Thuốc Hasancob được sản xuất dưới dạng viên nén, có thành phần chính là Mecobalamin. Thuốc được chỉ định sử dụng trong phòng ngừa và điều trị thiếu vitamin B12, bệnh thiếu máu,...
1. Công dụng của thuốc Hasancob
Thuốc Hasancob 500mcg có thành phần chính là Methylcobalamin 500mcg. Mecobalamin là 1 coenzyme B12 nội sinh, đóng vai trò quan trọng trong phản ứng chuyển hóa nhóm methyl. Thành phần này được vận chuyển vào trong tế bào thần kinh, giúp tăng tổng hợp protein và acid nucleic. Bên cạnh đó, Mecobalamin thúc đẩy quá trình myelin hóa (tổng hợp phospholipid): Thúc đẩy tổng hợp lecithin - thành phần chính của lipid vỏ tủy. Đồng thời, Mecobalamin cũng giúp phục hồi các mô thần kinh bị tổn thương; ngăn chặn dẫn truyền các xung thần kinh bất thường; thúc đẩy quá trình trưởng thành và phân chia của nguyên hồng cầu, tổng hợp hemoglobin, giúp điều trị các bệnh thiếu máu.
Chỉ định sử dụng thuốc Hasancob:
- Phòng và điều trị thiếu hụt vitamin B12 do nhiều nguyên nhân;
- Phòng và điều trị bệnh thiếu máu hồng cầu khổng lồ đi kèm thiếu hụt vitamin B12 sau cắt dạ dày hoặc do mắc phải hội chứng kém hấp thu;
- Phòng và điều trị thiếu máu ác tính và các thiếu máu hồng cầu to khác;
- Phòng và điều trị bệnh lý thần kinh ngoại biên: Chóng mặt, ù tai.
Chống chỉ định sử dụng thuốc Hasancob:
- Bệnh nhân có tiền sử quá mẫn với Mecobalamin hay thành phần khác của thuốc;
- Người có u ác tính (do thành phần vitamin B12 làm tăng trưởng các mô có tốc độ sinh trưởng cao nên có nguy cơ làm khối u tiến triển).
2. Cách dùng và liều dùng thuốc Hasancob
Cách dùng: Đường uống. Thời điểm uống thuốc Hasancob không phụ thuộc vào bữa ăn. Nếu người bệnh bị buồn nôn thì nên ăn no trước khi dùng thuốc Hasancob.
Liều dùng: Liều dùng thuốc Hasancob thông thường cho người lớn là 1 viên/lần x 3 lần/ngày hoặc theo chỉ định của bác sĩ. Liều dùng có thể được điều chỉnh tùy theo tuổi tác của người bệnh và mức độ trầm trọng của triệu chứng. Thuốc Hasancob không khuyến cáo sử dụng cho trẻ em.
Quá liều: Hiện chưa có báo cáo về trường hợp sử dụng quá liều thuốc Hasancob. Nên tích cực theo dõi người bệnh nếu dùng thuốc quá liều để có biện pháp xử trí kịp thời. Trong trường hợp khẩn cấp, nên gọi ngay cho trung tâm cấp cứu hoặc đưa bệnh nhân với bệnh viện gần nhất.
Quên liều: Nếu người bệnh quên dùng 1 liều thuốc Hasancob thì nên uống thuốc ngay khi nhớ ra. Nếu thời điểm nhớ ra gần với liều dùng kế tiếp thì bạn hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều tiếp theo như thường lệ.
3. Tác dụng phụ của thuốc Hasancob
Một số tác dụng phụ người bệnh có thể gặp phải khi sử dụng thuốc Hasancob gồm:
- Toàn thân: Phản ứng phản vệ, hoa mắt, đau đầu, sốt, co thắt phế quản, phù mạch miệng - hầu (hiếm gặp);
- Tim: Loạn nhịp tim thứ phát do hạ kali huyết khi bắt đầu dùng thuốc (hiếm gặp);
- Da: Phản ứng dạng trứng cá, ban đỏ, ngứa da, mày đay (hiếm gặp);
- Tiêu hóa: Buồn nôn (hiếm gặp).
Thông thường, các tác dụng phụ của thuốc Hasancob đều nhẹ, tự hết, trừ phản ứng phản vệ. Khi gặp phản ứng phản vệ, người bệnh cần được điều trị cấp cứu bằng tiêm adrenalin, hô hấp nhân tạo và thở oxy.
4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Hasancob
Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi sử dụng thuốc Hasancob gồm:
- Không dùng thuốc Hasancob khi chưa có chẩn đoán xác định về tình trạng bệnh. Nên theo dõi nồng độ Mecobalamin trong huyết tương và chỉ số tế bào máu ngoại vi với tần suất 3 - 6 tháng/lần để đánh giá hiệu quả điều trị;
- Không nên dùng thuốc Hasancob trong thời gian điều trị quá lâu nếu không thấy hiệu quả. Nên dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ, không được dùng bừa bãi, vì có thể gây phản ứng huyết học đối với người bệnh thiếu hụt folate hoặc làm che giấu triệu chứng chẩn đoán;
- Không dùng Mecobalamin liều cao, kéo dài ở bệnh nhân có tiếp xúc với thủy ngân hoặc các hợp chất thủy ngân;
- Đa số các trường hợp thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ là do thiếu acid folic và vitamin B12. Vì vậy, cần xác định rõ nguyên nhân trước khi điều trị. Không nên dùng acid folic để điều trị thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ nếu chưa xác định được nguyên nhân (trừ khi phối hợp với vitamin B12 vì nếu không có thể gây tổn thương thần kinh do thiếu vitamin B12);
- Thuốc Mecobalamin có chứa cellactose 80 nên không dùng thuốc cho người bệnh không dung nạp galactose, kém hấp thu glucose - galactose hoặc thiếu hụt Lapp lactase;
- Thận trọng khi sử dụng thuốc Hasancob ở bà mẹ mang thai và cho con bú, nên tham khảo kỹ ý kiến bác sĩ.
5. Tương tác thuốc Hasancob
Một số tương tác thuốc Hasancob gồm:
- Các thuốc như acid aminosalicylic, neomycin, thuốc kháng histamin H2 và colchicin có thể làm giảm hấp thu Mecobalamin (thành phần của thuốc Hasancob) từ đường tiêu hóa;
- Tác dụng điều trị của Mecobalamin có thể giảm đi nếu dùng đồng thời với omeprazol (do omeprazol làm giảm acid dịch vị, dẫn tới làm giảm hấp thu mecobalamin). Vì vậy, nếu dùng phối hợp 2 thuốc này thì nên tiêm vitamin B12;
- Thuốc tránh thai sẽ làm giảm nồng độ của Mecobalamin trong huyết thanh;
- Thuốc Cloramphenicol dùng ngoài đường tiêu hóa có thể làm giảm tác dụng của thuốc Mecobalamin trong điều trị bệnh thiếu máu.
Khi sử dụng thuốc Hasancob 500mcg, người bệnh nên tuân thủ nghiêm ngặt theo mọi chỉ định của bác sĩ. Nhờ vậy, hiệu quả điều trị của thuốc được đảm bảo và giảm thiểu đáng kể nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ khó lường.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.