Bijuva chứa nội tiết tố nữ nên thường được sử dụng để giảm các triệu chứng thời kỳ mãn kinh (như bốc hỏa, khô âm đạo) và đôi khi cũng dùng để ngừa chứng loãng xương. Vậy Bijuva thuốc có thành phần là gì và công dụng cụ thể ra sao?
1. Bijuva là thuốc gì?
Thành phần thuốc Bijuva bao gồm 2 loại nội tiết tố nữ là Estrogen (dưới dạng Estrogen liên hợp CEEs hay Estradiol) và Progestin (như Medroxyprogesterone, Norgestimate, Norethindrone).
Thuốc Bijuva thường được chỉ định điều trị các triệu chứng tiền mãn kinh do cơ thể giảm tiết Estrogen (như bốc hỏa, khô âm đạo). Thành phần Progestin trong Bijuva có công dụng hạn chế nguy cơ ung thư tử cung do sử dụng Estrogen ngoại sinh.
Những trường hợp phụ nữ đã cắt bỏ tử cung thì không cần sử dụng thuốc Bijuva. Ngoài ra, sản phẩm này cũng có thể chỉ định cho phụ nữ sau khi mãn kinh với mục đích ngăn ngừa loãng xương. Tuy nhiên, một số loại thuốc khác như Raloxifene, Bisphosphonates hay Alendronate cũng có hiệu quả trong việc ngăn ngừa loãng xương và an toàn hơn. Do đó những loại thuốc này nên được xem xét sử dụng trước khi ngăn ngừa loãng xương bằng thuốc Bijuva.
2. Cách sử dụng thuốc Bijuva
Người dùng cần uống thuốc Bijuva theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, có thể uống cùng với thức ăn hoặc không tùy theo chỉ dẫn. Bijuva được khuyến cáo mỗi ngày uống 1 lần/ngày.
Liều dùng thuốc Bijuva đánh giá dựa theo tình trạng sức khỏe và khả năng đáp ứng với điều trị của từng người bệnh cụ thể. Việc điều trị bằng thuốc Bijuva cần được duy trì thường xuyên để đạt được hiệu quả cao nhất. Để dễ ghi nhớ, bệnh nhân hãy uống thuốc Bijuva vào cùng một thời điểm mỗi ngày, đồng thời tuân thủ đúng phác đồ của bác sĩ và tuyệt đối không tự ý tăng liều, tăng tần suất uống trong ngày hoặc dùng kéo dài hơn so với chỉ định.
3. Tác dụng phụ của thuốc Bijuva
Một số tác dụng phụ thường gặp của thuốc Bijuva, bao gồm:
- Đau thượng vị;
- Buồn nôn và nôn;
- Chướng bụng;
- Căng tức ngực;
- Đau đầu;
- Thay đổi cân nặng.
Bệnh nhân hãy nhanh chóng thông báo cho bác sĩ nếu xuất hiện bất kỳ tác dụng bất thường nào sau đây liên quan đến thuốc Bijuva, đặc biệt khi nó kéo dài hoặc nghiêm trọng hơn như:
- Thay đổi tâm thần (trầm cảm, suy giảm hoặc mất trí nhớ);
- Nổi u cục ở vú;
- Xuất huyết âm đạo bất thường, đột ngột hoặc kéo dài;
- Âm đạo bị kích ứng, ngứa ngáy, có mùi hoặc tiết dịch bất thường;
- Đau bụng dữ dội;
- Buồn nôn, nôn ói dai dẳng;
- Thay đổi thị lực đột ngột;
- Đau đầu đột ngột, dữ dội;
- Vàng mắt, vàng da hoặc có nước tiểu sẫm màu;
- Đau ngực, đau có xu hướng lan lên hàm hoặc xuống cánh tay trái;
- Sưng phù bàn tay, mắt cá chân hay bàn chân;
- Tăng cảm giác khát nước, gia tăng số lần đi tiểu.
Rất hiếm có trường hợp xảy ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng với thuốc Bijuva. Tuy nhiên, nếu thấy các phản ứng dị ứng nghiêm trọng như phát ban, ngứa ngáy, sưng phù lưới, mặt hay cổ họng, chóng mặt nghiêm trọng, khó thở... trong quá trình dùng thuốc Bijuva, bệnh nhân hãy liên hệ bác sĩ để nhận trợ giúp y tế ngay lập tức.
4. Tương tác thuốc của Bijuva
Một số sản phẩm có thể tương tác với Bijuva, bao gồm:
- Chất ức chế Aromatase (Anastrozole, Exemestane, Letrozole...);
- Fulvestrant, Ospemifene;
- Raloxifene, Tamoxifen;
- Tranexamic acid;
- Các thuốc kết hợp điều trị viêm gan C mãn tính (Ombitasvir, Paritaprevir...).
