Công dụng thuốc Emtricitabine Stada 200 mg

Thuốc Emtricitabine Stada 200 mg được chỉ định điều trị nhiễm HIV-1 ở người lớn, thanh thiếu niên và trẻ em từ 4 tháng tuổi trở lên được sử dụng trong liệu pháp kết hợp với các thuốc kháng retrovirus khác. Hãy cùng tìm hiểu những thông tin cần thiết về thuốc Emtricitabine Stada 200 mg qua bài viết dưới đây.

1. Thuốc Emtricitabine là thuốc gì?

Tên thuốc gốc (Hoạt chất): Emtricitabine (Emcitritabin).

Loại thuốc: Thuốc kháng virus, chất ức chế men sao chép ngược nucleoside của HIV (NRTI).

Dạng thuốc và hàm lượng

Viên nang cứng 200 mg

Viên nén phối hợp 100 mg, 200 mg

Dung dịch uống 10 mg/ml

2. Công dụng thuốc Emtricitabine Stada 200 mg

Chỉ định

Thuốc Emtricitabine được dùng:

  • Điều trị nhiễm HIV-1 ở người lớn, thanh thiếu niên và trẻ em từ 4 tháng tuổi trở lên được sử dụng trong liệu pháp kết hợp với các thuốc kháng retrovirus khác.
  • Dự phòng phơi nhiễm HIV-1.

Liều lượng - Cách dùng

Người lớn:

Thuốc nang cứng:

  • Có thể được dùng cùng với thức ăn hoặc không.
  • Liều khuyến cáo là 200mg/lần/ngày.
  • Nếu bệnh nhân bị nôn trong vòng 1 giờ sau khi uống, nên uống thêm một liều khác.
  • Nếu bệnh nhân bị nôn hơn 1 giờ sau khi uống thì không cần dùng thêm liều nữa.

Dung dịch uống:

  • Có thể được dùng cùng với thức ăn hoặc không và sử dụng dụng cụ đo đi kèm với lọ thuốc.
  • Liều khuyến cáo là 240 mg ứng với 24 ml dung dịch thuốc, uống một lần mỗi ngày.
  • Nếu bệnh nhân bị nôn trong vòng 1 giờ sau khi uống, nên uống thêm một liều khác.
  • Nếu bệnh nhân bị nôn hơn 1 giờ sau khi uống thì không cần dùng thêm liều nữa.

Trẻ em

  • Dung dịch uống chứa 10 mg/mL ở trẻ sơ sinh 0–3 tháng tuổi: 3 mg/kg x 1 lần/ngày.
  • Dung dịch uống chứa 10 mg/mL ở trẻ em và thanh thiếu niên từ 3 tháng đến 17 tuổi: 6 mg/kg (tối đa là 240 mg) một lần mỗi ngày.
  • Viên nang: Ở trẻ em nặng> 33kg có thể nuốt viên nang còn nguyên vẹn: 200 mg x 1 lần/ngày.

Quá liều - quên liều Emtricitabine

Quên liều và xử trí:

Nếu quên dùng một liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không uống gấp đôi liều đã quy định.

Quá liều và xử trí:

Sử dụng quá liều emtricitabine trên 1200mg sẽ gây ra triệu chứng tương tự như tác dụng phụ của thuốc nhưng trầm trọng hơn.

Nếu xảy ra quá liều, bệnh nhân cần được theo dõi các dấu hiệu nhiễm độc và áp dụng điều trị hỗ trợ tiêu chuẩn khi cần thiết.

Có thể loại bỏ tới 30% liều emtricitabine bằng thẩm tách máu.

3. Tác dụng phụ của thuốc Emtricitabine

Thường gặp

  • Ở trẻ em: Thiếu máu, thay đổi sắc tố da.
  • Nhức đầu nhẹ đến trung bình, chóng mặt, rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy, buồn nôn).
  • Phát ban, ngứa, mày đay, đổi màu da (tăng sắc tố ở lòng bàn tay và / hoặc lòng bàn chân).
  • Tăng creatine kinase, giảm bạch cầu, tăng triglyceride máu, tăng đường huyết, tăng men gan, tăng bilirubin máu.
  • Mất ngủ, ác mộng.
  • Đau, suy nhược cơ thể.

Ít gặp

  • Phù mạch.
  • Hiếm gặp
  • Nhiễm toan lactic.
  • Không xác định tần suất
  • Đợt cấp của viêm gan sau khi ngừng điều trị:
  • Hội chứng kích hoạt miễn dịch.
  • Chứng hoại tử xương.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Emtricitabine

Chống chỉ định

Quá mẫn với emtricitabine hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Lưu ý chung

  • Nhiễm toan lactic và gan to kèm theo nhiễm mỡ, bao gồm cả tử vong, đã được báo cáo ở những bệnh nhân dùng thuốc ức chế men sao chép ngược nucleoside HIV (NRTI) cùng với các thuốc kháng retrovirus khác.
  • Các đợt cấp nặng, cấp tính của viêm gan B (HBV) được báo cáo sau khi ngừng sử dụng các chế phẩm có chứa emtricitabine ở những bệnh nhân đồng nhiễm HIV-1 và HBV.
  • Emtricitabine không được khuyến cáo dùng đơn trị liệu để điều trị nhiễm HIV. Nó phải được sử dụng kết hợp với các thuốc kháng retrovirus khác.
  • Không nên phối hợp thuốc có chứa emtricitabine hoặc lamivudine.
  • Bệnh nhân dùng emtricitabine hoặc bất kỳ liệu pháp kháng retrovirus khác có thể tiếp tục bị nhiễm trùng cơ hội và các biến chứng khác của nhiễm HIV, do đó cần theo dõi để điều trị bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến HIV.
  • Cần có biện pháp phòng ngừa lây bệnh qua đường tình dục mặc dù đã sử dụng thuốc. Cần thận trọng khi dùng đồng thời emtricitabine với các thuốc tăng cân, tăng nồng độ lipid và glucose trong máu trong khi điều trị bằng thuốc kháng vi-rút.
  • Loạn dưỡng mỡ: xuất hiện các triệu chứng thực thể của tái phân bố mỡ trong cơ thể như béo bụng, tích tụ mỡ ở hai bả vai, teo cơ tứ chi, phì đại vú và triệu chứng của hội chứng Cushing.
  • Bệnh nhân có rối loạn chức năng gan từ trước bao gồm cả viêm gan mạn tính hoạt động có tần suất gia tăng các bất thường chức năng gan trong khi điều trị bằng thuốc kháng vi rút phối hợp. Nếu có bằng chứng về đợt cấp của bệnh gan ở những bệnh nhân này, phải xem xét việc ngừng hoặc ngừng điều trị.
  • Trong các thử nghiệm lâm sàng, thai nhi tiếp xúc với thuốc kháng virus có cấu trúc nucleotit trong tử cung đã xảy ra các phản ứng có hại chính được báo cáo là rối loạn huyết học (thiếu máu, giảm bạch cầu trung tính) và rối loạn chuyển hóa (tăng lactat máu, tăng lipid máu). Những sự kiện này thường là tạm thời.
  • Các rối loạn thần kinh khởi phát muộn hiếm khi được báo cáo (tăng trương lực, co giật, hành vi bất thường).
  • Hội chứng phục hồi miễn dịch: Ở những bệnh nhân nhiễm HIV có suy giảm miễn dịch nghiêm trọng từ trước thường trong vài tuần đầu tiên hoặc vài tháng sau khi bắt đầu liệu pháp điều trị phối hợp thuốc kháng virus, phản ứng viêm không triệu chứng hoặc bệnh lý nhiễm trùng cơ hội có thể xuất hiện và gây các bệnh cảnh lâm sàng nghiêm trọng hoặc làm trầm trọng các triệu chứng.
  • Nhiễm trùng bao gồm viêm võng mạc do cytomegalovirus, nhiễm khuẩn mycobacteria tổng quát và/hoặc khu trú, và viêm phổi do Pneumocystis jirovecii. Bất kỳ triệu chứng viêm nào cũng nên được đánh giá và tiến hành điều trị khi cần thiết.
  • Các rối loạn tự miễn (chẳng hạn như bệnh Graves, viêm đa cơ, hội chứng Guillain-Barré và viêm gan tự miễn) cũng đã được báo cáo là xảy ra trong quá trình kích hoạt lại miễn dịch.
  • Hoại tử xương: Đã được báo cáo đặc biệt ở những bệnh nhân mắc bệnh HIV tiến triển và/hoặc điều trị lâu dài với thuốc kháng vi rút kết hợp. Bệnh nhân nên đi khám nếu thấy đau nhức xương khớp, cứng khớp hoặc vận động khó khăn.
  • Ngoài các phản ứng bất lợi mà người lớn gặp phải, tình trạng thiếu máu và thay đổi sắc tố da xảy ra thường xuyên hơn trong các thử nghiệm lâm sàng liên quan đến bệnh nhi nhiễm HIV.

Lưu ý với phụ nữ có thai

  • Có dữ liệu nghiên cứu về phụ nữ mang thai cho thấy không có dị tật hoặc nhiễm độc thai nhi/trẻ sơ sinh liên quan đến emtricitabine. Việc sử dụng emtricitabine có thể được xem xét trong thời kỳ mang thai, nếu cần thiết.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

  • Emtricitabine đã được chứng minh là bài tiết qua sữa mẹ. Không có đủ thông tin về tác dụng của emtricitabine ở trẻ sơ sinh/trẻ nhỏ. Do đó không nên dùng thuốc trong thời kỳ cho con bú.
  • Theo nguyên tắc chung, phụ nữ nhiễm HIV không nên cho con bú trong bất kỳ trường hợp nào để tránh lây truyền HIV cho con.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

  • Chưa có nghiên cứu nào cho thấy sử dụng thuốc ảnh hưởng đến khả năng lái xe và sử dụng máy móc. Tuy nhiên, bệnh nhân nên thận trọng khi lái xe hoặc vận hành máy móc vì có thể dùng thuốc gây chóng mặt.

5. Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

Không khuyến cáo sử dụng đồng thời emtricitabine với didanosine, stavudine, lamivudine do làm tăng độc tính.

Phối hợp cho tác dụng cộng hợp hoặc hiệp đồng: delavirdine, efavirenz, nelfinavir, nevirapine, ritonavir, saquinavir, tipranavir, zidovudine.

Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Tài liệu này không bao gồm đầy đủ các tương tác thuốc có thể xảy ra. Hãy viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn xem.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe