Pamatase Inj thuộc nhóm thuốc kháng viêm, thường được sử dụng để điều trị các bệnh lý miễn dịch. Hãy cùng tìm hiểu về công dụng, liều dùng của thuốc Pamatase Inj trong qua bài viết dưới đây.
1. Thuốc Pamatase Inj là thuốc gì?
- Thuốc Pamatase Inj được bào chế dưới dạng bột đông khô pha tiêm, có thành phần chính là Methylprednisolone hàm lượng 40mg.
- Methylprednisolone có tác dụng chống viêm thông qua các cơ chế sau:
- Ức chế sự di chuyển của bạch cầu tới vị trí tổn thương, ức chế quá trình tổng hợp và hoạt tính của các chất trung gian hoá học như histamin, bradykinin, serotonin,...
- Kìm hãm quá trình tổng hợp prostaglandin và leukotriene từ acid arachidonic, khả năng thực bào của các bạch cầu đa nhân, đại thực bào.
- Ức chế giải phóng các enzym tiêu thể, gốc tự do, giảm hoạt tính của các yếu tố hóa hướng động hay các chất hoạt hóa của collagenase, plasminogen, elastase...
- Methylprednisolone có khả năng chống dị ứng bằng cách ức chế giải phóng các chất trung gian hóa học của phản ứng dị ứng như histamin, serotonin...
- Methylprednisolone còn có tác dụng ức chế miễn dịch do ức chế sản xuất interleukin 1 từ đại thực bào, interleukin 2 từ lympho T4, yếu tố hoại tử u TNF và interferon, giảm hoạt tính gây độc tế bào của các lympho T8 và các tế bào diệt tự nhiên NK, từ đó làm giảm hoạt tính diệt khuẩn, gây độc tế bào và nhận diện kháng nguyên của đại thực bào.
2. Công dụng của thuốc Pamatase Inj
Thuốc Pamatase Inj thường được sử dụng trong các trường hợp sau:
- Viêm khớp dạng thấp.
- Lupus ban đỏ hệ thống, viêm quanh động mạch nốt, viêm động mạch thái dương.
- Hen phế quản, bệnh sarcoid, viêm loét đại tràng mạn.
- Giảm bạch cầu hạt, thiếu máu tan máu.
- Dị ứng nặng bao gồm cả sốc phản vệ.
- Điều trị ung thư như u lympho, leukemia cấp, ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến.
- Hội chứng thận hư nguyên phát.
3. Chống chỉ định của thuốc Pamatase Inj
- Mẫn cảm với methylprednisolon hay bất cứ thành phần nào của thuốc.
- Nhiễm khuẩn nặng, trừ trường hợp sốc nhiễm khuẩn hay lao màng não.
- Thương tổn da do nấm, virus hoặc trực khuẩn lao.
- Người bệnh đang sử dụng vacxin sống giảm độc lực.
4. Liều lượng và cách dùng thuốc Pamatase inj
Tùy vào từng tình trạng bệnh lý mà liều dùng Pamatase Inj sẽ khác nhau.
- Khởi đầu với liều 6 - 40mg/ ngày và giảm dần liều. Liều duy trì là nồng độ thuốc ở mức thấp nhất mà đạt được hiệu quả điều trị.
- Nếu liệu trình điều trị kéo dài mà phải sử dụng thuốc Pamatase Inj liều cao với những bệnh nhân có tình trạng bệnh nặng, nên dùng cách ngày sau khi triệu chứng cải thiện với mục đích hạn chế tác dụng phụ của thuốc do có thời gian hồi phục giữa mỗi lần sử dụng
- Nếu điều trị cách ngày thì nên sử dụng liều Pamatase Inj duy nhất vào 8 giờ sáng và 2 ngày/ lần.
Trường hợp cụ thể như sau:
- Cơn hen nặng: 60 - 120mg/ lần tiêm tĩnh mạch, khi hết cơn hen cấp thì chuyển sang đường uống với liều 32 - 48mg/ ngày. Giảm liều tới liều duy trì và có thể ngưng thuốc sau 10 - 14 ngày điều trị.
- Hen cấp tính: 32 - 48mg/ ngày trong 5 ngày rồi giảm dần tới liều duy trì đến khi bệnh cải thiện.
- Viêm khớp dạng thấp: Khởi đầu với 4 - 6 mg/ ngày. Nếu đợt cấp có thể tăng liều lên đến 16 - 32mg/ ngày rồi giảm dần. Nếu trẻ nhỏ bị viêm khớp mạn có nguy cơ tử vong cao thì sử dụng liều 10 - 30mg/ kg/ lần.
