Công dụng thuốc Pybactam

Pybactam chứa 2 thành phần chính là Piperacillin 4g và Tazobactam 0.5g. Đây là 2 loại kháng sinh phổ rộng, được kết hợp với nhau nhằm đạt hiệu quả cao trong điều trị các loại nhiễm khuẩn nặng tại đường hô hấp dưới, tiếu niệu, bụng, da máu ở người lớn và nhiễm khuẩn ổ bụng, túi mật ở trẻ nhỏ.

1. Thuốc Pybactam có tác dụng gì?

Pybactam có 2 thành phần là piperacillin 4g (dưới dạng piperacillin natri) và tazobactam 0.5g (dưới dạng tazobactam natri). Đây là thuốc bột pha dung dịch tiêm truyền màu trắng hoặc gần như trắng trong lọ thủy tinh.

Piperacillin thuộc nhóm thuốc kháng sinh penicillin phổ rộng, có thể tiêu diệt nhiều loại vi khuẩn. Tazobactam có thể ngăn một số chủng vi khuẩn đề kháng kháng lại piperacillin. Điều này đồng nghĩa với việc sử dụng kết hợp piperacillin và tazobactam có tác dụng diệt được nhiều vi khuẩn hơn.

Thuốc Pybactam được sử dụng để điều trị một số nhiễm khuẩn tại đường hô hấp dưới (phổi), đường tiết niệu (thận và bàng quang), bụng, da và máu trên đối tượng là người lớn và thiếu niên. Nó cũng có thể được sử dụng để điều trị nhiễm khuẩn trên các bệnh nhân có số lượng bạch cầu thấp (giảm khả năng chống lại nhiễm khuẩn).

Đối với trẻ từ 2-12 tuổi, Pybactam được sử dụng để điều trị các nhiễm khuẩn tại ổ bụng như viêm ruột thừa, viêm phúc mạc (nhiễm khuẩn tại dịch và màng bao quanh các cơ quan trong bụng) và nhiễm trùng túi mật. Và cũng như với người lớn, nó cũng có thể được sử dụng để điều trị nhiễm khuẩn cho trẻ có lượng bạch cầu thấp (giảm khả năng chống lại nhiễm khuẩn). Một số trường hợp nhiễm khuẩn nặng, bác sĩ có thể cân nhắc phối hợp Pybactam với các kháng sinh khác.

2. Liều lượng và cách dùng

Thuốc Pybactam được dùng theo đường truyền tĩnh mạch nhỏ giọt trong 30 phút. Liều lượng khác nhau phụ thuộc vào loại nhiễm khuẩn, độ tuổi và chức năng thận. Liều tham khảo như sau:

Người lớn và thiếu niên từ 12 tuổi trở lên:

  • Liều thường dùng là 4g/0.5g piperacillin/ Tazobactam truyền tĩnh mạch, cách 6-8 giờ 1 lần.

Trẻ em từ 2-12 tuổi:

  • Liều thường dùng cho trẻ nhiễm khuẩn vùng bụng là 100 mg/ 12,5 mg/ kg cân nặng, truyền tĩnh mạch, mỗi 8 giờ.
  • Liều thường dùng cho trẻ có lượng bạch cầu thấp là 80mg/ 10mg/ kg cân nặng, truyền tĩnh mạch, mỗi 6 giờ. Liều lượng sẽ được tính theo cân nặng của trẻ, nhưng không được vượt quá 4g/0.5g piperacillin/ Tazobactam.

Pybactam sẽ được dùng cho đến khi triệu chứng nhiễm khuẩn mất hoàn toàn, trung bình khoảng 5-14 ngày.

Người bị suy thận:

Cần giảm liều hoặc giãn khoảng cách giữa các liều, kết hợp với làm xét nghiệm máu thường xuyên là những điều bác sĩ có thể làm trong quá trình sử dụng thuốc Pybactam. Đặc biệt là khi dài ngày để đảm bảo hạn chế tối đa tác dụng phụ.

3. Chống chỉ định

Pybactam chống chỉ định với người dị ứng piperacillin, Tazobactam hoặc bất kỳ thành phần khác của thuốc. Ngoài ra, thuốc cũng được chống chỉ định với người bị dị dứng với nhóm kháng sinh penicillin, cephalosporin, các chất ức chế betalactamase và Pybactam.

4. Tác dụng phụ

Mặc dù không phải tất cả những người dùng thuốc Pybactam đều gặp tác dụng phụ, nhưng một số người có thể. Hãy liên hệ ngay với bác sĩ khi gặp:

Các tác dụng phụ nghiêm trọng của Pybactam gồm:

  • Phát ban nghiêm trọng (hội chứng Stevens-Johnson, viêm da bọng nước và tiêu thượng bì nhiễm độc;
  • Sưng mặt, môi, lưỡi hoặc các vùng khác của cơ thể;
  • Khó thở, thở khò khè hoặc thở gấp;
  • Phát ban hoặc mày dày nghiêm trọng;
  • Vàng mặt hoặc vàng da;
  • Tổn thương tế bào máu và giảm bạch cầu nghiêm trọng;
  • Tiêu chảy nặng hoặc kéo dài, kèm theo sốt hoặc yếu.

