Thuốc Hatrizol giúp cải thiện nhanh được các triệu chứng trào ngược dạ dày - thực quản, kiểm soát ngăn tình trạng tăng tiết acid dạ dày, giảm viêm loét dạ dày - tá tràng,... hiệu quả. Vậy thuốc Hatrizol nên được dùng như thế nào để tốt nhất?
1. Công dụng thuốc Hatrizol là gì?
1.1. Thuốc Hatrizol là thuốc gì?
Thuốc Hatrizol được chỉ định dùng trong điều trị bệnh loét dạ dày - tá tràng. Thuốc Hatrizol có thành phần chính là Omeprazole 20mg, Tá dược vừa đủ 1 viên (Manitol, HPMC, methacrylic acid copolymer, natri lauryl sulfat, dinatri hydro phosphat, sucrose, titan dioxyd, PVP K30, calci carbonat, talc, diethyl phthalat, polysorbat 80, natri hydroxyd, natri methyl paraben, natri propyl paraben). Thuốc được bào chế dưới dạng viên nang chứa vi hạt bao tan trong ruột.
1.2. Thuốc Hatrizolcó tác dụng gì?
Tác dụng của thành phần Omeprazol
- Là thuốc ức chế sự bài tiết acid của dạ dày bằng cách ức chế có hồi phục hệ enzym hydro - kali adenosin triphosphatase (đây còn được gọi là bơm proton) ở tế bào viền của dạ dày.
- Thuốc có tác dụng nhanh, kéo dài nhưng hồi phục được. Sau khi uống thuốc 4 ngày đạt tác dụng tối đa.
- Thuốc không gây tác dụng lên thụ thể (receptor) acetylcholin, hoặc thụ thể histamin.
Thuốc Hatrizol được chỉ định dùng trong các trường hợp: Ðiều trị trào ngược dạ dày – thực quản, loét dạ dày – tá tràng và hội chứng Zollinger – Ellison.
2. Cách sử dụng của thuốc Hatrizol
Thuốc dùng đường uống. Uống thuốc 30 phút trước bữa ăn sáng.
Theo chỉ định của bác sĩ. Tham khảo liều như sau:
- Điều trị chứng viêm thực quản gây ra bởi trào ngược dạ dày - thực quản: Liều thường dùng là 1 - 2 viên/lần/ ngày, dùng trong 4 - 8 tuần; tiếp theo có thể điều trị duy trì với liều 1 viên/lần/ngày.
- Điều trị loét: Uống 1 viên/lần/ngày, với những trường hợp nặng có thể dùng 2 viên. Nếu là loét tá tràng uống trong 4 tuần. Nếu là loét dạ dày uống trong 8 tuần.
- Điều trị hội chứng Zollinger - Ellison: Uống 3 viên/lần/ngày, nếu sử dụng liều cao hơn 4 viên thì chia ra 2 lần mỗi ngày.
Xử lý khi quên liều:
Dùng liều đó ngay khi nhớ ra. Bỏ qua liều đã quên nếu gần đến giờ dùng liều tiếp theo, uống liều tiếp theo như dự định.
Không uống gấp đôi liều chỉ định.
Xử trí khi quá liều:
Triệu chứng: Thuốc dung nạp tốt, không có báo cáo nào về các triệu chứng khi quá liều. Nếu lỡ dùng quá liều và xuất hiện các tác dụng phụ nghiêm trọng, đến ngay trung tâm y tế để được xử lý kịp thời. Điều trị triệu chứng, hiện nay không có thuốc điều trị đặc hiệu.
4. Lưu ý khi sử dụng của thuốc Hatrizol
Cần loại trừ khả năng bị u ác tính trước khi điều trị, vì thuốc có thể che lấp các triệu chứng, do đó làm muộn chẩn đoán.
4.1. Khả năng lái xe và vận hành máy móc
Thuốc có thể gây tác dụng không mong muốn như nhức đầu, buồn ngủ, chóng mặt, do đó không nên lái xe và vận hành máy móc trong thời gian sử dụng thuốc.
4.2. Thời kỳ mang thai
Trên thực nghiệm không thấy omeprazole có khả năng gây dị dạng và độc với bào thai, nhưng không nên dùng cho người mang thai, nhất là trong 3 tháng đầu.
4.3. Thời kỳ cho con bú
Không nên dùng omeprazole ở người cho con bú.
4.4. Tương tác thuốc
Thuốc làm kéo dài thời gian thải trừ diazepam, phenytoin, warfarin, các thuốc chuyển hóa qua hệ thống enzyme cytochrome P450.
Omeprazole có thể làm tăng nồng độ cyclosporin trong máu, làm tăng tác dụng của dicoumarol và kháng sinh diệt trừ H.pylori.
Omeprazole làm giảm chuyển hoá nifedipine ít nhất là 20% và có thể làm tăng tác dụng của nifedipine.
Clarithromycin ức chế chuyển hóa omeprazole và làm cho nồng độ omeprazole tăng cao gấp đôi.
5. Tác dụng phụ của thuốc Hatrizol
Các tác dụng phụ được báo cáo như sau:
- Thường gặp: Nhức đầu, buồn ngủ, táo bón, chướng bụng, chóng mặt, nôn, buồn nôn.
- Ít gặp: Mất ngủ, mệt mỏi, tăng tạm thời men gan transaminase, rối loạn cảm giác, ngứa, nổi mày đa.
- Hiếm gặp: Đổ mồ hôi, phù ngoại biên, quá mẫn như phù mạch, phản vệ,
Trên đây là những thông tin quan trọng về thuốc Hatrizol, vì thế trước khi dùng người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và cần thiết có thể tham khảo thêm ý kiến của các bác sĩ, dược sĩ để quá trình sử dụng thuốc mang lại hiệu quả tốt nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.