Thuốc Enorgapan thuộc nhóm thuốc đường tiêu hóa với thành phần chính là Pantoprazol (dưới dạng Pantoprazol natri) hàm lượng 40mg. Sau đây là công dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng thuốc Enorgapan.
1. Thuốc Enorgapan là thuốc gì?
Thuốc Enorgapan có thành phần Pantoprazol (dưới dạng Pantoprazol natri) hàm lượng 40mg, được bào chế dạng viên nén bao tan trong ruột. Enorgapan được chỉ định sử dụng trong các trường hợp:
- Điều trị bệnh trào ngược dạ dày - thực quản (GERD);
- Điều trị loét đường tiêu hóa;
- Có tác dụng phòng ngừa loét do thuốc kháng viêm không steroid;
- Có tác dụng đối với tình trạng tăng tiết bệnh lý (Hội chứng Zollinger-Ellison).
Không được sử dụng thuốc với bất kỳ trường hợp nào quá mẫn với pantoprazol hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc hoặc dẫn xuất benzimidazol khác như esomeprazol, lansoprazol, omeprazol, rabeprazol.
2. Liều dùng và cách dùng thuốc Enorgapan
Uống ngày một lần vào buổi sáng, nuốt nguyên viên không được nghiền thuốc hoặc nhai thuốc.
Đối với điều trị hội chứng trào ngược dạ dày - thực quản (GERD):
- Liều thường được chỉ định: 20-40mg x 1 lần/ ngày trong 4 tuần, hoặc có thể kéo dài đến 8 tuần;
- Liều dùng duy trì: 20-40mg mỗi ngày;
- Liều dùng cho trường hợp tái phát: 20mg/ ngày.
Đối với điều trị loét đường tiêu hóa:
- Liều thường được chỉ định: 40mg x 1 lần/ ngày. Thời gian điều trị từ 2-4 tuần đối với loét tá tràng hoặc 4-8 tuần đối với loét dạ dày lành tính;
- Diệt Helicobacter pylori: Dùng phác đồ trị liệu phối hợp bộ ba 1 tuần với Pantoprazol 40 mg x 2 lần/ ngày kết hợp với clarithromycin 500 mg x 2 lần/ ngày và amoxicillin 1 g x 2 lần/ ngày hoặc metronidazol 400 mg x 2 lần/ ngày.
Đối với phòng ngừa loét do thuốc kháng viêm không steroid: Sử dụng Enorgapan 20mg/ ngày.
Đối với hội chứng Zollinger - Ellison: Liều bắt đầu là 80mg/ ngày, có thể dùng liều lên đến 240mg/ ngày. Trường hợp dùng trên 80mg/ ngày nên chia làm 2 lần.
Đối với bệnh nhân suy gan: Liều dùng tối đa là 20mg/ ngày hoặc 40mg/ ngày đối với liều cách ngày.
Đối với bệnh nhân suy thận: Liều dùng tối đa là 40mg/ ngày.
3. Tác dụng phụ của thuốc Enorgapan
Trong quá trình dùng thuốc, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn như:
- Thường gặp: Mệt mỏi, đau đầu, ban da, mày đay, đau cơ, đau khớp;
- Ít gặp: Suy nhược, choáng váng, chóng mặt, ngứa, tăng enzym gan;
- Hiếm gặp: Toát mồ hôi, phù ngoại biên, tình trạng khó chịu, phản vệ, ban dát sần, mụn trứng cá, rụng tóc, viêm da tróc vảy, phù mạch, hồng ban đa dạng, viêm miệng, ợ hơi, rối loạn tiêu hóa, mất ngủ, ngủ gà, tình trạng kích động hoặc ức chế, ù tai, run, nhầm lẫn, ảo giác, dị cảm;
4. Thận trọng khi dùng thuốc Enorgapan
- Khuyến nghị dùng dạng tiêm khi dùng đường uống không thích hợp;
- Trước khi điều trị với Pantoprazole, phải loại trừ khả năng loét dạ dày ác tính hoặc viêm thực quản ác tính, vì có thể nhất thời làm lu mờ các triệu chứng của bệnh loét ác tính, do đó có thể làm chậm chẩn đoán;
- Hiện chưa có kinh nghiệm về việc điều trị với Pantoprazole ở trẻ em;
- Hiện chưa rõ tác dụng của thuốc khi dùng cho người lái xe hay vận hành máy móc;
- Thuốc được sử dụng trong thời kỳ mang thai có thể gây tác dụng xấu như sảy thai, quái thai, dị tật thai nhi... đến bất cứ giai đoạn phát triển nào của thai kỳ, đặc biệt là ba tháng đầu. Chính vì vậy tốt nhất là không nên dùng thuốc đối với phụ nữ có thai. Trong trường hợp bắt buộc phải dùng, cần tham khảo kỹ ý kiến của bác sĩ, dược sĩ trước khi quyết định;
- Thuốc có thể truyền qua trẻ thông qua việc bú sữa mẹ. Tốt nhất là không nên hoặc hạn chế dùng thuốc trong thời kỳ cho con bú. Rất nhiều loại thuốc chưa xác định hết các tác động của thuốc trong thời kỳ này bà mẹ cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tham khảo ý kiến của bác sĩ, dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.
5. Tương tác thuốc Enorgapan
- Thuốc có độ hấp thu phụ thuộc pH của dạ dày: Về mặt lý thuyết, khả năng tương tác dược động học khi dùng đồng thời pantoprazol với các thuốc có độ hấp thu phụ thuộc pH của dạ dày như ampicillin ester, muối sắt, ketoconazol có thể làm tăng hoặc giảm độ hấp thu của thuốc khi tăng pH của dạ dày;
- Thuốc tác động lên hệ thống men gan: Pantoprazol chuyển hóa rộng rãi ở gan, chủ yếu qua cytochrom P-450 (CYP) isoenzym 2C19, chuyển hóa ít hơn qua isoenzym CYP3A4, CYP2D6 và CYP2C9. Tuy nhiên, thử nghiệm lâm sàng cho thấy không có tương tác có ý nghĩa lâm sàng quan trọng giữa pantoprazol và các thuốc khác chuyển hóa qua cùng isoenzym;
- Thuốc Warfarin: Có khả năng tăng chỉ số INR và thời gian prothrombin khi dùng đồng thời warfarin với các thuốc ức chế bơm proton, kể cả pantoprazol. Nguy cơ về chảy máu bất thường và tử vong; cần theo dõi sự tăng chỉ số INR và thời gian prothrombin khi pantoprazol được dùng đồng thời với warfarin;
- Sucralfat: Có thể làm chậm hấp thu và giảm sinh khả dụng của các thuốc ức chế bơm proton như lansoprazol, omeprazol nên uống thuốc ức chế bơm proton ít nhất 30 phút trước khi dùng sucralfat.