Thuốc Gemfar là thuốc kê đơn, thuộc nhóm thuốc tim mạch, chứa thành phần chính là Gemfibrozil, hàm lượng 600mg, dạng bào chế viên nén bao phim, đóng gói 10 viên trong 1 vỉ. Thuốc được chỉ định trong rối loạn lipid máu hỗn hợp, tăng nồng độ triglyceride máu type IIa, IIb và IV, ngăn ngừa nguyên phát bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim ở người có tăng cholesterol máu...Vậy thuốc Gemfar có công dụng và cách sử dụng trên lâm sàng như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất?
1. Gemfar là thuốc gì?
Hàm lượng chất thành phần chính trong thuốc là 600mg gemfibrozil, cùng các tá dược khác. Đây là thuốc thuộc nhóm tim mạch, tác dụng hạ mỡ máu, điều trị rối loạn lipid máu, ngăn ngừa các bệnh lý về tim mạch. Thuốc Gemfar điều trị rối loạn lipid máu thuộc nhóm fibrate. Thuốc được cho thấy có hiệu quả khi người bệnh dùng liều duy nhất mỗi ngày. Thuốc có tác dụng giảm rất nhanh hàm lượng của những triglyceride: cholesterol toàn phần, cholesterol LDL đồng thời làm tăng chỉ số cholesterol HDL, từ đó cải thiện sự phân bố cholesterol trong huyết tương theo hướng có lợi.
2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Gemfar
2.1. Chỉ định
Thuốc Gemfar được chỉ định trong các bệnh lý sau:
- Ngăn ngừa nguyên phát bệnh lý mạch vành và bệnh nhồi máu cơ tim ở người bệnh có xét nghiệm tăng cholesterol máu, người bị rối loạn lipid máu hỗn hợp hoặc tăng triglyceride máu tương ứng các type IIa, IIb và type IV theo xếp loại của Fredrickson.
- Ðiều trị các rối loạn lipid máu khác:
Rối loạn lipid máu thuộc type III và rối loạn lipid type V.
Rối loạn lipid máu đi kèm với bệnh lý tiểu đường.
Người bệnh bị u vàng có rối loạn lipid máu.
- Thuốc được chỉ định như một điều trị bổ sung vào chế độ ăn mục đích làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mạch vành ở người bệnh nhóm IIb có 3 rối loạn: lượng HDL cholesterol thấp, 2 chỉ số chất LDL cholesterol và triglyceride cao.
2.2. Chống chỉ định
Không dùng thuốc Gemfar ở các trường hợp sau:
- Người bệnh bị dị ứng, quá mẫn cảm với dược chất gemfibrozil và các tá dược khác.
- Người bệnh bị suy giảm chức năng gan, chức năng thận nặng, có bệnh túi mật tồn tại từ trước.
- Chống chỉ định sử dụng đồng thời thuốc Gemfar với chất cerivastatin.
3. Cách dùng và liều dùng thuốc Gemfar
Cách dùng: Thuốc Gemfar được dùng bằng đường uống. Để thuốc đạt hiệu quả cao nhất, người bệnh nên uống viên nén nửa giờ trước bữa ăn chính với một cốc nước lọc đầy.
Liều dùng: Thuốc được kê đơn theo liều dùng, người bệnh không nên tự ý thay đổi liều lượng, hãy tuân thủ theo hướng dẫn từ bác sĩ. Hoặc người bệnh tham khảo liều dùng khuyến cáo từ nhà sản xuất như sau:
Liều dùng trung bình: liều từ 900mg đến 1200mg, chia làm 2 lần trước bữa ăn sáng, tối trong ngày.
Liều tối đa trong ngày là 1500mg, dùng khi có chỉ định từ bác sĩ.
Quá liều: Những triệu chứng quá liều khi dùng thuốc Gemfar bao gồm đau bụng, đi ngoài nhiều lần, buồn nôn hoặc nôn. Điều trị quá liều gemfibrozil là điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ. Trường hợp quá liều thuốc Gemfar cấp tính, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất, xử lý làm sạch dạ dày ngay bằng gây biện pháp gây nôn hoặc được rửa dạ dày.
4. Những tác dụng không mong muốn của thuốc Gemfar
Trong quá trình sử dụng thuốc, các thử nghiệm lâm sàng nhận thấy có tác dụng không mong muốn xảy ra, không vượt quá 1,3% số người bệnh. Các tác dụng không mong muốn khi người bệnh dùng thuốc Gemfar bao gồm:
- Rối loạn đường tiêu hóa: hay gặp như triệu chứng buồn nôn, nôn, đi ngoài khó tiêu.
- Phản ứng dị ứng da như các dát sần, mụn đỏ, nổi mề đay,...
- Xét nghiệm máu thấy tăng chỉ số transaminase và chỉ số bilirubin. Người bệnh nên được theo dõi chức năng gan khi sử dụng thuốc hạ mỡ máu. Những rối loạn này sẽ dần hết khi người bệnh ngưng dùng thuốc Gemfar.
- Xét nghiệm máu thấy giảm nhẹ các chỉ số hemoglobin, hematocrit, chỉ số bạch cầu vào giai đoạn đầu khi sử dụng thuốc, rất hiếm xảy ra triệu chứng thiếu máu nặng, giảm bạch cầu hoặc giảm tiểu cầu nặng và suy tủy. Nếu người bệnh sử dụng thuốc lâu dài cần kiểm tra công thức máu định kỳ trong 12 tháng đầu.
5. Những lưu ý khi sử dụng thuốc Gemfar
Những lưu ý khi người bệnh dùng thuốc Gemfar bao gồm:
- Tương tác thuốc: Cũng như các thuốc điều trị khác, việc tương tác thuốc khi dùng Gemfar có thể gặp trên lâm sàng. Các tương tác của thuốc Gemfar với các thuốc, các nhóm thuốc sau: thuốc chống đông, các thuốc ức chế men khử HMG CoA, các thuốc gây ngưng kết mật như colestipol... Cần tuân thủ điều trị và hướng dẫn từ bác sĩ nếu bạn đang sử dụng các nhóm thuốc kê trên để hạn chế tối đa các tương tác thuốc.
- Thuốc có thể làm tăng sự bài tiết cholesterol vào túi mật, dẫn đến tăng nguy cơ hình thành nên sỏi mật. Nếu nghi ngờ sỏi mật, cần chỉ định những xét nghiệm về túi mật. Nếu người bệnh được phát hiện sỏi mật cần ngưng điều trị thuốc.
- Ðã có những báo cáo về những trường hợp viêm cơ nặng với creatine kinase tăng cao và myoglobin niệu (phân hủy cơ vân) khi người bệnh sử dụng đồng thời thuốc với những chất ức chế men khử HGM CoA (những statin), đặc biệt là cerivastatin.
- Cần thận trọng khi sử dụng thuốc Gemfar với những thuốc chống đông. Liều lượng của những thuốc chống đông nên được giảm liều xuống để duy trì thời gian prothrombin mức ổn mong muốn. Người bệnh cần được theo dõi thời gian prothrombin thường xuyên cho đến khi chỉ số này ổn định.
- Không dùng thuốc giảm mỡ máu Gemfar cho phụ nữ đang mang thai hoặc nghi ngờ có thai, phụ nữ đang cho con bú.
- Người bệnh cần tập trung lái tàu xe, tham gia giao thông, vận hành máy móc có thể sử dụng thuốc Gemfar.
Trên đây là thông tin về thuốc Gemfar. Thuốc hiệu quả khi được sử dụng đúng chỉ định, liều lượng và người bệnh tuân thủ điều trị. Người bệnh không nên tự ý sử dụng, ngưng hay bỏ thuốc. Nếu bạn đọc còn bất cứ câu hỏi thắc mắc nào về thuốc Gemfar, hãy tham khảo ý kiến các dược sĩ/ bác sĩ có chuyên môn.