Thuốc Mebipharavudin được chỉ định trong điều trị viêm gan siêu virus B mãn tính ở bệnh nhân có bằng chứng sao chép virus viêm gan B và phối hợp với Zidovudin cho điều trị HIV ở người lớn và trẻ em >= 3 tháng tuổi. Hãy cùng tìm hiểu những thông tin cần thiết về thuốc Mebipharavudin qua bài viết dưới đây.
1. Thuốc kháng virus Mebipharavudin là thuốc gì?
Hoạt chất: Lamivudine (3TC)
Phân loại: Thuốc kháng virus.
Nhóm pháp lý: Thuốc kê đơn ETC – (Ethical drugs, prescription drugs, Prescription only medicine)
Mã ATC (Anatomical Therapeutic Chemical): J05AF05.
Biệt dược gốc: Zeffix
Biệt dược: Antiheb, Bilipa, Mebipharavudin
Hãng sản xuất: Công ty TNHH một thành viên dược phẩm và sinh học y tế
Viên nén bao phim: 100 mg.
2. Công dụng thuốc Mebipharavudin
2.1 Chỉ định
Ðiều trị viêm gan siêu virus B mãn tính ở bệnh nhân có bằng chứng sao chép virus viêm gan B và phối hợp với Zidovudin cho điều trị HIV ở người lớn và trẻ em >= 3 tháng tuổi.
2.2 Liều dùng – Cách dùng
Cách dùng:
- Thuốc này chỉ dùng theo đơn của bác sĩ
- Thuốc được sử dụng bằng đường uống.
Liều dùng:
Đối với người bị viêm gan B mạn tính: 100m/lần/ngày.
Đối với người bị nhiễm HIV: Bao giờ cũng phải dùng Lamivudin kết hợp với ít nhất một thuốc kháng Retrovirus, thường kết hợp với Zidovudin hay Stavudine. Lamivudin và chế phẩm kết hợp được sử dụng bằng đường uống, không cần lưu ý đến các bữa ăn.
Người lớn và thiếu niên 16 tuổi trở lên:
- Người cân nặng 50 kg trở lên: 150 mg Lamivudin và 300 mg Zidovudin/lần, ngày 2 lần.
- Người cân nặng dưới 50kg: 100mg Lamivudin và 200 mg Zidovudin/lần, ngày 2 lần.
Thiếu niên 12 đến 16 tuổi:
- Người cân nặng 50 kg trở lên: 150 mg Lamivudin và 300 mg Zidovudin/lần, ngày 2 lần.
- Người dưới 50kg: chưa có tư liệu đầy đủ để chỉ dẫn liều dùng.
Trẻ em trên 3 tháng tuổi:
- Trẻ cân nặng dưới 14 kg: 4 mg/ kg thể trọng/ lần, ngày 2 lần. Tối đa 300 mg/ ngày.
- Trẻ cân nặng từ 14 đến 21 kg: 75 mg/ lần, ngày 2 lần.
- Trẻ cân nặng từ 21 đến 30 kg: 75 mg vào buổi sáng và 150 mg vào buổi tối.
- Trẻ cân nặng trên 30kg: 150mg/ lần, ngày 2 lần.
Đối với bệnh nhân bị HIV kết hợp với viêm gan B: Áp dụng liều dành cho bệnh nhân bị HIV.
2.3 Quá liều và xử trí
Có rất ít thông tin về quá liều, mặc dù khi quá liều, không thấy có dấu hiệu lâm sàng hoặc triệu chứng, mặt khác xét nghiệm máu vẫn bình thường. Không có thuốc giải độc. Không biết rõ lamivudin có bị loại trừ bằng thẩm tách màng bụng hoặc thẩm tách máu hay không.
3. Lưu ý khi sử dụng thuốc Mebipharavudin
Chống chỉ định
- Quá mẫn cảm với Lamivudin hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.
- Bệnh thận nặng.
Lưu ý/Thận trọng
- Lamivudin có thể liên quan đến việc nhiễm acid lactic, nên ngưng sử dụng nếu có sự tăng nhanh nồng độ aminotransferase, người bị gan to tiến triển, nhiễm acid lactic hay acid chuyển hóa không rõ nguyên nhân.
- Cần thận trọng ở người bị gan to hay người có yếu tố nguy cơ của bệnh gan.
- Ở người bị viêm gan B mạn tính, có nguy cơ tái phát bệnh khi ngừng sử dụng lamivudin, vì vậy nên theo dõi chức năng gan ở những bệnh nhân này.
- Khả năng nhiễm HIV cần được loại trừ trước khi sử dụng lamivudin điều trị viêm gan B vì liều dùng thấp để trị viêm gan có thể dẫn đến sự phát triển của dòng virus HIV kháng lamivudin.
- Ở trẻ em có tiền sử viêm tụy hoặc có yếu tố nguy cơ phát triển viêm tụy, khi dùng kết hợp lamivudin và zidovudin phải theo dõi chặt chẽ. Khi có những dấu hiệu lâm sàng, hoặc kết quả xét nghiệm khác thường nghỉ là viêm tụy, cần phải dừng thuốc ngay.
- Ở người bị suy chức năng thận, trẻ em dưới 12 tuổi và thiếu niên cân nặng dưới 50kg, không dùng chế phẩm kết hợp cố định chứa lamivudin và zidovudin vì không thể hiệu chỉnh riêng từng thuốc.
- Thông báo cho người bệnh biết là lamivudin không chữa khỏi nhiễm HIV, họ vẫn tiếp tục mang bệnh nên người bệnh vẫn phải được theo dõi và chăm sóc liên tục.
- Lamivudin không làm giảm nguy cơ lây truyền HIV, người bị HIV phải dùng bao cao su để bảo vệ bạn tình.
Tác động của thuốc trên người lái xe và vận hành máy móc.
Lamivudin không ảnh hưởng đến khả năng vận hành máy móc hay lái tàu xe.
Sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú
Thời kỳ mang thai: Có thể dùng Lamivudin cho phụ nữ mang thai, đặc biệt khi có cơ may bảo vệ khỏi lây nhiễm sang thai nhi. Trường hợp dùng Lamivudin kết hợp uống (lamivudin và zidovudin), tránh dùng cho phụ nữ mang thai.
Thời kỳ cho con bú: Không nên dùng Lamivudin cho phụ nữ đang cho con bú vì có khả năng xảy ra những tác dụng không mong muốn do Lamivudin ở trẻ nhỏ bú sữa.
4. Tác dụng phụ của thuốc Mebipharavudin
Thường gặp: Nhức đầu, mệt mỏi, khó chịu, buồn nôn, tiêu chảy, nôn mửa, đau thượng vị, chuột rút, mất ngủ, sốt, ho, triệu chứng sổ mũi, phát ban và đau cơ xương, đau thần kinh ngoại biên, giảm bạch cầu trung tính, thiếu máu, tăng ALT và AST..
Ít gặp: viêm tụy; giảm tiểu cầu, tăng bilirubin huyết; rụng tóc; phù mạch, nổi mề đay, phản ứng phản vệ; có thể làm trầm trọng thêm bệnh thần kinh ngoại biên ở bệnh nhân dùng lamivudin thay thế cho zalcitabine.
Phải ngừng lamivudin ngay nếu có những dấu hiệu lâm sàng, triệu chứng, hoặc kết quả xét nghiệm cho thấy có thể xảy ra viêm tụy
Thông báo cho bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.
Hướng dẫn cách xử trí ADR:
Phải ngừng lamivudin ngay nếu có những dấu hiệu lâm sàng, triệu chứng, hoặc kết quả xét nghiệm cho thấy có thể xảy ra viêm tụy.
Phải ngừng lamivudin ngay nếu có những dấu hiệu lâm sàng, triệu chứng, hoặc kết quả xét nghiệm cho thấy nhiễm toan lactic, hoặc bị độc lên gan (gan to, tích mỡ, ngay cả khi transaminase tăng không cao lắm).
5. Tương tác thuốc
Khả năng tương tác thuốc thấp do chuyển hóa và gắn với protein huyết tương hạn chế và hầu như thải trừ hoàn toàn qua thận dưới dạng không đổi.
Dùng đồng thời lamivudin và zidovudin làm tăng nồng độ của zidovudin trong huyết thanh (khoảng 39%).
Trimethoprim/ sulfamethoxazol làm tăng sinh khả dụng của lamivudin (khoảng 44%), và làm giảm độ thanh thải qua thận (30%).
Thức ăn làm chậm quá trình hấp thu của lamivudin và làm giảm nồng độ đỉnh trong huyết tương của thuốc (khoảng 40%) với nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt được khi uống thuốc lúc đói.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.