Tác dụng phụ thường gặp của Pybactam gồm:

  • Nhiễm nấm;
  • Tiêu chảy;
  • Giảm tiểu cầu và hồng cầu;
  • Kéo dài thời gian đông máu, gây sai lệch kết quả xét nghiệm (dương tính với test Coomb trực tiếp);
  • Giảm protein máu;
  • Đau đầu và mất ngủ;
  • Đau bụng, nôn, buồn nôn, táo bón và khó tiêu;
  • Tăng hoạt độ enzym gan trong máu;
  • Bất thường kết quả xét nghiệm máu phản ánh chức năng thận;
  • Sốt và phản ứng tại nơi tiêm.

Tác dụng phụ ít gặp của Pybactam gồm:

  • Giảm số lượng bạch cầu;
  • Giảm kali máu;
  • Giảm glucose máu;
  • Huyết áp thấp;
  • Viêm tĩnh mạch và đỏ da;
  • Tăng bilirubin máu;
  • Đau cơ và khớp, ớn lạnh.

Tác dụng phụ hiếm gặp của Pybactam gồm:

  • Viêm niêm mạc miệng.

Tác dụng phụ chưa xác định của Pybactam gồm:

  • Tăng tiểu cầu;
  • Viêm gan;
  • Suy thận;
  • Viêm thận.

Nếu gặp phải các triệu chứng này, người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc Pybactam và thông báo cho bác sĩ để có hướng xử trí phù hợp.

5. Tương tác thuốc

Một số tương tác thuốc có thể gặp khi sử dụng cùng Pybactam gồm:

  • Thuốc điều trị gút (probenecid) vì làm tăng thời gian cần để đào thải piperacillin và tazobactam ra khỏi cơ thể.
  • Thuốc chống đông máu (như heparin, warfarin hoặc aspirin).
  • Thuốc giãn cơ sử dụng trong phẫu thuật. Nếu kết hợp cùng thì cần thông báo với bác sĩ trước khi gây mê toàn thân.
  • Methotrexat (thuốc điều trị ung thư, viêm khớp hoặc vảy nến) vì có thể làm tăng thời gian cần để đào thải methotrexat khỏi cơ thể.
  • Thuốc làm giảm nồng độ kali máu (thuốc lợi tiểu và một số thuốc điều trị ung thư).
  • Thuốc kháng sinh khác như tobaramycin hoặc gentamycin.

6. Quá liều và xử trí

Quá liều Pybactam có thể gây buồn nôn, nôn, tiêu chảy, tăng hưng phấn thần kinh cơ hoặc co giật nếu sử dụng liều cao đường tĩnh mạch, đặc biệt là với người suy thận. Nếu nghi ngờ quá liều thì cần ngưng thuốc và thông báo cho bác sĩ ngay để được điều chỉnh kịp thời.

7. Thận trọng

Một số lưu ý trước khi bắt đầu điều trị bằng thuốc Pybactam gồm:

  • Có tiền sử dị ứng, đang bị tiêu chảy thì phải thông báo đầy đủ với bác sĩ.
  • Người có nồng độ kali thấp, có vấn đề về gan, thận hoặc đang được thẩm tách máu sẽ được kiểm tra chức năng thận trước khi bắt đầu dùng thuốc Pybactam và cần làm xét nghiệm máu thường xuyên trong quá trình điều trị.
  • Nếu đang dùng một số loại thuốc (thuốc chống đông máu) để dự phòng huyết khối hoặc nếu xuất hiện bất kỳ biến cố xuất huyết không mong muốn nào trong quá trình điều trị với Pybactam thì cần thông báo ngay cho bác sĩ.
  • Nếu bị co giật trong quá trình điều trị với Pybactam hoặc nghi ngờ phát sinh thêm 1 nhiễm khuẩn mới hoặc nhiễm khuẩn trước đó trở nên trầm trọng hơn thì cần ngừng thuốc và thông báo cho bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời.
  • Pybactam không được khuyến cáo sử dụng cho trẻ dưới 2 tuổi do không có đủ dữ liệu liên quan đến độ an toàn và hiệu quả.
  • Pybactam có thể thâm nhập được vào trong tuần hoàn thai nhi và sữa mẹ. Do đó cần thận trọng khi sử dụng thuốc cho đối tượng này.
  • Pybactam chứa 217mg natri nên cần lưu ý áp dụng chế độ ăn hạn chế muối trong thời gian dùng thuốc này.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Pybactam, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc Pybactam điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe