Thuốc Tanacodion được kê đơn sử dụng chủ yếu nhằm đẩy lùi nhanh chóng và hiệu quả các tình trạng như ho có đờm, ho dai dẳng lâu ngày, ho do kích ứng họng hoặc phế quản,... Để sớm khắc phục tình trạng bệnh và bảo vệ đường hô hấp khỏe mạnh, bạn cần dùng thuốc Tanacodion theo đúng phác đồ điều trị mà bác sĩ đã khuyến nghị.
1. Thuốc Tanacodion là thuốc gì?
Tanacodion thuộc nhóm thuốc tác dụng trên đường hô hấp, được dùng chủ yếu cho các trường hợp ho có đờm, ho mãn tính hoặc ho do họng bị kích ứng,... Thuốc Tanacodion được sản xuất bởi Công ty TNHH SX-TM Dược phẩm Thành Nam – Việt Nam dưới dạng viên nén bao đường. Mỗi viên nén Tanacodion có chứa các thành phần dược chất sau:
- Hoạt chất chính: Terpin hydrat hàm lượng 100mg và Dextromethorphan HBr hàm lượng 10g.
- Các tá dược khác: Lactose, tinh bột sắn, Grist stearat, PVP.K30, Gelatin, bột Talc, Gôm arabic, Titan dioxyd, Tricalcium phosphate, màu xanh patente, đường trắng và sáp carnauba.
2. Thuốc Tanacodion công dụng là gì?
2.1. Tác dụng của các hoạt chất chính trong thuốc Tanacodion
Theo nghiên cứu cho thấy, sự kết hợp của 2 hoạt chất Terpin hydrat và Dextromethorphan HBr trong cùng một công thức thuốc Tanacodion giúp mang lại tác dụng đẩy lùi các vấn đề về đường hô hấp hiệu quả, cụ thể:
- Terpin hydrat: Giúp làm lỏng dịch tiết thông qua cơ chế kích thích trực tiếp các tế bào xuất tiết, nhờ đó làm tăng bài tiết chất tiết phế quản và giúp loại bỏ đờm một cách dễ dàng khi bệnh nhân phản xạ ho.
- Dexiromethorpban HBr: Có tác dụng giảm ho hiệu quả do tác động đến trung tâm ho tại hành não. Theo báo cáo cho thấy, Dextromethorphan HBr mang lại hiệu quả cao nhất trong điều trị chứng ho mãn tính không có đờm. Bác sĩ thường phối hợp Dextromethorphan HBr cùng với nhiều chất khác, chẳng hạn như Terpin hydrat nhằm giúp đẩy lùi các triệu chứng đường hô hấp trên. Nhìn chung, hiệu lực chống lại cơn ho của Dextromethorphan HBr gần tương đương với Codein, tuy nhiên nó ít gây tác dụng phụ ở đường tiêu hoá hơn. Khi dùng ở liều điều trị, Dextromethorphan HBr phát huy tác dụng kéo dài từ 5 - 6 giờ. Mặc dù vậy, cần tránh dùng thuốc ở liều cao do dễ dẫn đến tác dụng ức chế thần kinh trung ương.
2.2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Tanacodion
Thuốc Tanacodion thường được bác sĩ kê đơn sử dụng cho các trường hợp dưới đây:
- Điều trị giảm ho, long đờm và đẩy lùi cơn ho mãn tính hoặc ho do phế quản hay họng bị kích thích bởi cảm lạnh thông thường/ hít phải chất gây kích thích.
- Điều trị các trường hợp ho có đờm như viêm thanh khí quản, viêm họng và viêm phế quản.
Tuy nhiên, tránh dùng thuốc Tanacodion cho những đối tượng bệnh nhân sau khi chưa được bác sĩ chấp thuận:
- Người bị dị ứng hoặc có phản ứng quá mẫn với Terpin hydrat, Dextromethorphan HBr hay bất kỳ thành phần tá dược khác trong thuốc.
- Chống chỉ định thuốc Tanacodion cho người đang dùng các thuốc ức chế MAO do có nguy cơ xảy ra những phản ứng nghiêm trọng như chóng mặt, sốt cao, chảy máu não, tăng huyết áp hoặc tử vong.
- Không dùng Tanacodion cho người bị suy hô hấp ở mọi cấp độ, hen suyễn, bệnh tim, tiểu đường, cao huyết áp hoặc bệnh tuyến giáp.
- Chống chỉ định thuốc Tanacodion cho bệnh nhi dưới 30 tháng tuổi, có tiền sử động kinh hoặc co giật do sốt cao.
3. Liều dùng và cách sử dụng thuốc Tanacodion
Thuốc Tanacodion được bào chế dưới dạng viên nén dùng đường uống với liều lượng cụ thể theo khuyến cáo của bác sĩ như sau:
- Liều cho trẻ trên 2 tuổi: Uống từ 1 - 2 viên/ ngày, chia thành 2 - 3 lần/ ngày.
- Liều cho người lớn: Uống 2 viên/ lần, ngày dùng từ 2 - 3 lần.
Bệnh nhân cần uống thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, tránh dùng quá liều hoặc tự ý giảm liều. Nếu trót bỏ lỡ một liều thuốc Tanacodion, bệnh nhân cần nhanh chóng uống bù liều sớm nhất có thể, tuy nhiên cần tránh dùng quá sát liều thuốc tiếp theo hoặc uống gấp đôi liều cùng một lúc.
