Thuốc Pevitax thuộc nhóm thuốc đường tiêu hóa, có tác dụng điều trị hỗ trợ cho các bệnh lý gan mật. Thuốc Pevitax được sử dụng dưới sự chỉ định của bác sĩ. Cùng tìm hiểu thuốc Pevitax công dụng gì qua bài viết dưới đây.
1. Thuốc Pevitax là thuốc gì?
Thuốc Pevitax có thành phần chính là hoạt chất Arginin tidiacicat 200mg và các thành phần khác vừa đủ. Thuốc được điều chế dưới dạng viên nang mềm, đóng gói thành hộp, mỗi hộp gồm 12 vỉ x 5 viên.
2. Công dụng thuốc Pevitax
Cơ chế hoạt động: Hoạt chất Arginine là một loại acid amin tham gia vào chu trình tạo ra ure ở gan nên có tác dụng điều hòa nồng độ amoniac ở máu bị tăng trong một số bệnh gan, thúc đẩy quá trình tổng hợp protid ở cơ thế, qua đó điều trị các rối loạn chức năng gan.
2.1. Chỉ định
Thuốc Pevitax được sử dụng để điều trị cho các trường hợp sau:
- Người bị mắc các bệnh lý gan mật làm suy suy gan do tất cả các nguyên nhân.
- Hỗ trợ điều trị các thuốc có độc tính cho gan, giúp bảo vệ các tế bào gan.
- Giúp phòng ngừa các triệu chứng xơ gan, thương tổn gan ở những người nghiện rượu lâu năm thời kỳ tiền xơ gan.
- Người hay mắc các triệu chứng dị ứng, chán ăn, rối loạn tiêu hóa, nổi mề đay.
2.2. Chống chỉ định
Thuốc Pevitax chống chỉ định sử dụng cho các trường hợp:
- Người bị dị ứng hoặc quá mẫn cảm với hoạt chất Arginin hoặc bất cứ thành phần nào có trong thuốc.
- Người bị suy thận mãn.
3. Cách dùng và liều dùng thuốc Pevitax
Cách dùng: Thuốc Pevitax được điều chế dưới dạng viên nang mềm nên được sử dụng bằng đường uống. Người bệnh uống trực tiếp thuốc kèm với một lượng nước lọc vừa đủ, không nên kết hợp với các loại chất lỏng khác như bia, rượu, đồ uống có ga hay nghiền nát, bẻ đôi viên thuốc trước khi uống, để không làm ảnh hưởng đến các thành phần có trong thuốc. Người bệnh có thể uống Pevitax trước các bữa ăn hoặc uống ngay lúc xuất hiện các triệu chứng bệnh.
Liều dùng: Dùng cho người lớn: 1 viên/ lần, mỗi ngày dùng 2 lần.
Trong trường hợp quên liều: Người dùng có thể sử dụng liều quên ngay khi nhớ ra nếu cách xa với thời gian sử dụng liều tiếp theo từ 4 - 6 tiếng. Nếu không, bỏ qua liều quên và tiếp tục sử dụng liều tiếp theo đúng với chỉ định được kê đơn, tuyệt đối không được sử dụng gấp đôi số liều để bù cho liều đã bị quên.
Trong trường hợp quá liều: Hiện nay chưa ghi nhận các trường hợp sử dụng thuốc quá liều. Tuy nhiên, nếu người dùng phát hiện sử dụng thuốc quá liều và thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường nghi do dùng thuốc, cần liên hệ ngay cho bác sĩ, thông báo về số lượng thuốc Pevita mà mình đã sử dụng và tình trạng hiện tại của bản thân để có được hướng xử lý nhanh và kịp thời nhất.
4. Tác dụng phụ của thuốc Pevitax
Trong quá trình sử dụng thuốc, ngoài công dụng chính mà Pevitax mang lại, người dùng còn có thể gặp phải một số triệu chứng không mong muốn như:
- Xuất hiện các triệu chứng dị ứng, nổi mẩn đỏ, ngứa.
- Gây buồn nôn, chóng mặt, tiêu chảy.
- Gây rối loạn hệ thống tiêu hóa, táo bón, vàng da.
5. Tương tác với thuốc Pevita
Hiện nay chưa có các báo cáo nghiên cứu về các phản ứng tương tác giữa thuốc Pevitax với các thuốc khác. Tuy nhiên, trước khi sử dụng thuốc, người bệnh nên thông báo cho bác sĩ về những loại thuốc, thực phẩm chức năng mà mình đang sử dụng hoặc có ý định sử dụng chung với Pevita để được tư vấn và kê đơn thuốc phù hợp nhất.
6. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Pevitax
Khi sử dụng thuốc Pevitax, người dùng cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Cần thận trọng khi sử dụng thuốc cho trẻ em dưới 15 tuổi, người bị suy gan, suy thận, người bị các bệnh lý về tiêu hóa, người đang bị bệnh tiêu chảy, soi mật, người già.
- Không nên sử dụng thuốc nếu hộp thuốc bị méo mó, sản phẩm bị đổi màu và đặc điệt là khi thuốc đã hết hạn sử dụng.
- Với những người đang trong quá trình mang thai hoặc đang cho con bú, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ, chỉ nên sử dụng thuốc khi thực sự cần thiết, khi hiệu quả thuốc mang lại lớn hơn nhiều so với các triệu chứng không mong muốn xảy ra.
Hy vọng với những thông tin chia sẻ trên về thuốc Pevitax sẽ giúp cho người dùng hiểu rõ hơn về công dụng và cách dùng thuốc để điều trị các bệnh lý về gan mật an toàn và hiệu quả hơn.