Thuốc Itraconazole Capsule chứa hoạt chất Itraconazole được chỉ định trong điều trị các bệnh lý gây ra bởi vi nấm như nấm móng, nấm phụ khoa, nấm nội tạng... Cùng tìm hiểu về công dụng và các lưu ý khi sử dụng thuốc Itraconazole Capsule qua bài viết dưới đây.
1. Công dụng của thuốc Itracole Capsule
“Itracole Capsule là thuốc gì?”. Thuốc Itraconazole capsule chứa hoạt chất Itraconazole 100mg được bào chế dưới dạng viên nén bao phim.
Itraconazole thuộc nhóm thuốc kháng nấm tác dụng theo cơ chế ức chế sinh tổng hợp Ergosterol, làm rối loạn chức năng màng tế bào nấm và ảnh hưởng đến sự phát triển của tế bào nấm. Phổ tác dụng của Itraconazole bao gồm trên các loại vi nấm sau: Histoplasma, Coccidioides, Cryptococcus, Candida, Sporotrichosis spp, Blastomyces và Sporotrichosis spp...
Thuốc Itraconazole Capsule được chỉ định trong những trường hợp sau:
- Nhiễm nấm Candida ở âm đạo, âm hộ;
- Nhiễm nấm tại niêm mạc, nhãn khoa: lang ben, nấm ngoài da, viêm giác mạc do nấm, nhiễm nấm
- Candida tại miệng...
- Nấm men, nấm móng do Dermatophyte;
- Điều trị nấm nội tạng do Aspergillus và Candida, Cryptococcus (kể cả viêm màng não vi nấm này), Sporothrix, nấm Histoplasma, Blastomyces, Paracoccidioides.
2. Liều dùng của thuốc Itraconazole Capsule
Liều dùng của thuốc Itraconazole Capsule được chỉ định bởi bác sĩ điều trị dựa vào tình trạng bệnh và khả năng dung nạp của người bệnh. Một số khuyến cáo về liều dùng thuốc Itraconazole như sau:
- Điều trị nấm Candida tại âm đạo, âm hộ: Uống 1 viên (100mg)/lần x 2 lần/ngày, thời gian dùng thuốc là 3 ngày.
- Điều trị lang ben: Uống 2 viên/lần/ngày trong 7 ngày.
- Điều trị nấm ngoài da: Uống 2 viên/lần/ngày trong 7 ngày hoặc uống 1 viên/lần x 2 lần/ngày trong 15 ngày. Trường hợp vùng da điều trị có độ sừng hóa cao như nhiễm nấm ở lòng bàn chân, lòng bàn tay có thể xem xét uống 2 viên/lần x 2 lần/ngày trong 7 ngày hoặc 1 viên/lần/ngày trong 30 ngày.
- Điều trị nhiễm Candida tại họng – miệng: Uống 1 viên/lần/ngày trong 15 ngày. Đối với người bệnh bị suy giảm miễn dịch, cấy ghép cơ quan hoặc người bị bệnh AIDS có thể xem xét dùng liều 2 viên/lần/ngày trong 15 ngày.
- Điều trị nấm móng: Chia làm 2 – 3 đợt điều trị, mỗi đợt điều trị kéo dài 7 ngày. Liều thuốc uống mỗi ngày là 4 viên chia làm 2 lần uống. Mỗi đợt điều trị cách nhau 3 tuần không dùng thuốc.
- Điều trị nấm nội tạng: Liều dùng và thời gian dùng thuốc phụ thuộc vào loại vi nấm như sau:
- Nhiễm nấm Aspergillus: Uống 2 viên/lần/ngày trong 2 – 5 tháng, trường hợp bệnh lan tỏa có thể tăng liều thuốc lên 2 viên/lần x 2 lần/ngày;
- Nhiễm Candida: Uống 1 – 2 viên/ngày trong 3 tuần đến 7 tháng;
- Nhiễm Cryptococcus ngoài màng não: Uống 2 viên/lần/ngày trong 2 tháng đến 1 năm;
- Viêm màng não gây ra bởi Cryptococcus: Liều tấn công dùng 2 viên/lần x 2 lần/ngày. Liều thuốc duy trì dùng 2 viên/lần/ngày;
- Nhiễm Histoplasma: Uống 2 viên/lần x 1 – 2 lần/ngày, thời gian điều trị trung bình khoảng 8 tháng;
- Nhiễm nấm Sporothrix schenckii: Uống 1 viên/lần x 1 lần/ngày trong 3 tháng;
- Nhiễm nấm Paracoccidioides brasiliensis: Uống 1 viên/lần/ngày trong 6 tháng;
- Nhiễm nấm Chromomycosis (Fonsecaea, Cladosporium): Uống 1 – 2 viên/lần x 1 lần/ngày trong 6 tháng;
- Nhiễm nấm Blastomyces dermatitidis: Uống 1 viên/lần/ngày trong 6 tháng.
Lưu ý liều dùng ở trên chỉ mang tính chất tham khảo, người bệnh cần sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ điều trị.
3. Tác dụng phụ của thuốc Itraconazole capsule
Thuốc Itraconazole Capsule có thể gây ra một số tác dụng phụ như sau:
- Thường gặp: Chóng mặt, đau đầu, nôn, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa;
- Ít gặp: Nổi mẩn, dị ứng, ngứa, rối loạn kinh nguyệt, phù mạch, viêm gan, giảm Kali huyết;
Người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc và thông báo cho bác sĩ nếu gặp phải các tác dụng không mong muốn khi điều trị bằng thuốc Itraconazole Capsule.
4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Itraconazole Capsule
4.1. Chống chỉ định
Chống chỉ định sử dụng thuốc Itraconazole Capsule trong những trường hợp sau đây:
- Người bệnh mẫn cảm với Itraconazole và bất kỳ thành phần nào của thuốc;
- Phụ nữ đang mang thai hoặc có ý định mang thai;
- Người bệnh bị suy giảm acid dịch vị;
- Người bệnh rối loạn chức năng tim hoặc bị suy tim.
4.2. Thận trọng khi sử dụng thuốc
Điều trị ngắn ngày bằng Itrazonazole không ảnh hưởng đến chức năng gan, tuy nhiên khuyến cáo không sử dụng thuốc ở người bệnh suy gan. Người bệnh cần được kiểm tra chức năng gan định kỳ trong trường hợp điều trị lâu dài bằng thuốc.
Hiện chưa có nghiên cứu lâm sàng về hiệu quả và an toàn khi sử dụng Itraconazole ở trẻ em. Vì vậy khuyến cáo không sử dụng thuốc trong điều trị ở trẻ em.
5. Tương tác thuốc
- Chống chỉ định sử dụng đồng thời Itraconazole với các thuốc bị chuyển hóa bởi enzyme CYP3A4 bởi nguy cơ kéo dài khoảng QT như sau: Cisapride, Astemizole, Levacetylmethadol (Levomethadyl), Dofetilide, Mizolastine, Sertindole, Pimozide, Quinidine, Terfenadine.
- Nguy cơ gặp tác dụng phụ tăng lên khi sử dụng đồng thời Itraconazole với thuốc ức chế HMG-CoA reductase chuyển hóa bởi enzyme CYP3A4 như Simvastatin và Lovastatin.
- Không sử dụng Itraconazole cùng với Midazolame, Triazolame đường uống, thuốc ức chế Ergot Alkaloid như Ergometrine (Ergonovine), Dihydroergotamine, Methylergometrine (Methylergonovine) và Ergotamine.
Tương tác thuốc xảy ra làm giảm tác dụng điều trị của Itraconazole Capsule, tăng nguy cơ gặp phải tác dụng không mong muốn. Vì vậy người bệnh cần thông báo cho bác sĩ điều trị các loại thuốc, thực
phẩm bổ sung đang sử dụng trước khi điều trị bằng thuốc Itraconazole Capsule.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.