- Hội chứng thận hư nguyên phát: Khởi đầu 0,8 - 1,6mg/ kg trong 6 tuần và giảm dần liều trong 6 - 8 tuần tiếp theo.
- Phản ứng dị ứng nặng trong thời gian ngắn: tiêm tĩnh mạch 125mg mỗi 6 giờ/ lần.
- Thiếu máu tan máu do miễn dịch: Tiêm tĩnh mạch 1000mg/ ngày trong 3 ngày, thời gian điều trị ít nhất khoảng 6 - 8 tuần.
- Bệnh sarcoid: Liều khởi đầu 0,8mg/ kg/ ngày và giảm dần đến liều duy trì 8mg/ ngày.
Cách dùng: Pamatase Inj là thuốc bột pha tiêm, sử dụng đường tiêm truyền tĩnh mạch, nên cần phải hoà tan thuốc vào dung môi pha tiêm như NaCl 0,9% hoặc Dextrose 5%.
5. Tác dụng phụ của thuốc Pamatase Inj
Khi sử dụng thuốc Pamatase Inj, người bệnh có thể gặp một số tác dụng không mong muốn sau:
- Mất ngủ, chóng mặt, nhức đầu, thần kinh dễ bị kích động, thay đổi tâm trạng, loạn tâm thần, ảo giác, mê sảng và co giật.
- Khó tiêu, chướng bụng, buồn nôn, nôn, viêm loét thực quản, loét dạ dày, viêm tụy.
- Đục thủy tinh thể và glocom.
- Phù, tăng huyết áp.
- Teo da, tăng sắc tố, trứng cá, rậm lông.
- Hội chứng Cushing, giảm kali máu, tăng giữ natri và nước, đái tháo đường.
- Yếu cơ, đau khớp, loãng xương, gãy xương.
Khi sử dụng thuốc Pamatase Inj, nếu người bệnh gặp phải bất cứ tác dụng phụ nào nghiêm trọng hãy ngưng sử dụng thuốc, liên hệ ngay với bác sĩ điều trị để xử lý kịp thời.
6. Tương tác với thuốc Pamatase inj.
Khi sử dụng đồng thời Pamatase inj. có thể tương tác với một số thuốc sau:
- Methylprednisolon là cơ chất của enzym P450 3A và là chất gây cảm ứng enzym cytochrom P450, do đó có thể tác động đến chuyển hóa của các thuốc erythromycin, cyclosporin, phenobarbital, carbamazepine, phenytoin, rifampicin và ketoconazol.
- Phenobarbital, phenytoin, rifampin và các thuốc lợi tiểu hạ kali máu có thể làm giảm tác dụng của methylprednisolon.
- Methylprednisolon có thể gây tăng glucose máu do đó làm giảm hiệu quả điều trị của các thuốc điều trị đái tháo đường.
7. Lưu ý và thận trọng khi sử dụng thuốc Pamatase inj.
Khi sử dụng thuốc Pamatase Inj, cần lưu ý trong các trường hợp sau:
- Thận trọng khi sử dụng cho người loãng xương, người mới nối thông mạch máu, loét dạ dày - tá tràng, suy tim, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn tâm thần và trẻ em đang lớn.
- Thận trọng khi sử dụng corticosteroid đường toàn thân cho người cao tuổi, dùng liều thấp nhất mà có hiệu quả trong thời gian ngắn nhất để hạn chế những tác dụng không mong muốn xảy ra.
- Ngừng thuốc đột ngột sau thời gian dùng kéo dài hoặc khi bị stress có thể gây suy tuyến thượng thận cấp.
- Khi dùng thuốc liều cao có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của tiêm chủng vacxin sống giảm độc lực.
- Dùng kéo dài corticosteroid toàn thân cho phụ nữ đang mang thai có thể làm giảm nhẹ cân nặng của trẻ sơ sinh. Vì vậy khi sử dụng corticosteroid cho phụ nữ mang thai cần đặc biệt thận trọng, cân nhắc kỹ giữa lợi ích có thể đạt được và rủi ro có thể xảy ra đối với mẹ và con.
- Corticosteroid không chống chỉ định đối với phụ nữ cho con bú.
Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Pamatase Inj, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Pamatase Inj là thuốc kê đơn, người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua và điều trị tại nhà vì thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.