Kontaxim Inj là thuốc dạng bột pha tiêm, thuộc nhóm thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng virus, kháng nấm. Thuốc Kontaxim Inj thường được chỉ định trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn da và mô mềm, xương khớp hoặc máu.
1. Kontaxim Inj là thuốc gì?
Kontaxim Inj có thành phần chính là Cefotaxime 1g (dưới dạng Cefotaxim natri), được sử dụng phổ biến trong việc điều trị các bệnh như:
- Điều trị bệnh nhiễm khuẩn nặng và nguy kịch nguyên nhân do vi khuẩn nhạy cảm với cefotaxim như: nhiễm khuẩn huyết, áp xe não, viêm màng não (trừ viêm màng não do Listeria monocytogenes) viêm màng trong tim, viêm phổi.
- Điều trị bệnh lậu, bệnh thương hàn.
- Nhiễm khuẩn nặng trong ổ bụng khi sử dụng kết hợp với metronidazol và dự phòng nhiễm khuẩn sau mổ tuyến tiền liệt kể cả mổ nội soi, mồ lấy thai.
2. Liều lượng và cách dùng thuốc Kontaxim Inj
2.1. Cách dùng thuốc Kontaxim Inj
Thuốc kontaxim Inj dùng theo đường tiêm bắp hoặc tiêm, truyền đường tĩnh mạch chậm. Cụ thể tiêm tĩnh mạch từ 3 đến 5 phút và dùng truyền tĩnh mạch từ 20 đến 60 phút.
Cách pha dung dịch:
- Sử dụng để tiêm tĩnh mạch: Hòa tan 1 g thuốc trong 10 ml nước cất pha tiêm, tiêm tĩnh mạch từ 3 đến 5 phút.
- Sử dụng để tiêm truyền tĩnh mạch liên tục: Khi cần dùng với liều cao, hòa tan 2g thuốc trong 100 ml với một trong các dung dịch như natri clorid 0,9%, ringer lactat glucose 5%, dextrose 5% và thời gian tiêm truyền tĩnh mạch từ 50 đến 60 phút.
- Tiêm truyền tĩnh mạch nhanh: Pha trong 40ml dịch tiêm truyền như glucose 5%, natri clorid 0,9%, dextrose 5%, ringer lactat và truyền trong khoảng 20 phút. Lưu ý, người bệnh không sử dụng dung dịch natri bicarbonat để pha dung dịch tiêm cefotaxim natri.
- Tiêm bắp: Hòa tan 1 g với 4 ml nước cất pha tiêm. Trường hợp tiêm bắp nhiều lần trên cùng một vị trí thì người bệnh không nên tiêm quá 4ml đối với người lớn và 2ml đối với trẻ em.
Lưu ý:
- Cefotaxim nên dùng tiêm tĩnh mạch nếu liều dùng lớn hơn 2g/ngày đối với người lớn và 100mg/kg đối với trẻ em. Để giảm tình trạng đau cơ, người bệnh có thể pha dung dịch tiêm bắp cho người lớn và trẻ em trên 12 tuổi với dung dịch lidocain 1% (1g - 4ml).
- Dung dịch thuốc chứa lidocain không được dùng tiêm tĩnh mạch.
2.2. Liều lượng thuốc Kontaxim Inj
- Liều thường dùng từ 2 - 6g chia làm 2 hoặc 3 lần/ngày. Với người bệnh bị nhiễm khuẩn nặng thì liều lượng dùng có thể tăng lên 12g mỗi ngày, dùng tiêm truyền tĩnh mạch chia làm 3-6 lần.
- Liều thường dùng với người bệnh bị nhiễm khuẩn mủ xanh là trên 6g/ngày.
- Liều thường dùng với trẻ em: Mỗi ngày dùng 100 - 150mg/kg, với trẻ sơ sinh là 50mg/kg, ngày dùng từ 2 - 4 lần.
- Liều dùng cho bệnh nhân suy thận: Cần phải giảm liều cefotaxim ở người bệnh bị suy thận nặng khi độ thanh thải creatinin dưới 10ml/phút. Lưu ý: Liều lượng thuốc trong thời gian đầu có thể giữ nguyên nhưng các liều tiếp sau đó cần giảm đi một nửa - liều dùng tối đa cho một ngày là 2g.
