Chirocaine thuộc nhóm thuốc gây tê, gây mê được bào chế ở dạng dung dịch tiêm. Để dùng thuốc Chirocaine an toàn và hiệu quả thì người bệnh nên tham khảo tư vấn từ dược sĩ hoặc bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng.
1. Chirocaine là thuốc gì?
Thuốc Chirocaine chứa thành phần Levobupivacain có tác dụng thông qua cơ chế tương tác với điện áp kênh Natri có mặt trong màng tế bào của cơ thể. Từ đó gây tác dụng phong bê sợi dẫn truyền trên hệ thần kinh cảm giác và vận động, giúp giảm đau, gây tê trong thời gian dài. Hơn nữa, thành phần này còn có tác dụng gây cản trở sự dẫn truyền xung động và cảm nhận được sự hoạt động của nó ở các mô khác trong cơ thể.
2. Chỉ định và chống chỉ định sử dụng thuốc Chirocaine
Thuốc Chirocaine được chỉ định sử dụng ca cả người lớn và trẻ em.
Đối với người lớn:
- Thường sử dụng trong các trường hợp phẫu thuật lớn giúp gây tê nội tuỷ, gây tê ngoài màng cứng với trường hợp Chirocaine trong phẫu thuật gây tê;
- Giảm các cơn đau cấp tính hoặc đau do phẫu thuật, đau trong sinh đẻ.
- Có thể chỉ định thuốc Chirocaine trong trường hợp thực hiện tiểu phẫu như phong bế thần kinh trong phẫu thuật mắt, gây tê thẩm thấu diện rộng.
Còn với trẻ em:
- Thuốc Chirocaine được chỉ định giảm đau do tác dụng của phong bế các vùng như bẹn, chậu, hạ vị...
Tuy nhiên Chirocaine cũng chống chỉ định đối với những trường hợp quá mẫn cảm với thành phần của thuốc, không sử dụng cho mục đích gây tê mạch vùng hoặc những đối tượng giảm huyết áp trầm trọng bị gây ra bởi tình trạng shock, giảm oxy máu hay sử dụng trong sản khoa để phong bế quanh vùng chậu, ...
3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Chirocaine
Thuốc Chirocaine được sử dụng ở dạng tiêm, tránh tiêm nhanh với lượng lớn dung dịch, đồng thời chia nhỏ lượng tiêm và tăng dần liều. Bởi vì liều của bất kỳ loại thuốc gây tê cục bộ nào, bao gồm cả Chirocaine đều phụ thuộc vào quy trình gây tê, diện tích gây tê, mật độ mạch máu trong các mô và số lượng vùng tế bào thần kinh sẽ bị phong bế cũng như mức độ phong bế, mức độ giãn cơ cần thiết, độ dài thời gian cần thực hiện gây tê hoặc mức độ dung nạp của người bệnh... Và đặc biệt cần chú ý đến người bệnh đang ốm nặng do tuổi cao hoặc do các yếu tố khác như suy chức năng tim mạch, bệnh gan tiến triển, suy chức năng thận nặng.
Liều thuốc tham khảo:
- Thuốc Chirocaine sử dụng trong phẫu thuật gây tê ngoài màng cứng để phẫu thuật thường được khuyến nghị với liều lượng từ 50 đến 150mg;
- Trường hợp gây tê ngoài màng cứng cho mổ đẻ được khuyến nghị với liều từ 750 đến 150mg;
- Sử dụng trong phẫu thuật thần kinh ngoại vi với liều tối đa là 150mg, nội tủy là 15mg, mắt khoảng từ 37.5 đến 112.5mg, thẩm thấu cục bộ của người lớn với liều tối đa là 150mg, gây tê chậu-bẹn hoặc chậu hạ vị ở trẻ khuyến nghị từ 0,625 đến 2,5mg/kg.
- Trong điều trị giảm đau khi đẻ có thể thuốc Chirocaine được khuyến nghị với liều lượng nhằm gây tê ngoài màng cứng từ 5 đến 12,5mg/giờ.
- Trường hợp sử dụng trong giảm đau phẫu thuật với truyền ngoài màng cứng với liều lượng từ 12,5 đến 18,75mg/ giờ. Có thể gây tê ngoài màng cứng với Fentanyl, Morphin, Clonidine. nếu sử dụng Opioid nên giảm liều của thuốc Chirocaine.
- Sử dụng thuốc Chirocaine với dung dịch pha loãng nước muối sinh lý 0,9% có thể dùng tổng liều tối đa không quá 400mg/ngày.
Cần lưu ý: Liều điều trị với thuốc Chirocaine theo khuyến cáo trên chỉ mang tính chất tham khảo. Vì vậy, trước khi sử dụng thuốc Chirocaine, người bệnh cần tuân theo chỉ định của bác sĩ.
4. Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Chirocaine
Thuốc Chirocaine có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn trong quá trình điều trị. Tuy nhiên, với mỗi trường hợp thì tác dụng phụ của thuốc Chirocaine có thể xảy ra ở mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng.
Các phản ứng bất lợi của Levobupivacain thường tương tự với các thuốc gây tê cục bộ nhóm Amid, nguyên nhân chính gây ra những bất lợi này thường liên quan đến nồng độ thuốc quá cao trong huyết tương hoặc ở da và có thể do sử dụng thuốc Chirocaine ở dạng quá liều hoặc vô ý tiêm thuốc vào mạch máu hay chuyển hoá phân huỷ thuốc quá chậm.
Một trong những dấu hiệu của tác dụng phụ có thể nhận thấy chính là toàn thân suy nhược, phù, rối loạn tim mạch, hạ huyết áp thế đứng, rối loạn hệ thần kinh trung ương, ngoại vi, giảm chức năng vận động, co cơ không tự ý, rùng mình, rối loạn nhịp tim, ngoại tâm thu, rung nhĩ, rối loạn tiêu hoá, tăng rối loạn hệ gan mật...
Các phản ứng bất lợi về thần kinh có thể do tổng liều sử dụng thuốc gây tê cục bộ, loại thuốc sử dụng hoặc thể trạng của người bệnh. Các tác dụng phụ liên quan đến kỹ thuật gây tê cục bộ có thể có hoặc không liên quan đến sự tham gia của thuốc Chirocaine.
Ngoài ra, Chirocaine còn có thể gây ra các phản ứng hiếm như mẫn cảm với thuốc gây tê cục bộ. Các phản ứng này đặc trưng bởi các dấu hiệu như nổi mày đay, ngứa, ban đỏ, hắt hơi, buồn nôn, chóng mặt, ngất, ra nhiều mồ hôi, tăng thân nhiệt, có triệu chứng tương tự sốc phản vệ...
Một số lưu ý trong quá trình sử dụng thuốc Chirocaine gồm:
- Sử dụng thuốc Chirocaine cần thận trọng với các bệnh nhân đang sử dụng các loại thuốc gây tê cục bộ khác hoặc các loại thuốc có cấu trúc liên quan đến thuốc gây tê cục bộ kiểu amid. Vì tác dụng của thuốc sẽ bị đẩy lên có độ độc dược mạnh hơn. Điều đó có thể thấy qua nghiên cứu trong ống nghiệm với CYP3A4 là CYP1A2 isoform làm trung gian cho quá trình chuyển hóa Levobupivacain tương ứng thành desethyl và 3-hydroxy Levobupivacain. Cho nên, các loại thuốc được sử dụng đồng thời với Chirocaine có thể bị chuyển hoá bởi isoenzyme, đồng thời tương tác với cả Levobupivacain. Mặc dù chưa có nghiên cứu trên lâm sàng về mối quan hệ này nhưng quá trình chuyển hoá của Levobupivacain có thể bị ảnh hưởng bởi các chất gây cảm ứng CYP3A4 như Phenytoin, Phenobarbital, Rifampin và chất ức chế CYP3A4 như thuốc kháng nấm chứa nitơ, chất ức chế protease và các loại thuốc kháng kênh canxi như Verapamil, chất gây ức chế CYP1A2 như Furylite và Clarithromycin.
- Thận trọng khi dùng Chirocaine cho bệnh nhân đang sử dụng thuốc chống loạn nhịp có tác dụng gây tê cục bộ, chẳng hạn như Mexiletine hay các loại thuốc chống loạn nhịp nhóm III, do khả năng tác dụng hiệp đồng của chúng.
- Độ an toàn và hiệu quả sử dụng thuốc gây tê cục bộ phụ thuộc vào liều sử dụng thích hợp, kỹ thuật chính xác và thận trọng đúng mức cũng như mức độ sẵn sàng cấp cứu.
- Thuốc nên sử dụng ở liều thấp nhất để có hiệu quả gây tê nhằm tình trạng hàm lượng thuốc tăng cao trong huyết tương hoặc những tác dụng phụ nghiêm trọng có thể xảy ra.
- Khi sử dụng kỹ thuật catheter liên tục cần thực hiện hút thử bơm tiêm trước và trong mỗi lần tiêm thêm. Hoặc khi thực hiện gây tê ngoài màng cứng, thử một liều thuốc gây tê cục bộ với tác dụng nhanh và theo dõi người bệnh về các dấu hiệu ngộ độc hệ thần kinh trung ương và tim mạch hoặc các dấu hiệu sơ suất tiêm nội tuỷ...
Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Chirocaine, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Chirocaine là thuốc kê đơn nên người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua và điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.