Thuốc Furmet tuýp 10g có chứa các hoạt chất Betamethasone dipropionate, Clotrimazole, Gentamicin sulfate. Thuốc được dùng để điều trị bệnh viêm da tiếp xúc, viêm nang lông, eczema, tổ đỉa,...Cùng tìm hiểu thêm các thông tin về thuốc để có hiệu quả điều trị tốt nhất và hạn chế tác dụng phụ.
1. Thuốc Furmet cream là thuốc gì?
Thuốc Furmet cream là thuốc gì? Thuốc Furmet cream có dùng được cho trẻ sơ sinh là vấn đề nhiều người quan tâm. Để hiểu rõ hơn về công dụng của thuốc, trước hết hãy tìm hiểu trong thành phần của thuốc có chứa những gì?
Furmet cream là thuốc có chứa thành phần hoạt chất Betamethasone dipropionate, Clotrimazole, Gentamicin sulfate.
- Betamethasone dipropionate là một corticosteroid hiệu lực trung bình được chỉ định để giảm biểu hiện viêm và ngứa của da nhạy cảm với corticosteroid.
- Clotrimazole là một chất chống nấm. Có cơ chế tác động chính là ức chế sự tổng hợp ergosterol để ngăn cản sự phân chia và phát triển của vi sinh vật, dẫn đến làm suy yếu chức năng và cấu trúc của màng tế bào chất.
- Gentamicin cream là một loại thuốc kháng sinh tại chỗ. Cơ chế hoạt động là gắn kết không thuận nghịch vào tiểu đơn vị ribosome 30S, vì vậy ức chế sự tổng hợp protein ở các vi khuẩn nhạy cảm. Clotrimazole và Betamethasone dipropionate là sự kết hợp của kháng khuẩn, kháng nấm và corticosteroid.
2. Chỉ định sử dụng thuốc Furmet cream
Thuốc Furmet cream được chỉ định để điều trị tại chỗ các triệu chứng viêm da pedis, lang ben và lang ben do Epidermophyton floccosum, Trichophyton mentagrophytes, Trichophyton rubrum và trong nhiễm trùng da do vi khuẩn.
3. Trước khi sử dụng thuốc Furmet cream cần lưu ý điều gì?
Không dùng Furmet cream khi dị ứng với Betamethasone dipropionate, Clotrimazole, Gentamicin sulfate, hay bất cứ thành phần nào của thuốc.
Cảnh báo và thận trọng:
- Nên tránh điều trị tại chỗ liên tục trong thời gian dài, đặc biệt là ở trẻ em. Vì Furmet cream có thể gây ức chế tuyến thượng thận. Dừng sử dụng corticosteroid tại chỗ nếu nhiễm trùng toàn thân.
- Việc băng bó kín tạo điều kiện cho vi khuẩn lây lan nên cần chú ý không được băng bó kín. Làm sạch vùng da bị bệnh trước khi thoa thuốc.
- Cần phải lưu ý khi điều trị các tình trạng như bệnh vẩy nến tổ đỉa, lupus ban đỏ và chàm nặng. Nếu bôi lên mí mắt, cần phải cẩn thận để đảm bảo không rơi thuốc vào mắt, vì có thể dẫn đến tăng nhãn áp.
- Không bôi thuốc vào các vị trí như: bên trong âm đạo, mắt, mũi, miệng. Nếu thuốc bị dính những vị trí này, hãy rửa sạch bằng nhiều nước.
- Không nên lạm dụng Furmet cream nên tham khảo ý kiến của bác sĩ khi dùng.
- Phải điều trị thuốc đúng liệu trình điều trị ngay cả khi các triệu chứng có thuyên giảm. Cần đi khám lại nếu không đỡ sau 4 tuần điều trị. Tại vùng bôi thuốc xuất hiện tình trạng như: ngứa, đỏ, bỏng, mụn nước, sưng thì báo ngay với bác sĩ.
- Đối với phụ nữ có thai: Chưa có nghiên cứu rõ ràng về sự an toàn khi sử dụng corticosteroid trong giai đoạn mang thai. Cần cân nhắc giữa lợi ích mang lại và nguy cơ tiềm ẩn cho thai nhi khi sử dụng thuốc trong thai kỳ. Không nên sử dụng thuốc Furmet cream cho phụ nữ mang thai trong thời gian dài và số lượng lớn.
- Đối với phụ nữ cho con bú: Nên ngừng cho con bú khi sử dụng thuốc, vì thuốc có khả năng vào sữa mẹ.
4. Dùng thuốc Furmet cream như thế nào?
Cách dùng:
- Thuốc chỉ dùng để thoa trên da.
- Thoa 2-3 lần/ngày lên vùng da bị tổn thương và xung quanh một lớp mỏng, thoa cho đến khi lành hẳn.
- Nếu xuất hiện tình trạng quá mẫn nên ngưng thuốc.
Liều dùng:
- Thoa 2-3 lần/ngày và thời gian điều trị phụ thuộc vào vị trí, mức độ của vùng da bị bệnh và sự đáp ứng của người bệnh.
- Nên xem lại chẩn đoán nếu không có cải thiện lâm sàng sau bốn tuần sử dụng thuốc Furmet cream. Đặc biệt, không quá 2 tuần đối với trẻ em và không quá 1 tuần đối với trẻ sơ sinh.
5. Tác dụng phụ không mong muốn của thuốc Furmet cream
Khi dùng Furmet cream có thể gây ra những tác dụng không mong muốn sau:
- Betamethasone Dipropionate: Đỏ, ngứa, kích ứng, khô da, viêm nang lông, chứng tăng mụn, nổi mụn trứng cá, giảm sắc tố da, viêm da quanh miệng, viêm da tiếp xúc dị ứng, da sần sùi, nhiễm trùng thứ phát, teo da, tạo vân, mụn thịt, teo da (bầm tím, bóng nhẫy). Sự hấp thu của corticosteroid tại chỗ gây ức chế thuận nghịch trực hạ đồi của vùng dưới đồi-tuyến yên-thượng thận (HPA), biểu hiện của hội chứng Cushing, tăng glucose niệu và đường huyết ở một số bệnh nhân.
- Clotrimazole: Các tác dụng phụ ngoài da bao gồm ban đỏ, châm chích, phồng rộp, bong tróc, phù nề, ngứa, rát và kích ứng da.
- Gentamicin: Ở những bệnh nhân bị da liễu được điều trị bằng gentamicin sulfate, kích ứng (ban đỏ và ngứa) thường không cần ngừng điều trị.
6. Chống chỉ định của Furmet cream
Chống chỉ định của Furmet cream trong những trường hợp sau đây:
- Herpes Simplex, Herpes Zoster, lao da, thuỷ đậu, giang mai, ban đậu bò.
- Viêm da chàm hóa vùng ống tai ngoài với màng nhĩ bị thủng.
- Loét da, bỏng từ độ 2 trở lên.
- Tiền sử dị ứng với kháng sinh Aminoglycosides (Gentamicin, Streptomycin, Neomycin, Kanamycin,...), hoặc các thành phần khác của thuốc.
7. Tương tác của Furmet cream với thuốc khác
- Đối với dạng bôi ngoài da thì chưa có nghiên cứu về tương tác thuốc. Tương tác thuốc có thể xảy ra khi có hấp thu toàn thân.
- Betamethason tương tác: Paracetamol, thuốc chống đái tháo đường, thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc chống đông loại coumarin, Nsaids, Aspirin, Phenobarbital,...
- Clotrimazol tương tác: Tacrolimus.
Thuốc Furmet tuýp 10g có chứa các hoạt chất Betamethasone dipropionate, Clotrimazole, Gentamicin sulfate. Thuốc được dùng để điều trị bệnh viêm da tiếp xúc, viêm nang lông, eczema, tổ đỉa,.. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.