Công dụng thuốc Covaprile

Covapril với hoạt chất chính Perindopril, thuộc nhóm thuốc kháng men chuyển angiotensin (ACE), hoạt động bằng cách làm giãn các mạch máu để việc lưu thông máu được dễ dàng hơn. Thuốc thường được sử dụng để phối hợp điều trị huyết áp cao, làm giảm nguy cơ đau thắt ngực hoặc tử vong do các vấn đề về tim ở người có bệnh mạch vành.

1. Thuốc Covaprile có tác dụng gì?

Thuốc Covaprile có tác dụng gì? Covaprile với hoạt chất chính Perindopril ( dưới dạng Perindopril tertbutylamin), thuộc nhóm thuốc kháng men chuyển angiotensin (ACE). Thuốc có tác dụng làm giảm huyết áp bằng cách làm giảm sức cản ngoại vi toàn thân do làm giãn động mạch và có thể cả tĩnh mạch.

Ở người suy tim sung huyết, Covaprile làm giảm phì đại thất trái và tình trạng dư thừa collagen ở dưới nội tâm mạc, tái tưới máu cơ tim, giảm sự xuất hiện loạn nhịp tim.

Covaprile giảm tải cho tim (cả tiền tải và hậu tải) nhờ làm giảm áp lực đổ đầy tâm thất phải và trái, giảm sức kháng ngoại biên toàn thân, tăng cung lượng tim.

2. Chỉ định của thuốc Covaprile trong trường hợp nào?

Thuốc Covaprile chỉ định trong những trường hợp sau:

3. Chống chỉ định của thuốc Covaprile

Thuốc Covaprile chống chỉ định trong những trường hợp sau:

  • Bệnh nhân có tiền sử dị ứng, quá mẫn với bất cứ thành phần nào của thuốc.
  • Bệnh nhân có tiền sử bị phù mạch (phù Quincke) có liên quan đến việc dùng thuốc kháng men chuyển angiotensin (ACE).
  • Trẻ em dưới 15 tuổi.

4. Cách sử dụng và liều dùng thuốc Covaprile

4.1. Cách sử dụng

  • Covaprile được bào chế dưới dạng viên nén, hàm lượng mỗi viên 4mg, dùng đường uống. Trước khi uống thuốc, người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc, thông tin thuốc trên bao bì để dùng thuốc được chính xác.
  • Khi uống nuốt trọn viên, không nghiền nát thuốc và nên uống vào buổi sáng trước bữa ăn. Người bệnh nên uống thuốc vào thời điểm cố định trong ngày để không quên liều thuốc.
  • Không được tự ý tăng giảm liều thuốc hoặc kéo dài thời gian dùng thuốc hơn so với thời gian được bác sĩ chỉ định.

4.2. Liều sử dụng

Đối với người bệnh tăng huyết áp:

Liều khuyến nghị là 4mg/ngày, uống một lần vào buổi sáng. Tùy đáp ứng người bệnh, có thể điều chỉnh liều trong 3 - 4 tuần sau khi dùng thuốc, liều tối đa: 16mg/ngày, uống chia 2 lần.

Trường hợp có suy thận, điều chỉnh liều Covaprile dựa vào mức độ suy thận, được tính dựa trên độ thanh thải creatinin (CrCl) như sau:

  • Độ thanh thải Creatinin (CrCl) từ 30 đến 60 ml/ phút: uống 2mg/ ngày
  • Độ thanh thải Creatinin (CrCl) từ 15 đến 30 ml/ phút: 2mg mỗi hai ngày.
  • Độ thanh thải Creatinin (CrCl) <15ml/ phút: uống 2mg vào ngày chạy thận.

Đối với người bệnh suy tim sung huyết

  • Bắt đầu điều trị với liều 2mg, uống một lần buổi sáng.
  • Liều duy trì là từ 2mg đến 4mg, có thể tăng liều tối đa 16mg/ngày.

Đối với người mắc bệnh động mạch vành ổn định (CAD)

  • Bắt đầu điều trị với liều 4mg uống mỗi ngày trong 2 tuần, sau đó tăng có thể tăng liều khi dung nạp thuốc lên 8mg/ngày uống chia hai lần.

