Thuốc G flo 200 được sử dụng chủ yếu để điều trị các tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp, bệnh lậu, viêm đường tiết niệu,... Nhìn chung, G flo 200 có thể mang lại hiệu quả diệt khuẩn tốt, nhưng vẫn tồn tại một số tác dụng phụ ngoại ý. Bởi vậy, trong quá trình dùng thuốc, bệnh nhân cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn mà bác sĩ đã khuyến cáo.
1. Thuốc G flo 200 là thuốc gì?
Thuốc G flo 200 thuộc nhóm thuốc chống nhiễm khuẩn, kháng nấm, kháng vi rút và trị ký sinh trùng. Loại thuốc kháng sinh này thường được các chuyên gia đánh giá cao về khả năng điều trị hiệu quả cho các bệnh lý viêm phế quản và viêm phổi nặng do vi khuẩn gây ra.
Thuốc G flo 200 là một dược phẩm của Gracure Pharmaceuticals Ltd – Ấn Độ, được bào chế dưới dạng viên nén tròn bao phim có màu vàng và 2 mặt lồi, đóng gói theo quy cách hộp 10 vỉ x 10 viên. Trong mỗi viên nén G flo có chứa các thành phần chính sau:
- Hoạt chất chính: Ofloxacin hàm lượng 200mg.
- Các tá dược khác vừa đủ: Lactose, bột Talc, tinh bột bắp, Hypromellose, Magnesium stearate, Macrogol, Titanium dioxide và màu sắt vàng oxyd.
2. Chỉ định và chống chỉ định sử dụng thuốc G flo 200
2.1. Chỉ định dùng thuốc G flo 200
Thuốc G flo 200 thường được chỉ định sử dụng để điều trị các tình trạng sức khoẻ dưới đây:
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp, ví dụ như viêm phổi hoặc viêm phế quản nặng do vi khuẩn.
- Điều trị nhiễm khuẩn Chlamydia ở niệu đạo hoặc tại cổ tử cung, có / không kèm theo bệnh lậu, lậu không có biến chứng.
- Điều trị bệnh viêm đường tiết niệu hoặc viêm tuyến tiền liệt.
- Điều trị tình trạng nhiễm khuẩn mô mềm và da.
- Bệnh than.
- Viêm đại tràng xảy ra do nhiễm khuẩn.
- Điều trị đợt nhiễm khuẩn cấp của viêm phế quản mãn tính.
2.2. Chống chỉ định dùng thuốc G flo 200
Không sử dụng thuốc G flo 200 cho các trường hợp sau:
- Người có tiền sử bị dị ứng hoặc mẫn cảm với các kháng sinh thuộc nhóm Quinolone, Ofloxacin hay các thành phần khác có trong thuốc.
- Chống chỉ định G flo 200 cho những bệnh nhân bị thiếu Glucose-6-phosphate dehydrogenase trong cơ thể.
- Do các thuốc diệt khuẩn Fluoroquinolon như Ofloxacin hoặc Ciprofloxacin có nguy cơ gây thoái hoá sụn khớp ở các khớp chịu lực, do đó thuốc G flo không được khuyến cáo sử dụng cho trẻ dưới 18 tuổi, phụ nữ mang thai hoặc người mẹ đang nuôi con bú.
3. Cơ chế tác dụng của hoạt chất Ofloxacin trong thuốc G flo 200
Hoạt chất Ofloxacin của thuốc G flo đóng vai trò là một kháng sinh tổng hợp thuộc nhóm Fluoroquinolon tương tự như Ciprofloxacin, tuy nhiên mức khả dụng sinh học của Ofloxacin khi uống thường cao hơn (> 95%). Theo nghiên cứu cho thấy, hoạt chất Ofloxacin có phổ kháng khuẩn tương đối rộng, bao gồm:
- Các chủng nhạy cảm: Bacillus anthracis, Acinetobacter beaumannii, Staphylococcus, Campylobacter, Branhamella catarrhalis, Escherrichia coli, Citrobacter freundit, Bordetella pertussis, Klebsiella pneumonia, Enterobacter cloacae, Morganella morganii, Haemophilus influenzae, Proteus vulgaris, Proteus mirabilis, Legionella, Neisseria pasteurella, Salmonella serratia, Yersinia, Pseudomonas aeruginosa, Providencia, Vibrio, Mycoplasma hominis, Shigella.
- Các chủng nhạy cảm vừa (vi khuẩn ưa khí Gram (+)): Streptococcus, Corynebacterium, Streptococcus pneumonia.
- Chủng kháng thuốc: Listeria monocytogenes, Ferococcus, Nocardia asteroides Staphylococcus kháng methicillin.
- Các chủng khác: Mycoplasma Denonia, Chlamydia, Urban Luxe real ticum.
Nhìn chung, hoạt chất Ofloxacin trong thuốc G flo 200 có khả năng tiêu diệt vi khuẩn mạnh mẽ nhờ ức chế DNA – gyrase của các loại vi khuẩn Gram âm, đồng thời ngăn cản Topoisotherse IV của nhiều loại vi khuẩn Gram dương.
Dưới đây là tác dụng dược động học của hoạt chất Ofloxacin:
- Hấp thu: Ofloxacin được cơ thể hấp thu nhanh chóng qua đường tiêu hoá. Mức độ sinh khả dụng đạt khoảng 100% khi qua đường uống và nồng độ đỉnh của Ofloxacin trong huyết tương là 1 – 2 giờ sau khi uống liều thuốc 400mg. Tốc độ hấp thu thuốc có thể bị chậm lại khi có sự can thiệp của thức ăn, tuy nhiên tỷ lệ hấp thu không bị ảnh hưởng.
- Phân bổ: Hoạt chất Ofloxacin được phân bổ rộng rãi ở khắp các dịch cơ thể, bao gồm cả dịch não tuỷ và khả năng xâm nhập mô tốt. Ước tính, nồng độ thuốc gắn kết với protein huyết tương là khoảng 25% (thấp). Ofloxacin có thể bài tiết qua nhau thai và sữa mẹ, đạt nồng độ tương đối cao ở trong mật.
- Chuyển hoá: Dưới 10% Ofloxacin chuyển hoá dưới dạng Ofloxacin N-oxyd và Desmethyl-ofloxacin khi sử dụng liều đơn. Mặt khác, chất chuyển hoá Desmethyl ofloxacin mang lại hiệu quả kháng khuẩn trung bình.
- Thải trừ: Nơi thải trừ chính của Ofloxacin là thận, khoảng 75 – 80% thuốc được bài tiết qua đường nước tiểu dưới dạng không đổi trong vòng 24 – 48 giờ. Chỉ khoảng 5% Ofloxacin được bài tiết dưới dạng chuyển hoá qua nước tiểu và 4 – 8% Ofloxacin bài tiết qua thận.
4. Liều lượng và cách sử dụng thuốc G flo 200
4.1. Liều lượng sử dụng thuốc G flo 200
Liều dùng thuốc G flo 200 được xác định cụ thể dựa trên độ tuổi cũng như tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, bao gồm:
- Điều trị viêm phế quản hoặc viêm phổi: Uống 400mg Ofloxacin mỗi 12 giờ trong vòng 10 ngày.
- Điều trị Chlamydia ở niệu quản và cổ tử cung: Uống 300mg Ofloxacin mỗi 12 giờ trong vòng 7 ngày.
- Viêm tuyến tiền liệt: Uống 300mg Ofloxacin mỗi 12 giờ trong vòng 6 tuần.
- Điều trị lậu hoặc lậu không biến chứng: Uống một liều duy nhất Ofloxacin 400mg.
- Điều trị viêm bằng quan do K. pneumoniae hoặc E.Coli: Uống 200mg Ofloxacin mỗi 12 giờ trong vòng 3 ngày.
- Điều trị viêm bàng quan do chủng vi khuẩn khác: Uống 200mg Ofloxacin mỗi 12 giờ trong vòng 10 ngày.
Liều lượng dùng thuốc G flo 200 có thể điều chỉnh cho người bệnh bị suy giảm chức năng thận dựa trên độ thanh thải creatinin, cụ thể:
- Độ thanh thải creatinin trên 50ml / phút: Không điều chỉnh liều, uống mỗi 12 giờ cho một liều.
- Độ thanh thải creatinin từ 10 – 50ml / phút: Không điều chỉnh liều, uống mỗi 24 giờ cho một liều.
- Độ thanh thải creatinin dưới 10ml / phút: Uống 1/2 liều bình thường, uống mỗi 12 giờ một liều.
Đối với bệnh nhân bị xơ gan nên dùng thuốc G flo 200 không vượt quá 400mg / ngày.
4.2. Hướng dẫn sử dụng thuốc G flo 200
Trước khi sử dụng thuốc G flo 200, bệnh nhân cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc hoặc tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, bao gồm:
- Uống thuốc cùng với nước lọc do thuốc được bào chế dưới dạng viên nén. Bệnh nhân có thể uống thêm nhiều chất lỏng để giữ cho chức năng thận hoạt động bình thường.
- Sử dụng thuốc G flo 200 cùng / không cùng thức ăn, tốt nhất nên dùng cùng một thời điểm trong ngày để tránh quên liều.
- Tránh dùng chung thuốc G flo với người khác.
5. Một số tác dụng phụ của thuốc G flo 200
Bệnh nhân cần nhận sự hỗ trợ khẩn cấp từ y tế nếu có các dấu hiệu của dị ứng (khó thở, phát ban, sưng họng hoặc mặt) hay xảy ra phản ứng da nghiêm trọng (đau họng, sốt, đau da, đỏ da, rát trong mắt, tím da, nổi mẩn hoặc bong tróc, phồng rộp da). Theo nghiên cứu cho thấy, việc sử dụng thuốc G flo 200 có thể gây ra một số tác dụng phụ nguy hiểm, bao gồm tổn thương thần kinh, vấn đề về gân, thay đổi hành vi, thay đổi tâm trạng hoặc lượng đường trong máu thấp dẫn đến hôn mê.
Các tác dụng phụ thường gặp của G flo 200, bao gồm:
- Buồn nôn.
- Táo bón.
- Tiêu chảy.
- Chóng mặt.
- Đau đầu.
Ngưng sử dụng thuốc G flo 200 và báo cho bác sĩ nếu xuất hiện các dấu hiệu sau:
- Lượng đường huyết thấp, có các triệu chứng như đói, đổ mồ hôi, nhức đầu, chóng mặt, khó chịu, nhịp tim nhanh, buồn nôn, run rẩy hoặc lo lắng.
- Các tác dụng trên hệ thần kinh ở cánh tay, bàn tay, chân / bàn chân như đau rát, ngứa ran và tê yếu.
- Tâm trạng hoặc hành vi bị thay đổi nghiêm trọng, bao gồm kích động, lú lẫn, lo lắng, ảo giác, hoang tưởng, khó tập trung, vấn đề về trí nhớ, ý nghĩ tự tử.
- Có dấu hiệu đứt gân, bao gồm sưng, đau đột ngột, cứng, bầm tím, có các vấn đề về cử động, nghe thấy tiếng lục cục ở các khớp.
- Gây tổn thương động mạch chủ, dẫn đến chảy máu / tử vong.
- Tiêu chảy có máu, đau bụng dữ dội.
- Nhịp tim nhanh, tim đập thình thịch, khó thở, có cảm giác rung rinh trong ngực, chóng mặt đột ngột.
- Yếu cơ hoặc khó thở.
- Co giật.
- Ít / không đi tiểu.
- Tăng áp lực trong hộp sọ, ù tai, đau đầu dữ dội, đau sau mắt hoặc các vấn đề về thị lực.
- Có các vấn đề về gan như chán ăn, đau bụng trên, phân màu đất sét, nước tiểu sẫm màu, vàng da.
6. Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc G flo 200
6.1. Cần thận trọng gì khi dùng thuốc G flo 200
Trong quá trình sử dụng thuốc G flo 200, bệnh nhân cần cẩn trọng một số điều sau:
- Những bệnh nhân bị suy thận hoặc người cao tuổi cần dùng thuốc thận trọng, có thể cân nhắc giảm liều.
- Thận trọng dùng thuốc G flo cho bệnh nhân suy gan.
- Nếu uống thuốc có cảm giác chóng mặt, bệnh nhân không nên điều khiển máy móc hoặc xe cộ.
- Ngưng sử dụng thuốc ngay lập tức nếu xuất hiện bất kỳ dấu hiệu mẫn cảm nào.
- Trong quá trình dùng G flo, bệnh nhân cần uống nhiều nước, tránh tiếp xúc với tia UV từ ánh nắng mặt trời.
- Cần dùng thuốc cẩn trọng cho bệnh nhân bị động kinh hoặc có tiền sử rối loạn thần kinh trung ương.
- Hoạt tính của Ofloxacin lên Mycobacterium tuberculosis có thể làm thay đổi kết quả xét nghiệm BK thành âm tính ở những bệnh nhân bị lao xương khớp hoặc lao phổi.
6.2. Tương tác của G flo 200 với thuốc khác
Một số loại thuốc khi dùng chung với G flo 200 có thể khiến thuốc hoạt động kém hiệu quả hơn. Nếu bạn đang sử dụng bất kỳ loại dược phẩm hay chất nào khác, tốt nhất hãy uống liều G flo 200 khoảng 2 giờ trước/ sau khi dùng các thuốc dưới đây:
- Thuốc kháng axit chứa magie, canxi và nhôm, ví dụ như Milk of Magnesia, Amphojel, Di-Gel Maalox, Pepcid Complete, Mylanta, Tums, Rulox, Rolaids; hoặc thuốc trị loét Sucralfate (Carafate).
- Thuốc Didanosine (Videx) dạng viên nén nhai hoặc dạng bột.
- Vitamin bổ sung hoặc các khoáng chất như sắt, canxi, kẽm hoặc magie.
- Thuốc Theophylline, thuốc lợi tiểu, thuốc làm loãng máu (Coumadin, Jantoven hoặc Warfarin).
- Thuốc trị tiểu đường hoặc insulin.
- Thuốc điều trị rối loạn nhịp tim.
- Thuốc chữa bệnh trầm cảm hoặc tâm thần.
- Thuốc Steroid (Prednisone).
- Thuốc chống viêm không Steroid như Ibuprofen, Aspirin, Naproxen, Diclofenac, Celecoxib, Meloxicam, Indomethacin,...
Trên đây là các loại thuốc có thể xảy ra tương tác khi dùng chung với G flo 200. Vẫn còn một số loại thuốc khác cũng có thể ảnh hưởng đến thuốc G flo, bao gồm cả thuốc không theo toa, sản phẩm bào chế từ thảo dược tự nhiên,...
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.