Thuốc Certolizumab có thành phần chính là Certolizumab pegol, được bào chế dưới dạng thuốc tiêm với hàm lượng 200m/ml. Vậy thuốc Certolizumab có tác dụng gì và cách sử dụng như thế nào?
1. Thuốc Certolizumab có tác dụng gì?
Certolizumab pegol là 1 mảnh kháng thể Fab tái tổ hợp, có tác dụng chống lại yếu tố hoại tử khối u alpha được kết hợp với khoảng 40kDa polyethylene glycol (PEG2MAL40K).
Thuốc Certolizumab được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Điều trị bệnh Crohn sau khi các phương pháp khác không đạt được hiệu quả;
- Viêm khớp dạng thấp;
- Viêm khớp vảy nến;
- Viêm cột sống dính khớp;
- Bệnh vảy nến thể mảng.
2. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Certolizumab
Thuốc Certolizumab được sử dụng bằng đường tiêm dưới da.
Liều lượng thuốc Certolizumab cần tuân theo chỉ định của bác sĩ. Liều thuốc Certolizumab được khuyến cáo trong một số trường hợp cụ thể như sau:
- Bệnh viêm khớp dạng thấp:
- Liều khởi đầu: 400mg tiêm dưới da (tiêm 2 lần 200mg/ lần dưới da) vào các tuần đầu tiên, 2 và tuần thứ 4. Tiếp theo là 200mg tiêm dưới da mỗi tuần.
- Liều duy trì: 400mg tiêm dưới da mỗi 4 tuần có thể được xem xét sử dụng nếu cần.
- Bệnh viêm khớp vảy nến:
- Liều khởi đầu: 400mg tiêm dưới da (tiêm hai lần 200mg/lần dưới da) vào các tuần 0, 2 và 4, tiếp theo là 200 mg tiêm dưới da mỗi tuần.
- Liều duy trì: 400 mg tiêm dưới da mỗi 4 tuần có thể được xem xét sử dụng nếu cần.
- Bệnh viêm cột sống dính khớp: Liều ban đầu 400mg tiêm dưới da (tiêm hai lần 200mg/lần dưới da) vào các tuần 0, 2 và 4, tiếp theo là 200mg tiêm dưới da mỗi 2 tuần 1 lần hoặc 400mg tiêm dưới da mỗi 4 tuần 1 lần.
- Bệnh Crohn:
- Liều khởi đầu: 400mg tiêm dưới da (tiêm dưới da 2 lần 200mg/lần) ở các tuần 0, 2 và 4.
- Liều duy trì là 400mg tiêm dưới da mỗi 4 tuần 1 lần.
- Bệnh vảy nến mảng bám:
- Liều ban đầu: 400mg tiêm dưới da (tiêm dưới da 2 lần 200mg/lần) mỗi tuần.
- Đối với một số bệnh nhân có trọng lượng cơ thể ≤ 90kg: 400mg (tiêm dưới da 2 lần hoặc 200mg) vào các tuần 0, 2 và 4, sau đó là 200mg cách tuần có thể được xem xét.
Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Certolizumab:
- Tránh tiêm thuốc Certolizumab vào vết sẹo hoặc vết rạn da hay vùng da đỏ, bầm tím, sưng, cứng hoặc mềm.
- Hãy hỏi bác sĩ của bạn trước khi nhận bất kỳ loại vắc-xin nào trong khi đang được điều trị bằng thuốc Certolizumab.
- Tránh tiếp xúc gần với những người bị bệnh hoặc bị nhiễm trùng.
- Tránh các hoạt động có nguy cơ cao bị chảy máu hoặc chấn thương.
3. Tác dụng phụ của thuốc Certolizumab
Nhận trợ giúp y tế khẩn cấp nếu bạn có các dấu hiệu của phản ứng dị ứng sau khi sử dụng thuốc Certolizumab, các triệu chứng bao gồm: Nổi mề đay, khó thở, sưng ở mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng.
Nhiễm trùng nghiêm trọng và đôi khi gây tử vong có thể xảy ra trong quá trình điều trị bằng thuốc Certolizumab. Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn có các dấu hiệu nhiễm trùng như là: Sốt, ớn lạnh, đổ mồ hôi, đau cơ, ho, mệt mỏi bất thường, vết loét hở hoặc vết thương trên da, cảm thấy khó thở, tiểu buốt, tiêu chảy hoặc sụt cân.
Gọi cho bác sĩ của bạn ngay lập tức nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào sau đây của ung thư hạch sau khi sử dụng thuốc Certolizumab, bao gồm:
- Đau ngực, ho, cảm thấy khó thở.
- Sưng tấy ở cổ, dưới cánh tay hoặc bẹn của bạn (sưng tấy này có thể đến và biến mất.
- Sốt.
- Đổ mồ hôi ban đêm.
- Ngứa.
- Sụt cân.
- Cảm thấy mệt mỏi.
- Cảm thấy no khi chỉ mới ăn một lượng nhỏ thức ăn.
- Đau bụng trên có thể lan ra lưng hoặc vai.
Thuốc Certolizumab có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng. Ngừng sử dụng thuốc Certolizumab và gọi cho bác sĩ ngay lập tức nếu bạn có:
- Khó thở ngay cả khi chỉ gắng sức nhẹ.
- Sưng phù.
- Tăng cân nhanh chóng.
- Da nhợt nhạt.
- Dễ bị bầm tím hoặc chảy máu.
- Sự phát triển bất thường mới trên da của bạn (có thể có màu đỏ hoặc tím), hoặc bất kỳ một thay đổi nào về kích thước, màu sắc của nốt ruồi, vết tàn nhang hay vết sưng trên da.
- Các vấn đề về thần kinh - thị lực như là: Chóng mặt, yếu cơ ở cánh tay hoặc chân, cảm giác tê, ngứa ran.
- Các vấn đề về gan như là chán ăn, đau bụng bên phải, mệt mỏi, vàng da (vàng da hoặc mắt).
- Các triệu chứng mới hoặc trầm trọng hơn của bệnh lupus như là đau rát và phát ban trên da vùng má, cánh tay trở nên trầm trọng hơn dưới ánh sáng mặt trời.
Các tác dụng phụ thường gặp của thuốc Certolizumab có thể bao gồm:
- Đau hoặc rát khi bạn đi tiểu.
- Phát ban.
- Các triệu chứng cảm lạnh như là nghẹt mũi, hắt hơi, đau họng.
Thông báo cho bác sĩ nếu bạn thấy có bất kỳ triệu chứng bất thường nào xuất hiện khi sử dụng thuốc Certolizumab để được xử lý kịp thời.
4. Lưu ý khi dùng thuốc
Thuốc Certolizumab gây ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của bạn nên có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng và đôi khi dẫn đến tử vong. Nguy cơ nhiễm trùng có thể cao hơn nếu bạn bị bệnh tiểu đường, HIV, có hệ miễn dịch kém, viêm gan B, nhiễm trùng mãn tính hoặc nếu bạn sử dụng một số loại thuốc và đi du lịch đến 1 số khu vực nhất định.
Sử dụng thuốc Certolizumab cũng làm tăng nguy cơ phát triển một số loại ung thư, bao gồm một loại ung thư hạch hiếm gặp có thể gây tử vong.
Bạn không nên sử dụng thuốc Certolizumab nếu bị dị ứng với nó. Bạn có thể không được sử dụng thuốc Certolizumab nếu có các triệu chứng của nhiễm trùng như sốt, ớn lạnh, ho, lở loét trên da, khó thở, giảm cân, tiêu chảy hoặc đi tiểu đau.
Nếu bạn đã từng mắc bệnh lao hoặc nếu có ai đó trong gia đình bạn mắc bệnh lao, hãy cho bác sĩ biết điều này. Nếu bạn đã đi du lịch gần đây, hãy cho bác sĩ biết thời gian và địa điểm bạn đã đi du lịch. Bệnh lao và một số bệnh nhiễm trùng do nấm phổ biến hơn ở một số nơi trên thế giới và bạn có thể đã tiếp xúc với nguồn bệnh trong quá trình đi du lịch.
Thuốc Certolizumab có thể gây ra một loại ung thư hạch, ung thư gan, lá lách, ung thư tủy xương hiếm gặp và dẫn đến tử vong. Điều này chủ yếu xảy ra ở thanh thiếu niên và nam thanh niên mắc bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng.
Tuy nhiên, bất kỳ ai bị rối loạn tự miễn dịch viêm đều có thể có nguy cơ mắc ung thư hạch bạch huyết cao hơn. Nói chuyện với bác sĩ về mức độ nguy cơ của bạn.
Trước khi sử dụng thuốc Certolizumab, bạn hãy cho bác sĩ biết nếu bạn đã từng bị:
- Nhiễm trùng mãn tính.
- Viêm gan B.
- Ung thư hạch và các loại ung thư khác.
- Rối loạn tế bào máu.
- Suy tim sung huyết.
- Một cơn động kinh.
- Dị ứng với nhựa mủ.
- Tê hoặc ngứa ran, rối loạn hệ thần kinh như bệnh đa xơ cứng, hội chứng Guillain-Barré.
Các bác sĩ không biết liệu Certolizumab có gây hại cho thai nhi hay không. Nếu bạn đang mang thai, hãy cho bác sĩ biết điều này.
Có thể không an toàn khi cho con bú khi bạn đang sử dụng thuốc Certolizumab. Hỏi bác sĩ về bất kỳ rủi ro nào có thể xảy ra trong trường hợp này.
Thuốc Certolizumab không được chấp thuận sử dụng bởi bất kỳ ai dưới 18 tuổi.
Chỉ chuẩn bị thuốc Certolizumab để tiêm khi bạn đã sẵn sàng tiêm. Không sử dụng nếu dung dịch thuốc có màu đục, bị thay đổi màu sắc hoặc có các hạt trong đó.
Thuốc Certolizumab có thể làm tăng nguy cơ chảy máu hoặc nhiễm trùng. Vì vậy bạn sẽ cần kiểm tra y tế thường xuyên.
Bảo quản thuốc Certolizumab trong hộp ban đầu của nó trong tủ lạnh, tránh ánh sáng và không được đóng băng thuốc. Lấy ống thuốc Certolizumab ra khỏi tủ lạnh và để nó đạt đến nhiệt độ phòng trước khi tiêm.
Các ống tiêm chứa sẵn thuốc Certolizumab chưa mở cũng có thể được bảo quản ở nhiệt độ phòng lên đến 7 ngày, tránh xa nhiệt và ánh sáng. Hãy vứt bỏ bất kỳ ống tiêm nào đã nạp sẵn không được sử dụng trong vòng 7 ngày. Không đặt ống tiêm trở lại tủ lạnh.
Mỗi ống tiêm được nạp sẵn thuốc Certolizumab chỉ dùng cho một lần. Vứt bỏ ống tiêm sau mỗi lần sử dụng, ngay cả khi vẫn còn thuốc bên trong. Chỉ sử dụng kim và bơm tiêm một lần rồi đặt chúng vào trong hộp đựng "vật sắc nhọn" chống thủng.
Nếu bạn đã từng bị viêm gan B, việc sử dụng thuốc Certolizumab có thể khiến loại vi rút này trở nên hoạt động hoặc trở nên tồi tệ hơn. Bạn có thể cần kiểm tra chức năng gan thường xuyên khi sử dụng thuốc Certolizumab và trong vài tháng sau khi ngừng thuốc.
Tương tác của thuốc Certolizumab với các loại thuốc khác
Thuốc Certolizumab có thể xảy ra tương tác với các loại thuốc sau:
- Abatacept;
- Adalimumab;
- Anakinra;
- Etanercept;
- Golimumab;
- Infliximab;
- Natalizumab;
- Rituximab.
Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Certolizumab, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Certolizumab là thuốc kê đơn, người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua thuốc và điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.