Thuốc Meprafort được chỉ định trong điều trị viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày – thực quản, hội chứng Zollinger – Ellison... Cùng tìm hiểu về công dụng, các lưu ý khi sử dụng thuốc Meprafort qua bài viết dưới đây.
1. Thuốc Meprafort có tác dụng gì?
Thuốc Meprafort bào chế dưới dạng viên nang tan trong ruột chứa hoạt chất Omeprazol 20mg.
Meprafort được chỉ định trong những trường hợp sau đây:
- Điều trị viêm loét dạ dày;
- Hội chứng trào ngược dạ dày – thực quản;
- Hội chứng Zollinger – Ellison.
2. Cơ chế tác dụng
Hoạt chất Omeprazol thuộc nhóm chất ức chế bơm proton H+/K+ ATPase của tế bào thành dạ dày. Omeprazol tác dụng vào giai đoạn cuối của quá trình tiết acid. Liều thuốc Omeprazol 20mg/ngày tác dụng ức chế nhanh sự tiết dịch vị do bất kỳ tác nhân kích thích nào.
Omeprazol không tác dụng trên thụ thể Histamin hoặc Acetylcholin, không có tác dụng dược động học có ý nghĩa nào khác ngoại trừ sự tiết acid. Omeprazol tác dụng làm giảm lâu dài acid dạ dày, tuy nhiên tác dụng này có hồi phục. Sau khoảng 5 ngày ngưng dùng thuốc, sự tiết dịch vị của dạ dày trở về bình thường nhưng không có sự tăng tiết acid.
3. Liều dùng thuốc Meprafort
Meprafort thuộc nhóm thuốc kê đơn nên liều thuốc sử dụng cần được chỉ định bởi bác sĩ dựa vào tình trạng bệnh. Thuốc được bào chế dưới dạng viên nang tan trong ruột, vì vậy người bệnh cần uống nguyên viên và không nghiền nhỏ hay nhai viên thuốc.
Một số khuyến cáo về liều thuốc Meprafort như sau:
- Điều trị làm giảm chứng khó tiêu do tăng acid dạ dày: Uống 10mg hoặc 20mg/ngày trước bữa ăn 30 phút, thời gian điều trị từ 2 – 4 tuần;
- Điều trị hội chứng trào ngược dạ dày – thực quản: Liều thuốc khuyến cáo thông thường là 20mg/lần/ngày trong 4 tuần, trường hợp chưa khỏi bệnh xem xét dùng thêm 4 – 8 tuần. Người bệnh bị viêm thực quản dai dẳng có thể dùng liều 40mg/ngày. Liều thuốc duy trì sau khi điều trị khỏi viêm thực quản là 20mg/lần/ngày và 10mg/ngày đối với chứng trào ngược acid dạ dày;
- Điều trị viêm loét đường tiêu hóa: Liều thuốc đơn trị liệu là 20mg/ngày hoặc 40mg/ngày trong trường hợp nặng. Thời gian điều trị là 4 tuần đối với viêm loét tá tràng và 8 tuần đối với viêm loét dạ dày. Liều thuốc duy trì khuyến cáo là 10 – 20mg/lần/ngày;
- Phối hợp trong điều trị Helicobacter Pylori (HP): Omeprazol có thể được sử dụng phối hợp với thuốc kháng sinh trong liệu pháp hai hoặc ba thuốc điều trị HP. Liệu pháp 2 thuốc dùng Omeprazol 20mg/lần x 2 lần/ngày trong 2 tuần. Liệu pháp 3 thuốc dùng Omeprazol 20mg/lần x 1 lần/ngày trong 1 tuần;
- Điều trị loét dạ dày do sử dụng thuốc kháng viêm không steroid: Liều thuốc khuyến cáo là 20mg/lần/ngày uống trước bữa ăn 30 phút. Liều dùng 20mg/ngày cũng được sử dụng trong phòng ngừa viêm dạ dày gây ra bởi thuốc kháng viêm không steroid;
- Điều trị hội chứng Zollinger – Ellison: Liều thuốc khuyến cáo là 60mg/ngày, hiệu chỉnh liều khi cần thiết. Phần lớn người bệnh kiểm soát được bệnh ở liều từ 20 – 100mg/ngày, một số trường hợp có thể dùng đến liều 120mg/lần x 3 lần/ngày;
- Người bệnh suy thận: Không cần hiệu chỉnh liều thuốc Meprafort ở đối tượng này;
- Người bệnh suy gan: Liều thuốc khuyến cáo là 10 – 20mg/ngày;
- Người cao tuổi: Không cần hiệu chỉnh liều thuốc Meprafort ở người cao tuổi;
- Trẻ em: Kinh nghiệm và hiệu quả điều trị Meprafort ở trẻ em còn hạn chế.
