Thuốc Concor chứa hoạt chất bisoprolol fumarate được chỉ định trong điều trị tăng huyết áp, bệnh mạch vành, suy tim mãn tính ổn định kèm suy giảm chức năng tâm thu thất trái... Cùng tìm hiểu về công dụng và các lưu ý khi sử dụng thuốc Concor qua bài viết dưới đây.
1. Công dụng thuốc Concor tab
“Thuốc Concor 5mg là thuốc gì?”. Thuốc Concor tab chứa hoạt chất bisoprolol bào chế dưới hai hàm lượng là Concor 2.5mg và Concor 5mg. Thuốc Concor được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Điều trị tăng huyết áp;
- Điều trị đau thắt ngực (bệnh mạch vành);
Điều trị suy tim mãn tính ổn định kết hợp với suy giảm chức năng tâm thu thất trái (sử dụng cùng với thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế men chuyển và các glycoside tim).
2. Liều dùng thuốc Concor tab
Thuốc Concor uống khi nào và liều dùng khuyến cáo của thuốc là bao nhiêu? Theo đó, Concor thuộc nhóm thuốc tim mạch có kê đơn, mọi trường hợp dùng thuốc trong điều trị cần được sự chỉ định của bác sĩ. Các thông tin về liều dùng dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo, người bệnh tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc trong điều trị. Liều dùng khuyến cáo trong điều trị các bệnh lý cụ thể như sau:
Điều trị bệnh mạch vành và tăng huyết áp: Liều thuốc được điều chỉnh cho từng người bệnh cụ thể dựa vào tình trạng lâm sàng (đặc biệt là nhịp tim và khả năng đáp ứng của người bệnh). Liều thuốc khởi đầu thường là 5mg bisoprolol uống 1 lần trong ngày. Trường hợp người bệnh tăng huyết áp nhẹ (huyết áp tâm trương nhỏ hơn 105mmHg) có thể dùng liều thuốc 2.5mg, uống một lần trong ngày. Trong một số trường hợp cần thiết có thể tăng liều dùng lên 2 viên thuốc Concor tab 5mg (10mg/ngày). Liều thuốc khuyến cáo tối đa là 20mg/lần/ngày.
Điều trị suy tim mãn tính ổn định: Các thuốc sử dụng trong điều trị suy tim mãn tính ổn định gồm thuốc ức chế men chuyển (ACE) (hoặc thuốc chẹn thụ thể angiotensin trong trường hợp không dung nạp thuốc ACE), thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn beta và các glycoside tim khi thích hợp. Người bệnh suy tim trước khi được điều trị bằng thuốc Concor tab 5mg cần có một giai đoạn kiểm tra và theo dõi bởi bác sĩ điều trị. Bác sĩ cần có kinh nghiệm trong điều trị suy tim mãn tính, phác đồ khởi đầu chuẩn theo thuốc Concor được trình bày như sau (phác đồ có thể thay đổi phụ thuộc vào mức độ dung nạp của người bệnh):
- Tuần 1: Liều 1.25mg bisoprolol uống 1 lần mỗi ngày, nếu bệnh nhân dung nạp tốt liều thuốc sẽ được tăng lên;
- Tuần 2: Liều 2.5mg bisoprolol (1/2 viên thuốc Concor tab 5mg) uống 1 lẫn mỗi ngày, nếu bệnh nhân dung nạp tốt liều thuốc sẽ được tăng lên;
- Tuần 3: Liều 3.75mg bisoprolol uống 1 lần mỗi ngày, nếu bệnh nhân dung nạp tốt liều thuốc sẽ được tăng lên;
- Tuần 4 – tuần 7: Liều 5mg bisoprolol uống 1 lần mỗi ngày, nếu bệnh nhân dung nạp tốt liều thuốc sẽ được tăng lên;
- Tuần 8 – tuần 11: Liều 7.5mg bisoprolol uống 1 lần mỗi ngày, nếu bệnh nhân dung nạp tốt liều thuốc sẽ được tăng lên;
- Tuần 12 trở về sau: Liều 10mg bisoprolol (2 viên thuốc Concor tab 5mg) uống 1 lần mỗi ngày.
Lưu ý trong giai đoạn điều chỉnh liều thuốc hoặc sau đó, nếu xảy ra tình trạng suy tim nặng hơn thoáng qua, chậm nhịp tim hay hạ huyết áp... khuyến cáo nên xem xét lại liều các thuốc dùng đồng thời trong phác đồ điều trị, bên cạnh đó giảm liều thuốc Concor hoặc xem xét ngưng điều trị khi cần thiết.
Thời gian điều trị: Đối với tất cả các chỉ định, thuốc Concor tab 5mg thường được điều trị lâu dài, việc ngưng điều trị có thể áp dụng khi cần thiết và sử dụng lại liều thuốc khi thích hợp.