Thuốc Bijuva có thể ảnh hưởng đến một số xét nghiệm (bao gồm xét nghiệm Metyrapone), từ đó dẫn đến kết quả sai lệch. Vì vậy, người bệnh đang dùng thuốc Bijuva phải đảm bảo rằng nhân viên xét nghiệm nghiệm và các bác sĩ đều biết người bệnh đang sử dụng thuốc này.
5. Một số lưu ý trước khi dùng thuốc Bijuva
Trước khi dùng thuốc Bijuva, bệnh nhân hãy cho bác sĩ biết các tình trạng sau:
- Tiền sử dị ứng với bất kỳ thành phần có trong thuốc Bijuva hoặc bất kỳ tình trạng dị ứng nào khác;
- Toàn bộ tiền sử bệnh lý, đặc biệt là hiện tượng chảy máu âm đạo bất thường, một số ung thư phụ khoa (như ung thư vú, ung thư tử cung/buồng trứng), tiền sử cục máu đông, đột quỵ, bệnh lý tim mạch, gan, thận, mật, rối loạn máu (thiếu protein C hoặc protein S, rối loạn chuyển hóa Porphyrin), tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng Cholesterol hay Triglyceride máu, béo phì, Lupus ban đỏ, suy giáp, suy tuyến cận giáp, các vấn đề về tử cung (u xơ, lạc nội mạc tử cung), hen phế quản, động kinh, đau nửa đầu, rối loạn cảm xúc (mất trí nhớ, trầm cảm).
Trước khi dùng thuốc Bijuva, bệnh nhân hãy cho bác sĩ biết nếu vừa trải qua hoặc sắp thực hiện một cuộc phẫu thuật, hoặc sắp tới phải ngồi trên ghế hoặc nằm giường trong thời gian dài. Những tình trạng trên dẫn đến tăng nguy cơ hình thành huyết khối, đặc biệt là những người đang dùng sản phẩm có chứa Estrogen. Vì vậy, người bệnh có thể cân nhắc ngừng sử dụng Bijuva một thời gian hoặc thực hiện các biện pháp phòng ngừa đặc biệt.
Một số lưu ý khác khi dùng thuốc Bijuva:
- Không hút thuốc là trong thời gian dùng thuốc Bijuva, vì Estrogen kết hợp với thuốc lá sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ, rối loạn đông máu, huyết áp cao và nhồi máu cơ tim, đặc biệt là với phụ nữ trên 35 tuổi;
- Thuốc Bijuva có thể gây ra tình trạng nám da mặt, vì vậy người dùng cần hạn chế tối đa thời gian tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, đồng thời nên bôi thêm kem chống nắng và mặc quần áo dài khi ra ngoài trời;
- Bijuva thuốc không thích hợp dùng trong thời kỳ mang thai. Nếu có thai hoặc nghi ngờ đang mang thai, bệnh nhân hãy báo cho bác sĩ ngay lập tức;
- Bijuva có đi vào sữa mẹ và làm giảm chất lượng cũng như số lượng sữa bài tiết ra. Do vậy, người dùng nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu đang cho con bú trong thời gian dùng thuốc Bijuva;
- Các xét nghiệm và thăm khám y tế (như đo huyết áp, khám vú, chụp X quang tuyến vú, khám vùng chậu, phết tế bào cổ tử cung) nên được thực hiện định kỳ để theo dõi hiệu quả của thuốc Bijuva hoặc kiểm tra các tác dụng phụ;
- Những trường hợp dùng Bijuva quá liều và dẫn đến các triệu chứng như buồn nôn dữ dội, chảy máu âm đạo bất thường... nên gọi ngay cho Trung tâm Cấp cứu 115 hoặc nhanh chóng đến bệnh viện gần nhất;
- Nếu quên uống một liều thuốc Bijuva, người dùng nên uống bù càng sớm càng tốt. Trường hợp gần với liều dùng kế tiếp thì có thể bỏ qua liều đã quên, uống liều kế tiếp đúng thời điểm như chỉ định và không tự ý gấp đôi liều dùng để bù trừ.
Bảo quản thuốc Bijuva trong điều kiện nhiệt độ phòng, tránh ánh sáng chiếu trực tiếp và độ ẩm cao. Tuyệt đối không bảo quản thuốc Bijuva trong phòng tắm và phải đảm bảo tránh xa tầm tay trẻ em và vật nuôi.
Ngoài sử dụng thuốc hormone như Bijuva thì việc thay đổi chế độ sinh hoạt, lối sống cũng đóng vai trò quan trọng trong điều trị triệu chứng tiền mãn kinh như bốc hỏa, căng thẳng. Người bệnh có thể duy trì chế độ dinh dưỡng hạn chế dầu mỡ, giảm muối, tăng cường thực phẩm giàu canxi và vitamin D.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: drugs.com