Becotarel thuộc nhóm thuốc điều trị bệnh tim mạch, có thành phần Trimetazidin dihydroclorid 20 mg và được dùng để điều trị dự phòng cơn đau thắt ngực. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng Becotarel, người dùng cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ, đồng thời tham khảo thêm nội dung thông tin về những công dụng thuốc Becotarel trong bài viết sau đây.
1. Thuốc Becotarel công dụng là gì?
1.1. Thuốc Becotarel là thuốc gì?
Becotarel thuộc nhóm thuốc tim mạch, có số đăng ký VD-27402-17, do Công ty liên doanh Meyer-BPC – Việt Nam sản xuất.
Thuốc Becotarel được bào chế dưới nhiều dạng:
- Viên bao phim hàm lượng 20mg, vỉ 30 viên, hộp 2 vỉ.
- Viên bao phim giải phóng kéo dài (MR) hàm lượng 35mg, vỉ 10 viên.
- Dung dịch uống hàm lượng 20mg/ml, dung tích chai 60ml có kèm bơm hút định liều.
Thuốc Becotarel dạng viên nén bao gồm các thành phần:
- Hoạt chất chính: Trimetazidine dihydrochloride hàm lượng 20mg
- Tá dược: Lactose, tinh bột ngô, PVP K30, Bột talc, magnesium stearat, eudragit, HPMC, PEG 6000, Titan dioksid, đỏ erythrosin và ponceau lake.
Thuốc Becotarel được khuyến cáo sử dụng cho người trưởng thành.
1.2. Thuốc Becotarel có tác dụng gì?
Ở những người bị cơn đau thắt ngực, hoạt chất Trimetazidin làm tăng đáp ứng với gắng sức của mạch vành ngay từ ngày thứ 15 điều trị trở đi, làm giảm những thay đổi đột ngột về huyết áp khi gắng sức mà không làm thay đổi nhiều nhịp tim, khiến cho tần suất các cơn đau thắt ngực giảm rõ rệt.
Thuốc Trimetazidin còn cải thiện được các nghiệm pháp tiền đình, được dùng trong chuyên khoa tai mũi họng để bổ sung thêm cho liệu pháp điều trị chứng chóng mặt do mạch hay chóng mặt trong bệnh meniere.
Ngoài ra, trong nhãn khoa Trimetazidin còn cải thiện được điện võng mạc đồ, giúp cải thiện hoạt động chức năng của võng mạc.
Thuốc Becotarel được bác sĩ kê đơn chỉ định sử dụng cho các trường hợp:
- Dự phòng điều trị cơn đau thắt ngực ổn định không được kiểm soát đầy đủ hay bệnh nhân không dung nạp các liệu pháp điều trị cơn đau thắt ngực khác.
- Hỗ trợ điều trị triệu chứng ù tai, chóng mặt.
- Hỗ trợ điều trị trong suy giảm thị lực mức độ nặng và rối loạn thị giác có nguồn gốc do tuần hoàn.
Chống chỉ định:
- Bệnh nhân bị dị ứng với thành phần hoạt chất chính Trimetazidin hay bất cứ thành phần tá dược nào được liệt kê trên đây của thuốc.
- Bệnh nhân bị suy thận nặng (với độ thanh thải creatinin dưới 30ml/phút).
- Bệnh nhân Parkinson hay có triệu chứng Parkinson, run tay chân, mắc hội chứng chân không nghỉ và các rối loạn vận động có liên quan khác.
2. Cách sử dụng của Becotarel
2.1. Cách dùng thuốc Becotarel
- Thuốc Becotarel dùng đường uống với bất cứ dạng bào chế nào.
- Người bệnh cần uống thuốc Becotarel với lượng nước lọc vừa đủ, nên uống vào các bữa ăn. Không bẻ vụn, nghiền nát viên thuốc hay trộn với hỗn hợp khác để uống (nhất là đối với dạng bào chế viên bao phin giải phóng chậm).
- Với dạng thuốc siro uống phải dùng bơm chia độ đi kèm để định liều thuốc uống, không dùng dụng cụ đong đếm khác.
- Không tự ý thêm hay bớt liều Becotarel khuyến cáo hay liều chỉ định của bác sĩ.
- Đọc kỹ tờ rơi đi kèm với hộp thuốc trước khi sử dụng.
2.2. Liều dùng của thuốc Becotarel
Liều khuyến cáo thông thường 40mg hoặc 60mg trong vòng 24 giờ.
Điều trị suy mạch vành:
- Dạng viên 20mg: Uống 1 viên mỗi lần x 2 – 3 lần/ ngày.
- Viên dạng RM 35mg, uống 1 viên mỗi lần, ngày hai lần vào buổi sáng và buổi tối.
- Sau đó có thể giảm liều xuống 2 lần/ ngày, mỗi lần uống 20mg.
- Dạng siro 20 mg/ ml: Dùng bơm hút định liều 20/một lần (1ml/ lần) x 2 – 3 lần/ ngày.
Điều trị trong chuyên khoa mắt và tai mũi họng:
- Uống 2 đến 3 viên (loại viên nén 20mg) hoặc 40 đến 60 giọt siro x 2-3 lần vào các bữa ăn chính.
- Bệnh nhân suy thận mức độ trung bình (độ thanh thải creatinin 30 – 60ml/phút): Uống ngày 2 lần vào buổi sớm và buổi tối, mỗi lần 1 viên, dùng cùng với bữa ăn.
- Đối với bệnh nhân suy thận mức độ trung bình (độ thanh thải creatinin 30 – 60ml/phút): Liều khuyến cáo là mỗi lần 1 viên, uống ngày 2 lần vào buổi sớm và buổi tối, sau các bữa ăn chính.
Xử lý khi quên liều:
- Uống ngay liều Becotarel khi nhớ ra nhưng nhớ phải ăn nhẹ trước khi uống. Thông thường, các thuốc có thể uống chậm hơn trong khoảng 1 đến 2 giờ so với thời gian quy định trong đơn thuốc. Tuy nhiên, nếu thời gian hiện tại đã quá xa thời điểm cần uống sau mỗi bữa ăn thì bỏ qua liều Becotarel đã quên và tuyệt đối không gấp đôi liều có thể gây nguy hiểm cho sức khoẻ của người dùng.
Xử trí khi quá liều:
- Trong trường hợp vô ý hoặc cố tình uống thuốc Becotarel quá liều thì phải tiến hành rửa dạ dày và thực hiện các biện pháp nâng đỡ toàn thân.
3. Lưu ý khi dùng thuốc Becotarel
- Becotarel có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm chứng Parkinson (run, vận động chậm chạp khó khăn, tăng trương lực cơ). Do đó bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân cao tuổi dùng thuốc này cần phải được kiểm tra và theo dõi thường xuyên. Trong các trường hợp nghi ngờ, cần đưa bệnh nhân đến các chuyên khoa thần kinh để được thăm khám và điều trị.
- Khi gặp phải các rối loạn vận động như các triệu chứng của Parkinson, hội chứng chân tay bứt rứt, run, dáng đi không vững thì cần ngay lập tức ngưng sử dụng Becotarel.
- Các trường hợp này ít xảy ra và thường hồi phục tốt sau khi dừng thuốc Becotarel. Phần lớn bệnh nhân hồi phục sau 4 tháng. Nếu các triệu chứng Parkinson vẫn tiếp tục sau 4 tháng ngưng điều trị. Cần tham khảo ý kiến chuyên môn của bác sĩ chuyên khoa thần kinh.
- Có thể xảy ra hiện tượng ngã, dáng ngồi không vững hoặc tụt huyết áp, đặc biệt ở những bệnh nhân đang dùng thuốc hạ huyết áp.
- Do thành phần tá dược có chứa lactose nên những bệnh nhân không dung nạp galactose, rối loạn hấp thu glucose-galactose, thiếu hụt men Lapp lactase không nên dùng Becotarel.
- Khi dùng cho phụ nữ mang thai hoặc cho con bú, nên cân nhắc giữa hiệu quả cho mẹ và hậu quả mang lại cho con. Bởi vậy chỉ dùng thuốc khi đã trao đổi với bác sĩ.
- Thuốc Becotarel không dùng để điều trị cắt cơn đau thắt ngực mà chỉ là dự phòng. Người bệnh không được dùng Becotarel như một thuốc điều trị khởi đầu nhồi máu cơ tim hoặc đau thắt ngực không ổn định.
- Không nên sử dụng thuốc Becotarel ở giai đoạn trước khi nhập viện và trong suốt những ngày điều trị đầu tiên.
- Trong trường hợp xảy ra cơn đau thắt ngực trong khi dùng thuốc, cần đánh giá lại tình trạng bệnh mạch vành của bệnh nhân để áp dụng biện pháp điều trị thích hợp.
- Không dùng thuốc quá hạn sử dụng, mất niêm phong, nấm mốc, hay thuốc đổi màu, bao bì hở.
4. Tác dụng phụ của thuốc Becotarel
Quá trình sử dụng Becotarel, người bệnh vẫn có thể gặp phải các tác dụng phụ như:
Thường gặp:
- Tác động lên hệ thần kinh: Đau đầu và chóng mặt;
- Tiêu hoá: Đau bụng, khó tiêu, buồn nôn, nôn và tiêu chảy;
- Toàn thân: Suy nhược;
- Ngoài da: Mẩn ngứa và mày đay.
Hiếm gặp:
- Rối loạn lên hệ tim mạch: Đánh trống ngực, hồi hộp và tim đập nhanh.
- Hạ huyết áp động mạch, tụt huyết áp tư thế, có thể dẫn đến chóng mặt hoặc ngã, đặc biệt là các bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc huyết áp, đỏ bừng mặt.
Tần suất không rõ:
- Triệu chứng Parkinson, dáng đi không vững, hội chứng chân không nghỉ, các rối loạn vận động có liên quan khác, thường có thể hồi phục sau khi dừng thuốc.
- Gây rối loạn giấc ngủ (lơ mơ, mất ngủ).
- Táo bón.
- Ngoại ban mưng mủ toàn thân cấp (AGEP), phù mạch.
- Mất bạch cầu hạt, ban xuất huyết giảm tiểu cầu, giảm tiểu cầu, viêm gan.
Nếu gặp phải các triệu chứng này, người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc Becotarel và thông báo cho bác sĩ để có hướng xử trí phù hợp.
5. Tương tác thuốc Becotarel
- Hiện nay vẫn chưa ghi nhận có sự tương tác giữa Becotarel với thuốc nào. Đặc biệt, không có tương tác giữa Trimetazidin với các thuốc phong bế beta, các nitrat, các chất đối kháng calci, heparin, thuốc chống rối loạn lipid – máu hoặc digitalis. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn thì người bệnh cần tránh dùng thuốc Becotarel với thuốc ức chế MAO.
- Người bệnh vẫn cần thận trọng theo dõi các triệu chứng và dấu hiệu bất thường khi phối hợp Becotarel với thuốc khác.
6. Cách bảo quản thuốc Becotarel
- Thuốc Becotarel bảo quản 36 tháng kể từ ngày sản xuất.
- Bảo quản thuốc dưới 30 độ C ở nơi khô ráo, thoáng mát trong bao bì gốc, tránh ánh nắng soi trực tiếp làm biến đối thuốc.
- Để Becotarel xa tầm với của trẻ.
Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Becotarel. Vì đây là thuốc kê đơn bởi bác sĩ chuyên khoa nên người bệnh tuyệt đối không được tự ý sử dụng tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.