Thuốc Etomidate Lipuro có thành phần hoạt chất chính là Etomidate với hàm lượng 20mg/10ml và các loại tá dược khác với lượng vừa đủ. Đây là thuốc thuộc nhóm thuốc gây tê, gây mê có công dụng trong khởi mê và duy trì mê trong ca phẫu thuật không dài.
1. Thuốc Etomidate Lipuro là thuốc gì?
Hoạt chất chính Etomidate trong thuốc là thuốc gây mê đường tĩnh mạch, khởi mê nhanh, êm dịu và tỉnh nhanh.
Hoạt chất chính Etomidate liên kết với protein huyết tương khoảng 85% nhưng vẫn nhanh chóng qua hàng rào máu não. Sau khi tiêm từ 10 đến 20 giây đã có tác dụng và duy trì tác dụng trong 20 đến 30 phút nếu tiêm một liều duy nhất.
Trong cơ thể, hoạt chất này được chuyển hoá chủ yếu qua gan. Thuốc được thải trừ ra ngoài chủ yếu qua nước tiểu dạng đã chuyển hoá, một phần nhỏ ở dạng nguyên vẹn, thời gian bán thải trung bình khoảng 9 giờ.
Hoạt chất chính Etomidate là một dẫn chất Carboxyl hóa của Imidazol có công dụng trong việc an thần, gây ngủ nên được sử dụng là thuốc gây mê theo đường tiêm tĩnh mạch. Dược chất Etomidate có tác dụng gây ngủ nhưng không khả năng làm giảm đau, tác dụng đối với cả cơ thể tương đối ngắn. Sau khi được tiêm tĩnh mạch với lượng 0,3mg/1 kg cân nặng cơ thể thì tác dụng gây mê của hoạt chất Etomidate gây ra được khoảng 5 phút. Do đó, thuốc có chứa hoạt chất Etomidate được sử dụng chủ yếu để khởi đầu gây mê, rồi tiếp tục phối hợp với các loại thuốc mê hô hấp để duy trì mê cho người bệnh.
Hoạt chất Etomidate có ưu điểm lớn trong việc duy trì sự ổn định đối với hệ hô hấp và hệ tim mạch, duy trì lưu lượng tuần hoàn và áp suất tâm trương nên có thể sử dụng đối với những người bị suy giảm chức năng cung cấp oxy và cấp máu cho cơ tim.
2. Thuốc Etomidate Lipuro công dụng gì?
Thuốc Etomidate Lipuro công dụng gì? Thuốc Etomidate Lipuro có công dụng trong điều trị:
- Dùng với mục đích khởi mê: phù hợp khi chỉ định gây mê đối với những người có chức năng tuần hoàn hoặc chức năng hô hấp suy yếu.
- Duy trì mê trong các ca phẫu thuật thời gian không dài: Phối hợp hoạt chất Etomidate với các thuốc mê hô hấp khác để kéo dài tình trạng mê.
- Trong các ca phẫu thuật kéo dài, thuốc Etomidate Lipuro chưa được khuyến cáo sử dụng để duy trì mê.
3. Tác dụng không mong muốn của thuốc Etomidate Lipuro
Nhìn chung, khi sử dụng thuốc Etomidate Lipuro vẫn có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như:
- Thuốc Etomidate Lipuro gây ra tác dụng ức chế sinh tổng hợp các hormon Steroid ở vỏ thượng thận và đáp ứng với các tác nhân kích thích của vỏ thượng thận sau khi tiêm một liều. Đáp ứng sẽ giảm đi đáng kể sau 4 đến 6 giờ.
- Có thể gây các dấu hiệu rung giật cơ.
- Có thể gây tác dụng không mong muốn đối với đường tiêu hóa như buồn nôn và nôn mửa.. Tuy nhiên chủ yếu tác dụng này nguyên nhân do sử dụng đồng thời với thuốc nhóm opiates, ngoài ra có thể ho, rét run,...
- Hiếm gặp hiện tượng co thanh quản.
4. Cách dùng và liều dùng của thuốc Etomidate Lipuro
4.1. Cách dùng
- Thuốc Etomidate Lipuro phải được tiêm trực tiếp theo đường tĩnh mạch với tốc độ tiêm thật chậm và tiêm ngắt quãng trong những trường hợp cần thiết. (Mỗi liều dùng được tiêm trong vòng 30 giây).
- Tuyệt đối không tiêm thuốc Etomidate Lipuro vào động mạch nguyên nhân là do có nguy cơ dẫn đến hoại tử. Nếu tiêm thuốc Etomidate Lipuro ra ngoài đường tĩnh mạch làm đau nhiều.
- Để hạn chế xảy ra tình trạng rung giật cơ khi điều trị với thuốc Etomidate Lipuro thì trước khi sử dụng loại thuốc này cần phải có sự chuẩn mê phù hợp, nên sử dụng thuốc trong nhóm Benzodiazepin như Diazepam tiêm bắp khoảng 1 giờ hoặc tiêm theo đường tĩnh mạch khoảng 10 phút trước khi đưa thuốc Etomidate Lipuro vào cơ thể.
- Đối với những người bị bệnh động kinh hoặc có xu hướng tăng co giật thì nên tiêm thuốc Etomidate Lipuro với tốc độ nhanh trong vài giây để hạn chế sự khuếch tán chậm của chất này vào trong não. Khi tiêm nhanh, thuốc Etomidate Lipuro có sinh khả dụng tốt và tốc độ phân bố nhanh trong não ngăn được co giật.
- Sau khi đã mở ống tiêm, phải tiến hành rút dịch ngay trong điều kiện vô trùng và tiêm vào tĩnh mạch người bệnh ngay lập tức để tránh nhiễm khuẩn. Nguyên nhân là do thuốc Etomidate Lipuro không có chất bảo quản chống lại nấm mốc và vi khuẩn. Nếu không dùng hết, phần nhũ dịch còn lại phải bỏ đi.
- Trước khi sử dụng thuốc thì ống tiêm phải được lắc thật kỹ để hoạt chất được phân bố đều.
4.2. Liều dùng
Liều dùng của thuốc: Tùy theo đáp ứng của từng cơ thể mà sẽ có sự điều chỉnh về liều dùng cụ thể trên lâm sàng.
- Liều thuốc Etomidate Lipuro 20mg/10ml có tác dụng gây ngủ khoảng từ 0,15 - 0,3mg/1kg cân nặng cơ thể, tương đương từ 0,075 - 0,15ml/1kg thể trọng.
- Liều dùng đối với trẻ em từ 15 tuổi trở xuống và người cao tuổi dùng một liều duy nhất từ 0,15 đến 0,2 mg tương đương với 0,075 đến 0,1ml trên mỗi một kg cân nặng cơ thể. Chú ý điều chỉnh liều dùng chỉnh liều dùng chính xác đối với từng người cụ thể thuộc nhóm tuổi này.
- Liều dùng giảm đối với những người bị xơ gan và những người bệnh được chỉ định gây mê bằng các thuốc nhóm an thần, nhóm opiates hoặc thuốc giảm đau.
- Trong trường hợp cần gây mê đặc biệt để dừng tình trạng động kinh liên tục hoặc có cơn động kinh liên tiếp thì nên tiêm tĩnh mạch với tốc độ nhanh khoảng đủ 1 liều dùng thuốc Etomidate Lipuro trong vòng 10 giây. Trong trường hợp cần thiết, có thể tiêm nhắc lại cho người bệnh.
5. Tương tác của thuốc Etomidate Lipuro
Tương tác của thuốc Etomidate Lipuro có thể xảy ra trong quá trình sử dụng như sau:
- Hoạt chất Etomidate có khả năng cao tương kỵ với Vecuronium Bromid, Acid Ascorbic.
- Tác dụng gây ngủ của thuốc Etomidate Lipuro bị tăng lên khi sử dụng đồng thời với thuốc thuộc nhóm an thần, Opiates, nhóm thuốc giảm đau, cồn,...
- Khi tiêm thuốc Etomidate Lipuro không trộn chung với các thuốc tiêm khác nếu không có chỉ định của bác sĩ trên lâm sàng để tránh xảy ra các tương tác ngoài ý muốn.
- Tương tác của thuốc Etomidate Lipuro có thể làm thay đổi khả năng hoạt động hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng không mong muốn.
6. Một số chú ý khi sử dụng thuốc Etomidate Lipuro
Trong quá trình sử dụng thuốc Etomidate Lipuro, người bệnh cần đặc biệt lưu ý:
6.1. Chống chỉ định
Không sử dụng thuốc Etomidate Lipuro trong các trường hợp cụ thể như sau:
- Không dùng thuốc mê Etomidate Lipuro đối với những người có cơ địa nhạy cảm hay mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc hoặc dị ứng với nhũ dịch dầu.
- Không dùng thuốc Etomidate Lipuro đối với những người bị có rối loạn chức năng tạo nhân Hem về mặt di truyền, trừ khi phải dùng khi đã cân nhắc giữa lợi ích mong muốn và rủi ro có thể xảy ra.
- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hơn 6 tháng tuổi không được chỉ định dùng thuốc Etomidate Lipuro nếu không có chỉ định bắt buộc.
- Không nên dùng thuốc Etomidate Lipuro để gây mê trong phẫu thuật sản khoa đặc biệt trong mổ lấy thai vì tính an toàn của thuốc Etomidate Lipuro trong giai đoạn này chưa được nghiên cứu một cách toàn diện.
6.2. Chú ý đề phòng khi sử dụng thuốc
Thận trọng sử dụng thuốc Etomidate Lipuro trong những trường hợp sau đây:
- Chỉ được dùng thuốc Etomidate Lipuro khi được bác sĩ chỉ định trên lâm sàng.
- Chỉ được tiêm thuốc Etomidate Lipuro vào cơ thể theo đường tiêm tĩnh mạch và thuốc chỉ nên được thực hiện bởi người có chuyên môn.
- Trong trường hợp sử dụng quá liều, nhất là khi kết hợp với các thuốc mê đường hô hấp thì thời gian mê của người bệnh có thể kéo dài và dễ dẫn đến tình trạng ngưng thở trong thời gian ngắn. Hiện tại chưa có phương pháp xử lý quá liều Etomidate đặc hiệu, chủ yếu hỗ trợ điều trị các triệu chứng bằng các phương pháp trong quá trình phẫu thuật.
- Khi thuốc đã hết hạn hoặc vỏ ống đã sử dụng xong phải được vứt đúng nơi quy định hoặc theo chỉ dẫn, không được vứt xuống bồn cầu hoặc ống thoát nước.
- Không nên sử dụng Etomidate cho phụ nữ có thai. Nguyên nhân là do có thể gây ra hiện tượng giảm cortisol trong huyết thanh thoáng qua trong vòng 6 giờ ở trẻ sau khi người mẹ sử dụng thuốc có chứa hoạt chất Etomidate. Tuy nhiên, nồng độ cortisol vẫn nằm trong giới hạn bình thường. Do vậy cần hết sức thận trọng và chỉ dùng thuốc Etomidate Lipuro khi thật sự cần thiết, đã có chỉ định của bác sĩ.
- Sử dụng thuốc Etomidate Lipuro cho phụ nữ cho con bú: Do thuốc vào trong sữa mẹ, chỉ sử dụng thuốc khi thật cần thiết và đã có chỉ định của bác sĩ.
Để đảm bảo hiệu quả trong quá trình điều trị và hạn chế tối đa các tác dụng bất lợi của thuốc thì bạn cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ điều trị bệnh.