Với thành phần chính là Cefixime, một loại kháng sinh Cephalosporin thế hệ III, thuốc Kivacef thường được chỉ định dùng cho các trường hợp nhiễm khuẩn như: Viêm amidan, nhiễm trùng tiết niệu, sinh dục, trên da và mô mềm, thương hàn và dự phòng nhiễm trùng hậu phẫu thuật...
1. Thuốc Kivacef có tác dụng gì?
Thuốc Kivacef có thành phần chính là Cefixime trihydrate 200mg. Thuốc thường được chỉ định dùng để điều trị các nhiễm khuẩn từ nhẹ đến vừa như:
- Nhiễm trùng ở tai - mũi - họng (viêm tai giữa, viêm họng, viêm amidan, viêm xoang,...);
- Viêm phế quản, giãn phế quản nhiễm trùng;
- Viêm phổi cấp & mãn tính;
- Nhiễm trùng tiết niệu sinh dục, bệnh lậu;
- Nhiễm trùng da và mô mềm;
- Viêm đường mật, viêm túi mật, viêm thận bể thận, viêm bàng quang, viêm niệu đạo do lậu;
- Dự phòng nhiễm trùng phẫu thuật;
- Điều trị thương hàn;
- Sốt hồng ban.
2. Hướng dẫn cách dùng thuốc Kivacef
Thuốc Kivacef được bào chế dưới dạng viên nang, nên được dùng kèm với thức ăn hoặc sữa để tránh đau bụng. Người dùng nên dùng kháng sinh Kivacef dưới chỉ dẫn chặt chẽ của bác sĩ. Các thông tin về liều dùng dưới đây chỉ mang tính chất gợi ý, tham khảo:
- Liều dùng cho người lớn và trẻ em >12 tuổi: Uống 50 - 100mg x 2 lần/ ngày. Có thể tăng liều đến 200mg x 2 lần/ ngày;
- Liều dùng cho trẻ em (từ 6 tháng đến 12 tuổi): Uống 8mg/ kg/ ngày, có thể dùng 1 lần trong ngày hoặc chia làm 2 lần dùng.
- Điều trị nhiễm khuẩn đường tiểu do bệnh lậu: Uống liều duy nhất 400mg;
Lưu ý:
- Các lần uống cách nhau 12 giờ;
- Tuỳ thuộc loại nhiễm khuẩn, thời gian điều trị nên kéo dài thêm 48 - 72 giờ sau khi đã hết các triệu chứng nhiễm khuẩn;
- Cân nhắc giảm liều Kivacef đối với bệnh nhân suy thận có độ thanh thải Cr < 60ml/ phút.
3. Tác dụng phụ của thuốc Kivacef
Ngoài công dụng điều trị nhiễm khuẩn hiệu quả, trong quá trình sử dụng thuốc Kivacef người dùng vẫn có thể gặp phải một số tác dụng ngoài ý muốn như sau:
- Rối loạn tiêu hóa;
- Nổi mẩn, mề đay, ngứa ngáy;
- Sốt, đau khớp;
- Giảm bạch cầu, tiểu cầu, tăng bạch cầu ái toan;
- Thay đổi chức năng gan, thận;
- Đau dạ dày, tiêu chảy;
- Khó thở, khó nuốt, thở khò khè;
- Nhiễm trùng âm đạo.
Nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nghiêm trọng hoặc bất thường nào trong thời gian điều trị nhiễm trùng bằng Kivacef, bệnh nhân nên nhanh chóng thông báo cho bác sĩ để được trợ giúp kịp thời.
4. Lưu ý khi dùng thuốc Kivacef
Chống chỉ định dùng thuốc Kivacef cho những trường hợp sau:
- Người quá mẫn với bất cứ thành phần nào của thuốc (đặc biệt là Cefixime);
- Người mẫn cảm với các thuốc kháng sinh nhóm Cephalosporin;
- Người có tiền sử sốc phản vệ do dùng Penicillin;
- Phụ nữ có thai & đang cho con bú;
- Trẻ em dưới 6 tháng tuổi.
Ngoài ra cần đặc biệt thận trọng khi dùng thuốc Kivacef cho các đối tượng:
- Bệnh nhân suy thận;
- Người có tiền sử mẫn cảm với Penicillin;
- Bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh dạ dày, ruột, bệnh đại tràng;
- Bệnh nhân bị rối loạn chức năng thận nghiêm trọng;
- Bệnh nhân với tiền sử cá nhân hoặc gia đình có các phản ứng như: Hen phế quản, phát ban, mề đay;
- Người ăn uống kém, bệnh nhân đang nuôi ăn đường tĩnh mạch, người lớn tuổi hoặc những bệnh nhân kiệt sức (đặc biệt chú ý đến nhóm bệnh nhân này vì tình trạng biến chứng do thiếu vitamin K có thể xảy ra).
5. Tương tác của thuốc Kivacef
Trong quá trình điều trị, thuốc Kivacef có thể xảy ra hiện tượng cạnh tranh hoặc tương tác khi dùng đồng thời với thức ăn hoặc các loại thuốc, thực phẩm chức năng khác. Ví dụ như:
- Carbamazepine: Cefixime làm tăng nồng độ của thuốc Carbamazepine khi dùng đồng thời;
- Warfarin và các thuốc chống đông máu khác: Dùng đồng thời có thể tăng thời gian prothrombin, tăng nguy cơ chảy máu;
- Thành phần Cefixime trong thuốc Kivacef cho phản ứng dương tính giả trong xét nghiệm ketones nước tiểu.
Ngoài ra để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, trước khi bắt đầu điều trị nhiễm trùng bằng Cefixim cần điều tra kỹ tiền sử dị ứng của người bệnh đối với Penicilin và các kháng sinh nhóm Cephalosporin khác do dễ có phản ứng chéo giữa các kháng sinh nhóm beta - lactam, bao gồm: Penicillin, Cephalosporin và Cephamycin.