Công dụng thuốc Latyz

Thuốc Latyz chứa hoạt chất Lamivudin được chỉ định trong điều trị viêm gan B mãn tính ở người bệnh có bằng chứng sao chép virus viêm gan B... Cùng tìm hiểu về công dụng và các lưu ý khi sử dụng thuốc Latyz qua bài viết dưới đây.

1. Công dụng của thuốc Latyz

“Thuốc Latyz chữa bệnh gì?”. Thuốc Latyz chứa hoạt chất Lamivudine được bào chế dưới dạng viên nén bao phim.

Lamivudine thuộc nhóm thuốc kháng virus hoạt tính cao trên virus viêm gan B ở các động vật thí nghiệm và dòng tế bào thử nghiệm. Sau khi sử dụng, Lamivudine bị chuyển hóa thành dẫn chất Triphosphat (TP) là dạng có hoạt tính. Lamivudine TP đóng vai trò là chất nền cho polymerase của virus HBV, làm cho quá trình hình thành tiếp theo của DNA virus không thể xảy ra do sự sát nhập của Lamivudine vào chuỗi và dẫn đến kết thúc chuỗi.

Thuốc Latyz được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Điều trị viêm gan B mãn tính ở người bệnh có bằng chứng cho thấy sao chép của virus;
  • Phối hợp với Zidovudin trong điều trị HIV ở trẻ em trên 3 tháng tuổi và người trưởng thành.

2. Liều dùng của thuốc Latyz

Liều dùng của thuốc Latyz được chỉ định bởi bác sĩ điều trị dựa vào bệnh lý và khả năng dung nạp của người bệnh. Một số khuyến cáo về liều dùng Latyz như sau:

  • Điều trị viêm gan B mãn tính: Người trưởng thành dùng liều 100mg/ngày, trẻ em từ 12 tuổi trở lên dùng liều 3mg/kg/ngày tối đa 100mg/ngày. Liều dùng ở người bệnh suy thận nên được hiệu chỉnh phụ thuộc vào độ thanh thải creatinin;
  • Phối hợp với Zidovudin trong điều trị HIV: Người trưởng thành dùng liều 150mg/lần x 2 lần/ngày kết hợp với Zidovudin dùng liều 600mg/ngày chia làm 2 – 3 lần uống. Trẻ em dùng liều 4mg/kg/lần x 2 lần/ngày tối đa 300mg/ngày, kết hợp với Zidovudin dùng liều 360 – 720mg/ngày chia làm nhiều lần uống. Liều thuốc ở người bệnh suy thận nên được hiệu chỉnh phụ thuộc vào độ thanh thải creatinin.
  • Người bệnh suy gan: Dược động học của Lamivudine không bị ảnh hưởng ở người bệnh suy gan, vì vậy không cần hiệu chỉnh liều thuốc ở những người bệnh này.

3. Tác dụng phụ của thuốc Latyz

Thuốc Latyz có thể gây ra một số tác dụng phụ như sau:

  • Thường gặp: Khó chịu, mệt mỏi, đau đầu, nhiễm trùng hô hấp, khó chịu và đau bụng, buồn nôn và nôn, tiêu chảy;
  • Hiếm gặp: Gan nhiễm mỡ, to gan, nhiễm acid lactic, viêm tụy, xuất hiện chủng virus đột biến kèm với giảm nhạy cảm đối với thuốc, giảm tính đáp ứng với điều trị.

Người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc Latyz và thông báo cho bác sĩ điều trị trong trường hợp gặp phải các tác dụng không mong muốn.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Latyz

Chống chỉ định sử dụng thuốc Latyz ở người bệnh mẫn cảm với Lamivudine hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Thận trọng khi sử dụng Latyz trong những trường hợp sau:

  • Thận trọng khi sử dụng Latyz ở người bệnh suy giảm chức năng thận. Việc sử dụng thuốc ở các đối tượng này cần được chỉ định bởi bác sĩ điều trị và người bệnh cần được theo dõi cẩn thận;
  • Ngưng sử dụng thuốc Latyz khi có các triệu chứng viêm tụy, người bệnh cần được theo dõi lâm sàng định kỳ và xét nghiệm chức năng gan;
  • Trường hợp ngưng sử dụng thuốc người bệnh cần theo dõi định kỳ nhằm phát hiện các bằng chứng nếu viêm gan tái phát. Trước khi điều trị viêm gan B bằng Latyz cần chắc chắn là người bệnh không nhiễm đồng thời HIV, bởi dùng Lamivudin liều thấp trong điều trị viêm gan B làm tăng nguy cơ xuất hiện các chủng HIV đề kháng Lamivudin;
  • Trước khi điều trị bằng Latyz, người bệnh cần được thông báo là Lamivudin không điều trị khỏi nhiễm virus HIV, người bệnh vẫn tiếp tục mang trong người virus HIV (kể cả nguy cơ nhiễm khuẩn cơ hội). Vì vậy, trong thời gian điều trị bằng thuốc Latyz, người bệnh cần được theo dõi và dùng thuốc liên tục và Latyz không làm giảm nguy cơ lây truyền HIV;
  • Đối với phụ nữ đang mang thai: Lamivudin không ngăn ngừa sự lây truyền của virus viêm gan B từ mẹ sang con. Vì vậy cần thận trọng khi sử dụng thuốc Latyz ở phụ nữ đang mang thai (cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ điều trị). Chỉ sử dụng Latyz kết hợp với Zidovudin ở phụ nữ có thai mắc viêm gan B trong 3 tháng cuối thai kỳ để giảm sự phát triển của HBV. Không sử dụng thuốc trong 3 tháng đầu và 3 tháng giữa thai kỳ vì nguy cơ gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi;
  • Đối với phụ nữ đang cho con bú: Lamivudin bài tiết được vào sữa mẹ, vì vậy người mẹ nhiễm HIV đang điều trị bằng thuốc Latyz không nuôi con bằng sữa mẹ.

5. Tương tác thuốc

  • Thuốc Latyz cho tác dụng hiệp đồng với thuốc chống hòa màng và chống xâm nhập vào tế bào của virus HIV (Maravioc, Enfuvirtit).
  • Thuốc ức chế protease HIV (Fosamprenavir, Amprenavir, Ritonavir, Nelfinavir, Tipranavir) cho tác dụng hiệp đồng với Lamivudin, cụ thể như sau: Nồng độ đỉnh trong huyết tương của Lamivudin tăng lên khi sử dụng cùng với Nelfinavir; Không có tương tác về dược động học khi sửu dụng Lamivudin cùng với Ritonavir, Lopinavir...
  • Lamivudin và thuốc ức chế phiên mã ngược không phải nucleosid (Enfavirens, Delavirdin, Nevirapin) tác dụng hiệp đồng lên HIV – 1.
  • Nồng độ trong huyết tương của Zidovudin tăng lên 13% khi sử dụng cùng với Lamivudin.
  • Nồng độ trong huyết tương của Lamivudin bị giảm 24% khi sử dụng cùng với Tenofovir.
  • Sử dụng đồng thời thuốc Latyz và Interferon alpha làm tăng độc tính trên gan và có thể gây suy gan tử vong.
  • Diện tích dưới đường cong (AUC) của Lamivudin tăng lên 43% khi sử dụng đồng thời với Trimethoprim/Sulphamethoxazol, tuy nhiên không cần hiệu chỉnh liều thuốc.

Thuốc Latyz chứa hoạt chất Lamivudin được chỉ định trong điều trị viêm gan B mãn tính ở người bệnh có bằng chứng sao chép virus viêm gan B. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe