Thuốc Cefoperazone 0,5g thuộc nhóm thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng virus, kháng nấm. Thuốc được chỉ định để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn như nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm khuẩn trong ổ bụng, khuẩn huyết,... Thuốc Cefoperazone là thuốc được sử dụng dưới sự chỉ định của bác sĩ.
1. Thuốc Cefoperazone là thuốc gì?
Thuốc Cefoperazone 0,5g có thành phần chính là hoạt chất Cefoperazon dưới dạng Cefoperazon natri và các tá dược khác vừa đủ. Thuốc được điều chế dưới dạng thuốc bột pha tiêm. Thuốc được đóng gói dưới dạng hộp, mỗi hộp gồm 10 lọ, mỗi lọ x 0,5g.
2. Thuốc Cefoperazone 0,5g công dụng là gì?
2.1. Công dụng - chỉ định
Thuốc Cefoperazone 0,5g được chỉ định sử dụng cho các trường hợp sau:
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp.
- Viêm phúc mạc và những nhiễm khuẩn khác trong ổ bụng.
- Nhiễm khuẩn huyết.
- Nhiễm khuẩn da và mô mềm.
- Viêm vùng chậu, viêm nội mạc tử cung và những nhiễm khuẩn khác ở đường sinh dục nữ.
- Nhiễm khuẩn đường tiểu.
- Nhiễm khuẩn Enterococcus.
2.2. Chống chỉ định
Thuốc Cefoperazone 0,5g chống chỉ định với những người bị dị ứng hoặc bị mẫn cảm với thành phần cephalosporin hoặc các thành phần khác có trong thuốc.
3. Cách dùng và liều dùng của thuốc Cefoperazone 0,5g
Cách dùng: Thuốc Cefoperazon được điều chế dưới dạng thuốc bột pha tiêm nên được dùng qua đường tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch, tiêm truyền chậm. Thuốc Cefoperazon có thể được tiêm tĩnh mạch trực tiếp chậm từ 3 - 5 phút nhưng các nhà sản xuất không khuyến cáo sử dụng thuốc này cho đường tiêm tĩnh mạch, trực tiếp và nhanh.
Đối với người lớn:
- Người nhiễm khuẩn nhẹ và trung bình: Sử dụng liều từ 1 - 2g, mỗi liều cách nhau 12 giờ
- Người nhiễm khuẩn nặng: Có thể sử dụng lên đến 12g/ ngày, chia nhỏ thành 2 - 4 lần
- Lưu ý: Khi dùng thuốc cho người bị bệnh gan hoặc bị tắc mật thì không được sử dụng quá 4g/ 24 giờ và với người bị suy cả gan và thận là 2g/ 24 giờ. Nếu bắt buộc phải sử dụng liều cao hơn thì cần phải theo dõi nồng độ cefoperazon trong huyết tương người bệnh thường xuyên.
- Người bị suy thận: Có thể sử dụng liều thường dùng mà không cần phải điều chỉnh liều lượng, tuy nhiên, nếu người bệnh có dấu hiệu tích lũy thuốc thì cần phải giảm liều cho phù hợp.
- Người đang trong quá trình điều trị thẩm phân máu: Sử dụng phác đồ điều trị cho liều sau khi thẩm phân máu.
Đối với trẻ em: Có thể dùng tiêm tĩnh mạch cho trẻ em và trẻ sơ sinh với liều từ 25 - 100mg/ kg, mỗi liều cách nhau 12 giờ. Vì tính chất độc hại của benzyl alcol đối với trẻ sơ sinh nên tuyệt đối không được tiêm bắp cho chúng bằng thuốc pha với dung dịch chứa benzyl alcol (chất kìm khuẩn)
Lưu ý:
- Đối với các liệu trình cefoperazon trong việc điều trị nhiễm khuẩn do Streptococcus tan huyết beta nhóm A thì cần phải sử dụng liên tiếp trong vòng ít nhất 10 ngày để có thể ngăn chặn thấp khớp cấp hoặc viêm cầu thận kịp thời.
- Việc pha chế và sử dụng nên được thực hiện trong điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh, tránh nhiễm khuẩn. Các lọ đựng dung dịch được bào chế với việc chỉ định sử dụng 1 lần, vì thế khi dung dịch không sử dụng hết còn sót lại phải được loại bỏ.
Trong trường hợp quá liều: Khi sử dụng Cefoperazone quá liều, người dùng có thể gặp phải các triệu chứng như tăng kích thích thần kinh cơ, co giật, đặc biệt là ở những người mắc bệnh suy thận.
Xử trí khi dùng quá liều: cần cân nhắc đến khả năng quá liều của nhiều loại thuốc đang sử dụng. Điều quan trọng nhất là phải bảo vệ đường hô hấp của người bệnh, hỗ trợ thông khí và truyền dịch. Trong trường hợp người bệnh phát triển các cơn co giật, cần phải ngừng sử dụng thuốc ngay. Sau đó có thể dùng các liệu pháp chống co giật nếu có chỉ định về lâm sàng. Biện pháp thẩm phân máu có thể giúp thải thuốc ra khỏi máu. Còn phần lớn là các biện pháp điều trị hỗ trợ hoặc làm giảm các triệu chứng.
4. Tác dụng phụ của thuốc Cefoperazone 0,5g
Trong quá trình sử dụng thuốc, ngoài những công dụng chính mà Cefoperazone mang lại, người dùng còn có thể gặp phải một số triệu chứng không mong muốn khác như:
Các triệu chứng thường gặp:
- Ảnh hưởng đến máu: Làm tăng lượng bạch cầu ưa eosin tạm thời, các kết quả thử nghiệm Coombs dương tính.
- Ảnh hưởng hệ tiêu hóa: Gây ỉa chảy.
- Ảnh hưởng da: xuất hiện tình trạng ban da dạng sần.
Các triệu chứng ít gặp:
- Ảnh hưởng toàn thân: Gây sốt.
- Ảnh hưởng máu: Làm giảm lượng bạch cầu trung tính có phục hồi, giảm tiểu cầu và làm thiếu máu tan huyết.
- Ảnh hưởng da: Gây ngứa, nổi mày đay.
- Ảnh hưởng tại chỗ: Có thể đau tạm thời ngay chỗ tiêm bắp hoặc viêm tĩnh mạch nơi tiêm truyền.
Các triệu chứng hiếm gặp:
- Ảnh hưởng hệ thần kinh trung ương: Đau đầu, xuất hiện tình trạng bồn chồn và có thể gây co giật khi người bị suy giảm chức năng gan dùng liều cao.
- ảnh hưởng máu: Làm giảm prothrombin huyết.
- Ảnh hưởng tiêu hóa: Gây buồn nôn, nôn, viêm đại tràng màng giả.
- Ảnh hưởng da: Xuất hiện tình trạng ban đỏ đa dạng, hội chứng Stevens-Johnson.
- Ảnh hưởng gan: Tăng nhẹ ÁT, ALT, gây vàng da ứ mật.
- Ảnh hưởng thận: Gây viêm thận kẽ, gây nhiễm độc thận có tăng tạm thời lượng ure huyết/ creatinin.
- Ảnh hưởng thần kinh cơ và xương: Gây đau khớp
- Một số triệu chứng khác: Bệnh nấm Candida, bệnh huyết thanh.
Cách xử trí: Khi thấy xuất hiện các triệu chứng nghi do dùng thuốc Cefoperazon, người bệnh cần ngưng sử dụng.
- Nếu xuất hiện tình trạng dị ứng hoặc phản ứng quá mẫn nghiêm trọng thì người bệnh cần phải được tiến hành điều trị hỗ trợ bằng các phương pháp như: Duy trì thông khí, sử dụng epinephrin, oxygen và tiêm tĩnh mạch corticosteroid
- Với những người bị viêm đại tràng giả thể nhẹ thì chỉ cần ngưng dùng thuốc. Các trường hợp còn lại ở thể vừa và nặng thì cần xem xét sử dụng các loại dịch, chất điện giải, bổ sung thêm protein và điều trị với thuốc Metronidazol.
- Với người bị co giật, cần ngưng sử dụng Cefoperazon ngay lập tức và có thể được điều trị bằng thuốc chống co giật nếu được chỉ định lâm sàng.
5. Tương tác của thuốc Cefoperazone 0,5g
Khi sử dụng thuốc, người dùng cần lưu ý một số tương tác có thể xảy ra giữa Cefoperazone với các thuốc khác như:
- Sử dụng rượu trong vòng 72 giờ sau khi uống thuốc có thể xảy ra các phản ứng giống disulfiram như: đỏ bừng mặt, đau đầu, ra mồ hôi, buồn nôn và nhịp tim nhanh.
- Với các thuốc aminoglycosid: Có thể làm tăng nguy cơ gây độc với thận, cần phải theo dõi chức năng thận của người bệnh thường xuyên.
- Với Warfarin và heparin: Có thể làm tăng tác dụng giảm prothrombin huyết của thuốc Cefoperazon.
Lưu ý: Để giảm thiểu tối đa các tương tác không may xảy ra, người bệnh cần thông báo với bác sĩ về tất cả các loại thuốc mà mình đang sử dụng hoặc có ý định sử dụng chung với Cefoperazon.
6. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Cefoperazone 0,5g
- Cần điều tra kỹ lưỡng về các tiền sử bị dị ứng của người bệnh với cephalosporin, penicillin hoặc các thuốc khác trước khi bắt đầu điều trị với cefoperazon
- Khi sử dụng liều đầu tiên cần thận trọng và theo dõi đều đặn các dấu hiệu, triệu chứng sốc phản vệ và sẵn sàng mọi thứ có thể điều trị các triệu chứng không may xảy ra sau đó.
- Khi sử dụng cefoperazon dài ngày có thể làm giảm đi sự phát triển quá mức của các chủng không nhạy cảm nên cần phải theo dõi người bệnh cẩn thận. Nếu người bệnh bị bội nhiễm thì cần ngưng sử dụng ngay lập tức.
- Nên thận trọng khi kê đơn thuốc kháng sinh phổ rộng cho người đang mắc các bệnh đường tiêu hóa, đặc biệt là người mắc bệnh viêm đại tràng.
- Với người đang trong thời kỳ mang thai: Hiện nay chưa có đầy đủ các báo cáo nghiên cứu về độ an toàn của thuốc trên các đối tượng này nên chỉ sử dụng thuốc khi thực sự cần thiết và hỏi ý kiến của bác sĩ.
- Với người đang trong thời kỳ cho con bú: Vì lượng cefoperazon bài tiết vào sữa mẹ thấp nên có thể xem như nồng độ này không gây ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh đang dùng sữa mẹ. Tuy nhiên, cần phải quan tâm cẩn thận khi trẻ bị ỉa chảy, và nổi ban.
Hy vọng với những thông tin chia sẻ trên sẽ giúp cho người dùng biết được công dụng thuốc Cefoperazone 0,5g trong việc điều trị các bệnh nhiễm khuẩn như nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm khuẩn trong ổ bụng, khuẩn huyết,... Lưu ý Cefoperazone 0,5g là thuốc kê đơn nên người bệnh không tự ý sử dụng, mà cần được thăm khám bởi bác sĩ/ dược sĩ để có đơn thuốc tốt nhất cho sức khỏe của bạn.