- Liều lượng dùng trong điều trị bệnh lậu: Dùng liều duy nhất 1g.
- Đề phòng nhiễm khuẩn sau mổ: Sử dụng liều tiêm 1g trước khi làm phẫu thuật từ 30 đến 90 phút. Người bệnh mổ đẻ nên tiêm 1g vào tĩnh mạch ngay sau khi kẹp cuống rau, sau 6 và 12 giờ thì tiêm thêm hai liều nữa vào bắp hoặc tĩnh mạch.
Thời gian điều trị: Thời gian sử dụng thuốc dài hay ngắn sẽ phụ thuộc vào mức độ tiến triển của bệnh, trung bình thời gian sử dụng thuốc từ 3 đến 4 ngày. Cụ thể như khi điều trị bệnh nhiễm khuẩn do các liên cầu khuẩn tan máu beta nhóm A thì thời gian điều trị là 10 ngày. Nhiễm khuẩn trong thời gian dài và không dứt điểm phải điều trị trong thời gian dài hơn.
3. Lưu ý khi sử dụng thuốc Kontaxim Inj
- Sau khi pha thuốc nên dùng ngay, không để chuyển màu vì mất công dụng của thuốc.
- Người bệnh nên thử nghiệm thuốc trên da trước để dự đoán khả năng mẫn cảm với thuốc trước khi tiêm cefotaxim.
- Người bệnh nên làm xét nghiệm độ nhạy cảm vi khuẩn với thuốc để tránh trường hợp kháng thuốc và có thể rút ngắn thời gian điều trị.
- Khi dùng thuốc tiêm tĩnh mạch, có thể xảy ra phản ứng huyết khối tĩnh mạch hoặc là co thắt mạch. Do đó người bệnh cần phải thường xuyên theo dõi sức khỏe khi tiêm thuốc.
- Khi sử dụng thuốc tiêm bắp, nếu không pha thêm chất lidocain có thể thuốc sẽ gây ra phản ứng sưng đau tại chỗ tiêm
- Trường hợp người bệnh bị sốc thuốc thì nên điều trị cấp cứu ngay. Đặt bệnh nhân nằm nghiêm để thông khí thở và sử dụng corticoid liều cao, điều trị tổng quát. Sau đó vẫn cần tiếp tục theo dõi sức khỏe.
4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Kontaxim Inj
- Trước khi sử dụng thuốc Kontaxim Inj, người bệnh cần được kiểm tra kỹ về tiền sử dị ứng với các loại thuốc như Cephalosporin, Penicillin hoặc với các loại thuốc khác.
- Đã có dị ứng chéo giữa Penicilin với Cephalosporin. Cẩn trọng với những bệnh nhân sử dụng Cefotaxim khi bị dị ứng với Penicilin.
- Nếu dùng thuốc đồng thời với các thuốc gây độc cho thận như Aminoglycosid thì phải theo dõi chức năng thận thường xuyên.
- Cefotaxim có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm, gây dương tính giả với test Coombs với các xét nghiệm về đường niệu và các chất khử mà không dùng phương pháp enzym.
- Thận trọng sử dụng Cefotaxim đối với các bệnh nhân có tiền sử về bệnh tiêu hóa, đặc biệt là viêm ruột kết.
- Khi sử dụng thuốc kháng sinh thường bệnh nhân sẽ gặp phản ứng tiêu chảy, tuy nhiên phản ứng này sẽ kết thúc khi ngưng sử dụng thuốc. Tuy nhiên, nếu trình trạng tiêu chảy kéo dài đi kèm đó là phân chảy nước và có kèm theo máu xảy ra trong 2 tháng hoặc là lâu hơn tính từ liều cuối cùng thì người bệnh nên báo với bác sĩ để có biện pháp điều trị.
- Nghiên cứu lâm sàng đã có báo cáo đưa ra khoảng 1% số bệnh nhân sử dụng cefotaxim sẽ có tình trạng bị giảm bạch cầu/ bạch cầu hạt hoặc tiểu cầu. Vì vậy cần theo dõi số lượng các tế bào máu ở các bệnh nhân trong quá trình điều trị kéo dài hơn 10 ngày.
- Cefotaxim gây tác dụng phụ là đau đầu, kích động, lú lẫn và gây cơn động kinh ở khoảng 1% số bệnh nhân dùng thuốc. Đặc biệt, loạn nhịp tim có khả năng đe dọa tính mạng cũng được báo cáo ở một số bệnh nhân sử dụng cefotaxim tiêm bolus nhanh (< 1 phút) qua ống thông tĩnh mạch trung ương.
5. Tác dụng phụ của thuốc Kontaxim Inj
- Tác dụng phụ thường gặp: Gây tiêu chảy, viêm tắc tĩnh mạch tại chỗ tiêm, đau và có phản ứng viêm ở chỗ tiêm bắp
- Tác dụng phụ ít gặp: Làm giảm bạch cầu ưa eosin hoặc giảm bạch cầu, ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm Coombs, thay đổi vi khuẩn ở ruột, gặp phản ứng bội nhiễm do các vi khuẩn kháng thuốc như Enterobacter hay Pseudomonas aeruginosa.
- Tác dụng phụ hiếm gặp: Sốc phản vệ, các phản ứng quá mẫn cảm, làm giảm tiểu cầu/ bạch cầu hạt, thiếu máu tan máu, gây viêm đại tràng có màng giả do Clostridium difficile, tăng bilirubin và các enzym của gan trong huyết tương.
Cách xử lý:
- Khi gặp các phản ứng trên người bệnh cần ngừng sử dụng thuốc Kontaxim Inj và hỏi ý kiến bác sĩ.
- Đề phòng ngừa viêm tĩnh mạch do tiêm thuộc: Có thể tiêm hoặc truyền tĩnh mạch chậm.
- Để giảm đau do tiêm bắp: Nên pha thêm thuốc tê Lidocain và Cefotaxim ngay trước khi tiêm
6. Tương tác thuốc
- Có thể làm tăng nguy cơ bị tổn thương thận do dùng phối hợp kháng sinh thuộc nhóm Cephalosporin với Colistin nhóm Polymyxin.
- Cefotaxim kết hợp với Penicilin: Nếu dùng đồng thời Azlocillin với những trường hợp người bệnh bị suy thận có thể gây bệnh não và cơn động kinh cục bộ.
- Cefotaxim và các ureido - Penicilin như Azlocillin hay Mezlocillin: Sử dụng các thuốc này cùng với nhau sẽ làm giảm độ thanh thải Cefotaxim ở người bệnh bị suy chức năng thận và người có chức năng thận bình thường. Do đó cần phải giảm liều Cefotaxim nếu dùng phối hợp các thuốc trên với nhau.
- Dùng đồng thời Probenecid với thuốc Cefotaxim dẫn đến nồng độ thuốc trong huyết thanh cao và kéo dài.
- Sử dụng đồng thời aminoglycosid và cefotaxim làm tăng nguy cơ độc cho thận nên người bệnh cần thận trọng khi điều trị.
- Sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai: Tính an toàn đối với người mang thai chưa được xác định. Thuốc có khả năng thẩm thấu qua nhau thai trong 3 tháng giữa thai kỳ. Thời gian thải trừ của Cefotaxim trong huyết thanh thai nhi và nước ối là 2,3 - 2,6 giờ. Vậy nên nó có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Do đó mà khi dùng thuốc cho phụ nữ mang thai cần cân nhắc kỹ lưỡng.
- Sử dụng thuốc với phụ nữ cho con bú: Nghiên cứu chứng minh, Cefotaxim có bài tiết thông qua sữa mẹ với nồng độ thấp nhưng thuốc vẫn có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn cho bé như làm thay đổi vi khuẩn trong đường ruột, ảnh hưởng đến kết quả nuôi cấy vi khuẩn khi trẻ bị sốt.
Trên đây là thông tin về thuốc Kontaxim Inj, liều dùng và lưu ý khi sử dụng. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và phát huy tối đa hiệu quả điều trị, bạn cần dùng thuốc Kontaxim Inj theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.