Hylaform là loại thuốc nhỏ mắt có mặt tại nhiều nhà thuốc trên toàn quốc. Nhiều bệnh nhân thắc mắc về công dụng và những tác dụng phụ của Hylaform. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho quý đọc giả những thông tin tổng quát về loại thuốc nhỏ mắt này.
1. Công dụng thuốc Hylaform
Thành phần chính của thuốc Hylaform là natri hyaluronate với hàm lượng là 1mg/1ml dung dịch thuốc. Các tá dược trong công thức bao gồm benzalkonium clorid, dinatri edetat, dinatri hydrophosphat, mononatri dihydrophosphat, natri clorid và nước cất pha tiêm. Thuốc thường được đóng gói dưới dạng ống 5ml hay 10ml.
Cơ chế tác dụng của thuốc là do hoạt chất của thuốc có cấu trúc giống với natri hyaluronate tự nhiên và trọng lượng phân tử trên 4000 KDa nên thuốc có tính tương hợp sinh học, độ đàn hồi và độ nhớt cao. Hoạt chất của natri hyaluronate được tạo ra từ quá trình ủ vi sinh hiện đại nên chế phẩm chứa hàm lượng protein thấp và hoàn toàn không chứa các chất gây viêm. Nhờ có độ đàn hồi và độ nhớt cao, thuốc hiệu quả trong việc duy trì và bảo vệ tế bào biểu mô giác mạc. Các nghiên cứu tiền lâm sàng cho thấy natri hyaluronate có thể hình thành một hợp chất sinh học có tác dụng đẩy nhanh sự làm lành vết thương của các tế bào biểu mô giác mạc và có đặc tính giữ nước tốt.
Hylaform công dụng điều trị triệu chứng khô mắt, điều trị rối loạn biểu mô giác mạc do các nguyên nhân như hội chứng Stevens-Johnson, hội chứng Sjogren, sau phẫu thuật mắt, do dùng thuốc thuốc, chấn thương mắt hay do mang kính áp tròng.
2. Liều dùng thuốc Hylaform
Liều thường dùng của thuốc Hylaform là nhỏ mắt 1 giọt mỗi lần, 5 - 6 lần mỗi ngày. Liều lượng thuốc có thể thay đổi tùy theo triệu chứng của từng bệnh nhân. Bệnh nhân nên tuân theo liều lượng được bác sĩ chỉ định.
3. Chống chỉ định thuốc Hylaform
Không dùng thuốc Hylaform cho bệnh nhân dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc.
4. Tác dụng không mong muốn (Tác dụng phụ)
Hylaform có thể gây ra một số tác dụng phụ trên mắt bao gồm: Ngứa mắt, kích ứng mắt, viêm kết mạc, viêm bờ mi, viêm mí mắt, viêm giác mạc, đau ở mắt, xung huyết kết mạc... Bệnh nhân nên thông báo cho bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.
5. Lưu ý khi sử dụng thuốc Hylaform là gì?
- Thuốc chỉ chỉ dùng nhỏ mắt, không dùng để uống hoặc tiêm.
- Tránh không để đầu ống thuốc Hylaform chạm vào bất cứ bề mặt nào, kể cả trên mắt để tránh nhiễm khuẩn
- Không dùng thuốc Hylaform khi đang mang kính áp tròng.
- Tương tác với các thuốc khác: Hiện không thấy có hiện tượng tương tác thuốc trong các tài liệu tham khảo.
- Bảo quản: Nên bảo quản thuốc hylaform ở nơi khô mát, tránh ánh sáng, nhiệt độ dưới 30 độ C. Sau khi mở nắp, bệnh nhân cần đóng nắp chặt sau mỗi lần dùng.
- Lái xe: Các tác dụng tại chỗ ngay sau khi nhỏ mắt có thể ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy móc, do vậy cần thận trọng khi sử dụng thuốc hylaform cho người lái xe và vận hành máy móc.
- Phụ nữ mang thai: Hiện chưa có các nghiên cứu về việc sử dụng thuốc nhỏ mắt natri hyaluronate trên phụ nữ có thai và cho con bú. Do vậy, bệnh nhân cần thận trọng khi dùng thuốc trong thời kỳ mang thai và cho con bú.
- Hạn dùng của Hylaform là 36 tháng kể từ ngày sản xuất và 15 ngày sau khi mở nắp.
- Quá liều: Hiện tại không có thông tin về việc quá liều thuốc nhỏ mắt natri hyaluronate
Tóm lại, Hylaform là loại thuốc nhỏ mắt hiệu quả trong điều trị khô mắt, rối loạn biểu mô giác mạc do nhiều nguyên nhân. Bệnh nhân không nên tự ý dùng thuốc mà cần tham vấn ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.