Ranistad 50mg được bào chế dưới dạng ống dung dịch 2ml, hoạt chất chính là ranitidin hydrochlorid. Thuốc được chỉ định trong điều trị loét dạ dày-tá tràng, loét sau phẫu thuật, trào ngược thực quản, hội chứng Zollinger-Ellison.
1. Ranistad là thuốc gì?
Ranistad 50mg được bào chế dưới dạng ống dung dịch 2ml, thành phần có chứa Ranitidin hydrochlorid tương đương Ranitidin 50mg. Thuốc có tác dụng làm giảm lượng acid dịch vị tiết ra cả ngày và đêm, trong tình trạng bị kích thích bởi thức ăn, insulin, Amino acid, Histamin hoặc Pentagastrin. Tác dụng ức chế tiết acid dịch vị của Ranitidin mạnh hơn Cimetidin từ 3 - 13 lần.
Ranistad 50mg được chỉ định cho người đang điều trị tại bệnh viện và không uống được thuốc thuộc các đối tượng bị loét dạ dày-tá tràng, loét sau phẫu thuật, trào ngược thực quản, hội chứng Zollinger-Ellison. Ngoài ra, thuốc còn được sử dụng trong dự phòng xuất huyết dạ dày-ruột, loét do bị stress ở bệnh nhân bệnh nặng, dự phòng xuất huyết tái phát ở bệnh nhân đã bị loét dạ dày-tá tràng có xuất huyết và dự phòng trước khi gây mê toàn thân ở bệnh nhân có nguy cơ hít phải acid (hội chứng Mendelson), đặc biệt ở người mang thai đang chuyển dạ. Thuốc còn được dùng cho bệnh nhân ghép thận.
2. Liều lượng, cách dùng thuốc Ranistad 50mg
Người lớn:
- Liều điều trị: Tiêm bắp 50mg mỗi 6- 8 giờ; hoặc tiêm tĩnh mạch chậm (trên 2 phút) 50 mg sau khi pha loãng thành 20ml, mỗi 6 - 8 giờ hoặc truyền tĩnh mạch không liên tục với liều 25mg/giờ, có thể lặp lại sau 6 - 8 giờ.
- Dự phòng xuất huyết bởi loét do stress hay dự phòng xuất huyết tái phát ở bệnh nhân loét dạ dày: Tiêm tĩnh mạch chậm với liều 50mg, rồi truyền tĩnh mạch liên tục với liều 125 - 250μg/kg/giờ, tiếp đến là uống Ranitidin 150mg x 2 lần/ngày khi bệnh nhân bắt đầu ăn được.
- Dự phòng nguy cơ hít acid trong hội chứng Mendelson: Tiêm bắp 50mg hay tiêm tĩnh mạch chậm 45 - 60 phút trước khi gây mê toàn thân.
Trẻ em: Liều dùng chưa được xác định.
3. Thận trọng dùng thuốc Ranistad 50mg
- Cần giảm liều với người bị suy thận vì thuốc được thải qua thận, nồng độ thuốc trong huyết tương sẽ tăng cao. Liều tiêm thông thường là 25mg hoặc chỉ uống 1 liều 500mg vào các buổi tối trong 4-8 tuần.
- Tăng nguy cơ quá liều và xảy ra tác dụng phụ với người bị suy gan nặng, rối loạn chuyển hóa porphyrin cấp.
- Nguy cơ chập nhịp tim với người mắc bệnh tim.
- Che lấp các triệu chứng của ung thư dạ dày và là chậm quá trình chẩn đoán bệnh, cần loại bỏ khả năng bị ung thư trước khi bắt đầu điều trị.
- Tiêm tốc độ nhanh có thể gây chậm nhịp tim, thường xảy ra ở người có yếu tố dễ gây rối loạn nhịp tim.
- Thận trọng khi dùng cho phụ nữ mang thai và cho con bú.
- Không nên dùng thuốc khi đang lái xe hoặc vận hành máy móc vì tác dụng phụ đau đầu, chóng mặt dễ gây nguy hiểm trong quá trình làm việc.
4. Chống chỉ định thuốc Ranistad 50mg
Ranistad 50mg được chống chỉ định với người mẫn cảm các thành phần của thuốc.
5. Tương tác thuốc
Một số tương tác có thể gặp phải khi sử dụng Ranistad với các loại thuốc khác gồm:
- Ranistad rất ít khi gây ức chế chuyển hóa tại gan của một số thuốc như Cumarin, Theophylin, Diazepam, Propranolol, mức độ ức chế men gan ít hơn Cimetidin 2-4 lần.
- Có khả năng gây hạ đường huyết khi dùng với Glipizid nhưng không nhiều.
- Kháng sinh Enoxacin bị giảm sinh khả dụng khi dùng với Ranitidin, nhưng không có nhiều ý nghĩa về mặt lâm sàng.
- Ketoconazol, Fluconazol và Itraconazol bị giảm hấp thu khi dùng với Ranitidin do giảm tính acid của dạ dày.
- Kết hợp với Clarithromycin khiến nồng độ của Ranistad bị tăng trong huyết tương.
- Nồng độ đỉnh của Ranitidin trong huyết thanh tăng lên khi dùng với Propanthelin bromid .
6. Tác dụng phụ thuốc Ranistad 50mg
Tác dụng phụ có thể gặp trong quá trình điều trị bằng Ranistad bao gồm:
- Thường gặp: Nhức đầu, chóng mặt. yếu mệt, tiêu chảy, ban đỏ.
- Ít gặp: Giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, tăng men transaminase, ngứa đau ở chỗ tiêm.
- Hiếm gặp: Mày đay, phù mạch, co thắt phế quản, sốt choáng phản vệ, đau cơ, đau khớp, chậm nhịp tim, hạ huyết áp, to vú ở đàn ông, viêm tụy, viêm gan đôi khi có vàng da, rối loạn điều tiết mắt.
7. Quá liều và xử trí
Quá liều Ranistad hầu như không gây ra vấn đề gì đặc biệt nghiêm trọng. Thuốc giải độc đặc hiệu không có, nên việc điều trị triệu chứng gặp phải, theo dõi là giải pháp được sử dụng chủ yếu khi xảy ra quá liều:
- Co giật dùng Diazepam tĩnh mạch.
- Chậm nhịp tim tiêm Atropin.
- Loạn nhịp thất tiêm Lidocain.
- Thẩm tách máu loại thuốc khỏi huyết tương.
Bài viết đã cung cấp thông tin về công dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng thuốc Ranistad 50mg. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và phát huy tối đa hiệu quả điều trị, bạn cần dùng thuốc Ranistad 50mg theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.