Sulcilat là thuốc thuộc nhóm thuốc kháng sinh, dùng trong điều trị nhiễm trùng do ở đường hô hấp trên, dưới, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, da, mô mềm. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp đầy đủ thông tin về thuốc Sulcilat, liều dùng và cách sử dụng thuốc, bảo quản thuốc đúng cách.
1. Thuốc Sulcilat là gì?
Sulcilat thuộc nhóm thuốc kháng sinh dùng cho đường hô hấp trên, dưới, tiết niệu và ngoài da. Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén với thành phần kháng sinh sử dụng là Sultamicillin dưới dạng Sultamicillin tosylat dihydrat hàm lượng 750 mg trong 1 viên.
2. Công dụng thuốc Sulcilat
Như đã đề cập ở phần trên, Sulcilat thuộc nhóm thuốc kháng sinh điều trị bệnh nhiễm khuẩn ở đường hô hấp trên và dưới, đường tiết niệu, thận, nhiễm khuẩn da và xương khớp. Thành phần chính Sultamicillin là một kháng sinh thuộc nhóm penicilin phối hợp (ampicillin và sulbactam.
Phổ kháng khuẩn của Sulcilat như sau
- Khuẩn gram dương: Staphylococcus aureus, Streptococcus pneumoniae, Streptococcus pyogenes, Streptococcus viridans, Staphylococcus epidermidis, Staphylococcus faecalis.
- Khuẩn gram âm: Haemophilus influenzae, Klebsiella sp, Moraxella catarrhalis, Proteus vulgaris, Providencia rettgeri và Neisseria gonorrhoeae, Moraxella catarrhalis, Proteus mirabilis
- Khuẩn kỵ khí: Chủng Clostridium, chủng Peptococcus và Bacteroides.
Người bệnh dùng Sultamicillin sau bữa ăn không làm ảnh hưởng đến sinh khả dụng toàn thân. Nồng độ trong huyết tương đạt đỉnh cao gấp đôi so với ampicilin cũng dùng đường uống. Sulcilat khuếch tán dễ dàng vào hầu hết các mô và dịch trong cơ thể, tuy nhiên ít thâm nhập vào não và dịch tủy não, trừ trường hợp viêm màng não. Sulcilat được trải trừ hoàn toàn và nguyên vẹn qua đường nước tiểu
3. Chỉ định dùng thuốc Sulcilat
Với phổ kháng khuẩn rộng, thuốc Sulcilat dùng điều trị trong các trường hợp bệnh lý dưới đây:
- Người bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp trên (viêm họng, viêm xoang, cảm lạnh, viêm thanh quản)
- Người bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới (viêm phế quản mãn tính, viêm phổi)
- Nhiễm khuẩn đường tiểu (viêm thận bể thận cấp, viêm thận bể thận mạn, viêm bàng quang, viêm niệu đạo, viêm tiền luyệt tuyến.
- Người bệnh bị nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não
- Nhiễm khuẩn và cấu trúc da mô mềm, xương khớp
- Nhiễm khuẩn ổ bụng do vi khuẩn tiết beta-lactamase
- Nhiễm khuẩn phụ khoa
- Người bị lậu.
4. Chống chỉ định dùng thuốc Sulcilat
Theo nhà sản xuất thì thuốc Sulcilat chỉ chống chỉ định với người dị ứng với dẫn xuất của penicilin.
5. Liều dùng & Cách dùng thuốc Sulcilat
Thuốc Sulcilat dùng theo đường uống, người bệnh uống thuốc với ly đầy nước sôi để nguội.
- Liều dùng cho người lớn và trẻ em có thể trạng trên 30kg: Mỗi lần từ 375-750mg, ngày uống 2 lần. Sau khi thân nhiệt trở lại ổn định hoặc bớt các dấu hiệu nhiễm khuẩn, cần duy trì thêm liều dùng Sulcilat trong 48 tiếng đồng hồ. Trung bình, liều dùng Sulcilat trong điều trị nhiễm khuẩn có thể dao động từ 5-14 ngày hoặc kéo dài hơn khi có chỉ định.
- Nhiễm liên cầu khuẩn tán huyết, điều trị ít nhất 10 ngày.
- Ở những bệnh nhân suy giảm chức năng thận và có độ thanh thải creatinin <= 30ml/phút, liều dùng kéo dài hơn so với dùng ampicilin.
6. Tác dụng phụ của thuốc Sulcilat
Một số tác dụng phụ khi sử dụng Sulcilat
- Phản ứng phản vệ: phát ban da, sần, nổi mày đay, ngứa da, viêm da tróc vẩy hoặc sốc phản vệ.
- Hệ tiêu hóa: Tiêu chảy, phân lỏng, buồn nôn, đau bụng, co thắt, đau nhói vùng thượng vị.
- Hệ thần kinh: thuốc có thể gây buồn ngủ, mệt mỏi, khó thở, nhức đầu.
- Hệ tuần hoàn: thiếu máu, giảm tiểu cầu, tăng bạch cầu ưa eosin.
- Sulcilat có thể gây tăng aminotransferase huyết thanh hoặc bilirubin huyết thanh.
- Sulcilat có thể gây viêm thận kẽ
- Gây nhiễm khuẩn thứ phát: nhiễm tụ cầu vàng kháng penicillin, nhiễm trực khuẩn gram âm hoặc nấm Candida albicans sau khi dùng liều kéo dài hoặc liều cao hơn bình thường.
7. Lưu ý khi sử dụng thuốc Sulcilat & bảo quản thuốc
Với bệnh nhân là phụ nữ mang thai: cân nhắc dùng Sulcilat nếu thực sự cần thiết
Với bệnh nhân là phụ nữ đang cho con bú, Sulcilat có tiết ra theo đường sữa mẹ nên không dùng thuốc ở đối tượng này.
Khi gặp phải phản ứng phản vệ, cần xử trí ngay với Adrenalin, tiêm tĩnh mạch corticoid và thở oxy. Cần phải đảm bảo đường thở và sẵn sàng luồn ống thở nội khí quản nếu cần.
Khi gặp trường hợp bội nhiễm do tăng sinh vi khuẩn đề kháng với thuốc Sulcilat, cần tiến hành dừng thuốc Sulcilat và bắt đầu điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Ở những bệnh nhân điều trị lâu dài, cần thực hiện các xét nghiệm để đánh giá chức năng gan và thận, chức năng tạo máu của bệnh nhân.
Tránh sử dụng thuốc Sulcilat trong bệnh lý nhiễm virus.
Thuốc Sulcilat với thành phần Sultamicillin tosylat dihydrat có tác dụng điều trị một số bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiết niệu và da. Thuốc được dùng theo đường uống và theo chỉ định của bác sĩ.
Bảo quản thuốc Sulcilat ở nơi không có ánh sáng, thoáng mát để thuốc không bị ảnh hưởng sinh khả dụng.