cao thuốc kháng đông đường uống hay thuốc có ảnh hưởng đến hệ thống đông máu hoặc chức năng tiểu cầu, theo dõi cẩn thận và kiểm tra xét nghiệm đông máu thường xuyên hơn.
Có thể dùng phối hợp Tazopelin với các Penicilin kháng beta- lactamase, nhưng không được dùng phối hợp Tazopelin với Cefoxitin trong điều trị nhiễm khuẩn do Pseudomonas.
Metronidazol: Piperacilin dùng cùng với Metronidazol cần phải tiêm và uống riêng, không trộn thuốc.
Methotrexat: nhóm Penicilin có thể làm giảm bài tiết Methotrexat.
Với những thông tin về thuốc Tazopelin 4, hy vọng sẽ giúp bạn hiểu hơn về cách dùng, bảo quản thuốc để mang đến những hiệu quả tích cực trong việc điều trị bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.