Đối với trường hợp gặp phải các triệu chứng khi dùng quá liều Tanacodion, người bệnh cần ngừng điều trị và báo ngay cho bác sĩ biết để có biện pháp khắc phục. Một số phản ứng có nguy cơ xảy ra khi dùng quá liều liên quan đến Dextromethorphan, bao gồm mất điều hoà, nhìn mờ, buồn nôn, ói mửa, rung giật nhãn cầu, buồn ngủ, bí tiểu tiện, suy hô hấp, ảo giác, trạng thái tê mê hoặc co giật. Để điều trị những tình trạng này, bác sĩ sẽ tiến hành áp dụng các biện pháp hỗ trợ và cho người bệnh tiêm tĩnh mạch Naloxon 2mg, có thể dùng nhắc lại nếu cần đến tổng liều 10mg.
4. Tác dụng phụ có nguy cơ xảy ra khi dùng thuốc Tanacodion
Thuốc Tanacodion có thể gây ra các tác dụng phụ sau cho người bệnh trong quá trình điều trị, bao gồm:
- Chóng mặt.
- Mệt mỏi.
- Buồn nôn.
- Nhịp tim nhanh.
- Đỏ bừng mặt.
- Co thắt phế quản.
- Dị ứng ngoài da.
- Táo bón.
- Buồn ngủ nhẹ (thỉnh thoảng).
- Rối loạn tiêu hoá.
- Hành vi bất thường do ngộ độc, suy hô hấp hoặc ức chế hệ thần kinh trung ương khi dùng thuốc liều cao.
- Nổi mày đay (ít gặp).
- Ngoại ban (hiếm gặp).
Bệnh nhân cần thông báo ngay cho bác sĩ điều trị nếu có bất kỳ triệu chứng nào ở trên xảy ra trong quá trình dùng thuốc Tanacodion. Một số tác dụng phụ hiếm gặp khác cũng có nguy cơ xuất hiện ngoài tầm kiểm soát và để lại di chứng nếu điều trị chậm trễ.
5. Những lưu ý quan trọng mà bạn nên biết khi dùng thuốc Tanacodion
Nhằm đảm bảo hạn chế tối đa nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ ngoại ý và sớm có hiệu quả khi điều trị các vấn đề về đường hô hấp bằng thuốc Tanacodion, bệnh nhân cần lưu ý một số khuyến cáo quan trọng sau:
- Tuyệt đối không uống rượu hay các thức uống giải khát chứa cồn trong quá trình sử dụng thuốc Tanacodion.
- Cần thận trọng khi dùng Tanacodion cho người bị ho có quá nhiều đờm hoặc cơn ho mãn tính ở những bệnh nhân hút thuốc lá, tràn khí hay hen.
- Thận trọng khi điều trị bằng thuốc Tanacodion cho người có nguy cơ hoặc đang mắc phải tình trạng suy giảm hô hấp.
- Dùng thuốc Tanacodion dài ngày hoặc liều cao có thể khiến bệnh nhân dễ bị lệ thuộc vào thuốc.
- Trong thuốc chứa thành phần Dextromethorphan có khả năng giải phóng histamin, vì vậy cần thận trọng khi sử dụng thuốc cho trẻ em có cơ địa bị dị ứng.
- Không tự ý sử dụng thuốc Tanacodion cho phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con bú khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Thuốc Tanacodion có nguy cơ gây buồn ngủ và làm ảnh hưởng đến khả năng vận hành máy móc hay lái tàu xe của người bệnh.
- Cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc được ghi trên bao bì sản phẩm, đồng thời kiểm tra kỹ hạn dùng nhằm tránh uống phải thuốc đã quá hạn.
- Kiểm tra xem liệu viên thuốc có các dấu hiệu bất thường như mốc, chuyển màu, biến dạng hay chảy nước không. Nếu có bất kỳ đặc điểm nào như trên, bệnh nhân cần loại bỏ thuốc ngay.
- Bảo quản thuốc Tanacodion tại nơi khô ráo, tránh khu vực có độ ẩm cao hoặc dễ tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
6. Thuốc Tanacodion tương tác với các loại thuốc nào?
Cần thận trọng hoặc không nên dùng thuốc Tanacodion đồng thời với các loại thuốc khác sau:
- Chất ức chế MAO dùng chung với Tanacodion dễ gây ra các phản ứng nguy hiểm như chảy máu não, sốt cao, tăng huyết áp hoặc thậm chí tử vong.
- Thuốc ức chế thần kinh trung ương có thể làm tăng tác dụng của Tanacodion khi dùng đồng thời với nhau.
- Thuốc Quinin dùng chung với Tanacodion có thể làm tăng nồng độ hoạt chất Dextromethorphan trong huyết thanh cũng như các tác dụng phụ ngoại ý của chúng.
- Xảy ra phản ứng tương kỵ giữa Dextromethorphan với các thuốc khác như Natri phenobarbital, Penicillin, Salicylic hoặc Tetracycline.
Nhằm tránh nguy cơ tương tác giữa Tanacodion với các loại thuốc khác, người bệnh cần báo cho bác sĩ biết các loại thuốc đang sử dụng hiện tại. Bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên dùng thuốc phù hợp nhất cho tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.