Thuốc Rabenobe thường được kê đơn sử dụng để điều trị cho các chứng loét tá tràng, bệnh lý hồi lưu dạ dày thực quản, loét dạ dày hoặc một số vấn đề về tiêu hoá khác. Trước và trong quá trình dùng thuốc Rabenobe, bệnh nhân nên tham khảo kỹ lời khuyên của bác sĩ và sử dụng thuốc theo đúng lịch trình khuyến cáo.
1. Thuốc Rabenobe là thuốc gì?
Rabenobe thuộc nhóm thuốc đường tiêu hoá, được dùng để đẩy lùi triệu chứng khó chịu của các bệnh như loét dạ dày, loét miệng nổi, loét tá tràng,... Thuốc Rabenobe có nguồn gốc xuất xứ từ Ấn Độ và hiện được lưu hành tại Việt Nam.
Thuốc Rabenobe được bào chế dưới dạng viên nén bao tan trong ruột và đóng gói theo quy cách hộp 2 vỉ x 7 viên. Trong mỗi viên nén Rabenobe có chứa thành phần hoạt chất chính là Rabeprazole natri hàm lượng 20mg cùng một số tá dược khác vừa đủ.
2. Thuốc Rabenobe công dụng là gì?
2.1. Tác dụng của hoạt chất Rabeprazole natri
Rabeprazole natri được biết đến với khả năng ức chế tiết acid dạ dày hữu hiệu và chống loét rất tốt. Một số nghiên cứu đã cho thấy, sử dụng hoạt chất Rabeprazole natri giúp cải thiện các vết loét và một số sang thương niêm mạc dạ dày liên quan đến thắt môn vị, stress do nhiễm lạnh, stress do nhúng nước, dùng ethanol-HCl hoặc Cysteamine.
2.2. Chỉ định - Chống chỉ định sử dụng thuốc Rabenobe
Hiện nay, thuốc Rabenobe được bác sĩ kê đơn sử dụng để điều trị các vấn đề về tiêu hoá sau:
- Loét tá tràng.
- Loét dạ dày.
- Hội chứng Zollinger-Ellison.
- Bệnh lý hồi lưu dạ dày thực quản.
- Loét miệng nổi.
Tuy nhiên, cần chống chỉ định thuốc Rabenobe cho các trường hợp bệnh nhân dưới đây:
- Người bệnh có phản ứng quá mẫn hoặc bị dị ứng với Rabeprazole hay bất kỳ tá dược nào trong thuốc.
- Bệnh nhân bị dị ứng hoặc mẫn cảm với dẫn xuất của Benzimidazole.
- Chưa có nghiên cứu đầy đủ về tác dụng của thuốc Rabenobe đối với trẻ em, vì vậy không khuyến cáo dùng thuốc cho đối tượng này.
3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Rabenobe hiệu quả
3.1. Liều dùng thuốc Rabenobe theo chỉ định
Thông thường, thuốc Rabenobe sẽ được bác sĩ kê đơn sử dụng với liều lượng khuyến cáo cụ thể như sau:
- Điều trị bệnh hồi lưu dạ dày thực quản: Dùng liều 20mg/ lần/ ngày liên tục từ 4 - 8 tuần, có thể cân nhắc dùng thêm 8 tuần nữa nếu cần thiết.
- Điều trị loét tá tràng: Dùng liều 20mg/ lần x 4 tuần.
- Điều trị hội chứng Zollinger-Ellison: Dùng liều khởi đầu 60mg/ lần, sau đó điều chỉnh liều dựa trên đáp ứng của bệnh nhân.
- Điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản gây ăn mòn hoặc loét: Dùng liều 20mg/ lần/ ngày, điều trị trong vòng từ 4 - 8 tuần. Nếu bệnh không lành sau 8 tuần điều trị có thể dùng thêm một đợt trị liệu với Rabenobe trong vòng 8 tuần nữa.
- Duy trì sau khi chữa khỏi trào ngược dạ dày thực quản gây ăn mòn hoặc loét: Dùng liều 20mg/ lần/ ngày.
- Điều trị trào ngược dạ dày thực quản có triệu chứng: Dùng liều khuyến cáo 20mg/ lần/ ngày và sử dụng trong vòng 4 tuần. Nếu các triệu chứng không biến mất hoàn toàn sau 4 tuần, bệnh nhân có thể dùng thêm 1 đợt điều trị với Rabenobe nữa.
- Giảm nguy cơ tái phát loét tá tràng: Dùng Rabenobe phối hợp với kháng sinh nhằm tiêu diệt Helicobacter pylori.
3.2. Nên dùng thuốc Rabenobe như thế nào cho hiệu quả?
Do được bào chế dưới dạng viên nén bao tan trong ruột, vì vậy thuốc Rabenobe sẽ được dùng bằng đường uống. Bạn nên nuốt nguyên viên thuốc khi uống, tránh nhai, bẻ hoặc nghiền nát thuốc.
Thuốc Rabenobe có thể dùng cùng hoặc không cùng với bữa ăn đều được. Bạn có thể tham khảo kỹ sự tư vấn của bác sĩ về thời điểm dùng thuốc tốt nhất cho tình trạng sức khoẻ của bản thân.
4. Tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng thuốc Rabenobe
Trong quá trình điều trị các vấn đề tiêu hoá bằng thuốc Rabenobe, bệnh nhân có nguy cơ gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn dưới đây:
- Nặng bụng.
- Thay đổi huyết học.
- Nổi mẩn trên da.
- Nổi mề đay.
- Táo bón.
- Thay đổi chức năng gan.
- Nhức đầu.
- Cảm giác chướng bụng.
- Suy nhược.
- Sốt.
- Ớn lạnh.
- Khô miệng.
- Ợ hơi.
- Rối loạn tiêu hoá.
- Nhạy cảm với ánh sáng.
- Cứng cổ.
- Đau ngực dưới xương ức.
- Mệt mỏi.
- Phản ứng dị ứng.
- Xuất huyết trực tràng, đi ngoài phân đen.
- Sỏi mật, viêm loét miệng/ lợi, chán ăn.
- Viêm túi mật.
- Tăng cảm giác ngon miệng.
- Viêm thực quản, viêm lưỡi, viêm tuỵ, viêm đại tràng.
Để tránh gặp phải những nguy cơ sức khoẻ trên, bệnh nhân cần dùng thuốc Rabenobe theo đúng liều lượng và lịch trình mà bác sĩ đã chỉ dẫn. Tránh tự ý dùng thuốc hoặc thay đổi liều khi chưa trao đổi cụ thể với bác sĩ. Trong trường hợp xảy ra bất kỳ triệu chứng nào được đề cập ở trên, bạn nên ngừng điều trị và báo ngay cho bác sĩ để có cách khắc phục.
5. Cần lưu ý và thận trọng điều gì khi dùng thuốc Rabenobe?
Cần thận trọng khi sử dụng thuốc Rabenobe cho các đối tượng bệnh nhân dưới đây:
- Người bị suy gan nghiêm trọng.
- Phụ nữ đang có thai.
- Phụ nữ đang nuôi trẻ bú.
Ngoài ra, cần phải loại trừ khả năng ác tính của tình trạng loét dạ dày trước khi kê đơn cho bệnh nhân dùng thuốc Rabenobe. Trước khi điều trị bằng Rabenobe, bệnh nhân cũng cần kiểm tra kỹ hạn sử dụng của thuốc. Trong trường hợp thuốc đã quá hạn và có các dấu hiệu như thay đổi màu sắc, chảy nước hoặc sinh nấm mốc, bạn cần dừng sử dụng và xử lý thuốc hỏng theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
Thuốc Rabenobe nên được bảo quản tại nơi khô ráo, thoáng mát, không tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng và nơi có độ ẩm cao. Để thuốc tránh xa tầm với của trẻ nhỏ nhằm ngăn ngừa nguy cơ trẻ uống phải mà không biết.
6. Thuốc Rabenobe tương tác với các loại thuốc nào?
Cần cẩn trọng khi phối hợp dùng Rabeprazole đồng thời với các thuốc sau:
- Thuốc Digoxin.
- Thuốc Phenytoin.
- Thuốc kháng acid chứa Magnesium Hydroxide hoặc Aluminum Hydroxide Gel.
Để ngăn ngừa tình trạng tương tác giữa thuốc Rabenobe với các thuốc khác, bệnh nhân nên báo cho bác sĩ các loại dược phẩm hiện đang dùng. Bác sĩ sẽ giúp bạn đánh giá nguy cơ rủi ro xảy ra phản ứng tương tác, từ đó đưa ra phương án dùng thuốc hiệu quả nhất
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.