Công dụng thuốc Meyervasid F

Meyervas F là thuốc điều trị tăng huyết áp với 2 hoạt chất chính là Hydroclorothiazid và Valsartan. Để dùng thuốc hiệu quả, người bệnh cần tìm hiểu một số thông tin về công dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng Dopola trong bài viết dưới đây.

1. Thuốc Meyervas F là thuốc gì?

Thuốc Meyervas F chứa 2 hoạt chất chính là Valsartan hàm lượng 160mg và Hydroclorothiazid 25mg. Thuốc Meyervas F được bào chế dưới dạng viên nén bao phim.

Valsartan là thuốc đối kháng thụ thể typ1 của angiotensin II (AT1). Thụ thể AT1 tham gia vào hầu hết các hoạt động trên thận, tim mạch và hệ thần kinh trung ương. Valsartan ức chế chọn lọc angiotensin II gắn vào thụ thể AT1 ở nhiều mô khác nhau, trong đó bao gồm tuyến thượng thận và cơ trơn mạch máu. Valsartan có tác dụng hạ huyết áp thông qua đối kháng tác dụng được gây ra angiotensin II (co mạch, tăng bài tiết aldosteron, tái hấp thu nước, tăng bài tiết catecholamin ở tuyến thượng thận và trước synap, giải phóng arginin vasopressin).

Hydroclorothiazid làm tăng bài tiết natri clorid và kéo theo nước thông qua cơ chế ức chế tái hấp thu ion Na+ và Cl- ở ống lượn xa. Sự bài tiết các chất điện giải khác, đặc biệt là K+ và Mg2+, cũng tăng nhưng Ca2+ thì giảm. Hydroclorothiazid làm giảm hoạt tính carbonic anhydrase, do đó làm tăng bài tiết bicarbonat, tuy nhiên tác dụng này yếu hơn so với tác dụng bài tiết ion clorid và không làm thay đổi pH nước tiểu đáng kể. Hydroclorothiazid có thể làm giảm tốc độ lọc cầu thận. Hydroclorothiazid có tác dụng lợi tiểu ở mức độ vừa phải, do khoảng 90% ion natri đã được tái hấp thu trước khi đến ống lượn xa là vị trí chủ yếu có tác dụng của Hydroclorothiazid. Hydroclorothiazid có tác dụng hạ huyết áp, do giảm thể tích huyết tương và dịch ngoại bào liên quan đến sự bài tiết Na+ qua nước tiểu. Sau đó trong quá trình dùng Hydroclorothiazid, tác dụng hạ huyết áp tùy thuộc vào sự giảm sức cản ngoại vi, thông qua sự thích nghi dần của mạch máu trước tình trạng giảm nồng độ ion Na+. Hydroclorothiazid làm tăng tác dụng của các thuốc hạ huyết áp khác khi dùng đồng thời.

2. Chỉ định và chống chỉ định thuốc Meyervas F

Thuốc Meyervas F được chỉ định trong điều trị các trường hợp sau:

  • Điều trị tăng huyết áp.
  • Điều trị tăng huyết áp giúp ngăn ngừa nhồi máu cơ tim, đột quỵ và các vấn đề về thận.
  • Thuốc Meyervasid F cũng có thể dùng trong điều trị suy tim.

Chống chỉ định:

  • Meyervas có chống chỉ định sử dụng ở bệnh nhân quá mẫn cảm với Hydroclorothiazid, Valsartan hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.

3. Cách dùng thuốc Meyervas F

Thuốc Meyervas F được dùng đường uống. Dùng thuốc Meyervasid F dưới sự hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Liều dùng Meyervas F tham khảo như sau:

  • Liều khởi đầu: 1 viên nén Meyervasid F (160mg – 25mg)/ lần, dùng một lần mỗi ngày.
  • Liều điều trị duy trì: Điều chỉnh liều dùng khi cần thiết (sau mỗi 1 – 2 tuần), cho đến liều tối đa là 2 viên (320mg – 50mg)/lần, dùng một lần mỗi ngày.

Quá liều thuốc Meyervas và xử trí:

  • Triệu chứng quá liều thuốc Meyervas bao gồm hạ huyết áp nặng, nhịp tim nhanh, rối loạn nhịp tim, thiếu máu cơ tim, suy tuần hoàn có thể kèm theo sốc, giảm ý thức.
  • Xử trí quá liều thuốc Meyervas F chủ yếu điều trị triệu chứng và hỗ trợ. Trường hợp có biểu hiện quá liều thuốc, cần ngưng sử dụng thuốc và đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.

Xử trí khi quên một liều thuốc Meyervas F:

  • Nếu bạn quên dùng một liều thuốc Meyervas F, hãy dùng ngay nếu có thể. Trường hợp gần đến thời gian sử dụng liều Meyervasid F kế tiếp, có thể bỏ qua liều đã quên và uống liều tiếp theo như kế hoạch điều trị. Ngoài ra không dùng gấp đôi liều thuốc Meyervas F.

4. Các tác dụng không mong muốn của thuốc Meyervas F

Các tác dụng không mong muốn nghiêm trọng có thể gặp khi sử dụng thuốc Meyervasid F:

  • Các vấn đề về thị giác, đau mắt.
  • Cảm giác mất ý thức, suy nhược, cảm giác bồn chồn, lẫn lộn, ngất, động kinh.
  • Tiểu nhiều.
  • Nhịp tim nhanh, đánh trống ngực.
  • Sưng tấy, tăng cân.
  • Vàng da, vàng mắt, chán ăn, nôn, khô miệng.

Các tác dụng phụ ít nghiêm trọng hơn: Đau bụng, tiêu chảy, đau lưng, nhức đầu, chóng mặt, phát ban, đau họng, ho khan.

Trường hợp gặp bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào, ngưng sử dụng thuốc Meyervas F và đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.

5. Thận trọng khi dùng thuốc Meyervas F

Hoạt chất Valsartan:

  • Nguy cơ hạ huyết áp: hạ huyết áp có triệu chứng thường xảy ra khi dùng thuốc Valsartan ở bệnh nhân có giảm khối lượng tuần hoàn do sử dụng thuốc lợi tiểu liều cao, có chế độ ăn hạn chế muối, tiêu chảy hoặc nôn, đang thẩm tách máu. Giám sát chặt chẽ bệnh nhân trong giai đoạn bắt đầu điều trị Valsartan.
  • Bệnh nhân suy tim, bệnh nhân có dấu hiệu lâm sàng rối loạn chức năng tâm thu thất trái sau nhồi máu cơ tim: Nguy cơ hay xảy ra hạ huyết áp do đó thận trọng khi sử dụng Valsartan ở những bệnh nhân này. Tuy nhiên, không cần ngừng dùng thuốc nếu liều thuốc Valsartan đang ở khoảng liều khuyến cáo. Theo dõi chức năng thận của bệnh nhân trong thời gian điều trị bằng Valsartan.
  • Nguy cơ xảy ra tăng kali máu khi dùng thuốc Valsartan, đặc biệt ở bệnh nhân suy tim hoặc có suy thận kèm theo. Không nên sử dụng đồng thời thuốc Valsartan với thuốc lợi tiểu giữ kali, thuốc có khả năng tăng nồng độ kali máu hoặc chế phẩm bổ sung kali. Theo dõi định kỳ nồng độ kali huyết thanh khi dùng thuốc Valsartan.
  • Bệnh nhân có 1 thận, bệnh nhân hẹp động mạch thận 2 bên hoặc hẹp động mạch thận 1 bên: Thận trọng sử dụng thuốc Valsartan do độ an toàn chưa được xác định. Sử dụng thuốc ức chế hệ renin-angiotension-aldosteron có thể làm tăng nồng độ creatinin hoặc tăng nitrogen ure máu (BUN) ở bệnh nhân hẹp động mạch thận.
  • Bệnh nhân suy thận: Thận trọng khi dùng Valsartan ở bệnh nhân có tốc độ lọc cầu thận < 10ml/phút hoặc đang thẩm tách máu. Suy giảm chức năng thận liên quan đến sử dụng Valsartan chủ yếu xảy ra trên bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ như tiền sử suy thận, suy tim nặng, hẹp động mạch thận.
  • Thận trọng khi sử dụng Valsartan ở bệnh nhân hẹp van hai lá, hẹp van động mạch chủ, bệnh lý phì đại cơ tim.
  • Phụ nữ mang thai: Chống chỉ định sử dụng thuốc Valsartan ở đối tượng này, đặc biệt trong 3 tháng giữa và cuối thai kỳ. Không khuyến cáo sử dụng thuốc Meyervas trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Khi phát hiện mang thai, bệnh nhân đang điều trị bằng Valsartan cần ngừng ngay thuốc và điều trị thay thế bằng thuốc khác.
  • Phụ nữ đang cho con bú: Nghiên cứu trên chuột cho thấy Valsartan được bài tiết vào sữa mẹ, hiện chưa rõ liệu thuốc có bài tiết vào sữa mẹ ở người hay không. Do nguy cơ bất lợi cho trẻ bú mẹ, ngừng cho trẻ bú trong thời gian điều trị hoặc ngừng dùng thuốc Valsartan và điều trị thay thế bằng thuốc khác.

