Besoramin thuộc nhóm thuốc chống dị ứng. Thuốc được chỉ định điều trị các trường hợp quá mẫn do nhiều nguyên nhân khác nhau. Hãy cùng tìm hiểu bài viết dưới đây về Besoramin có tác dụng gì và một số lưu ý khi dùng thuốc nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả cho người bệnh.
1. Besoramin là thuốc gì?
Besoramin chứa thành phần chính Betamethasone hàm lượng 0,25mg, Dexchlorpheniramine Maleate 2mg và các tá dược khác vừa đủ 1 viên do nhà sản xuất cung cấp. Dạng bào chế của thuốc là dạng viên nén, cách thức đóng gói dạng hộp 1 chai gồm 500 viên.
2. Thuốc Besoramin có tác dụng gì?
Thuốc Besoramin được chỉ định điều trị trong các trường hợp dưới đây:
- Hỗ trợ điều trị các trường hợp nặng ở đường hô hấp, dị ứng da và mắt, cũng như các rối loạn viêm mắt.
- Hỗ trợ điều trị trong các trường hợp bệnh nhân cần chỉ định thêm liệu pháp Corticosteroid tác dụng toàn thân.
Ngoài ra, thuốc Besoramin chống chỉ định trong các trường hợp:
- Người bệnh dị ứng với các hoạt chất Betamethasone và Dexchlorpheniramine Maleate hoặc các thành phần tá dược khác có trong thuốc.
- Trẻ nhỏ dưới 6 tuổi, trẻ sơ sinh và trẻ sinh không đủ tháng.
- Người bệnh đang dùng các thuốc ức chế Monoamine oxidase (MAO).
- Người bệnh đang có tình trạng bệnh lý nhiễm nấm toàn thân.
- Người bệnh đang mắc loét dạ dày, tá tràng.
- Người bệnh có tăng nhãn áp góc hẹp.
- Người bệnh có phì đại tuyến tiền liệt hay tắc cổ bàng quang.
3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Besoramin
Thuốc Besoramin bào chế ở dạng viên nén, nên người bệnh dùng bằng đường uống. Thuốc nên uống nguyên viên, không nên bẻ, nhai hay nghiền viên trước khi sử dụng. Người bệnh nên uống thuốc vào thời điểm sau khi ăn và lúc đi ngủ.
Sau đây là liều dùng thuốc Besoramin:
Người lớn và trẻ vị thành niên trên 12 tuổi:
- Dùng với liều khởi đầu từ 1 - 2 viên x 4 lần/ ngày. Chỉ được dùng tối đa với liều là 8 viên mỗi ngày.
Trẻ em từ 6 - 12 tuổi:
- Dùng với liều khởi đầu từ 1/2 viên x 3 lần/ ngày. Chỉ được dùng tối đa với liều là 8 viên mỗi ngày.
Chú ý: Trên đây là liều dùng thuốc mang tính chất tham khảo của nhà sản xuất. Tùy vào tình trạng sức khỏe và tình trạng bệnh lý khác nhau mà bác sĩ sẽ căn cứ vào đó để chỉ định thích hợp. Vì vậy, người bệnh chỉ nên dùng thuốc khi được bác sĩ kê đơn và hướng dẫn sử dụng đúng cách.
4. Tác dụng phụ của thuốc Besoramin
Bác sĩ luôn xem xét giữa lợi ích mà Besoramin đem lại cho bệnh nhân và nguy cơ có thể xảy ra các tác dụng phụ để chỉ định dùng thuốc thích hợp.
Thuốc này khả năng dung nạp tương đối tốt, có thể xảy ra các tác dụng không mong muốn trong thời gian đầu.
Một số tác dụng phụ thường gặp khi dùng thuốc Besoramin bao gồm:
Thường gặp:
- Phù do giữ natri và nước, tăng đào thải kali.
- Rối loạn kinh nguyệt ở nữ giới, hội chứng Cushing, chậm tăng trưởng ở trẻ em, giảm dung nạp với Glucose và biểu hiện bệnh tiểu đường tiềm ẩn.
- Yếu cơ, loãng xương, chứng gãy xương bệnh lý, đặc biệt là chứng rạn nứt cột sống, hoại tử vô khuẩn đầu xương đùi.
- Ngủ gà, an thần và khô miệng.
Ít gặp:
- Viêm loét dạ dày tá tràng, thủng dạ dày và chảy máu dạ dày ruột và viêm tụy cấp.
- Rối loạn giấc ngủ, kích động, tăng nhãn áp hay đục thủy tinh thể.
Hiếm gặp:
- Mụn trứng cá, xuất huyết, vết máu bầm, chứng rậm lông và chậm liền sẹo.
- Chóng mặt, buồn nôn.
Lưu ý: Ngoài những tác dụng phụ được liệt kê ở trên đây, thuốc Besoramin có thể gây ra cho người bệnh những tác dụng không mong muốn khác mà chưa được xác định đầy đủ. Vì thế, bất kỳ thời điểm nào khi người bệnh dùng thuốc có xảy ra các tác dụng phụ nghi ngờ liên quan thì nên báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết để được tư vấn rõ ràng và can thiệp khi cần thiết.
5. Tương tác thuốc Besoramin
Trong quá trình dùng Besoramin có thể xảy ra những tương tác thuốc khi dùng phối hợp với các thuốc khác hoặc thức ăn mà chưa được xác định rõ ràng. Để hạn chế xảy ra những tương tác có hại cho người bệnh, trước khi được bác sĩ kê đơn dùng thuốc Besoramin người bệnh cần thông báo các loại thuốc đang dùng, kể cả thuốc kê đơn hoặc không kê đơn, các thực phẩm chức năng và thuốc nam,...
6. Các lưu ý khi dùng thuốc Besoramin
Một số lưu ý khi người bệnh dùng thuốc Besoramin như sau:
- Thận trọng khi dùng thuốc cho người bệnh khi bị suy tim sung huyết, nhồi máu cơ tim mới mắc, tăng huyết áp, tiểu đường, động kinh, tăng nhãn áp góc hẹp, thiểu năng tuyến giáp, rối loạn chức năng gan, nguy cơ gây loãng xương, viêm loét đường tiêu hóa, loạn tâm thần và suy thận.
- Khi dùng thuốc cho đối tượng trẻ em, nguy cơ xảy ra các tác dụng không mong muốn sẽ cao hơn, ngoài ra thuốc này có thể làm chậm quá trình phát triển về thể chất của trẻ.
- Người lớn tuổi có thể tăng nguy cơ xảy ra nhiều hơn các tác dụng không mong muốn.
- Trong trường hợp nhiễm khuẩn cấp không được kiểm soát bằng liệu pháp kháng khuẩn thích hợp thì không nên dùng thuốc có chứa corticosteroid. Bệnh nhân đang dùng liệu pháp Corticosteroid cũng dễ mắc nhiễm khuẩn hơn, mặc khác, triệu chứng của những bệnh này có thể bị che lấp cho mãi đến giai đoạn muộn.
- Người bệnh bị lao tiến triển hoặc nghi lao tiềm ẩn không được dùng Corticosteroid trừ trong trường hợp rất hiếm dùng để bổ trợ cho điều trị với thuốc chống lao.
- Người bệnh lao tiềm ẩn phải được theo dõi chặt chẽ và phải dùng thuốc dự phòng chống lao, nếu dùng thuốc kéo dài.
- Có thể xảy ra nguy cơ mắc thủy đậu và có thể zona nặng, tăng ở người bệnh chưa có miễn dịch khi dùng Corticosteroid toàn thân, người bệnh phải tránh tiếp xúc với các bệnh này. Người bệnh chưa có miễn dịch mà tiếp xúc với người đang mắc bệnh thủy đậu cần được gây miễn dịch thụ động. Đối với bệnh nhân mắc bệnh sởi, cũng nên áp dụng các biện pháp dự phòng tương tự.
- Không được dùng vắc - xin sống cho người bệnh đang dùng liệu pháp Corticosteroid toàn thân liều cao và ít nhất cả trong ba tháng sau đó. Có thể dùng vắc - xin chết hoặc vắc - xin giải độc tố, mặc dù đáp ứng có thể giảm.
- Người bệnh không nên dùng thuốc Besoramin trong thời gian dài, trường hợp bắt buộc cho quá trình điều trị thì phải theo dõi người bệnh đều đặn. Có thể phải cần giảm lượng natri và bổ sung calci và kali.
- Thận trọng khi dùng thuốc cho người bệnh khi có tình trạng bệnh lý tăng nhãn áp góc hẹp, bí tiểu, tăng sinh tuyến tiền liệt hay tắc nghẽn môn vị tá tràng.
- Thuốc có thể làm tăng tác dụng an thần khi người bệnh uống rượu, bia hay các chất có cồn khác cũng như khi dùng đồng thời với các thuốc an thần khác.
- Thuốc có thể gây ngủ gà, chóng mặt và suy giảm tâm thần vận động ở một số người bệnh và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng lái xe và vận hành máy móc. Vì vậy, cần thận trọng khi dùng thuốc Besoramin trên nhóm đối tượng có công việc này.
- Nên dùng thuốc thận trọng ở người cao tuổi (trên 60 tuổi) vì những người này thường tăng nhạy cảm với các tác dụng phụ chống tiết Acetylcholin.
- Người bệnh dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn trên đơn thuốc của bác sĩ. Tuân thủ thời gian điều trị của bác sĩ để tránh tình trạng dùng thuốc không đúng liệu trình có thể có nguy cơ xảy ra đề kháng thuốc. Không nên ngưng dùng thuốc đột ngột khi thấy các triệu chứng lâm sàng đã được cải thiện... Tuyệt đối không được đưa thuốc Besoramin cho người khác uống nếu thấy tình trạng bệnh có các triệu chứng tương tự.
- Trước khi dùng thuốc phải kiểm tra hạn sử dụng ghi sẵn bên ngoài bao bì đựng, nếu đã hết hạn sử dụng thì không nên dùng. Mỗi thuốc đều có thời hạn sử dụng khác nhau do nhà sản xuất khuyến cáo, khi thuốc đã hết hạn sử dụng thì không nên dùng và xử lý đúng cách.
- Phụ nữ có thai: Thuốc Besoramin có thể qua được hàng rào nhau thai, mặc dù nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra cho thai nhi chưa được xác định rõ ràng. Trường hợp cần thiết phải sử dụng thuốc nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để tránh những hậu quả có thể ảnh hưởng đến thai nhi như sảy thai, dị tật,... Đối với những trẻ có mẹ trong thời kỳ mang thai có sử dụng thuốc Besoramin, sau khi sinh cần được theo dõi chặt chẽ dấu hiệu thiểu năng thượng thận.
- Phụ nữ cho con bú: Theo nghiên cứu lâm sàng, thuốc Besoramin được biết có bài tiết qua sữa mẹ, nên thuốc có thể ảnh hưởng đến trẻ trong thời gian người mẹ cho con bú. Trường hợp người bệnh đang cho con bú phải dùng thuốc Besoramin thì nên ngưng cho bú trước khi bắt đầu liệu trình điều trị.
7. Làm gì khi quên liều, quá liều thuốc Besoramin?
- Khi người bệnh quên uống thuốc Besoramin, hãy dùng ngay liều thuốc đó khi nhớ ra. Thông thường các thuốc có thể uống sau khoảng 1 - 2 giờ so với thời gian uống thuốc hàng ngày thì không gây ảnh hưởng đến việc điều trị. Tuyệt đối người bệnh tránh uống bù với liều gấp đôi khi đã quên thuốc. Có thể bỏ qua liều đã quên khi gần đến thời điểm uống liều thuốc tiếp theo chỉ định.
- Nếu lỡ dùng Besoramin quá liều theo chỉ dẫn của bác sĩ điều trị, người bệnh cần ngưng dùng thuốc ngay lập tức, tự theo dõi các thay đổi trên cơ thể nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào nghi ngờ có liên quan do quá liều thuốc. Cần thông báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn các xử trí phù hợp. Khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn, người bệnh cần được đưa đến ngay bệnh viện để được xử trí kịp thời tránh xảy ra các biến chứng nghiêm trọng. Người bệnh khi đi cũng nên nhớ mang theo các thuốc đã sử dụng để bác sĩ nắm thông tin, xử trí nhanh chóng và kịp thời.
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan về cách sử dụng, công dụng, liều dùng và một số lưu ý khi sử dụng thuốc Besoramin. Người bệnh cần dùng thuốc Besoramin theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ điều trị. Lưu ý, Besoramin là thuốc kê đơn, người bệnh chỉ được sử dụng thuốc này khi có sự chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.