Flamoset thuộc nhóm thuốc chống dị ứng, có thành phần chính là Levocetirizine dihydrochloride, thường được dùng để điều trị các tình trạng như viêm mũi dị ứng, triệu chứng hắt hơi, chảy mũi,... Tìm hiểu một số thông tin về công dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng Flamoset sẽ giúp người bệnh dùng thuốc an toàn và hiệu quả.
1. Công dụng của thuốc Flamoset
Thuốc Flamoset có thành phần chính Levocetirizine, là một chất đối kháng thụ thể histamin H1 thế hệ thứ 2, được sử dụng để điều trị các triệu chứng dị ứng khác nhau như hắt hơi, chảy mũi,... Thuốc có thời gian tác dụng kéo dài, có thể dùng 1 liều duy nhất mỗi ngày để điều trị triệu chứng. Về cơ chế hoạt động, Levocetirizine là đồng phân quang học dạng (R) hoạt tính của cetirizine- chất kháng thụ thể histamin, tác dụng chủ yếu qua trung gian ức chế chọn lọc các thụ thể H1 ngoại biên. Nghiên cứu cho thấy Levocetirizine có ái lực đối với các thụ thể H1 gấp 2 lần so với Cetirizine.
Về dược động học, Levocetirizine tác dụng tuyến tính với liều dùng, độc lập với thời gian và không xảy ra hiện tượng chuyển vị đồng phân trong quá trình hấp thu và thải trừ. Thuốc hấp thu nhanh và mạnh sau khi uống, đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương sau 0,9 giờ uống, chuyển hóa và cuối cùng là thải trừ chủ yếu qua nước tiểu (bài tiết chủ yếu qua ống thận). Thuốc Flamoset thường được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Viêm mũi dị ứng theo mùa (bao gồm các triệu chứng ở mắt);
- Viêm mũi dị ứng mạn tính;
- Chàm mạn tính;
- Triệu chứng chảy nước mũi, ngứa mũi, chảy nước mắt, mắt đỏ;
- Các biểu hiện ngoài da không biến chứng của bệnh mề đay tự phát mạn tính ở người lớn và trẻ em trên 6 tuổi.
Các chống chỉ định của thuốc Flamoset gồm:
- Bệnh nhân quá mẫn với Levocetirizine hoặc bất cứ thành phần nào của Flamoset;
- Bệnh nhân bị bệnh thận mạn giai đoạn cuối (CrCl < 10ml/ phút), bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo;
- Trẻ em từ 6 tháng – 11 tuổi bị suy giảm chức năng thận.
2. Liều sử dụng của thuốc Flamoset
Tuỳ thuộc vào đối tượng và mục tiêu điều trị mà liều dùng của Flamoset sẽ có sự khác biệt, cụ thể như sau:
- Người lớn: 5mg/ ngày vào buổi tối;
- Trẻ em từ 6-11 tuổi: Khuyến cáo dùng liều 2,5mg/ngày vào buổi tối;
- Bệnh nhân suy thận nhẹ (CrCl từ 50-80ml/ phút): 2,5mg x 1 lần/ ngày;
- Bệnh nhân suy thận trung bình (CrCl từ 30- 50ml/ phút) dùng liều 2,5mg cách ngày;
- Bệnh nhân suy thận nặng (CrCl từ 10-30ml/phút) dùng liều 2,5mg x 2 lần/ tuần (dùng 3-4 ngày một lần);
- Bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối (CrCl < 10ml/ phút) và đang chạy thận nhân tạo không nên dùng Levocetirizine;
- Không cần chỉnh liều Flamoset ở bệnh nhân suy gan.
Khi sử dụng quá liều Flamoset có thể gây ra triệu chứng buồn ngủ ở người lớn, trẻ em có thể kích động, bồn chồn sau đó buồn ngủ. Hiện không có thuốc giải độc cụ thể với Levocetirizine, nếu xảy ra quá liều, khuyến cáo điều trị triệu chứng hoặc hỗ trợ là chủ yếu. Cần xem xét rửa dạ dày nếu bệnh nhân mới uống thuốc trong thời gian ngắn. Levocetirizine không được loại bỏ hiệu quả khỏi hệ tuần hoàn bằng cách thẩm phân.
3. Tác dụng phụ của thuốc Flamoset
Ở một số bệnh nhân khi sử dụng thuốc Flamoset có thể gặp các tác dụng phụ như:
- Khô miệng, rối loạn vị giác;
- Đau đầu, mệt mỏi, ngủ gà, suy nhược;
- Viêm họng;
- Đau bụng;
- Ảo giác, trầm cảm, mất ngủ;
- Choáng váng, ngất;
- Tiểu khó, bí tiểu, phù;
- Hiếm gặp: Tăng cân, thèm ăn, chức năng gan bất thường, hồi hộp, đánh trống ngực.
4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Flamoset
Một số lưu ý chung khi sử dụng thuốc Flamoset gồm:
- Thận trọng khi sử dụng thuốc Flamoset trên bệnh nhân không dung nạp galactose, suy giảm Lapp lactase, người nghiện rượu;
- Tránh sử dụng Flamoset cho phụ nữ có thai và cho con bú hoặc khi đang lái xe, vận hành máy móc;
- Thận trọng khi sử dụng thuốc Flamoset ở bệnh nhân có yếu tố dễ gây bí tiểu (tổn thương tuỷ sống, tăng sản tiền liệt tuyến) vì Levocetirizine có thể làm tăng nguy cơ bí tiểu;
- Thận trọng khi sử dụng Flamoset ở bệnh nhân có nguy cơ co giật vì có thể gây ra cơn động kinh trầm trọng hơn;
- Ngứa có thể xảy ra ngay cả khi ngừng dùng Levocetirizine.
5. Các tương tác thuốc với Flamoset
- Nguy cơ xảy ra tác dụng phụ khi dùng Flamoset có thể tăng lên khi kết hợp với 1,2- Benzodiazepine, Acetazolamide, Acetophenazine;
- Abacavir, Aceclofenac, Acemetamin, acid acetylsalicylic có thể làm giảm tốc độ bài tiết của Levocetirizine, dẫn đến tăng nồng độ trong huyết thanh;
- Levocetirizine có thể làm tăng hoạt tính gây trầm cảm hệ thần kinh trung ương của Aclidinium;
- Tăng nguy cơ hoặc mức độ nghiêm trọng kéo dài của khoảng QT khi kết hợp Acrivastine với Levocetirizine;
- Ở những bệnh nhân nhạy cảm, sử dụng đồng thời Levocetirizine cùng với rượu hoặc các thuốc ức chế thần kinh trung ương có thể làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương.
Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Flamoset, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Flamoset là thuốc kê đơn, người bệnh cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà.