Clotrimazol là thuốc chống nấm, dùng trong điều trị các trường hợp viêm âm đạo do nấm Candida, Trichomonas hoặc các loại nấm khác. Vậy thuốc Clotrimazol dùng như thế nào, liều lượng ra sao và có những lưu ý quan trọng nào? Cùng tìm hiểu thông tin về thuốc Clotrimazol qua bài viết sau đây.
1. Clotrimazol là thuốc gì?
Thuốc Clotrimazol là thuốc chống nấm phổ rộng, được bào chế dưới nhiều dạng khác nhau như kem bôi, dung dịch dùng ngoài, viên ngậm, viên đặt âm đạo. Thành phần chính trong thuốc Clotrimazol gồm:
- Hoạt chất: Clotrimazol 100mg
- Tá dược vừa đủ
Hoạt chất Clotrimazol thuộc nhóm imidazol, là một thuốc chống nấm tổng hợp điều trị tại chỗ các trường hợp nhiễm nấm trên da. Tác dụng kháng nấm của Clotrimazol được thực hiện bằng cách liên kết với các phospholipid trong màng tế bào nấm, từ đó làm thay đổi tính thấm của màng, làm nấm mất các chất thiết yếu nội bào tạo điều kiện tiêu diệt nấm.
Phổ tác dụng của Clotrimazol khá rộng, tác dụng kìm và diệt nấm phụ thuộc vào nồng độ thuốc trong máu. Những loại nấm với Clotrimazol gồm: Microsporum canis, Trichophyton mentagrophytes, Trichophyton rubrum, Epidermophyton floccosum và các loại Candida. Ngoài ra, Clotrimazol cũng có tác dụng lên một số vi khuẩn gram dương như Staphylococcus aureus, Streptococcus pyogenes hoặc gram âm như Bacteroides, Gardnerella vaginalis hoặc Trichomonas. Tuy nhiên, ít khi sử dụng Clotrimazol trong các trường hợp nhiễm khuẩn hoặc ký sinh trùng vì hoạt tính thấp. Hiệu quả của Clotrimazol trên bề mặt da không chỉ phụ thuộc vào dạng tổn thương, cơ chế tác dụng của thuốc mà còn dựa vào độ acid, độ nhớt của chế phẩm sử dụng.
Về tình trạng kháng thuốc: Hiếm gặp tình trạng kháng Clotrimazol tự nhiên. Hiện tại, chỉ phân lập được một chủng kháng Clotrimazol là Candida guilliermondii. Điều trị kéo dài và đã điều trị thất bại đã dẫn đến sự xuất hiện tình trạng kháng thuốc nhóm azol, hay gặp trong các trường hợp nhiễm nấm Candida ở miệng - họng hoặc thực quản ở người nhiễm HIV giai đoạn cuối. Giữa các azol hay gặp hiện tượng kháng chéo giữa các thuốc.
2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Clotrimazol
2.1. Chỉ định của thuốc Clotrimazol
Dùng Clotrimazol để điều trị nấm trong các trường hợp sau :
- Bệnh nhân nhiễm nấm Candida ở miệng, họng, niêm mạc
- Bệnh nấm da, nhiễm nấm Candida
- Nấm kẽ ngón tay, kẽ ngón chân
- Nấm Candida âm đạo, âm hộ
- Nấm móng ở tay, chân hoặc lang ben
- Dự phòng nhiễm nấm Candida ở người có bệnh lý hoặc dùng thuốc gây suy giảm miễn dịch.
2.2.Chống chỉ định sử dụng thuốc Clotrimazol
- Người dị ứng quá mẫn với Clotrimazol, các loại imidazol hoặc các thành phần khác của thuốc
3. Cách sử dụng và liều dùng thuốc Clotrimazol:
Dùng đường miệng để điều trị tại chỗ:
- Ngậm viên thuốc cho tới khi tan hoàn toàn trong miệng, khoảng 15 - 30 phút.
- Không nhai hoặc nuốt cả viên.
- Liều dùng: 10mg/lần x 5 lần/ngày, điều trị trong 14 ngày.
Dự phòng nhiễm nấm Candida niêm mạc miệng - họng ở người có tình trạng ức chế miễn dịch:
- Viên ngậm tan trong miệng
- Liều dùng: 10 mg/lần x 3 lần/ngày
Điều trị tại chỗ ngoài da:
- Bôi thuốc mỏng lên vùng da bị bệnh, ngày 2 lần.
- Triệu chứng thường giảm sau 1 tuần.
- Đánh giá hiệu quả điều trị sau 4 tuần, nếu bệnh không đỡ phải xem lại chẩn đoán.
Nấm âm đạo:
- Đặt thuốc vào trong âm đạo mỗi tối trước khi đi ngủ
- Liều dùng: 100mg/ngày, dùng trong 7 ngày hoặc một liều duy nhất 500 mg.
- Dạng kem: Bôi 5 g/lần x 1 lần/ngày, điều trị trong 7 - 14 ngày.
Có thể sử dụng Clotrimazol đơn độc hoặc phối hợp với Corticoid như Hydrocortison, Betamethason để tăng hiệu quả điều trị.
4. Lưu ý khi sử dụng Clotrimazol
4.1. Tác dụng phụ của thuốc Clotrimazol
Một số tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc Clotrimazol:
- Trường hợp điều trị bằng đường miệng: rối loạn tiêu hóa, nôn, buồn nôn, tiểu lắt nhắt, tiểu máu.
- Trường hợp dùng tại chỗ: kích ứng, nóng rát, viêm da dị ứng do tiếp xúc, đau rát vùng bôi thuốc
Ngoài ra, Clotrimazol làm giảm bạch cầu trung tính, tăng enzym gan, trầm cảm.
Thận trọng khi sử dụng thuốc Clotrimazol ở các đối tượng:
- Phụ nữ có thai: Hiện nay, chưa có nghiên cứu về độ an toàn của thuốc Clotrimazol ở phụ nữ mang thai, người bệnh chỉ sử dụng sau khi đã cân nhắc lợi ích vượt trội nguy cơ. Tuy nhiên, người dùng phải tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định dùng thuốc và chỉ sử dụng trong quý đầu thai kỳ.
- Phụ nữ cho con bú: Chưa có số liệu nghiên cứu về khả năng bài tiết qua sữa mẹ của Clotrimazol, cho nên không dùng thuốc ở phụ nữ đang hoặc có dự định cho con bú.
- Trẻ nhỏ: Không dùng thuốc Clotrimazol đường uống cho trẻ dưới 3 tuổi, vì chưa có số liệu xác định về độ an toàn và hiệu lực của thuốc.
- Bệnh nhân ghép gan: Nồng độ Tacrolimus trong huyết thanh của người bệnh tăng lên khi dùng đồng thời với Clotrimazol. Do vậy cần giảm liều Tacrolimus tùy theo tình trạng bệnh.
Lưu ý:
- Không chỉ định Clotrimazol điều trị nhiễm nấm toàn thân
- Ngừng thuốc ngay và thông báo cho bác sĩ khi có tình trạng kích ứng hoặc mẫn cảm như sưng, đỏ, ngứa, mọng nước,... trong thời gian dùng thuốc
- Phải điều trị đủ thời gian dù triệu chứng đã thuyên giảm để đảm bảo hiệu quả và phòng ngừa tái phát. Đánh giá lại triệu chứng sau 4 tuần điều trị.
- Đề phòng các nguồn lây nhiễm, tránh dùng chung các vật dụng cá nhân như khăn lau, bàn chải, quần áo,...
- Hiện chưa có thông tin về tác dụng hiệp đồng hay đối kháng khi dùng đồng thời Clotrimazol với các thuốc khác như Nystatin, Amphotericin B .
Trên đây là toàn bộ thông tin về thành phần, cách sử dụng, tác dụng phụ và những lưu ý khi sử dụng thuốc Clotrimazol. Bệnh nhân cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trên bao bì thuốc Clotrimazol và tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ để đạt được kết quả điều trị tốt nhất.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.