Điều trị bằng thuốc Concor ở người bệnh suy gan, suy thận cần lưu ý các vấn đề như sau:
- Điều trị bệnh mạch vành, tăng huyết áp: Không hiệu chỉnh liều ở người bệnh suy gan, suy thận nhẹ đến trung bình. Đối với người bệnh suy thận nặng (độ thanh thải creatinin nhỏ hơn 20ml/phút), người bệnh suy gan nặng không dùng liều quá 10mg/ngày;
- Điều trị suy tim mãn tính ổn định: Không có nghiên cứu về dược động học của bisoprolol ở người bệnh suy tim kèm suy thận, suy gan. Vì vậy, việc sử dụng thuốc trên các đối tượng này cần hết sức thận trọng.
Người cao tuổi: Không cần hiệu chỉnh liều thuốc ở người cao tuổi.
Trẻ em: Hiện chưa có nghiên cứu đầy đủ về việc sử dụng thuốc bisoprolol ở trẻ em. Vì vậy khuyến cáo không sử dụng thuốc trong điều trị cho trẻ em.
3. Tác dụng phụ thuốc Concor tab
Thuốc Concor tab 5mg có thể gây ra một số tác dụng phụ như sau:
- Thường gặp: Chậm nhịp tim (đối với người bệnh suy tim mãn tính), tăng mức độ suy tim (đối với người bệnh suy tim mãn tính), nhức đầu, chóng mặt, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, hạ huyết áp, cảm giác lạnh hay tê cóng tay chân, hen suyễn, mệt mỏi;
- Ít gặp: Chậm nhịp tim, rối loạn dẫn truyền nhĩ thất, tăng suy tim, co thắt phế quản ở người bệnh hen phế quản hoặc người bệnh có tiền sử tắc nghẽn khí quản, yếu cơ, vọp bẻ, rối loạn cương dương;
- Hiếm gặp: Ngất, rối loạn thính giác, giảm nước mắt, viêm mũi dị ứng, các phản ứng quá mẫn như đỏ da, ngứa, phát ban; viêm gan, ác mộng, ảo giác;
- Rất hiếm gặp: Viêm kết mạc, rụng tóc.
4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Concor tab
4.1. Chống chỉ định
Chống chỉ định sử dụng thuốc Concor tab 5mg trong các trường hợp sau:
- Người bệnh suy tim cấp hoặc các giai đoạn suy tim mất bù cần tiêm truyền tĩnh mạch các loại thuốc gây co cơ tim;
- Người bệnh bị sốc do rối loạn chức năng tim;
- Người bệnh bị rối loạn dẫn truyền nhĩ thất nghiêm trọng (block nhĩ thất độ II hoặc độ III) mà không có máy tạo nhịp;
- Người bệnh bị block xoang nhĩ, hội chứng nút xoang;
- Người bệnh chậm nhịp tim có xuất hiện các triệu chứng thực thể;
- Người bệnh bị huyết áp thấp có xuất hiện các triệu chứng thực thể;
- Hen phế quản nặng;
- Thể nặng của bệnh động mạch ngoại biên hoặc hội chứng Raynaud;
- Người bệnh mắc u tuyến thượng thận chưa điều trị;
- Người mẫn cảm với bisoprolol hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc Concor 5mg;
- Người bị toan chuyển hóa.
4.2. Lưu ý khi sử dụng thuốc Concor tab
Thận trọng khi sử dụng thuốc Concor tab 5mg trong các trường hợp sau đây:
- Người bệnh đái tháo đường có mức đường huyết trong máu thay đổi bất thường, xuất hiện các triệu chứng hạ đường huyết rõ rệt như hồi hộp, mạch nhanh, hạ đường huyết hay tiết mồ hôi;
- Người bệnh nhịn ăn nghiêm ngặt;
- Đang điều trị tình trạng dị ứng;
- Người bệnh bị rối loạn dẫn truyền nhĩ thất nhẹ (block nhĩ thất độ I);
- Người bệnh bị rối loạn lưu lượng máu do co thắt mạch trong bệnh mạch vành (đau thắt ngực kiểu Prinzmetal);
- Người bệnh đang bị vảy nến hoặc có tiền sử mắc bệnh vảy nến;
- Người mắc bệnh tắc nghẽn động mạch ngoại biên (bệnh lý có thể tăng lên, đặc biệt là khi bắt đầu điều trị.
Một số lưu ý khi sử dụng thuốc:
- Trên hệ hô hấp: Tránh sử dụng thuốc ở người bệnh tắc nghẽn đường thở (trừ khi có chỉ định lâm sàng bắt buộc phải sử dụng);
- Phản ứng dị ứng: Thuốc Concor tab 5mg nói riêng và các thuốc chẹn kênh beta – 1 nói chung có thể làm tăng tính nhạy cảm với chất gây dị ứng, mức độ nghiêm trọng của phản ứng quá mẫn do sự điều hòa giao cảm ngược có thể giảm đi dưới tác dụng phong tỏa beta;
- Gây mê toàn thân: Đối với người bệnh gây mê toàn thân, việc sử dụng thuốc chẹn kênh beta giúp làm giảm nguy cơ thiếu máu cục bộ và loạn nhịp tim. Khuyến cáo hiện nay nên duy trì sử dụng thuốc chẹn kênh beta trong các giai đoạn chu phẫu;
- U tế bào ưa crom: Ở người bệnh u tuyến thượng thận, thuốc Concor tab 5mg chỉ nên được sử dụng trong điều trị sau khi phong tỏa thụ thể alpha;
- Nhiễm độc tuyến giáp: Ở người bệnh điều trị bằng thuốc Concor 5mg có thể làm che giấu các triệu chứng của cường chức năng tuyến giáp;
- Phụ nữ đang mang thai: Việc sử dụng thuốc Concor trong điều trị ở phụ nữ đang mang thai cần có chỉ định của bác sĩ điều trị (dựa trên mối quan hệ giữa lợi ích và nguy cơ).
5. Tương tác thuốc Concor tab
Kết hợp thuốc không nên sử dụng:
- Điều trị suy tim mãn tính ổn định: Thuốc chống loạn nhịp tim nhóm I (disopyramid, quinidin, lidocain, flecainid, phentoin, propafenon) có thể làm tăng tác dụng ức chế của Concor lên tính co thắt tim và dẫn truyền xung lực nhĩ thất;
- Thuốc chẹn kênh Canxi kiểu diltiazem và verapamil có thể làm chậm dẫn truyền xung lực nhĩ thất và làm giảm tính co thắt cơ tim khi dùng đồng thời với Concor 5mg. Đặc biệt, tiêm tĩnh mạch verapamil ở người bệnh đang điều trị bằng thuốc chẹn kênh beta có thể gây block nhĩ thất và hạ huyết áp mạnh;
- Thuốc hạ huyết áp trung tâm như methyldopa, clonidin, rilmenidin, moxonodin... có thể làm giảm cung lượng tim, giảm nhịp tim cũng như giãn mạch do giảm trương lực giao cảm trung ương.;
Kết hợp thuốc cần thận trọng:
- Thuốc chẹn kênh canxi kiểu dihydropyridin (ví dụ như nifedipin) có thể làm tăng nguy cơ hạ huyết áp khi điều trị chung với thuốc Concor 5mg;
- Thuốc chống loạn nhịp tim nhóm III như amiodarin có thể làm tăng tác dụng ức chế dẫn truyền xung lực nhĩ thất của Concor 5mg;
- Thuốc chẹn kênh beta tại chỗ như thuốc nhỏ mắt điều trị glaucoma... có thể tác dụng hiệp lực vào tác dụng toàn thân của Concor;
- Thuốc cường phó giao cảm làm tăng tác dụng ức chế dẫn truyền xung lực nhĩ thất và tăng nguy cơ chậm nhịp tim khi sử dụng cùng với thuốc Concor 5mg;
- Thuốc chống loạn nhịp tim nhóm I như disopyramid, quinidin, phenytoin, lidocain, propafenon... có thể làm tăng tác dụng ức chế dẫn truyền xung lực nhĩ thất và tính co thắt tim của thuốc Concor 5mg;
- Thuốc gây mê có thể làm tăng nguy cơ ức chế tim của thuốc Concor 5mg dẫn đến hạ huyết áp;
- Thuốc glycoside tim có thể làm kéo dài thời gian dẫn truyền xung động, vì thế có thể làm giảm nhịp tim khi sử dụng chung với thuốc Concor tab 5mg;
- Thuốc kháng viêm không steroid có thể làm giảm tác dụng hạ huyết áp của thuốc Concor 5mg;
- Thuốc cường giảm cảm beta như dobutamin, isoprenalin... sử dụng chung với thuốc Concor 5mg có thể làm giảm tác dụng của cả hai.
Kết hợp thuốc cần cân nhắc:
- Thuốc Mefloquine có thể làm tăng nguy cơ gây chậm nhịp tim khi sử dụng cùng với thuốc Concor 5mg;
- Thuốc ức chế men MAO có thể làm giảm tác dụng hạ huyết áp của thuốc chẹn kênh beta;
- Rifampicin sử dụng đồng thời với bisoprolol có thể làm giảm thời gian bán hủy của thuốc bisoprolol;
- Dẫn chất Ergotamin: Tăng rối loạn tuần hoàn ngoại vi.
Thuốc Concor chứa hoạt chất bisoprolol fumarate được chỉ định trong điều trị tăng huyết áp, bệnh mạch vành, suy tim mãn tính ổn định kèm suy giảm chức năng tâm thu thất trái... Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được các tác dụng phụ, người bệnh cần dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.