Tanacelest là thuốc gì? Thuốc Tanacelest thường được dùng cho các trường hợp dị ứng nặng như dị ứng phấn hoa hay bụi nghiêm trọng, viêm mũi dị ứng mạn tính, hen phế quản nặng, viêm da dị ứng, viêm da tiếp xúc, viêm kết mạc dị ứng, mề đay cấp tính...
1. Thành phần của thuốc Tanacelest
Thuốc Tanacelest có 2 thành phần chính là 0,25mg Betamethason và 2mg Dexclorpheniramin Maleat. Trong đó:
- Betamethason là một corticosteroid tổng hợp có tác dụng giảm đau, chống viêm mạnh (gấp 7 lần Prednisolon). Khi dùng với liều cao có tác dụng ức chế miễn dịch;
- Dexclorpheniramin là đồng phân dạng D của Clorpheniramin, có tác dụng kháng histamin mạnh gấp đôi Clorpheniramin; chống dị ứng nhờ phong bế cạnh tranh các thụ thể histamin H1 của tế bào.
Thuốc Tanacelest có tác dụng chống viêm rất mạnh, nên mang lại hiệu quả điều trị cao.
2. Hướng dẫn cách dùng thuốc Tanacelest
Thuốc Tanacelest dùng qua đường uống, liều dùng tham khảo:
- Người lớn và trẻ >12 tuổi: Uống 1 viên/lần, ngày 3-4 lần;
- Trẻ từ 6-12 tuổi: Uống 1 viên/lần (vào buổi sáng và tối).
*Lưu ý:
- Không dùng thuốc Tanacelest cho trẻ em dưới 6 tuổi do dạng bào chế không phù hợp;
- Khuyến nghị nên dùng liều thấp nhất có hiệu quả, có thể giảm xuống 2 ngày/1 viên;
- Không điều trị mề đay cấp tính quá 10 ngày. Ngừng dùng thuốc không cần phải giảm liều.
3. Tác dụng phụ của thuốc Tanacelest
3.1. Các tác dụng phụ do Betamethason
Các tác dụng phụ thường gặp:
- Mất Kali, giữ Natri và giữ nước, tăng chứng thèm ăn;
- Kinh nguyệt không đều;
- Hội chứng Cushing;
- Ức chế sự phát triển của thai nhi và của trẻ nhỏ;
- Giảm dung nạp Glucose, nguy cơ đái tháo đường tiềm ẩn. Tăng sử dụng Insulin hoặc thuốc hạ glucose máu ở người bị tiểu đường;
- Yếu cơ, mất cơ, loãng xương, teo da, áp-xe vô khuẩn.
Các tác dụng phụ ít gặp:
- Sảng khoái, tâm trạng thay đổi, trầm cảm nặng, mất ngủ;
- Glocom, đục thủy tinh thể;
- Chướng bụng, loét dạ dày, thậm chí thủng hoặc xuất huyết dạ dày;
- Viêm tụy, viêm loét thực quản.
Các tác dụng phụ hiếm gặp:
- Phù mạch, mề đay, viêm da dị ứng;
- Tăng áp lực nội sọ lành tính;
- Các phản ứng phản vệ hoặc quá mẫn, hạ huyết áp hoặc triệu chứng tương tự sốc.
3.2. Các tác dụng phụ do Dexclorpheniramin Maleat
Các tác dụng phụ thường gặp:
- Ức chế hệ thần kinh trung ương gây ra các phản ứng như: mệt mỏi, buồn ngủ, chóng mặt, mất phối hợp động tác;
- Nhìn mờ, nhức đầu, rối loạn tâm thần - vận động;
- Khô miệng, đờm đặc;
- Bí tiểu tiện, táo bón, tăng trào ngược dạ dày.
Các tác dụng phụ ít gặp:
- Buồn nôn và nôn, tiêu chảy, đau vùng thượng vị;
- Loạn nhịp tim, đánh trống ngực;
- Phát ban, có các phản ứng mẫn cảm như: co thắt phế quản, phù mạch và phản vệ.
Các tác dụng phụ hiếm gặp:
- Mất bạch cầu hạt, giảm tiểu cầu, bạch cầu;
- Thiếu máu tán huyết;
- Đổ mồ hôi, đau cơ, co giật, tác dụng ngoại tháp.
- Trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, lú lẫn, ù tai, hạ huyết áp, rụng tóc.
Nếu trong quá trình sử dụng thuốc Tanacelest thấy xuất hiện bất cứ tác dụng ngoại ý nào cần đưa người bệnh đến ngay trung tâm y tế để được xử lý kịp thời.
4. Lưu ý khi dùng thuốc Tanacelest
Không dùng thuốc Tanacelest cho các trường hợp:
- Quá mẫn với hoạt chất Betamethason, Dexclorpheniramin hay bất kỳ thành phần nào trong công thức;
- Người bị tiểu đường, tâm thần,
- Bệnh nhân loét dạ dày tá tràng, loét dạ dày chít, tắc môn vị - tá tràng;
- Nhiễm khuẩn, nhiễm virus, nấm toàn thân;
- Có cơn hen cấp tính;
- Có triệu chứng phì đại tiền liệt tuyến;
- Glocom góc hẹp;
- Tắc cổ bàng quang;
- Trẻ sơ sinh và trẻ sinh non;
- Phụ nữ 3 tháng cuối thai kỳ hoặc đang cho con bú;
- Người đang dùng thuốc ức chế MAO trong vòng 14 ngày, tính đến thời điểm điều trị bằng thuốc.
Các lưu ý đặc biệt khác:
- Phải rất thận trọng khi dùng thuốc cho các đối tượng: suy tim sung huyết, mới mắc nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, tiểu đường, động kinh, thiểu năng tuyến giáp, suy thận, suy gan, loãng xương, loét dạ dày, loạn tâm thần,...
- Không dùng cho bệnh nhân bị lao tiến triển hoặc nghi tiềm ẩn lao, trừ trường hợp hiếm trong trường hợp điều trị bổ trợ với thuốc chống lao;
- Không dùng phối hợp với các vắc-xin sống ít nhất sau 3 tháng dùng thuốc.
5. Tương tác thuốc Tanacelest
Do có thành phần Betamethasone, cần thận trọng khi phối hợp thuốc Tanacelest với:
- Paracetamol: Do có thể làm tăng tạo chất chuyển hóa của Paracetamol gây độc cho gan;
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng: Có nguy cơ làm tăng các rối loạn tâm thần;
- Thuốc chống đái tháo đường dạng uống hoặc Insulin: Do Glucocorticoid có thể làm tăng nồng độ Glucose mánên có thể phải điều chỉnh liều của một hoặc cả hai loại thuốc;
- Phenobarbital, Rifampicin, Phenytoin hoặc Ephedrine: Có thể làm tăng chuyển hóa và làm giảm tác dụng điều trị của thuốc;
- Glycosid digitalis: Có nguy cơ tăng khả năng loạn nhịp tim hoặc độc tính của Digitalis kèm với hạ Kali máu;
- Thuốc chống viêm Non-steroid hoặc rượu: Tăng nguy cơ hoặc làm trầm trọng thêm bệnh loét đường tiêu hóa;
- Thuốc chống đông có nguồn gốc Coumarin: Có thể làm thay đổi tác dụng của thuốc này;
- Salicylat: Do làm tăng nồng độ của chất này trong máu;
- Aspirin: trong trường hợp prothrombin máu giảm.
Do có thành phần Dexclorpheniramin Maleat, cần thận trọng khi phối hợp thuốc Tanacelest với:
- Các thuốc ức chế MAOs: Làm kéo dài và tăng tác dụng chống tiết Acetylcholin của thuốc kháng histamin;
- Rượu hoặc các loại thuốc an thần: Có thể làm tăng tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương.
Để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong quá trình điều trị bằng thuốc Tanacelest, hãy báo với bác sĩ về tất cả các loại thuốc, thực phẩm chức năng bạn đang dùng và các bệnh lý khác đang mắc phải.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.