Công dụng thuốc LevoDHG 500

Thuốc LevoDHG 500 có thành phần chính gồm Levofloxacin 500mg, được sử dụng điều trị các bệnh lý viêm, nhiễm khuẩn. Để hiểu về công dụng và cách dùng của thuốc, hãy tham khảo ngay trong bài viết dưới đây.

1. LevoDHG 500 là thuốc gì?

Thuốc levodhg 500 là thuốc gì? Thuốc LevoDHG 500 với thành phần chính gồm Levofloxacin 500mg và các tá dược vừa đủ 1 viên trong một viên nén có tác dụng điều trị hiệu quả các bệnh viêm xoang, viêm phế quản cấp, viêm tuyến tiền liệt, nhiễm khuẩn da, nhiễm khuẩn do các vi khuẩn nhạy cảm với Levofloxacin như viêm phổi cộng đồng, nhiễm khuẩn da...

2. Chỉ định thuốc LevoDHG 500

2.1. Chỉ định

Thuốc LevoDHG 500 được chỉ định điều trị trong các trường hợp người bệnh sau:

  • Điều trị nhiễm khuẩn do các vi khuẩn nhạy cảm với Levofloxacin như viêm phổi cộng đồng, nhiễm khuẩn da, viêm tuyến tiền liệt
  • Ðiều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu không phức tạp
  • Điều trị đợt nhiễm khuẩn cấp cho người bệnh viêm phế quản mạn tính
  • Điều trị bệnh viêm xoang cấp do vi khuẩn

2.2. Chống chỉ định

Chống chỉ định thuốc LevoDHG 500 trong những trường hợp sau đây:

  • Người mẫn cảm với thành phần của thuốc.
  • Người động kinh,
  • Thiếu hụt G6PD,
  • Người có tiền sử bệnh ở gân cơ,
  • Trẻ em dưới 18 tuổi,
  • Chị em phụ nữ đang có thai và phụ nữ đang cho con bú

3. Liều dùng và cách dùng LevoDHG 500

Thuốc LevoDHG 500 được dùng bằng đường uống. Liều lượng cụ thể sẽ được bác sĩ cân nhắc dựa trên thể trạng của người bệnh.

Dưới đây là liều dùng người bệnh có thể tham khảo:

Điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp:

  • Bệnh viêm phổi mắc phải tại cộng đồng: liều 500mg, uống 1 - 2 lần/ngày, trong 7 - 14 ngày.
  • Bệnh viêm xoang hàm trên cấp tính: liều 500mg, uống 1 lần/ngày, trong 10 - 14 ngày.

Điều trị nhiễm trùng da và tổ chức dưới da:

  • Người bệnh không có biến chứng: liều 500mg, uống 1 lần/ngày, trong 7 - 10 ngày.
  • Người biến chứng: liều 750 mg, uống 1 lần/ngày, trong 7 - 14 ngày.

Điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu:

  • Người bệnh có biến chứng: 250mg, uống 1 lần/ngày, trong 10 ngày.
  • Người bệnh viêm thận - bể thận cấp: 250mg, uống 1 lần/ngày, trong 10 ngày.

Điều trị bệnh than: Điều trị dự phòng sau khi phơi nhiễm với trực khuẩn than: liều 500mg, uống 1 lần/ngày, trong 8 tuần.

Điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu tình trạng không phức tạp: liều 250mg, uống 1 lần/ngày, trong 3 ngày.

Điều trị đợt cấp của bệnh viêm phế quản mạn tính: liều 500mg, uống 1 lần/ngày, trong 7 ngày.

Điều trị viêm xoang cấp tính do vi khuẩn: liều 500mg, uống 1 lần/ngày, trong 10 - 14 ngày.

Đối với bệnh nhân suy thận

Người bệnh có nhiễm khuẩn đường tiết niệu có biến chứng, viêm thận - bể thận cấp:

  • Có độ thanh thải Creatinin > 20 ml/phút: Liều ban đầu là 250mg, liều duy trì 250mg mỗi 24 giờ.
  • Độ thanh thải Creatinin 10 - 19 ml/phút: Liều ban đầu là 250mg, liều duy trì 250mg mỗi 48 giờ.

Bệnh nhân suy thận có tham khảo các chỉ định khác như:

  • Độ thanh thải Creatinin 50 - 80ml/phút: Không cần hiệu chỉnh liều.
  • Độ thanh thải Creatinin 20 - 49ml/phút: Liều ban đầu là 500mg, liều duy trì 250mg mỗi 24 giờ.
  • Độ thanh thải Creatinin 10 - 19 ml/phút: Liều ban đầu là 500mg, liều duy trì 125mg mỗi 24 giờ.

Người bệnh suy thận thực hiện thẩm tách máu hoặc thẩm phân phúc mạc liên tục: Liều ban đầu 500mg, liều duy trì 125mg mỗi 24 giờ.

Cần lưu ý: Tất cả liều dùng thuốc LevoDHG 500 chỉ mang tính chất tham khảo. Liều dùng cụ thể đối với mỗi người bệnh sẽ phụ thuộc vào tình trạng bệnh, diễn tiến bệnh trong quá tình điều trị để bác sĩ điều trị điều chỉnh liều phù hợp nhất và mang lại hiệu quả điều trị cao.

Chú ý khi người bệnh dùng quá liều cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất và báo cho bác sĩ điều trị để được xử lý loại bỏ thuốc ra khỏi dạ dày và bù dịch, kết hợp theo dõi điện tâm đồ. Nếu người bệnh quên liều thì nên bổ sung ngay sau khi nhớ ra. Nếu thời gian đã gần liều tiếp theo thì có thể bỏ qua và người bệnh uống liều tiếp theo như chỉ định, không nên sử dụng bù gấp đôi liều LevoDHG 500 đã quy định.

4. Tác dụng phụ khi sử dụng LevoDHG 500

Thông thường, người bệnh có thể đối mặt với tác dụng phụ phổ biến như buồn nôn, tăng enzym gan, mất ngủ, đau đầu, kích ứng chỗ tiêm. Một số triệu chứng ít gặp hơn như hoa mắt, căng thẳng, kích động, lo lắng, đau bụng, khó tiêu, nôn, táo bón, tăng bilirubin máu, viêm âm đạo, nhiễm nấm candida ở nữ giới, hoặc ngứa phát ban.

Các tác dụng phụ khác hiếm gặp hơn như tăng, hạ huyết áp, loạn nhịp tim, đau cơ xương khớp, co giật, trầm cảm, rối loạn tâm thần, choáng phản vệ. Tuy hiếm gặp nhưng người bệnh sử dụng thuốc cũng nên chú ý để báo với bác sĩ kịp thời và được tư vấn xử trí phù hợp.

5. Chú ý gì khi sử dụng LevoDHG 500?

  • Thuốc Levodhg 500 đặc biệt chống chỉ định với phụ nữ có thai và bà mẹ đang cho con bú. Người bệnh cần ngưng thuốc nếu xuất hiện triệu chứng dị ứng với thuốc và cần được tư vấn xử trí kịp thời.
  • Người bệnh cần được chẩn đoán chính xác nguyên nhân tiêu chảy, vì thuốc LevoDHG 500 có thể gây viêm đại tràng màng giả do Clostridium difficile. Người bệnh có thể mẫn cảm với ánh sáng ở mức độ trung bình đến nặng trong thời gian sử dụng thuốc Levodhg 500 có chứa Levofloxacin.
  • Bác sĩ điều trị lưu ý không nên sử dụng thuốc LevoDHG 500 nếu bệnh nhân kéo dài khoảng QT, có tình trạng hạ kali máu, hoặc đang sử dụng các loại thuốc chống loạn nhịp nhóm IA (quinidin, procainamid...) hoặc nhóm III (amiodaron, sotalol...)
  • Người bệnh có nhịp tim chậm, thiếu máu cơ tim cấp, người bệnh viêm gân, bệnh về cơ xương khớp, người có bệnh lý thần kinh như động kinh, xơ cứng mạch máu não cũng cần thận trọng khi sử dụng thuốc LevoDHG.

6. Điều kiện bảo quản thuốc LevoDHG

Thuốc LevoDHG 500 cần được bảo quản trong bao kín, ở nơi khô thoáng, tránh ánh sáng trực tiếp, nhiệt độ tốt nhất để bảo quản thuốc là dưới 30 độ. Người bệnh để thuốc ngoài tầm tay của trẻ và đặc biệt không sử dụng thuốc quá hạn, biến dạng, đổi màu, có dấu hiệu ẩm mốc.

Thuốc LevoDHG 500 có thành phần chính gồm Levofloxacin 500mg, được sử dụng điều trị các bệnh lý viêm, nhiễm khuẩn. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh tác dụng phụ, người dùng cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe