Cevita 500 được sử dụng trong việc điều trị các loại bệnh nguyên nhân do thiếu vitamin C. Bên cạnh những hiệu quả mang lại thì cevita 500 cũng gây ra một số phản ứng phụ không muốn mà người bệnh cần phải lưu ý.
1. Cevita 500 là thuốc gì?
Cevita 500 chứa thành phần chính là Vitamin C, thuộc nhóm thuốc khoáng chất và vitamin. Bác sĩ thường chỉ định sử dụng thuốc cho bệnh nhân trong trường hợp:
- Điều trị các chứng xuất huyết và bệnh scorbut nguyên nhân do thiếu vitamin C.
- Tăng sức đề kháng ở cơ thể cho người bệnh mắc bệnh nhiễm khuẩn, cảm cúm, mệt mỏi và nhiễm độc.
- Điều trị bệnh do thiếu vitamin C.
- Thiếu máu do thiếu sắt.
- Kết hợp với desferrioxamin để làm tăng thêm sự đào thải sắt trong điều trị bệnh Thalassemia.
- Kết hợp với một số loại thuốc khác để điều trị bệnh dị ứng.
Lưu ý:
- Với người bị thiếu hụt glucose - 6 - phosphat không sử dụng vitamin C liều cao vì có thể dẫn đến nguy cơ thiếu máu huyết tán.
- Không sử dụng thuốc Cevita 500 cho người bệnh có tiền sử sỏi thận, tăng oxalat niệu và loạn chuyển hóa oxalat do làm tăng nguy cơ sỏi thận.
2. Liều dùng và cách dùng của thuốc Cevita 500
Cách dùng:
- Người bệnh chỉ dùng đường tiêm khi không uống được.
- Để thuốc có thể thẩm thấu tốt nhất, người bệnh nên tiêm bắp mặc dù thuốc có gây phản ứng phụ là đau tại vị trí tiêm.
Liều dùng:
Liều thông thường sử dụng cho người bệnh bị thiếu vitamin E:
- Đối với người lớn dùng tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp mỗi lần 1 - 2 ống, ngày 1 lần, sử dụng thuốc ít nhất trong 2 tuần. Không dùng quá 1g/ngày.
- Đối với trẻ em nên dùng hàm lượng 100 mg/2ml.
Lưu ý: Trên đây chỉ là liều lượng thuốc tham khảo, liều lượng thuốc có thể thay đổi phụ thuộc vào thể trạng và mức độ phát triển của bệnh.
3. Quá liều và Quên liều
Quên liều thuốc:
Khi quên uống thuốc Cevita 500, người bệnh nên uống ngay sau khi nhớ ra, tuy nhiên nếu thời gian sát thời gian uống liều thuốc tiếp theo. người bệnh nên bỏ qua liều đã quên và uống liều thuốc Cevita 500 tiếp sau đó. Không khuyến cáo sử dụng gấp đôi liều lượng thuốc Cevita 500.
Quá liều lượng thuốc và cách xử lý:
Một số triệu chứng thường gặp khi người bệnh sử dụng quá liều lượng thuốc Cevita 500 bao gồm: Sỏi thận, buồn nôn, viêm dạ dày và tiêu chảy. Khi gặp các biểu hiện trên, người bệnh cần thông báo ngay cho bác sĩ khi dùng quá liều chỉ định. Trường hợp có các phản ứng nghiệm hơn thì hãy gọi ngay cho trạm Y tế địa phương gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời.
4. Tác dụng phụ
Khi người bệnh sử dụng quá liều Vitamin C (trên 1g/ngày) và trong thời gian dài ngày thì sẽ gặp một số phản ứng phụ không mong muốn. Các phản ứng này có mức độ nhẹ đến mức độ nghiêm trọng như:
- Vitamin C nếu sử dụng để tiêm liều cao tiêm tĩnh mạch sẽ gây dễ gây tan máu, giảm độ bền của hồng cầu đặc biệt là những bệnh nhân bị thiếu men G6P.
- Ngoài ra, cũng có báo cáo thuốc Cevita 500 có khả năng gây ra phản ứng phản vệ và đã gây tử vong. Do đó dùng thuốc tiêm tĩnh mạch là cách dùng không hợp lý và không an toàn, bệnh nhân cần lưu ý.
- Thận: Tăng oxalat niệu, nặng hơn là tăng tạo sỏi thận và gây bệnh Gút do thuốc.
- Máu: Thiếu máu, tan máu.
- Tim mạch: Suy tim.
- Thần kinh trung ương: Ngất xỉu, nhức đầu, mệt mỏi và chóng mặt.
- Dạ dày - ruột: Buồn nôn, nôn, nghiêm trọng hơn là gây bệnh loét dạ dày, tá tràng, viêm bàng quang và tiêu chảy.
5. Thận trọng
- Dùng vitamin C với liều cao kéo dài có thể dẫn đến hiện tượng nhờn thuốc. Do đó khi giảm liều sẽ dẫn đến thiếu hụt vitamin C.
- Tiêm tĩnh mạch (sử dụng không hợp lý và không an toàn) có thể dẫn đến hiện tượng ngất xỉu tạm thời hoặc chóng mặt và nặng hơn có thể gây ngừng tim.
- Sử dụng trong thời kỳ mang thai: Vitamin C được chứng minh có khả năng hấp thụ qua nhau thai. Các nghiên cứu lâm sàng được tiến hành trên động vật và trên người mang thai cho thấy nếu dùng vitamin C theo nhu cầu bình thường hàng ngày thì chưa thấy xảy ra vấn đề gì ảnh hưởng đến thai nhi. Tuy nhiên, uống những lượng lớn vitamin C trong khi mang thai có thể làm tăng nhu cầu về vitamin C và dẫn đến bệnh scorbut ở trẻ sơ sinh.
- Sử dụng thuốc trong thời kỳ cho con bú: Vitamin C có thể tồn tại trong sữa mẹ. Các nghiên cứu cũng đã chứng minh bà mẹ cho con bú dùng vitamin C theo nhu cầu bình thường sẽ không ảnh hưởng gì đến sự phát triển của trẻ nhỏ.
- Không nên sử dụng thuốc cho người đang lái xe hoặc vận hành máy móc vì thuốc gây buồn ngủ, mất tỉnh táo.
- Thành phần Vitamin C có trong thuốc Cevita 500 có thể gây acid - hóa nước tiểu, đôi khi dẫn đến kết tủa urat hoặc cystin, sỏi oxalat hoặc thuốc trong đường tiết niệu.
6. Tương tác thuốc
- Kết hợp vitamin C với thuốc aspirin sẽ làm tăng bài tiết vitamin C và giảm bài tiết aspirin trong nước tiểu.
- Kết hợp vitamin C và thuốc fluphenazin làm giảm nồng độ fluphenazin có trong huyết tương. Sự acid - hóa nước tiểu sau khi dùng vitamin C có thể làm thay đổi sự bài tiết của các thuốc khác.
- Ảnh hưởng đến nhiều xét nghiệm glucose dựa trên phản ứng oxy hóa - khử. Cụ thể như sự có mặt vitamin C trong nước tiểu làm sai kết quả xét nghiệm glucose, lượng glucose sẽ tăng nếu định lượng bằng thuốc thử đồng (II) sulfat và lượng glucose sẽ giảm nếu định lượng bằng phương pháp glucose oxydase.
- Dùng đồng thời vitamin C và 30mg sắt nguyên tố với tỷ lệ trên 200mg Vitamin C sẽ làm tăng hấp thu sắt qua đường dạ dày - ruột. Tuy nhiên, đa số người bệnh đều có khả năng hấp thu sắt uống một cách hoàn toàn mà không cần phải kết hợp đồng thời với vitamin C.
- Vitamin C liều cao có thể phá hủy vitamin B12 vậy nên người bệnh cần tránh uống vitamin C liều cao trong vòng một giờ trước hoặc sau khi uống vitamin B12.
- Dung dịch tiêm vitamin C tương kỵ với penicillin G.
Bài viết đã cung cấp thông tin thuốc Cevita 500 là gì, liều dùng và lưu ý khi sử dụng. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và phát huy tối đa hiệu quả điều trị, bạn cần dùng thuốc Cevita 500 theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Bảo quản thuốc Cevita 500 ở nơi khô thoáng, nhiệt độ không quá 30 độ C và tránh xa tầm với của trẻ nhỏ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.