Thuốc Egofixim chứa hoạt chất chính là cefixim, một kháng sinh cephalosporin thế hệ 3. Cơ chế tác dụng của thuốc là ức chế sự tổng hợp thành tế bào vi khuẩn, từ đó khiến vi khuẩn bị ly giải. Thuốc thường được chỉ định trong điều trị các loại nhiễm khuẩn hô hấp, tiết niệu, tai-mũi-họng, sinh dục.
1. Thuốc Egofixim là gì?
Thuốc Egofixim chứa hoạt chất chính là cefixim với hàm lượng 200mg. Cefixim là kháng sinh Cephalosporin thế hệ thứ 3, cơ chế tác dụng của thuốc là do ức chế sự tổng hợp thành tế bào vi khuẩn. Cefixim có độ bền vững cao với sự thủy phân của men beta-lactamase mã hóa bởi gen nằm trên plasmid và chromosom. Tính bền vững với beta-lactamase của cefixime cao hơn các kháng sinh cùng nhóm như cefaclor, cefoxitin, cefuroxime, cephalexin, cephradin. Cefixime hấp thu tốt qua cả đường tiêu hoá và đường tiêm. Khi dùng đường uống khoảng 40-50% thuốc được hấp thu qua hệ tiêu hóa, sự hấp thu tăng khi uống cùng thức ăn. Thuốc phân bố rộng khắp các mô và dịch cơ thể, xâm nhập tốt vào dịch não tuỷ, nhất là khi màng não bị viêm.
2. Công dụng thuốc Egofixim
Thuốc Egofixim được chỉ định trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn gây ra bởi các chủng nhạy cảm với cefixime như Streptococcus sp.Streptococcus pneumoniae, Branhamella catarrhalis, Neisseria gonorrhoeae, Klebsiella sp., Escherichia coli, Serratia sp., Proteus sp. và Haemophilus influenzae:
- Viêm bàng quang, viêm thận bể thận
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp, bao gồm cả viêm phế quản, viêm phổi.
- Nhiễm trùng tai mũi họng: viêm xoang, viêm hầu họng, viêm tai giữa, viêm amidan.
- Viêm túi mật, nhiễm khuẩn đường mật.
- Nhiễm khuẩn phụ khoa
- Bệnh lậu không biến chứng.
3. Liều lượng của thuốc Egofixim
Người lớn, trẻ em > 12 tuổi hoặc trẻ em có cân nặng > 30 kg: liều điều trị từ 200 – 400 mg/ngày, uống 1 lần duy nhất hoặc chia thành 2 lần/ngày.
Trẻ em dưới 12 tuổi: 8 mg/kg/ngày, uống 1 lần duy nhất hoặc chia thành 2 lần/ngày.
Liều dùng ở bệnh nhân suy thận: điều chỉnh liều tùy thuộc độ thanh thải creatinin.
- Độ thanh thải creatinin > 60 ml/phút: sử dụng liều như bình thường
- Độ thanh thải creatinin từ 21 – 60 ml/phút: Nên dùng liều bằng 75% so với liều bình thường.
- Độ thanh thải creatinin < 21 ml/phút hoặc bệnh nhân thẩm phân màng bụng thường xuyên: có thể dùng liều bằng 50% so với liều bình thường
Lưu ý thuốc Egofixim chống chỉ định cho bệnh nhân có tiền sử mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc hoặc với các kháng sinh có nhân cephem khác.
4. Tác dụng phụ của thuốc Egofixim là gì?
Tần suất > 10%: Tiêu chảy (16%)
Tần suất 2% đến 10%: Đau bụng, buồn nôn, khó tiêu, đầy hơi, phân lỏng
Tần suất <2%: Suy thận cấp, phản ứng phản vệ, phù mạch, nhiễm nấm Candida, chóng mặt, sốt do thuốc, tăng bạch cầu ái toan, ban đỏ đa dạng, phù mặt, sốt, nhức đầu, viêm gan, tăng bilirubin máu, tăng nitơ urê huyết, tăng creatinin huyết thanh, tăng transaminase huyết thanh, vàng da, giảm bạch cầu, thời gian prothrombin kéo dài, ngứa, viêm đại tràng giả mạc, co giật, phản ứng giống bệnh huyết thanh, phát ban da, hội chứng Stevens-Johnson, giảm tiểu cầu, hoại tử biểu bì nhiễm độc, mày đay, viêm âm đạo, nôn mửa
5. Các lưu ý khi sử dụng thuốc Egofixim là gì?
- Phản ứng ngoài da: Các phản ứng da nghiêm trọng (ví dụ: hoại tử biểu bì nhiễm độc, hội chứng Stevens-Johnson, phát ban do thuốc với tăng bạch cầu ái toan kèm các triệu chứng toàn thân) đã được báo cáo. Nếu phản ứng xảy ra, hãy ngừng thuốc và bắt đầu điều trị hỗ trợ.
- Thiếu máu tán huyết: Thiếu máu tán huyết qua trung gian miễn dịch (bao gồm cả tử vong) đã được báo cáo. Theo dõi bệnh nhân (bao gồm các thông số huyết học và xét nghiệm kháng thể do thuốc gây ra) trong 2 đến 3 tuần sau khi điều trị. Nếu thiếu máu tán huyết xảy ra trong khi điều trị, hãy ngừng sử dụng thuốc ngay lập tức.
- Quá mẫn: Quá mẫn và phản vệ đã được báo cáo ở những bệnh nhân dùng thuốc beta-lactam. Thận trọng khi dùng cho những bệnh nhân có tiền sử quá mẫn với cephalosporin, penicilin hoặc các beta-lactam khác. Nếu dùng cho bệnh nhân nhạy cảm với penicillin, hãy thận trọng khi sử dụng và ngưng sử dụng nếu xảy ra phản ứng dị ứng.
- Suy thận: Có thể gây suy thận cấp tính nếu bị suy thận, ngưng thuốc và bắt đầu điều trị hỗ trợ thích hợp.
- Bội nhiễm: Sử dụng egofixim kéo dài có thể dẫn đến bội nhiễm nấm hoặc vi khuẩn, bao gồm tiêu chảy do C. difficile và viêm đại tràng màng giả. Nhiễm C.difficile đã được quan sát thấy sau 2 tháng điều trị kháng sinh.
- Suy thận: Thận trọng khi dùng Egofixim cho bệnh nhân suy thận, vì có thể làm tăng nguy cơ co giật.
- Rối loạn đường tiêu hóa: Thận trọng khi dùng cho bệnh nhân có tiền sử bệnh đường tiêu hóa.
- Phụ nữ có thai: Cefixime đi qua nhau thai và có thể được phát hiện trong nước ối.
- Nhìn chung không thấy tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh hoặc các kết quả bất lợi khác cho thai nhi hoặc mẹ sau khi sử dụng kháng sinh cephalosporin.
- Phụ nữ cho con bú: Hiện không biết liệu cefixime có trong sữa mẹ hay không. Theo khuyến cáo từ nhà sản xuất, quyết định cho con bú trong thời gian điều trị cần cân nhắc nguy cơ thuốc tiếp xúc với trẻ sơ sinh, lợi ích của việc cho trẻ bú mẹ và lợi ích của việc dùng thuốc đối với mẹ.
Tóm lại, Egofixim là một kháng sinh cephalosporin thế hệ 3, thường được chỉ định trong các trường hợp nhiễm khuẩn hô hấp, tiết niệu, tai-mũi-họng,...Cũng giống như các cephalosporin khác, tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng egofixim là tiêu chảy. Nếu bệnh nhân gặp phải các tác dụng phụ bất thường, kéo dài thì nên ngưng sử dụng và liên hệ với bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.