5. Tác dụng không mong muốn của thuốc Covaprile

Khi sử dụng Covaprile, người bệnh có thể gặp một số tác dụng không mong muốn sau:

  • Hệ thần kinh: Cảm giác mệt mỏi, choáng váng, nhức đầu, rối loạn giấc ngủ, chuột rút, hạ huyết áp thế đứng,
  • Trên da: Dị ứng, phát ban, ngứa, phù mạch
  • Hệ tiêu hóa: Đau dạ dày, ăn không ngon, khô miệng buồn nôn, đau bụng, loạn vị giác.
  • Hệ hô hấp: Ho khan.
  • Hệ tim mạch: Thuốc có thể gây hạ huyết áp tư thế.

Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc để được xử trí thích hợp.

6. Thận trọng khi sử dụng thuốc Covaprile

Khi sử dụng Covaprile cần lưu ý những thông tin sau:

  • Cần ngưng sử dụng thuốc và tiến hành can thiệp y khoa nếu bệnh nhân xuất hiện triệu chứng phù lưỡi, thanh môn hoặc thanh quản.
  • Không nên sử dụng thuốc Covaprile ở bệnh nhân tăng huyết áp bị hẹp động mạch thận hai bên. Trong trường hợp bắt buộc phải sử dụng thuốc, cần theo dõi chức năng thận trong vài tuần điều trị đầu tiên đối với bệnh nhân.
  • Ho khan thường xảy ra khi dùng thuốc Covaprile. Ho kéo dài, không có đờm và tình trạng hết ho sau khi ngưng điều trị.
  • Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ điều trị đầy đủ về tình trạng bệnh, đặc biệt khi bị các bệnh như: suy thận, suy tim, đái tháo đường, xơ vữa động mạch, hẹp động mạch thận, hạ huyết áp hoặc ăn kiêng muối...để bác sĩ có phương hướng điều trị bệnh phù hợp
  • Không nên sử dụng Covaprile ở trẻ em dưới 15 tuổi do chưa có nghiên cứu chứng minh tính an toàn và hiệu quả của thuốc Covaprile đối với đối tượng này.
  • Phụ nữ đang mang thai: Ngừng ngay khi phát hiện có thai, đặc biệt trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối của thai kỳ, thuốc Covaprile có thể gây tổn thương thai nhi bao gồm hạ huyết áp, giảm sản hộp sọ ở trẻ sơ sinh, vô niệu, suy thận có hồi phục hoặc không hồi phục và tử vong.
  • Phụ nữ đang thời kỳ cho con bú: Chưa có nghiên cứu để biết Covaprile có đi vào sữa mẹ hay không, các bà mẹ nên thận trọng khi sử dụng
  • Đối với người đang lái xe và vận hành máy móc: Thuốc có thể gây tác dụng phụ như chóng mặt, đau đầu, hạ huyết áp tư thế, vì vậy người đang lái xe và vận hành máy móc cần cẩn trọng khi sử dụng thuốc Covaprile.

7. Tương tác của thuốc Covaprile

Tránh phối hợp Covaprile với các thuốc sau:

  • Thuốc lợi tiểu giữ kali, chất bổ sung kali: vì có khả năng làm tăng kali trong máu gây tử vong nhất là ở trường hợp suy thận.
  • Lithium: Vì có thể gây tăng nồng độ lithi trong máu đến mức gây ngộ độc.
  • Estramustine: Vì gây nguy cơ tăng các tác dụng không mong muốn như phù mạch - thần kinh.
  • Các thuốc kháng viêm không steroid (NSAID): có thể làm giảm tác dụng của thuốc Covaprile và gây tăng tác dụng phụ lên thận.
  • Với thuốc an thần mạnh, thuốc chống trầm cảm 3 vòng: tăng tác dụng hạ huyết áp và tăng nguy cơ hạ huyết áp thế đứng.

Trên đây là những công dụng và lưu ý đặc biệt khi dùng thuốc Covaprile. Người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ trước khi dùng thuốc để đạt được hiệu quả sử dụng thuốc và tránh được các tác dụng không mong muốn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe