Thuốc Fanlazyl thuộc nhóm thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng virus. Thuốc có thành phần chính là hoạt chất Metronidazol. Vậy thuốc Fanlazyl có tác dụng gì? Hãy cùng tìm hiểu thông tin về thuốc Fanlazyl qua bài viết dưới đây.
1. Thuốc Fanlazyl là thuốc gì?
Thuốc Fanlazyl thuộc nhóm thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn và kháng virus. Được chỉ định trong điều trị nhiễm Trichomonas đường tiết niệu - sinh dục ở nam và nữ, phòng ngừa nhiễm khuẩn do vi khuẩn kỵ khí.
Thuốc được cấu thành bởi thành phần chính là hoạt chất Metronidazol 250mg. Thành phần tá dược bao gồm: Tinh bột sắn, bột talc, povidon, magnesi stearat) hàm lượng vừa đủ.
Thuốc Fanlazyl được bào chế dưới dạng viên nén. Có quy cách đóng gói là hộp 2 vỉ, 10 vỉ x 10 viên nén.
2. Thuốc Fanlazyl có tác dụng gì?
2.1. Dược lực học của thành phần thuốc Fanlazyl
Thuốc Fanlazyl có thành phần chính là Metronidazol, đây là một dẫn chất Nitro - 5 imidazole. Metronidazol có phổ hoạt tính rộng trên động vật nguyên sinh như amip, Giardia và trên vi khuẩn kỵ khí.
2.2. Dược động học
- Hấp thu: Metronidazol hấp thu nhanh và hoàn toàn sau khi uống, ít nhất 80% sau 1 giờ. Độ khả dụng sinh học đạt 100% và không bị ảnh hưởng bởi thức ăn.
- Phân bố: Khoảng 10 - 20% thuốc liên kết với protein huyết tương. Metronidazol thâm nhập tốt vào các mô và dịch cơ thể, vào nước bọt, qua được hàng rào nhau thai và qua sữa mẹ.
- Thải trừ: Metronidazol chuyển hóa ở gan thành các chất chuyển hóa dạng hydroxyl và acid, thải trừ một phần qua nước tiểu dưới dạng glucuronid. Thời gian bán thải trong huyết tương khoảng 7 giờ. Khoảng 14% liều dùng thải trừ qua phân.
Thuốc Fanlazyl được chỉ định sử dụng trong các trường hợp:
- Điều trị các trường hợp nhiễm Trichomonas vaginalis, Entamoeba histolytica, Dientamoeba fragilis ở trẻ em, Giardia lambia và Dracunculus medinensis.
- Điều trị nhiễm Trichomonas đường tiết niệu - sinh dục ở cả nam và nữ.
- Điều trị nhiễm khuẩn ổ bụng, nhiễm khuẩn phụ khoa, nhiễm khuẩn da và các cấu trúc da, nhiễm khuẩn hệ thần kinh trung ương, nhiễm khuẩn huyết và viêm màng trong tim.
- Điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn kỵ khí trong phẫu thuật.
- Điều trị phòng ngừa nhiễm trùng do vi khuẩn kỵ khí trong phẫu thuật đại trực tràng và phẫu thuật phụ khoa.
- Điều trị viêm lợi hoại tử loét cấp, các nhiễm khuẩn răng khác do vi khuẩn kỵ khí.
- Bệnh nhân mắc Crohn thể hoạt động ở kết tràng, trực tràng.
- Viêm loét dạ dày tá tràng do vi khuẩn H. pylori.
3. Cách sử dụng thuốc Fanlazyl
3.1. Cách sử dụng thuốc Fanlazyl
Đối với thuốc Fanlazyl, người bệnh sử dụng bằng đường uống. Uống thuốc vào trong hoặc sau bữa ăn với một ít nước.
3.2. Liều dùng thuốc Fanlazyl
Khuyến cáo liều sử dụng thuốc Fanlazyl đối với từng trường hợp cụ thể như sau:
- Bệnh do Trichomonas: Liều dùng duy nhất 2g hoặc dùng 7 ngày mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 250mg, điều trị đồng thời cho cả nam và nữ.
- Bệnh do amip: Liều dùng cho người lớn là 750mg/lần, dùng 3 lần một ngày, điều trị trong 5 - 10 ngày.
- Áp xe gan do amip: Liều dùng cho người lớn là 500 - 700mg/lần, dùng 3 lần một ngày, điều trị trong 5 - 10 ngày.
- Đối với trẻ em: Liều dùng là 34 - 40mg/kg/24 giờ, chia làm 3 lần, uống liền 5 - 10 ngày.
- Bệnh do Giardia: Người lớn được khuyến cáo liều dùng là 250mg/lần, 3 lần một ngày, điều trị 5 - 7 ngày. Hoặc uống một lần với liều 2g/ngày trong 3 ngày. Trẻ em uống 15mg/kg/ngày, chia là 3 lần, điều trị trong 5 - 10 ngày.
- Bệnh do giun rồng Dracunculus: Người lớn và trẻ em 25mg/kg/ngày, uống trong 10 ngày, liều lượng 1 ngày không quá 750mg cho trẻ em (kể cả trẻ trên 30 kg).
- Điều trị nhiễm vi khuẩn kỵ khí: Liều uống 7,5mg (bazơ)/kg cho tới tối đa 1g, cách 6 giờ/lần, điều trị trong 7 ngày hoặc lâu hơn.
- Viêm đại tràng do kháng sinh: Liều uống 500mg (dạng bazơ) 3 - 4 lần mỗi ngày.
- Viêm loét dạ dày tá tràng do H. pylori: Liều uống 500mg (bazơ) 3 lần mỗi ngày, phối hợp với các thuốc khác theo chỉ dẫn của bác sĩ điều trị.
- Phòng nhiễm khuẩn kỵ khí sau phẫu thuật: Liều dùng 20 - 30mg/kg/ngày, chia làm 3 lần.
3.3. Cách xử trí khi quên, quá liều
Quên liều: Nếu quên liều thuốc, thông thường có thể uống bổ sung trong khoảng 1 đến 2 giờ so với quy định. Tuy nhiên, nếu gần với thời điểm sử dụng liều tiếp theo, bạn hãy bỏ qua liều đã quên và tiếp tục sử dụng như chỉ dẫn. Tuyệt đối không sử dụng gấp đôi liều lượng trong cùng một thời điểm. Tuân thủ đúng hoặc hỏi ý kiến bác sĩ trước khi đưa ra quyết định.
Quá liều: Nếu nghi ngờ sử dụng quá liều thuốc Fanlazyl, người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc. Thông báo ngay cho bác sĩ hoặc cơ sở y tế gần nhất khi có biểu hiện bất thường. Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị trước khi sử dụng.
3.4. Chống chỉ định thuốc Fanlazyl
Chống chỉ định thuốc Fanlazyl trong các trường hợp dưới đây:
- Các trường hợp bệnh nhân bị dị ứng, mẫn cảm với Metronidazol hay bất cứ thành phần nào của thuốc.
- Chống chỉ định đối với bệnh nhân có tiền sử quá mẫn cảm với các dẫn chất Nitro - imidazol khác.
- Chống chỉ định đối với phụ nữ có thai 3 tháng đầu và khi cho con bú.
- Bệnh nhân động kinh.
- Rối loạn đông máu.
4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Fanlazyl
Lưu ý và thận trọng khi sử dụng Fanlazyl
- Metronidazol có tác dụng ức chế alcol dehydrogenase và các enzyme oxy hóa alcol khác. Thuốc có phản ứng nhẹ kiểu disulfiram như nóng bừng mặt, nhức đầu, buồn nôn, co cứng bụng và ra mồ hôi.
- Metronidazol có thể gây bất động Treponema pallidum tạo nên phản ứng dương tính giả của nghiệm pháp Nelson.
- Dùng liều cao có thể gây rối loạn tạng máu và các bệnh thần kinh thể hoạt động.
- Đối với phụ nữ có thai: Đã có nghiên cứu thông báo nguy cơ sinh quái thai khi dùng thuốc Fanlazyl vào 3 tháng đầu thai kỳ. Vì vậy, không nên dùng trong thời gian đầu khi mang thai.
- Đối với phụ nữ cho con bú: Metronidazol bài tiết vào sữa mẹ khá nhanh. Cần ngưng cho con bú khi điều trị bằng Metronidazol.
Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Fanlazyl
Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Fanlazyl thường phụ thuộc vào liều dùng. Dùng liều cao lâu dài sẽ làm tăng tác dụng có hại. Khi sử dụng thuốc Fanlazyl có thể gặp phải những tác dụng phụ không mong muốn được sắp xếp dựa theo tần suất xảy ra dưới đây:
- Thường gặp: Nhức đầu, buồn nôn, nôn, chán ăn, khô miệng, có vị kim loại rất khó chịu, ỉa chảy, đau thượng vị, đau bụng, táo bón.
- Hiếm gặp: Giảm bạch cầu, cơn động kinh, bệnh đa dây thần kinh ngoại vi, phồng rộp da, ban da, mẩn ngứa, nước tiểu sẫm màu.
- Khác: Viêm tụy, bệnh thần kinh cảm giác ngoại biên, hồi phục khi ngưng điều trị.
Tương tác, tương kỵ thuốc Fanlazyl:
- Metronidazol tăng tác dụng thuốc uống chống đông máu (Warfarin). Vì vậy cần tránh dùng cùng lúc.
- Metronidazol có tác dụng kiểu disulfiram. Chú ý không dùng đồng thời 2 thuốc này để tránh tác dụng độc trên thần kinh như loạn thần, lú lẫn.
- Dùng Metronidazol cho người bệnh đang có nồng độ lithi trong máu cao sẽ gây độc.
- Làm tăng tác dụng của Vecuronium là một thuốc giãn cơ khử cực.
- Dùng đồng thời với Phenobarbital sẽ làm tăng chuyển hóa Metronidazol nên thuốc thải trừ nhanh hơn.
- Cân nhắc khi sử dụng thuốc Fanlazyl với đồ uống có cồn hoặc lên men, thuốc lá, tránh các tác nhân có thể thay đổi thành phần thuốc.
Bảo quản thuốc Fanlazyl:
- Bảo quản thuốc ở nhiệt độ dưới 30°C, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng, tránh ẩm, để ở nơi khô ráo và thoáng mát.
- Để xa tầm tay trẻ em.
Trên đây là toàn bộ thông tin cần thiết người bệnh cần nắm rõ khi sử dụng thuốc Fanlazyl. Đây là thuốc kê đơn, người bệnh cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả khi sử dụng thuốc và tránh những tác dụng phụ không mong muốn.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.