Công dụng thuốc Symbicort rapihaler

Symbicort rapihaler là thuốc điều trị kiểm soát, dự phòng trong bệnh lý hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được chỉ định khá phổ biến. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng và tránh được các tác dụng phụ, người bệnh cần dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.

1. Symbicort rapihaler là thuốc gì?

Symbicort rapihaler là thuốc gì? Symbicort rapihaler thành phần chứa formoterol và budesonide, các chất này có phương thức tác động khác nhau nhưng có tác dụng cộng hợp làm giảm các đợt kịch phát hen (suyễn).

  • Thành phần Budesonide: Budesonide là một glucocorticosteroid khi dùng đường hít sẽ có tác dụng kháng viêm, làm giảm các triệu chứng và giảm tần suất các đợt kịch phát hen suyễn. Budesonide đường hít có ít tác dụng phụ nặng hơn so với khi dùng corticosteroid toàn thân.
  • Thành phần Formoterol: Formoterol là chất chủ vận bêta-2 chọn lọc, khi dùng đường hít sẽ gây giãn cơ trơn phế quản nhanh và kéo dài ở bệnh nhân tắc nghẽn đường hô hấp có thể hồi phục. Tác động giãn phế quản phụ thuộc vào liều với thời gian khởi phát trong vòng 1 - 3 phút.

Symbicort rapihaler được hấp thu nhanh chóng và nồng độ tối đa trong huyết tương đạt được trong vòng 10 phút sau khi hít.

Phần lớn thuốc được chuyển hóa qua gan sau đó bài tiết ra thận. Sau khi hít, 8 - 13% liều phóng thích của Symbicort rapihaler được bài tiết dưới dạng không chuyển hóa vào nước tiểu.

2. Chỉ định của thuốc Symbicort rapihaler

Thuốc Symbicort rapihaler được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Hen suyễn: Symbicort rapihaler điều trị dự phòng bệnh hen (suyễn), kết hợp corticosteroid dạng hít và chất chủ vận bêta-2. Hỗ trợ cho bệnh nhân không được kiểm soát tốt với thuốc corticosteroid dạng hít và các chất chủ vận bêta-2 dạng hít tác dụng ngắn. Bệnh nhân đã được kiểm soát tốt bằng corticosteroid dạng hít và chất chủ vận bêta-2 (thuốc giúp kéo dài tác dụng).
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD): Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính với các triệu chứng nặng. Người bệnh tiền sử nhiều lần có cơn kịch phát, khó thở, mệt mỏi nhiều. Mặc dù được điều trị thường xuyên bằng các thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài.

3. Chống chỉ định của thuốc Symbicort rapihaler

Không sử dụng Symbicort rapihaler trong các trường hợp sau:

  • Người bệnh dị ứng với budesonide, formoterol hay bất cứ thành phần nào có trong thuốc.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Symbicort rapihaler

Trong quá trình sử dụng thuốc Symbicort rapihaler, người bệnh cần lưu ý đến một số vấn đề sau đây:

  • Người bệnh nên giảm liều thuốc từ từ, không nên ngưng thuốc đột ngột sau quá trình điều trị lâu dài.
  • Người bệnh có thể xảy ra tình trạng bệnh xấu đi đột ngột hay liên tục trong kiểm soát hen, COPD. Vì vậy, người bệnh cần sử dụng thận trọng dưới chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Người bệnh cần sử dụng Symbicort rapihaler đúng liều, thường xuyên. Không nên sử dụng thuốc như liệu pháp ban đầu để điều trị một đợt hen kịch phát nặng.
  • Thuốc có thể gây co thắt phế quản nghịch thường với triệu chứng khò khè tăng lên đột ngột sau khi hít. (Nên dừng ngay lập tức và thông báo cho nhân viên y tế).
  • Nên thận trọng khi bắt đầu điều trị bằng Symbicort rapihaler, không nên sử dụng thuốc để khởi đầu điều trị bằng steroid.
  • Không sử dụng thuốc nếu nghi ngờ suy giảm chức năng tuyến thượng thận.
  • Các tác động toàn thân của corticoid có thể xảy ra khi dùng Symbicort rapihaler dạng hít.
  • Có thể xảy ra tình trạng phụ thuộc steroid nếu sử dụng Symbicort rapihaler dạng hít thường xuyên.
  • Symbicort Rapihaler chỉ được sử dụng trong ba tháng đầu của thai kỳ và thời gian ngắn trước khi sinh. Tuy nhiên nên cân nhắc kỹ lưỡng khi quyết định sử dụng thuốc.

Symbicort Rapihaler được bài tiết qua sữa mẹ. Tuy nhiên, do liều dùng qua đường hít tương đối thấp nên lượng tiết qua sữa mẹ không đáng kể, có thể cân nhắc sử dụng trong thời kỳ cho con bú nếu cần thiết.

5. Liều dùng và cách dùng của Symbicort Rapihaler

Cách dùng

  • Cần lắc kỹ bình xịt trước khi sử dụng.
  • Xịt trước 2 lần vào trong không khí (nếu bình mới sử dụng hoặc bình để lâu chưa sử dụng) trước khi xịt vào mũi.
  • Cho đầu ngậm vào trong miệng, ngậm kín đầu ngậm. Vừa ấn bình xịt vừa hít vào thật chậm và hít sâu, nín thở trong khoảng 10 giây. Người bệnh nghỉ khoảng 30 giây sau đó lắc lại bình xịt rồi xịt thêm lần thứ hai tương tự.
  • Súc miệng sạch với nước sau khi sử dụng liều duy trì để giảm thiểu nguy cơ nhiễm nấm hầu - họng.
  • Vệ sinh đầu ngậm của bình xịt thường xuyên với vải sạch khô. Không đặt bình xịt vào trong nước.

Cần lưu ý: Sử dụng buồng đệm cho các bệnh nhân gặp khó khăn trong việc kết hợp hít với xịt, trẻ em hay người lớn tuổi để mang lại hiệu quả điều trị tốt hơn bằng cách:

  • Chuẩn bị buồng đệm.
  • Sau mỗi nhát xịt, thuốc được giải phóng vào buồng hít. Cho trẻ ngậm hết đầu ngậm của bình, hướng dẫn trẻ thở 5 đến 10 lần qua đầu ngậm.
  • Với trẻ nhỏ không thể thở qua đầu ngậm, nên sử dụng mặt nạ. Chuẩn bị cỡ mặt nạ phù hợp với từng lứa tuổi.

Liều dùng ở bệnh nhân hen (suyễn)

  • Người lớn và trẻ em lớn hơn 12 tuổi: 2 nhát xịt x 2 lần/ngày.
  • Liều duy trì tối đa là 4 nhát xịt/ ngày.
  • Bệnh nhân lớn tuổi không cần chỉnh liều.
  • Không khuyến cáo dùng cho bệnh nhân nhỏ hơn 12 tuổi.

Liều dùng ở bệnh nhân hen (suyễn)

  • Người lớn: 2 nhát xịt/ lần x 2 lần/ngày.

6. Tương tác thuốc

Một số tương tác của Symbicort Rapihaler với các nhóm thuốc khác có thể gặp như sau:

  • Các thuốc chẹn thụ thể beta có thể ức chế một phần hoặc hoàn toàn tác dụng của thuốc
  • Các thuốc cường giao cảm khác như: chất kích thích β-adrenergic hoặc amin cường giao cảm (ephedrin) dùng chung với Symbicort Rapihaler sẽ có tác dụng cộng dồn.
  • Các dẫn xuất xanthin, mineral corticosteroid và các thuốc lợi tiểu: sẽ gây giảm kali máu nếu dùng chung.
  • Các chất ức chế monoamine oxide, các thuốc chống trầm cảm ba vòng, quinidine, disopyramid, procainamid, phenothiazin và kháng histamin khi phối hợp với Symbicort Rapihaler sẽ làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp.
  • Bệnh nhân đang gây mê với hydrocarbon halogen hóa sẽ làm tăng nguy cơ loạn nhịp tim nếu đang dùng Symbicort Rapihaler.
  • Dùng Symbicort Rapihaler cùng lúc với các thuốc cường giao cảm beta khác hoặc các thuốc kháng cholinergic sẽ làm tăng mạnh tác dụng giãn phế quản.

7. Tác dụng phụ của thuốc Symbicort Rapihaler

Trong quá trình sử dụng thuốc Symbicort Rapihaler, người bệnh có thể gặp phải các tác dụng phụ với tần suất như sau:

Thường gặp

  • Đánh trống ngực.
  • Nhiễm nấm Candida ở hầu họng.
  • Viêm phổi ở bệnh nhân đang điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, gây kích ứng nhẹ tại họng, ho, khan tiếng.
  • Đau đầu, run rẩy.

Ít gặp

  • Nhịp tim nhanh.
  • Cảm giác buồn nôn, tiêu chảy.
  • Tăng cân nhẹ.
  • Chuột rút (vọp bẻ).
  • Kích động, bồn chồn, nóng này.
  • Nhìn mờ.

Hiếm gặp

  • Phản ứng phản vệ, phù mạch, nổi mề đay.
  • Rung nhĩ, ngoại tâm thu, cơn đau thắt ngực
  • Ức chế tuyến thượng thận, giảm mật độ chất khoáng trong xương.
  • Co thắt phế quản.
  • Hạ kali máu, tăng đường huyết
  • Suy nhược cơ thể.
  • Tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể.

Tóm lại, Symbicort Rapihaler là thuốc dùng để dự phòng, kiểm soát, giảm tần suất cơn hen suyễn hoặc giảm cơn cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Người bệnh cần sử dụng thuốc đều đặn, đúng liều để đạt được hiệu quả điều trị cao nhất.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe