Kaldyum là thuốc được dùng trong phòng ngừa giảm nồng độ kali huyết nguyên nhân do người bệnh bị tiêu chảy, tăng năng tuyến thượng thận hoặc mất kali qua thận. Bên cạnh các công dụng hiệu quả, thuốc cũng gây ra các phản ứng phụ mà người bệnh cần lưu ý.
1. Thuốc kaldyum có tác dụng gì?
Kaldyum có thành phần chính là kali chloride, thuộc nhóm khoáng chất và Vitamin, được bác sĩ chỉ định sử dụng trong trường hợp sau:
- Thuốc được sử dụng đối với người bệnh bị thiếu hụt kali hay hạ kali máu đặc biệt với những người đang dùng thuốc lợi niệu, các thuốc dẫn xuất cortison hoặc thuốc nhuận tràng.
- Thuốc Kaldyum được dùng để phòng ngừa thiếu kali nguyên nhân do người bệnh gặp tình trạng nôn, tiêu chảy, tăng năng tuyến thượng thận và mất kali qua thận.
2. Liều lượng và cách dùng
Cách dùng: Kaldyum được sản xuất dưới dạng viên nang và sử dụng qua đường uống. Để Kaldyum có thể phát huy tối đa hiệu quả thì người bệnh nên uống thuốc với nhiều nước, không nên bẻ hay nghiền nát thuốc. Có thể dùng Kaldyum trong hay sau bữa ăn do thức ăn không làm giảm sự hấp thu của thuốc.
Liều lượng: Liều lượng thuốc Kaldyum không cố định mà bác sĩ sẽ chỉ định theo mức độ cần thiết và tình trạng cơ thể người bệnh. Liều phổ biến thông thường ở người lớn là dùng 2-3 viên nang (16-24 mmol K+) 1 ngày trong phòng ngừa hạ kali và từ 5-12 viên nang (40-96 mmol K+) để điều trị hạ kali-huyết.
Nếu liều trong ngày dùng nhiều hơn 2 viên nang thì nên chia làm 2 hay nhiều uống trong ngày.
Lưu ý: Kali clorid cũng có thể sử dụng ở những người bị bệnh xơ gan có chức năng thận bình thường.
Quá liều và cách xử lý:
- Trong trường hợp quá liều Kaldyum thì bệnh nhân thường sẽ gặp một số phản ứng như: Dị cảm, loạn nhịp thất, yếu cơ, choáng váng, hạ huyết áp, rung thất, ngưng tim và rối loạn dẫn truyền xung động.
- Biện pháp xử lý: Để xử lý tình trạng quá liều thuốc Kaldyum thì thường bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân rửa dạ dày nếu dùng quá liều thuốc ở mức độ nghiêm trọng, cần phải thẩm phân phúc mạc hay thẩm phân máu, truyền dung dịch muối, glucose và insulin hoặc gây tiểu nhiều để đẩy độc tố của thuốc ra khỏi cơ thể.
Chống chỉ định:
Kaldyum không dùng cho người bệnh trong các trường hợp sau:
- Người bệnh bị tăng kali-huyết;
- Người bị suy thận cấp ở giai đoạn thiểu niệu, vô niệu và urê-huyết;
- Người bệnh đang mắc bệnh suy thận mãn ở giai đoạn giữ urê-huyết;
- Bệnh Addison không được điều trị;
- Bệnh nhân bị mất nước cấp và gặp vấn đề về chức năng tiêu hóa;
- Người bệnh gặp vấn đề về dạ dày như chậm tiêu, thực quản bị chèn ép, tắc ruột, hẹp môn vị, vì điều này sẽ cản trở kali clorid đi qua dạ dày - ruột và có khả năng gây kích ứng dạ dày ruột nặng hơn.
3. Tác dụng phụ
Phản ứng phụ thường gặp của thuốc Kaldyum bao gồm: Tiêu chảy, chướng bụng, nôn, buồn nôn, đau dạ dày, khó chịu, tăng kali máu, loạn nhịp tim, nhịp tim chậm, mất cảm giác hoặc tê ở bàn tay và bàn chân, chi dưới yếu hoặc có cảm giác nặng, khó thở và thở nông.
Phản ứng hiếm gặp của thuốc Kaldyum bao gồm: Buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy. Một số ít trường hợp có thể gặp các vấn đề liên quan đến hệ tiêu hóa như bị xuất huyết, loét, nghiêm trọng hơn có thể bị thủng hay tắc nghẽn.
Nếu gặp phải các triệu chứng này, người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc Kaldyum và thông báo cho bác sĩ để có hướng xử trí phù hợp.
4. Thận trọng
Trong quá trình sử dụng thuốc Kaldyum, người bệnh nên kiểm tra nồng độ kali trong huyết thanh thường xuyên và đo điện tâm đồ, đặc biệt là khi có tiền sử bệnh tim mạch và thận.
Với phụ nữ có thai và cho con bú: Hiện nay chưa chứng minh được Kaldyum có an toàn cho các trường hợp này không. Vậy nên trước khi dùng thuốc Kaldyum, người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ và cần nhắc kỹ lợi hại khi dùng Kaldyum trong lúc mang thai.
Thận trọng sử dụng Kaldyum ở người bệnh có tiền sử bị viêm loét dạ dày-ruột.
Với người bệnh đang dùng thuốc digitalis cũng cần theo dõi sức khỏe khi ngừng sử dụng thuốc Kaldyum vì khi cơ thể bị giảm kali-huyết đột ngột nó sẽ gây phản ứng phụ làm tăng độc tính của digitalis.
5. Tương tác thuốc
Thận trọng khi dùng thuốc Kaldyum phối hợp với các loại thuốc sau đây:
- Dùng cùng các thuốc ức chế ACE như captopril, enalapril có thể làm tăng nồng độ kali, do đó cần phải theo dõi thường xuyên nồng độ kali trong huyết thanh.
- Khi dùng cùng lúc Kaldyum với các thuốc lợi tiểu ít thải kali như amiloride có thể gây phản ứng tăng kali-huyết nặng
- Khi dùng Heparin cùng với các thuốc có tác dụng làm tăng kali huyết sẽ làm tăng nồng độ kali trong huyết thanh cao hơn mức bình thường.
- Dùng chung với các thuốc chẹn beta sẽ làm kali trong tế bào bị giảm đi nhưng nồng độ kali huyết lại bị tăng cao hơn gây nguy hiểm cho người sử dụng.
- Dùng đồng thời với các thuốc có gây độc cho thận cụ thể là cisplatin, aminoglycosid sẽ làm tăng nồng độ kali trong huyết thanh.
- Khi kết hợp Kaldyum và Cyclosporin nhau với liều cao có gây độc cho thận. Phản ứng này không xảy ra ngay lập tức mà sẽ biểu hiện sau thời gian dùng thuốc từ một đến vài tháng sau đó.
- Dùng kết hợp với các thuốc nhóm lợi tiểu thiazid như hydrochlorothiazid, thuốc lợi tiểu vòng như furosemide, các thuốc kháng axit, amphotericin B,corticosteroid, insulin có thể làm giảm nồng độ kali trong huyết thanh.
- Dùng phối hợp với các thuốc chống tiết cholin hay thuốc kháng viêm không steroid có thể gây tăng tác dụng phụ ảnh hưởng đến tiêu hóa.
Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Kaldyum, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Vì Kaldyum là thuốc kê đơn nên người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua thuốc điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.