Thuốc Sindazol được bào chế dưới dạng dung dịch truyền, có thành phần chính là Tinidazol. Thuốc được sử dụng trong điều trị ngăn ngừa nhiễm khuẩn hậu phẫu thuật. Để hiểu rõ hơn về loại thuốc này, hãy tham khảo thông tin trong bài viết sau đây.
1. Công dụng của thuốc Sindazol
Thuốc Sindazol được bào chế dưới dạng dung dịch truyền. Mỗi 100ml có chứa Tinidazol 500mg và các tá dược. Tinidazol là dẫn xuất nhóm imidazol, có công dụng kháng đơn bào và vi khuẩn kỵ khí (thông qua cơ chế thấm vào tế bào vi sinh vật, hủy hoại chuỗi ADN, ức chế toàn bộ quá trình tổng hợp chuỗi ADN).
Chỉ định sử dụng thuốc Sindazol: Ngăn ngừa tình trạng nhiễm khuẩn kỵ khí trong và hậu phẫu thuật, đặc biệt là phẫu thuật ở hệ thống tiêu hóa (điển hình là đại tràng) và các phẫu thuật ngoại khoa. Thuốc điều trị đặc hiệu nhiễm khuẩn trong các trường hợp sau:
- Nhiễm khuẩn máu, nhiễm khuẩn trong hệ thống phúc mạc, nhiễm khuẩn da và cấu trúc xung quanh da, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên và dưới (viêm màng phổi, viêm đường hô hấp, viêm xoang), viêm đường sinh dục (viêm âm đạo),...;
- Viêm loét lợi, viêm loét ở răng miệng;
- Các bệnh khác: Amip ruột, giardia, amip gan.
Chống chỉ định sử dụng Sindazol thuốc:
- Người bị quá mẫn cảm với thành phần/tá dược của thuốc;
- Bệnh nhân bị rối loạn thần kinh;
- Phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu của thai kỳ, phụ nữ đang cho con bú;
- Người có tiền sử loạn thể tạng máu.
2. Cách dùng và liều dùng thuốc Sindazol
Cách dùng: Dùng đường truyền tĩnh mạch, thực hiện bởi các nhân viên y tế có kinh nghiệm.
Liều dùng: Nên sử dụng liên tục trong 1 tuần trước hoặc sau phẫu thuật với liều sau:
- Người lớn: Truyền tĩnh mạch 100ml với tốc độ 5ml/phút. Các lần truyền nên cách nhau 8 giờ;
- Trẻ em từ 5 - 12 tuổi: Dùng với liều 1⁄2 của người lớn.
Quên liều: Nếu quên liều, người bệnh nên báo cho nhân viên y tế để được bổ sung đủ liều.
Quá liều: Hiện chưa có báo cáo về các trường hợp dùng thuốc Sindazol quá liều. Trong trường hợp quá liều, nên sử dụng các biện pháp điều trị hỗ trợ như rửa dạ dày. Thành phần Tinidazol trong thuốc dễ dàng được đào thải qua thẩm tách. Khi quá liều, người bệnh nên đến bệnh viện gần nhất để được theo dõi, điều trị kịp thời.
3. Tác dụng phụ của thuốc Sindazol
Một số tác dụng phụ người bệnh có thể gặp phải khi sử dụng thuốc Sindazol gồm:
- Thường gặp: Viêm tĩnh mạch huyết khối, ăn không ngon, buồn nôn, đau bụng, đau tại vị trí tiêm;
- Ít gặp: Chóng mặt, nhức đầu, nôn ói, tiêu chảy;
- Hiếm gặp: Giảm bạch cầu có hồi phục, sốt, dị ứng, viêm miệng, đau khớp, phát ban, ngoại ban, ngứa da, nước tiểu có màu sẫm, bệnh lý thần kinh ngoại biên.
Khi gặp các tác dụng phụ của thuốc Sindazol, người bệnh nên báo ngay cho bác sĩ để có biện pháp can thiệp kịp thời.
4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Sindazol
Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi sử dụng thuốc Sindazol:
- Ngưng dùng thuốc Sindazol trong trường hợp người bệnh bị chóng mặt, mất điều vận, ý thức u ám;
- Người mắc bệnh thần kinh trung ương và thần kinh ngoại biên nghiêm trọng nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc.
- Phụ nữ mang thai: Tinidazol (thành phần chính của thuốc Sindazol) có thể đi qua hàng rào nhau thai. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu đầy đủ về các ảnh hưởng của thuốc đối với sự phát triển của thai nhi nên tốt nhất không dùng thuốc trong 3 tháng đầu thai kỳ, thận trọng khi dùng thuốc trong những tháng sau của thai kỳ (hỏi ý kiến bác sĩ);
- Phụ nữ cho con bú: Tinidazol bài tiết qua sữa mẹ sau khi dùng thuốc trên 72 giờ. Do đó, không cho con bú ít nhất 3 ngày kể từ khi người mẹ dùng thuốc;
- Người bệnh nên tránh xa các tác nhân nhiễm khuẩn trong suốt quá trình sử dụng thuốc Sindazol.
5. Tương tác thuốc Sindazol
Khi sử dụng thuốc Sindazol cùng lúc với rượu, các chất kích thích có thể gây ra phản ứng giống disulfiram. Do đó, nên ngưng sử dụng rượu và các chất kích thích trong quá trình dùng thuốc Sindazol. Để đảm bảo an toàn, người bệnh cũng nên thông báo cho bác sĩ về các loại thuốc/thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà mình đang dùng, tiền sử bệnh lý của bản thân để cân nhắc về các tương tác thuốc có thể xảy ra.
Trong suốt quá trình sử dụng thuốc Sindazol, người bệnh nên tuân thủ tuyệt đối mọi chỉ định của bác sĩ nhằm đảm bảo hiệu quả trị liệu tốt nhất, giảm nguy cơ gặp các biến cố khó lường.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.