Emotaxin là thuốc kháng sinh được sử dụng phổ biến trong điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Do đây là thuốc tiêm vào cơ bắp hoặc tĩnh mạch nên người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo hiệu quả.
1. Thuốc Emotaxin có tác dụng gì?
Thuốc Emotaxin thành phần chính là Cefotaxim. Đây vốn là kháng sinh nhóm Cephalosporin diệt khuẩn có phổ kháng khuẩn rộng, được sử dụng dưới dạng tiêm.
Theo đó, Emotaxin có tác dụng diệt khuẩn do ức chế tổng hợp thành tế bào vi khuẩn. Chúng có khả năng chống lại các vi khuẩn gram âm, gồm có các chủng đề kháng các kháng sinh nhóm Cephalosporin thế hệ thứ nhất và thứ 2 cùng một số loài vi khuẩn gram dương.
2. Chỉ định và chống chỉ định thuốc Emotaxin
2.1. Chỉ định thuốc Emotaxin
Thuốc Emotaxin được chỉ định sử dụng trong những trường hợp sau:
- Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng đường hô hấp, bao gồm viêm phế quản cấp và mãn tính, viêm phổi nhiễm khuẩn, giãn phế quản.
- Người gặp vấn đề liên quan đến nhiễm trùng ngực sau phẫu thuật và áp-xe phổi.
- Bệnh nhân nhiễm trùng xương khớp gồm các bệnh như viêm xương khớp và viêm khớp nhiễm khuẩn.
- Người nhiễm trùng lậu đặc biệt nguyên nhân do các vi khuẩn đề kháng Penicillin.
- Nhiễm trùng sản phụ khoa gây bệnh viêm vùng chậu.
- Ngoài ra, Emotaxin được sử dụng ở người nhiễm trùng máu, nhiễm trùng mô mềm, nhiễm trùng đường tiểu, viêm màng não và các nhiễm trùng khác gây bởi các chủng vi khuẩn nhạy cảm.
- Emotaxin cũng được sử dụng trong điều trị dự phòng ở bệnh nhân có nguy cơ nhiễm trùng hoặc cần phẫu thuật góp phần giảm tỷ lệ nhiễm trùng hậu phẫu.
2.2. Chống chỉ định thuốc Emotaxin
Emotaxin không phù hợp sử dụng cho bệnh nhân quá mẫn với Cephalosporin, phụ nữ có thai và cho con bú.
3. Liều dùng và cách dùng Emotaxin
3.1. Liều dùng thuốc Emotaxin
Emotaxin có thể sử dụng cho nhiều đối tượng như người cao tuổi, người lớn và trẻ em với liều dùng tham khảo như sau:
* Sử dụng thuốc cho người lớn
- Điều trị bệnh lậu dùng thuốc với liều 1g hàng ngày với lượng là 1g tiêm bắp.
- Điều trị nhiễm trùng nhẹ đến trung bình dùng thuốc với liều 2g (Dùng 1g mỗi 12 giờ tiêm bắp/ tĩnh mạch).
- Điều trị nhiễm trùng trung bình – nặng dùng thuốc với liều 3g – 6g (Dùng 1-2g mỗi 8 giờ tiêm bắp/ tĩnh mạch).
- Điều trị nhiễm trùng thông thường cần sử dụng kháng sinh liều cao như nhiễm khuẩn huyết dùng thuốc với liều 6g – 8g (Dùng 2g mỗi 6-8 giờ tĩnh mạch).
- Điều trị nhiễm trùng đe dọa tính mạng dùng thuốc với liều ≤ 12g (Dùng 2g mỗi 4 giờ tiêm tĩnh mạch).
- Sử dụng thuốc với mục đích phòng ngừa nhiễm trùng sau phẫu thuật nhiễm hoặc sạch nhiễm, người bệnh được khuyến cáo dùng liều đơn 1g tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch từ 30 – 90 phút trước khi thực hiện phẫu thuật.
* Sử dụng thuốc Emotaxin cho trẻ sơ sinh
- Liều dùng thông thường: Sử dụng liều lượng 50mg/kg/ngày tiêm tĩnh mạch chia làm 2 – 4 lần.
- Trẻ bị nhiễm trùng nặng: Sử dụng với liều 150 – 200mg/kg/ngày chia liều đều nhau.
* Sử dụng thuốc cho trẻ em
- Liều dùng thông thường: 100 – 150mg/kg/ngày chia thành 2 – 4 liều bằng nhau.
- Liều dùng cho trường hợp nhiễm trùng nặng: Tăng liều lên đến 200 mg/kg/ngày.
3.2. Cách dùng thuốc Emotaxin
Emotaxin là thuốc được sử dụng qua đường tiêm truyền tĩnh mạch với cách pha chế như sau:
- Pha loãng thuốc khởi đầu dùng tiêm bắp: Sử dụng 3ml nước cất để pha vào lọ thuốc tiêm bột 1g.
- Pha loãng khởi đầu dùng tiêm tĩnh mạch: Sử dụng 10ml nước cất để pha vào 1g thuốc sau đó dùng dung dịch thu được tiêm tĩnh mạch trực tiếp từ 3-5 phút. Chú ý sau khi thêm nước vào vần tiến hành lắc kỹ cho đến khi bột thuốc hòa tan hoàn toàn. Tiếp đến, sử dụng bơm tiêm rút toàn bộ lượng dung dịch thu được để tiêm cho bệnh nhân.
- Tiêm truyền tĩnh mạch: Sử dụng 1g-2g thuốc để hòa tan với 40ml – 100ml dung dịch tiêm truyền thích hợp và tiến hành truyền trong thời gian từ 20 – 60 phút. Dung dịch pha tiêm sử dụng trong tiêm truyền gồm có nước cất pha tiêm, NaCl, Dextrose 5%, Dextrose và NaCl, Natri Lactat.
4. Tác dụng phụ thuốc Emotaxin
Emotaxin có nguy cơ gây ra một số tác dụng phụ như:
- Quá mẫn, sốt, ớn lạnh, đau nhức cơ thể, tăng bạch cầu ái toan.
- Buồn nôn, nôn, đau bụng có thể kèm theo tiêu chảy, viêm đại tràng giả mạc.
- Thay đổi huyết học, thiếu máu tan máu, tiểu cầu và bạch cầu hạt giảm.
- Nhức đầu, hoa mắt, đôi khi người bệnh bị loạn nhịp tim.
5. Tương tác thuốc
- Không dùng Emotaxin đồng thời với kháng sinh nhóm Aminoglycosid, Colistin (kháng sinh Polymyxin) bởi có nguy cơ làm tăng tác dụng độc với thận.
- Emotaxin khi dùng với Ureidopenicillin (Azlocillin, Mezlocillin) sẽ làm giảm độ thanh thải Cefotaxime.
- Emotaxin có thể gây dương tính giả với test Coombs.
6. Thận trọng khi dùng thuốc Emotaxin
- Ở bệnh nhân suy thận nặng, cần giảm liều dùng Emotaxin để tránh gây hại cho bộ phận này.
- Thận trọng khi dùng thuốc cho những bệnh nhân có tiền sử co giật trước đó.
- Người có tiền sử mắc các bệnh về máu hoặc tủy xương (ví dụ như mất bạch cầu hạt, giảm bạch cầu hạt), tiền sử mắc bệnh đại tràng (viêm ruột) cần dùng thuốc thận trọng.
Mặc dù Emotaxin là thuốc kháng sinh có khả năng hỗ trợ điều trị nhiều loại bệnh lý khác nhau. Tuy nhiên người dùng chỉ sử dụng thuốc khi có chỉ định cũng như tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn, hiệu quả nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.