Nancifam là thuốc kháng sinh nhóm Quinolon, có tác dụng trong việc điều trị bệnh về mắt, tai mũi họng. Thuốc Nancifam là thuốc kê đơn, nên để đảm bảo hiệu quả sử dụng, người dùng cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa, đồng thời tham khảo thêm nội dung thông tin về những công dụng thuốc Nancifam trong bài viết dưới đây.
1. Công dụng thuốc Nancifam là gì?
1.1. Thuốc Nancifam là thuốc gì?
Thuốc Nancifam thuộc nhóm thuốc dùng điều trị mắt, tai mũi họng. Với thành phần hoạt chất chính Ciprofloxacin (dưới dạng Ciprofloxacin hydrochlorid) 3mg/ml (0,3%w/v).
Thuốc được bào chế dưới dạng dung dịch tra mắt hoặc tuýp thuốc mỡ tra mắt, hộp 1 lọ.
Thuốc Nancifam khuyến cáo sử dụng cho người trưởng thành.
1.2. Thuốc Nancifam có tác dụng gì?
Ciprofloxacin là một hoạt chất mới thuộc nhóm quinolon, có hoạt tính mạnh, diệt khuẩn ở phổ rộng chống lại cả những vi khuẩn kháng lại các loại kháng sinh như penicillin, aminoglycoside, cephalosporin, tetracycline và các kháng sinh khác.
Thuốc Nancifam được bác sĩ kê đơn chỉ định điều trị các nhiễm trùng do các chủng vi khuẩn nhạy cảm với thuốc trong những bệnh lý sau:
- Loét giác mạc do các loại vi khuẩn: Staphylococcus aureus, Pseudomonas aeruginosa, Streptococcus pneumoniae, Staphylococcus epidermidis, Streptococcus (Nhóm Viridans).
- Viêm kết mạc do các loại vi khuẩn: Staphylococcus epidermidis, Staphylococcus aureus, Streptococcus pneumoniae.
Chống chỉ định:
- Bệnh nhân bị dị ứng với thành phần hoạt chất chính Ciprofloxacin, nhóm quinolon hay bất cứ thành phần tá dược nào của thuốc.
- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi.
2. Cách sử dụng của thuốc Nancifam
2.1. Cách dùng thuốc Nancifam
- Thuốc Nancifam dùng tra mắt
- Rửa sạch tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn
- Mở nắp lọ thuốc, đưa gần sát với mắt cách chừng 1cm bóp nhẹ thuốc vào túi kết mạc theo liều chỉ định của bác sĩ.
- Tránh để cho đầu ống thuốc chạm vào mắt hoặc mi dẫn đến nhiễm khuẩn lọ thuốc
- Tra mắt bị nhẹ hơn trước rồi đến mắt bị nặng hơn
- Dùng xong đậy nắp lọ thuốc cẩn thận, tránh để hở
- Mỗi lọ thuốc chỉ dùng cho một người bệnh, không san sẻ thuốc với người khác
- Tra thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, không tự ý tra thêm hoặc bớt liều chỉ định.
2.2. Liều dùng của thuốc Nancifam
Dung dịch nhỏ mắt
Liều khuyến cáo trong điều trị loét giác mạc:
- Ngày 1: Nhỏ 2 giọt vào mắt bị bệnh cứ 15 phút một lần trong vòng sáu giờ đầu. Tiếp theo nhỏ 2 giọt vào mắt bị bệnh cứ 30 phút một lần trong khoảng thời gian còn lại của ngày đầu tiên.
- Ngày thứ 2: nhỏ 2 giọt vào mắt bị bệnh mỗi giờ một lần.
- Ngày thứ 3 đến ngày thứ 14: nhỏ 2 giọt vào mắt bị bệnh cách 4 giờ một lần.
- Có thể tiếp tục điều trị hơn 14 ngày nếu khám kiểm tra lại chưa có hiện tượng tái tạo biểu mô hoàn toàn.
Liều khuyến cáo trong điều trị viêm kết mạc do vi khuẩn:
- Hai ngày đầu: Nhỏ 1 hay 2 giọt vào túi kết mạc cứ 2 giờ một lần khi còn đang thức.
- Năm ngày tiếp theo: Nhỏ 1 hay 2 giọt vào túi kết mạc cứ 4 giờ một lần khi còn đang thức.
Thuốc mỡ: Tra một đoạn thuốc mỡ khoảng 1-1,5 cm vào túi kết mạc, trong hai ngày đầu tiên tra 3 lần mỗi ngày, sau đó trong 5 ngày kế tiếp tra 2 lần mỗi ngày.
Xử lý khi quên liều:
Trong trường hợp nếu vô tình quên mất liều thuốc thì phải tra ngay khi nhớ ra. Cố gắng ghi nhớ để không quên liều, quá nhiều và cũng không tra gấp đôi để bù liều đã quên.
Xử trí khi quá liều:
Hiện vẫn chưa ghi nhận trường hợp sử dụng Ciprofloxacin tra mắt bị quá liều. Nhưng nếu trong quá trình sử dụng thuốc có bất kỳ biểu hiện hay dấu hiệu nào khác thường thì báo ngay cho bác sĩ điều trị biết hoặc đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và có hướng xử trí kịp thời.
3. Lưu ý khi dùng thuốc Nancifam
- Chỉ dùng tại chỗ, không được tiêm vào mắt, không được uống.
- Không dùng thuốc Nancifam đã quá hạn sử dụng trên bao bì, niêm phong thuốc bị hở, thuốc đổi màu.
- Giống như với các kháng sinh khác, dùng Nancifam trong thời gian dài có thể gây ra tình trạng quá phát của các loại vi khuẩn không nhạy cảm, kể cả vi nấm. Nếu xảy ra bội nhiễm cần có biện pháp điều trị thích hợp.
- Khi cần đánh giá lâm sàng, nên thăm khám cho bệnh nhân cùng với sự hỗ trợ của dụng cụ phóng đại như đèn khe và xét nghiệm nhuộm huỳnh quang. Ngay khi có triệu chứng nổi ban ở da hay một số dấu hiệu khác của phản ứng quá mẫn, nên ngưng dùng Nancifam.
- Dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú: Với liều dùng khuyến cáo của Ciprofloxacin ghi nhận không có hiện tượng sinh quái thai. Trong thời kỳ thai nghén, dung dịch nhỏ mắt Nancifam chỉ nên dùng khi đã cân nhắc giữa ích lợi cho mẹ và nguy cơ cho thai nhi.
4. Tác dụng phụ của thuốc Nancifam
- Tác dụng ngoài ý muốn hay gặp nhất là cảm giác khó chịu hay rát tại chỗ.
- Trong các nghiên cứu về loét giác mạc có dùng thuốc thường xuyên, khoảng 17% (dùng thuốc dạng dung dịch) và 13% (dùng thuốc dạng thuốc mỡ) bệnh nhân có tình trạng kết tủa tinh thể màu trắng. Dưới 10% bệnh nhân có xảy ra các tác dụng ngoại ý khác, bao gồm cảm giác có dị vật, ngứa, cứng bờ mi, có vảy/tinh thể, sung huyết giác mạc và có vị khó chịu sau khi nhỏ thuốc. Dưới 1% bệnh nhân có các tác dụng phụ như bệnh kết mạc/viêm kết mạc, phản ứng dị ứng, nhuộm màu giác mạc, sưng mí mắt, chảy nước mắt, thâm nhiễm giác mạc, sợ ánh sáng, buồn nôn và giảm thị lực.
5. Tương tác thuốc Nancifam
Vẫn chưa có nhiều nghiên cứu đặc hiệu về tương tác thuốc được thực hiện với ciprofloxacin dùng nhỏ mắt.
Còn với đường toàn thân đã ghi nhận thấy có tình trạng tăng nồng độ huyết thanh của theophylline, tăng cường khả năng tác dụng của thuốc chống đông dạng uống. Đồng thời cũng ghi nhận sự gia tăng creatinin huyết thanh trên bệnh nhân dùng đồng thời với cyclosporin.
6. Cách bảo quản thuốc Nancifam
- Thời gian bảo quản thuốc Nancifam là 24 tháng kể từ ngày sản xuất
- Bảo quản thuốc trong bao bì, ở nơi khô ráo thoáng mát, tránh những vị trí ẩm thấp trong nhà như tủ lạnh hoặc nhà tắm, tránh những nơi quá nóng như cạnh tủ lạnh hay lò nướng làm hỏng kết cấu của thuốc.
- Nhiệt độ bảo quản lý tưởng là từ 20 – 30 độ C
- Lọ thuốc đã mở nắp chỉ dùng trong 1 đợt điều trị không dùng cho các đợt dau.
- Tránh xa tầm với của trẻ.
Trên đây là những công dụng của thuốc Nancifam, người bệnh nên tham khảo kỹ và dùng thuốc theo đúng hướng dẫn để có được kết quả điều trị bệnh tốt nhất.