Hoạt chất Hydroclorothiazid:

  • Bệnh nhân dùng thuốc lợi tiểu Hydroclorothiazid phải được theo dõi định kỳ điện giải trong huyết thanh và nước tiểu, đặc biệt bệnh nhân dùng Corticosteroid, ACTH, Quinidin, Digitalis, bệnh nhân nôn hoặc đang truyền dịch.
  • Bệnh nhân suy thận: Dùng Hydroclorothiazid có nguy cơ tăng urê máu và làm suy giảm thêm chức năng thận.
  • Bệnh nhân suy gan: Tăng nguy cơ hôn mê gan khi dùng Hydroclorothiazid.
  • Đái tháo đường: Dùng Hydroclorothiazid cần chú ý điều chỉnh liều dùng thuốc điều trị đái tháo đường bao gồm insulin, thuốc uống hạ glucose máu vì thuốc có thể làm tăng glucose máu.
  • Hydroclorothiazid có thể làm tăng cholesterol và triglycerid máu. Cần thận trọng ở bệnh nhân có cholesterol máu trung bình và cao; triglycerid máu cao.
  • Bệnh nhân lớn tuổi cần thận trọng khi dùng Hydroclorothiazid vì dễ mất cân bằng điện giải.
  • Bệnh lupus ban đỏ hệ thống: Có thể nặng lên khi dùng Hydroclorothiazid.

6. Tương tác thuốc

Liên quan đến hoạt chất Valsartan:

  • Lithi: dùng đồng thời với Meyervas làm tăng nồng độ lithi, dẫn đến ngộ độc lithi. Theo dõi chặt chẽ bệnh nhân, giám sát biểu hiện ngộ độc lithium và nồng độ lithi huyết tương.
  • Thuốc ức chế men chuyển angiotensin: Không khuyến cáo dùng đồng thời với Valsartan do nguy cơ hạ huyết áp, suy thận và tăng nồng độ kali máu.
  • Thuốc chống tăng huyết áp nhóm chẹn thụ thể beta và chẹn kênh canxi: tăng tác dụng hạ huyết áp khi dùng với Meyervas.
  • Thuốc lợi tiểu quai, thuốc lợi tiểu nhóm thiazid: Hạ huyết áp có triệu chứng có thể xảy ra khi bắt đầu sử dụng Valsartan ở bệnh nhân đang dùng thuốc lợi tiểu liều cao.
  • Thuốc lợi tiểu giữ kali, chế phẩm bổ sung kali: Do nguy cơ tăng nồng độ kali máu và tăng nồng độ creatinin ở bệnh nhân suy tim, không khuyến cáo dùng đồng thời với Valsartan.
  • Thuốc kháng viêm không steroid: Thận trọng khi dùng đồng thời với thuốc Meyervas do giảm tác dụng hạ huyết áp, tăng nồng độ kali máu và tăng nguy cơ suy thận. Theo dõi chức năng thận trong giai đoạn bắt đầu điều trị Meyervas và bù nước đủ cho bệnh nhân có suy giảm khối lượng tuần hoàn.

Liên quan đến hoạt chất Hydroclorothiazid:

  • Rượu, Barbiturat hoặc thuốc ngủ gây nghiện: Dùng với Hydroclorothiazid là tăng nguy cơ hạ huyết áp thế đứng.
  • Thuốc điều trị đái tháo đường (thuốc uống và insulin): Cần phải điều chỉnh liều dùng các thuốc này do Hydroclorothiazid làm tăng glucose máu.
  • Các thuốc hạ huyết áp khác: Tác dụng hiệp đồng hoặc tăng khả năng hạ huyết áp của Hydroclorothiazid.
  • Corticosteroid, carbenoxolon, ACTH, Salbutamol, Amphotericin B hoặc Reboxetin: Làm tăng mất điện giải khi dùng với Hydroclorothiazid, đặc biệt là giảm kali máu.
  • Thuốc giãn cơ: Hydroclorothiazid có thể làm tăng đáp ứng với thuốc giãn cơ.
  • Thuốc kháng viêm không steroid: Có thể làm giảm tác dụng lợi tiểu, natri niệu và tác dụng hạ huyết áp của Hydroclorothiazid ở một số người bệnh.
  • Quinidin: Dùng đồng thời với Hydroclorothiazid dễ gây xoắn đỉnh, rung thất gây tử vong.
  • Hydroclorothiazid làm giảm tác dụng của các thuốc chống đông máu, thuốc điều trị bệnh gout. Thuốc làm tăng tác dụng của thuốc gây mê, vitamin D, glycosid.
  • Hydroclorothiazid làm tăng độc tính của digitalis, tăng nguy cơ loạn nhịp khi dùng đồng thời với các thuốc làm kéo dài khoảng QT.
  • Alopurinol, Tetracyclin: Độc tính gia tăng khi dùng cùng Hydroclorothiazid.

Trên đây là những thông tin tham khảo về thuốc Meyervas F, người bệnh nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và dùng theo liều lượng đã được bác sĩ chỉ định để đạt hiệu quả tốt nhất.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe