Spasmapyline là thuốc điều trị bệnh đường tiêu hoá, thành phần chính Alverin citrat hàm lượng 40mg, dạng bào chế viên nén, được đóng gói hộp 20 vỉ, mỗi vỉ có 15 viên hoặc đóng hộp 1 chai chứa 100 viên. Thuốc có tác dụng giảm đau do co thắt cơ trơn đường tiêu hóa, đường tiết niệu.
1. Thuốc Spasmapyline có tác dụng gì?
Spasmapyline công dụng trong điều trị các chứng đau do nguyên nhân co thắt cơ trơn đường tiêu hoá, tiết niệu nhờ hoạt chất chính có trong thuốc là Alverin citrat.
Alverin citrat là thuốc chống co thắt cơ trơn loại Papaverine, tác dụng đến cơ trơn đường tiết niệu, tiêu hoá, không ảnh hưởng đến cơ trơn mạch máu, khí phế quản hay tim.
Spasmapyline không có tác dụng kiểu atropin, thuốc có thể sử dụng trong những trường hợp tăng nhãn áp, phì đại tuyến tiền liệt.
Sau khi uống, Alverin hấp thu ở đường tiêu hóa và nhanh chóng được chuyển hóa thành các chất có hoạt tính dược lý, nồng độ thuốc cao nhất trong huyết thanh sau khi uống từ 1- 1.5 giờ. Khi chuyển hóa tiếp thành các chất không còn hoạt tính, thuốc được đào thải qua nước tiểu ra ngoài nhờ sự bài tiết của thận.
2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Spasmapyline
2.1. Chỉ định thuốc Spasmapyline
Thuốc Spasmapyline chỉ định trong: Chống co thắt cơ trơn ở đường tiêu hóa, đường tiết niệu hay cơn đau do co thắt gây ra.
2.2. Chống chỉ định thuốc Spasmapyline
Thuốc Spasmapyline không dùng trong các trường hợp sau:
- Người bệnh dị ứng, quá mẫn với Alverin hay các tá phụ dược.
- Người bệnh có triệu chứng đau nhưng chưa rõ nguyên nhân.
- Người bệnh có dấu hiệu tắc ruột hay liệt ruột, người có huyết áp thấp.
- Người đang cho con bú, trẻ em không dùng thuốc Spasmapyline.
3. Liều dùng và cách sử dụng thuốc Spasmapyline
Cách dùng:
- Thuốc Spasmapyline được dùng theo đường uống.
- Người bệnh uống viên nén cùng với một cốc nước, có thể trước hay sau bữa ăn chính.
Liều dùng:
- Liều trung bình cho người trưởng thành: Uống ngày 1 đến 3 lần, mỗi lần từ 40mg - 80mg.
Người bệnh cần tuân thủ liều dùng theo chỉ dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
4. Những tác dụng không mong muốn của thuốc Spasmapyline
Những tác dụng không mong muốn trong khi dùng thuốc Spasmapyline bao gồm:
- Nổi mề đay, phù thanh quản;
- Dị ứng gây sốc;
- Tình trạng hạ huyết áp, đau nhức đầu, chóng mặt...
Do đó, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ những tác dụng phụ gặp phải khi đang sử dụng thuốc Spasmapyline.
5. Những lưu ý khi sử dụng thuốc Spasmapyline
Trước khi sử dụng thuốc Spasmapyline, người bệnh cần đọc kỹ tờ hướng dẫn sử dụng và tham khảo các thông tin sau:
- Thuốc Spasmapyline có thể làm thay đổi khả năng hoạt động, tương tác tác dụng với các thuốc khác mà người bệnh đang sử dụng. Do đó, người bệnh cần liệt kê danh sách các thuốc đang dùng cho bác sĩ hoặc dược sĩ. Để đảm bảo an toàn, bạn không nên tự ý dùng thuốc, ngừng sử dụng hoặc thay đổi liều dùng mà chưa có sự cho phép của bác sĩ.
- Rượu bia, thuốc lá, thức ăn có thể gây ra tình trạng tương tác với một số loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc khi dùng cùng thức ăn, rượu hoặc thuốc lá.
- Trong trường hợp người bệnh quên liều thuốc Spasmapyline, cần sử dụng thuốc càng sớm càng tốt. Cần bỏ qua liều nếu thời gian sử dụng thuốc Spasmapyline gần với liều kế tiếp, tuyệt đối không nên dùng thuốc gấp đôi liều đã quy định.
- Nếu quá liều: Có thể gây ra tình trạng nhiễm độc, hạ huyết áp. Xử trí quá liều thuốc Spasmapyline tương tự như khi ngộ độc thuốc Atropin và hỗ trợ giúp tăng huyết áp. Gọi ngay cho trung tâm cấp cứu 115 hoặc người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để có biện pháp xử trí kịp thời theo đúng phác đồ.
- Trường hợp người bệnh cần sự tỉnh táo, tập trung trong lái tàu xe, vận hành thiết bị, cần cân nhắc khi dùng Spasmapyline vì thuốc có thể gây hạ huyết áp, chóng mặt.
Trên đây là thông tin về thuốc Spasmapyline. Thuốc được dùng để giảm triệu chứng đau nguyên nhân do co thắt cơ trơn đường tiêu hoá, tiết niệu. Lưu ý, đây là thuốc kê đơn, bạn chỉ được dùng theo chỉ định cụ thể từ bác sĩ. Nếu còn bất kỳ câu hỏi thắc mắc nào về thuốc Spasmapyline, bạn nên gặp trực tiếp các nhân viên y tế để trao đổi và được tư vấn.