4. Tác dụng phụ của thuốc Meprafort
Thuốc Meprafort có thể gây ra một số tác dụng phụ như sau:
- Thường gặp: Chóng mặt, buồn ngủ, nhức đầu, nôn, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, táo bón, chướng bụng;
- Ít gặp: Chóng mặt, lú lẫn, mệt mỏi, ngứa, nổi mày đay, tăng transaminase có hồi phục;
- Hiếm gặp: Phù ngoại biên, đổ mồ hôi, quá mẫn bao gồm phù mạch, sốc phản vệ, sốt, giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu, mất bạch cầu hạt, giảm toàn bộ các tế bào máu, kích động, trầm cảm, lú lẫn có hồi phục, ảo giác ở người bệnh cao tuổi, viêm dạ dày, vú to ở đàn ông, nhiễm nấm Candida, khô miệng, đau cơ, đau khớp, viêm thận kẽ, co thắt phế quản.
Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ nếu gặp phải tác dụng không mong muốn trong thời gian điều trị bằng thuốc Meprafort.
5. Chống chỉ định của thuốc Meprafort
Chống chỉ định sử dụng thuốc Meprafort ở người bệnh mẫn cảm với Omeprazol, Esomeprazol hoặc các dẫn xuất Benzimidazol, người bệnh mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
6. Lưu ý khi sử dụng thuốc Meprafort
- Người bệnh cần được loại trừ nghi ngờ bị ung thư dạ dày trước khi điều trị bằng Meprafort, vì thuốc có thể che lấp các dấu hiệu và làm muộn chẩn đoán bệnh.
- Đã có báo cáo về nguy cơ hạ Magie máu ở người bệnh điều trị bằng Omeprazol nói riêng và các thuốc ức chế bơm proton nói chung trong ít nhất 3 tháng đầu. Triệu chứng hạ Magie huyết nặng như co cứng cơ, mệt mỏi, co giật, mê sảng, loạn nhịp thất và choáng váng. Phần lớn người bệnh cải thiện được triệu chứng sau khi bổ sung Magie hoặc ngưng điều trị bằng thuốc ức chế bơm proton.
- Điều trị bằng thuốc ức chế bơm proton liều cao và trong thời gian dài (> 1 năm) làm tăng nhẹ nguy cơ gãy xương cổ tay, xương hông và xương sống, đặc biệt là ở người cao tuổi. Người bệnh có nguy cơ loãng xương cần được chăm sóc theo hướng dẫn lâm sàng và bổ sung đầy đủ Calci, vitamin D.
- Phụ nữ đang mang thai: Nghiên cứu trên lâm sàng cho thấy Omeprazol không làm tăng nguy cơ gây dị dạng, độc với bào thai. Tuy nhiên khuyến cáo không điều trị bằng Omeprazol ở phụ nữ đang mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ.
- Phụ nữ đang cho con bú: Không khuyến cáo điều trị bằng Omeprazol ở phụ nữ đang cho con bú.
- Đối với người lái xe, vận hành máy móc: Omeprazol không ảnh hưởng đến khả năng lái xe, vận hành máy móc của người bệnh.
- Bảo quản thuốc Meprafort ở điều kiện nhiệt độ dưới 30 độ C, tránh nơi có ánh nắng trực tiếp hoặc nơi có độ ẩm cao.
7. Tương tác thuốc
- Khuyến cáo không sử dụng phối hợp Omeprazol và Atazanavir. Trường hợp bắt buộc phải sử dụng đồng thời cần kiểm tra và theo dõi chặt chẽ triệu chứng lâm sàng của người bệnh.
- Omeprazol làm giảm hấp thu vitamin B12. Vì vậy cần cân nhắc yếu tố nguy cơ này ở người bệnh có nguy cơ giảm hấp thu vitamin B12 trong thời gian dài.
- Omeprazol gây ức chế CYP2C19, vì vậy cần cân nhắc khi sử dụng đồng thời với các thuốc chuyển hóa qua CYP2C19 như Clopidogrel.
Tương tác thuốc xảy ra làm tăng nguy cơ gặp tác dụng và giảm tác dụng điều trị của Meprafort, vì vậy để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong điều trị người bệnh cần thông báo cho bác sĩ các loại thuốc, thực phẩm đang sử dụng trước khi dùng thuốc Meprafort.
Những thông tin cơ bản về thuốc Meprafort trong bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo. Vì Meprafort là thuốc kê đơn nên người bệnh không tự ý sử dụng, mà cần liên hệ trực tiếp với bác sĩ/ dược sĩ để có đơn kê phù hợp và đảm bảo an toàn cho sức khỏe.