Thuốc Cevimeline được dùng để điều trị các triệu chứng khô miệng do một số bệnh miễn dịch gây ra (hội chứng Sjogren). Vậy cách sử dụng thuốc Cevimeline như thế nào? Cùng tìm hiểu những thông tin cần thiết về thuốc Cevimeline qua bài viết dưới đây.
1. Cevimeline là thuốc gì?
Tên thuốc: Cevimeline
Loại thuốc: Thuốc chủ vận cholinergic; gắn với thụ thể muscarinic.
Dạng thuốc và hàm lượng: Viên nang uống 30 mg.
2. Công dụng thuốc Cevimeline
Cevimeline có tác dụng gì?
Cevimeline được chỉ định dùng điều trị triệu chứng khô miệng (Xerostomia) ở bệnh nhân mắc hội chứng Sjogren. Cevimeline thuộc nhóm thuốc kích thích cholinergic. Thuốc này hoạt động bằng cách kích thích một số dây thần kinh nhất định để làm tăng lượng nước bọt tiết ra, giúp bạn nói và nuốt dễ dàng hơn và thoải mái hơn.
3. Liều lượng và cách dùng thuốc Cevimeline
Cách dùng:
Dùng thuốc chung với thức ăn hoặc không
Liều lượng:
Người lớn:
Điều trị khô miệng (xerostomia) liên quan đến hội chứng Sjogren: Uống 30 mg x 3 lần / ngày.
Chưa xác định được tính an toàn và hiệu quả của liều >90 mg mỗi ngày.
Đối tượng khác:
Người cao tuổi: Tương tự liều người lớn.
4. Quá liều - Quên liều Cevimeline và xử lý
Quá liều và xử trí
Triệu chứng:
Các triệu chứng quá liều có thể bao gồm: đau đầu, các vấn đề về thị lực, lú lẫn, đổ mồ hôi, run, nôn mửa, tiêu chảy, cảm giác khó thở và nhịp tim không đều.
Xử trí:
- Xử trí các dấu hiệu và triệu chứng của quá liều cấp tính tương tự như khi xử trí đối với ngộ độc các thuốc chủ vận Muscarinic khác: Nên thực hiện các biện pháp hỗ trợ chung.
- Nếu có chỉ định, atropin, thuốc kháng cholinergic, có thể được dùng như một thuốc giải độc sử dụng khẩn cấp cho những bệnh nhân đã dùng quá liều Cevimeline. Epinephrine cũng có thể có giá trị trong trường hợp bệnh nhân bị ức chế tim mạch nghiêm trọng hoặc co thắt phế quản.
Quên liều và xử trí:
Nếu quên uống một liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không uống gấp đôi liều đã quy định.
5. Tác dụng phụ của thuốc Cevimeline
Thường gặp:
- Đổ mồ hôi, buồn nôn, viêm xoang, viêm mũi, nhiễm trùng đường hô hấp trên, đau ngực, phù, đánh trống ngực, phù ngoại biên, mệt mỏi, mất ngủ, trầm cảm, tăng trương lực cơ, tê bì, giảm phản xạ gân cơ, đau nửa đầu, chóng mặt, bệnh da liễu, phát ban đỏ, ngứa, nóng bừng, tăng amylase, đau bụng, nôn, tăng tiết nước bọt, chán ăn.
- Viêm miệng áp tơ, táo bón, khó tiêu, đầy hơi, trào ngược dạ dày thực quản, nấc cụt, đau tuyến nước bọt, viêm tuyến nước bọt, đau răng, khô miệng, nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm bàng quang, viêm âm đạo, thiếu máu, phản ứng quá mẫn, áp xe, nhiễm nấm Candida, nhiễm nấm, nhiễm trùng, đau lưng, đau khớp, đau xương, suy nhược.
- Chuột rút ở chân, đau cơ, run, bệnh về mắt, nhiễm trùng mắt, đau mắt, rối loạn thị giác, khô mắt, đau tai, viêm tai giữa, ho, viêm phế quản, chảy máu cam, các triệu chứng giống cúm, viêm phổi, chấn thương do tai nạn, sốt.
Ít gặp và hiếm gặp:
- Đợt cấp của bệnh đa xơ cứng, hành vi hung hăng, rụng tóc, đau thắt ngực, xuất huyết tiền phòng, mất vận ngôn, ngừng thở, bệnh khớp,....
- Co thắt phế quản, nổi bóng nước, block nhánh, rối loạn nhịp tim, bệnh tim mạch, viêm túi mật, sỏi mật,....
- Đái tháo đường, rối loạn vận động, bất thường trên ECG, cảm xúc dao động, tăng bạch cầu ái toan, hẹp thực quản, viêm thực quản, ngoại tâm thu, phù mặt, loét dạ dày,...
- Khối máu tụ, tiểu máu, suy gan, tăng đường huyết, tăng kali máu, tăng huyết áp, hạ đường huyết, hạ huyết áp, suy giáp, giảm tiểu cầu miễn dịch, liệt dương, tăng men gan.
- Sỏi thận, bệnh dây thần kinh, liệt, hoang tưởng, dị cảm, loét dạ dày tá tràng, viêm màng ngoài tim, thiếu máu cục bộ ngoại biên, phản ứng dị ứng ánh sáng trên da.
- Nhịp tim nhanh, viêm bao gân, giảm tiểu cầu, viêm tắc tĩnh mạch, viêm loét đại tràng, bí tiểu, rối loạn tiểu tiện, viêm mạch máu.
6. Lưu ý khi sử dụng thuốc Cevimeline
Chống chỉ định
Cevimeline chống chỉ định trong các trường hợp sau:
- Bệnh nhân quá mẫn với Cevimeline.
- Bệnh hen suyễn chưa kiểm soát.
- Những bệnh nhân có tình trạng co đồng tử không mong muốn (viêm mống mắt cấp tính, tăng nhãn áp góc đóng).
Lưu ý chung
- Thuốc Cevimeline có nguy cơ gây rối loạn dẫn truyền tim và (hoặc) nhịp tim. Bệnh nhân có bệnh tim mạch đáng kể trên lâm sàng có thể không dung nạp được những thay đổi thoáng qua về huyết động hoặc nhịp tim do Cevimeline gây ra. Sử dụng thận trọng và dưới sự giám sát y tế chặt chẽ ở những bệnh nhân có tiền sử bệnh tim mạch (ví dụ, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tinh).
- Thuốc Cevimeline có nguy cơ làm tăng trương lực cơ trơn phế quản, tăng tiết dịch phế quản và trở kháng đường thở. Sử dụng thận trọng và dưới sự giám sát y tế chặt chẽ ở những bệnh nhân bị hen suyễn, viêm phế quản mãn tính hoặc COPD.
- Triệu chứng nhìn mờ được báo cáo liên quan đến các dạng thuốc nhỏ mắt của thuốc chủ vận Muscarinic. Thuốc Cevimeline có thể gây suy giảm cảm nhận chiều sâu thị giác và giảm thị lực, đặc biệt là vào ban đêm và ở những bệnh nhân có những thay đổi thuỷ tinh thể sẵn có.
- Thuốc Cevimeline cũng có thể làm giảm khả năng lái xe vào ban đêm hoặc khả năng thực hiện các hoạt động nguy hiểm trong điều kiện ánh sáng giảm.
- Thuốc Cevimeline có thể làm tăng các tác dụng của hệ đối giao cảm (ví dụ: Đau đầu, rối loạn thị giác, chảy nước mắt, đổ mồ hôi, rối loạn hô hấp, co thắt đường tiêu hoá, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, block nhĩ thất, nhịp tim nhanh, nhịp tim chậm, hạ huyết áp, tăng huyết áp, sốc, rối loạn tri giác, rối loạn nhịp tim, run).
- Đổ mồ hôi là tác dụng phụ thường gặp nhất. Đổ mồ hôi quá nhiều có thể khiến cơ thể bị mất nước.
- Thuốc Cevimeline có thể gây co thắt túi mật hoặc cơ trơn đường mật và có thể dẫn đến các biến chứng (ví dụ, viêm túi mật, viêm đường mật, tắc mật) ở bệnh nhân có sỏi mật. Thận trọng khi dùng cho bệnh nhân có tiền sử sỏi mật.
- Thuốc Cevimeline làm tăng trương lực cơ trơn niệu quản về mặt lý thuyết có thể dẫn đến cơn đau quặn thận hoặc trào ngược niệu quản ở bệnh nhân sỏi thận. Thận trọng khi dùng cho bệnh nhân có tiền sử sỏi thận.
- Bệnh nhân nghi ngờ hoặc đã biết có thiếu hụt hoạt tính men CYP2D6 có thể tăng nguy cơ xảy ra các tác dụng do sự giảm chuyển hóa của Cevimeline ở những bệnh nhân này.
Lưu ý với phụ nữ có thai:
- Không có đầy đủ thông tin về tính an toàn của thuốc trong các nghiên cứu có đối chứng ở phụ nữ mang thai; giảm số lượng phôi làm tổ đã được quan sát thấy trong các nghiên cứu trên động vật.
- Chỉ sử dụng trong thời kỳ mang thai nếu đã cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ có thể xảy ra cho thai nhi.
Lưu ý với phụ nữ cho con bú:
Chưa có dữ liệu cho biết liệu Cevimeline có được phân phối vào sữa hay không, nên ngừng thuốc hoặc ngừng cho bú trong trường hợp này
Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc:
- Triệu chứng nhìn mờ được báo cáo liên quan đến các dạng thuốc nhỏ mắt của thuốc chủ vận Muscarinic.
- Thuốc có thể gây suy giảm cảm nhận chiều sâu thị giác và giảm thị lực, đặc biệt là vào ban đêm và ở những bệnh nhân có những thay đổi thuỷ tinh thể sẵn có; thuốc cũng có thể làm giảm khả năng lái xe vào ban đêm hoặc khả năng thực hiện các hoạt động nguy hiểm trong điều kiện ánh sáng giảm.
7. Tương tác thuốc
Tương tác với các thuốc khác:
- Với các chất ức chế Acetylcholinesterase: Cevimeline có thể làm tăng tác dụng phụ, tác dụng có hại của các chất chủ vận cholinergic, tác dụng trên cholinergic có thể được tăng cường.
- Với beta-blockers: Cevimeline có thể làm tăng tác dụng phụ, tác dụng có hại của Cevimeline. Trong đó khả năng xảy ra bất thường trên dẫn truyền tim và co thắt phế quản cần được chú ý.
- Với Cimetropium: Cevimeline có thể làm giảm tác dụng kháng cholinergic của cimetropium.
- Cevimeline ảnh hưởng đến chức năng túi mật có thể làm giảm tác dụng điều trị của Sincalide. Cân nhắc ngừng các thuốc có thể ảnh hưởng đến nhu động túi mật trước khi sử dụng Sincalide để kích thích co bóp túi mật.
Tương tác với thực phẩm:
- Thức ăn giảm tốc độ hấp thu; khi dùng sau bữa ăn, nồng độ đỉnh Cevimeline giảm khoảng 17%.
- Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ.
Bài viết đã cung cấp thông tin thuốc Cevimeline công dụng là gì, liều dùng và lưu ý khi sử dụng. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và phát huy tối đa hiệu quả điều trị, bạn cần dùng thuốc Cevimeline theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Bảo quản thuốc Cevimeline ở nơi khô thoáng, nhiệt độ không quá 30 độ C và tránh xa tầm với của trẻ nhỏ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.