Công dụng thuốc Gemapaxane

Gemapaxane với thành phần hoạt chất chính là Enoxaparin một chất được biết đến với khả năng chống đông máu giúp ngăn chặn việc hình thành cục máu đông. Thuốc được bán trên thị trường với nhiều loại có hàm lượng khác nhau như: thuốc Gemapaxane 6000, Gemapaxane 4000,...

1. Gemapaxane là thuốc gì?

Gemapaxane với thành phần hoạt chất chính Enoxaparin natri là thuốc thuộc nhóm thuốc chống đông máu được bào chế dưới dạng thuốc tiêm. Gemapaxane trên thị trường có 3 loại: thuốc Gemapaxane 6000, Gemapaxane 4000, gemapaxane 2000.

Các loại thuốc tiêm Gemapaxane này đều được đóng gói với 6 bơm tiêm trong mỗi hộp, mỗi bơm tiêm có thân bằng thủy tinh cấp 1, có gắn kim inox và có ống bọc kim bên ngoài. Tuy nhiên, hàm lượng Enoxaparin trong mỗi bơm tiêm của từng loại lại khác nhau: với thuốc Gemapaxane 6000 là 6000 IU/0,6ml, với gemapaxane 4000 là 4000 IU/0,4ml và Gemapaxane 2000 là 2000IU/0,2ml.

2. Công dụng của thuốc tiêm Gemapaxane là gì?

Hoạt chất Enoxaparin trong thuốc tiêm Gemapaxane là một chất chống đông máu giúp ngăn ngừa sự hình thành các cục máu đông, vì thế thuốc được sử dụng để điều trị trong các trường hợp sau:

  • Người bị huyết khối tĩnh mạch sâu
  • Cơn đau thắt ngực không ổn định
  • Kết hợp với Aspirin điều trị nhồi máu cơ tim không có sóng Q
  • Ngừa huyết khối gây tắc tĩnh mạch sâu trong những trường hợp có nguy cơ như: người phải phẫu thuật thay khớp háng, khớp gối, nằm liệt giường, người lớn hơn 40 tuổi phẫu thuật bụng, béo phì, suy tim độ 3 hoặc 4, nhiễm khuẩn cấp, suy hô hấp cấp hoặc bị thấp khớp cấp,...
  • Dự phòng huyết khối trong tuần hoàn ngoài cơ thể khi bệnh nhân chạy thận nhân tạo.

3. Một số điều cần lưu ý trước khi dùng Gemapaxane

Bạn không nên sử dụng Gemapaxane nếu bị dị ứng với Enoxaparin, Heparin, rượu Benzyl hoặc các sản phẩm từ thịt lợn hoặc nếu bạn bị:

Đang bị chảy máu hoặc chảy máu không kiểm soát được hoặc giảm tiểu cầu trong máu sau khi xét nghiệm dương tính với một loại kháng thể nhất định khi sử dụng các thuốc có thành phần Enoxaparin trong vòng 100 ngày qua.

Gemapaxane có thể khiến bạn dễ chảy máu hơn, đặc biệt nếu có:

  • Rối loạn chảy máu;
  • Đột quỵ xuất huyết ;
  • Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn;
  • Chảy máu hoặc loét dạ dày-ruột;

Enoxaparin trong thuốc Gemapaxane có thể gây ra cục máu đông rất nghiêm trọng xung quanh tủy sống. Loại cục máu đông này gây tê liệt lâu dài hoặc vĩnh viễn và có thể nặng nề nếu:

  • Bạn bị chấn thương tủy sống;
  • Bạn đặt ống thông tủy sống tại chỗ hoặc mới rút ống thông ra gần đây;
  • Có tiền sử phẫu thuật cột sống;
  • Có chọc dò tủy sống hoặc gây tê ngoài màng cứng gần đây
  • Bạn dùng Aspirin hoặc NSAID (thuốc chống viêm không Steroid) - Ibuprofen, Naproxen, Diclofenac , Indomethacin, Meloxicam , và những loại khác;
  • Bạn đang sử dụng thuốc chống đông máu (Warfarin) hoặc các loại thuốc khác để điều trị hoặc ngăn ngừa cục máu đông.

Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn có tiền sử bị:

  • Rối loạn chảy máu;
  • Bệnh thận hoặc gan ;
  • Cao huyết áp không kiểm soát được;
  • Tiểu đường gây biến chứng ở mắt;
  • Loét dạ dày ;
  • Giảm tiểu cầu do heparin.

Không có chống chỉ định sử dụng Gemapaxane trong thời kỳ cho con bú, tuy nhiên vẫn phải dùng thận trọng.

4. Thuốc tiêm Gemapaxane nên được sử dụng như thế nào?

Làm theo các hướng dẫn sử dụng trên nhãn hoặc tờ hướng dẫn của thuốc. Hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ biết nếu có bất kỳ thắc mắc nào về cách sử dụng thuốc

Liều dùng, thời gian điều trị với Gemapaxane có thể thay đổi tùy thuộc vào mục đích điều trị, dự phòng, cân nặng,... Sử dụng thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ để tránh các tai biến không mong muốn có thể xảy ra.

Thuốc Gemapaxane được tiêm dưới da trong điều trị và dự phòng, hoặc truyền vào tĩnh mạch trong chạy thận nhân tạo. Không tiêm Gemapaxane vào bắp thịt.

Trước khi tiêm không đẩy bọt khí ra khỏi bơm tiêm để tránh hao thuốc.

Không dùng thuốc nếu thuốc đã thay đổi màu hoặc có các hạt bên trong.

Bạn nên ngồi hoặc nằm trong khi tiêm. Vị trí tiêm Gemapaxane thường là thành bụng trước bên, luân phiên bên phải, bên trái mỗi khi tiêm.

Để tiêm thuốc dưới da hãy dùng ngón trỏ và ngón cái véo và giữ da thành bụng, kẹp nếp da giữa 2 ngón tay rồi đâm đọc hết chiều dài kim vào da, chú ý trong khi tiêm vẫn véo da và sau khi tiêm không được xoa lên chỗ vừa tiêm.

Nếu bạn cần phẫu thuật hoặc thực hiện các thủ thuật có nguy cơ gây chảy máu, hãy cho bác sĩ biết bạn hiện đang sử dụng thuốc này.

Mỗi ống tiêm nạp sẵn chỉ dùng một lần và vứt bỏ ngay sau khi sử dụng cho dù vẫn còn thuốc bên trong.

Phải dùng thuốc ngay khi đã lấy ra khỏi vỉ đựng bơm tiêm nạp sẵn.

Lưu trữ thuốc tiêm Gemapaxane ở nhiệt độ phòng tránh ẩm và nhiệt.

5. Tác dụng không mong muốn của thuốc Gemapaxane

Nhận trợ giúp y tế khẩn cấp nếu bạn có các dấu hiệu của phản ứng dị ứng: nổi mề đay, ngứa, rát da; khó thở; sưng môi, mặt, lưỡi, cổ họng.

Ngoài ra, hãy đến ngay các cơ sở y tế nếu:

  • Có các triệu chứng của cục máu đông ở tủy sống như: đau lưng, tê, yếu cơ nửa dưới cơ thể hoặc đại tiểu tiện mất kiểm soát.
  • Chảy máu không rõ nguyên nhân hoặc chảy máu không ngừng;
  • Dễ bị xuất huyết dưới da;
  • Chảy máu cam;
  • Chảy máu nướu răng;
  • Chảy máu âm đạo bất thường, tiểu tiện hoặc đại tiện ra máu;
  • Ho ra máu;
  • Nôn ra máu hoặc chất nôn có màu như bã cà phê;
  • Dấu hiệu xuất huyết não: yếu đột ngột một bên của cơ thể, đau đầu dữ dội, bất thường về giọng nói hoặc thị lực;
  • Thiếu máu: mệt mỏi, da xanh xao, choáng váng, khó thở, tay, chân lạnh.

Trong đó, các tác dụng phụ thường gặp có thể bao gồm:

  • Buồn nôn , tiêu chảy
  • Thiếu máu;
  • Lú lẫn;
  • Đau,đỏ, bầm tím hoặc kích ứng da tại vị trí tiêm.

Bài viết trên đây không bao gồm danh sách đầy đủ các tác dụng phụ của thuốc Gemapaxane và những tác dụng phụ khác có thể xảy ra hãy báo cho bác sĩ ngay nếu bạn thấy có các biểu hiện bất thường trong quá trình sử dụng thuốc để kịp thời xử trí.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe