Công dụng thuốc Bacforxime-1000

Thuốc Bacforxime-1000 thuộc nhóm thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng virus và nấm, được dùng để điều trị nhiễm khuẩn nặng do các chủng vi khuẩn gây ra. Vậy thuốc Bacforxime-1000 có tác dụng gì và được dùng cụ thể trong trường hợp nào?

1. Bacforxime 1000 là thuốc gì?

Thuốc Bacforxime 1000 có thành phần chính là hoạt chất Natri Cefotaxime tương đương với Cefotaxime 1g, được điều chế dưới dạng bột pha tiêm, có màu trắng, vị đắng, mùi đặc biệt, đóng gói thành hộp gồm 1 lọ thủy tinh có nút kín + 5ml nước cất pha tiêm.

2. Công dụng thuốc Bacforxime 1000

Thuốc Bacforxime 1000 được dùng để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn nặng do các vi khuẩn nhạy cảm với hoạt chất Cefotaxim bao gồm:

  • Nhiễm khuẩn xương/ khớp, nhiễm trùng máu, viêm màng tim do vi khuẩn và cầu khuẩn, viêm màng não.
  • Nhiễm khuẩn da và mô mềm, ổ bụng, hô hấp dưới;
  • Điều trị bệnh lậu, viêm đường tiết niệu, phụ sản và sản khoa.
  • Điều trị dự phòng nhiễm khuẩn sau phẫu thuật.

Người bệnh tuyệt đối không được sử dụng Bacforxime 1000 khi:

  • Bị dị ứng hoặc mẫn cảm với Cefotaxim hoặc với các kháng sinh thuộc nhóm Cephalosporin.
  • Không được dùng dạng tiêm bắp có chứa hoạt chất Lidocain cho người bị mẫn cảm, trẻ em dưới 30 tháng tuổi, bệnh block tim hoặc suy tim nặng.

3. Cách dùng và liều dùng thuốc Bacforxime 1000

Cách dùng: Thuốc được bào chế dưới dạng bột pha tiêm nên được dùng theo đường tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp sâu, tiêm chậm từ 3-5 phút hoặc truyền tĩnh mạch chậm từ 20 - 60 phút. Lọ thuốc tiêm được pha với 5ml nước cất pha tiêm, cần lắc kỹ cho tan hoặc pha vào dung dịch truyền tĩnh mạch. Lưu ý, thuốc pha xong cần phải tiêm ngay.

Liều dùng: Liều lượng và cách dùng thuốc cần phải dựa vào loại vi khuẩn nhạy cảm và mức độ nhiễm khuẩn, tình trạng của người bệnh.

Đối với người lớn:

  • Liều thông thường: Dùng từ 3-6g, có thể chia làm 2 đến 3 lần. Nếu người dùng bị nhiễm khuẩn khuẩn nặng thì liều dùng có thể tăng lên đến 12g mỗi ngày, nếu truyền tĩnh mạch chia thành 3 đến 6 lần. Liều dùng thường cho bệnh nhiễm mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa) là trên 6g một ngày. Lưu ý, không được dùng quá 12g một ngày.
  • Điều trị bệnh lậu: Sử dụng liều 1g duy nhất với tiêm bắp.
  • Điều trị bệnh nhiễm khuẩn không biến chứng: Dùng liều 1g mỗi 12 giờ tiêm bắp hoặc có thể truyền tĩnh mạch.

Đối với trẻ em: Dùng 100-150mg/kg thể trọng/ngày, chia liều thành 2 đến 4 lần.

Đối với trẻ sơ sinh: Dùng 50mg/kg thể trọng, chia liều thành 2 đến 4 lần. Trong trường hợp cần thiết, có thể tăng tối đa 200mg/kg thể trọng/ngày, chia liều thành 4 lần.

Dùng trong dự phòng nhiễm khuẩn khi phẫu thuật: Tiêm liều 1g trước lúc phẫu thuật 30 đến 90 phút. Với trường hợp mổ đẻ thì tiêm liều 1g vào tĩnh mạch cho mẹ ngay sau khi kẹp xuống rau và sau 6 đến 12 giờ thì tiêm thêm 2 liều nữa vào tĩnh mạch hoặc bắp thịt.

Với người bị suy thận: Sử dụng cho người có độ thanh thải dưới 10ml/phút, sau khi sử dụng liều tấn công ban đầu cần phải giảm liều đi một nửa nhưng giữ nguyên số lần dùng thuốc trong một ngày. Liều dùng tối đa cho 1 ngày là 2g. Với bệnh nhân lớn tuổi cần phải điều chỉnh liều theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Thời gian dùng thuốc điều trị: Sau khi thân nhiệt đã bình thường trở lại hoặc khi đã chắc chắn hết nhiễm khuẩn, người bệnh vẫn nên dùng thuốc thêm từ 3-4 ngày nữa. Trường hợp dùng thuốc để điều trị nhiễm khuẩn do các liên cầu khuẩn tan máu beta nhóm A thì cần phải điều trị ít nhất 10 ngày. Với trường hợp nhiễm khuẩn dai dẳng cần phải điều trị trong nhiều tuần.

4. Cách xử lý khi quên/ quá liều thuốc Bacforxime-1000

Trong trường hợp quên liều, người bệnh nên bỏ qua liều đã quên và tiếp tục sử dụng liều tiếp theo đúng với liều lượng và thời gian đã được chỉ định trước đó. Tuyệt đối nghiêm cấm dùng gấp đôi số liều để bổ sung cho liều đã quên.

Trong trường hợp quá liều:

  • Người dùng có thể gặp tiêu chảy nặng hoặc kéo dài. Nếu gặp trường hợp này, cần phải ngừng dùng thuốc và thay thế bằng một loại kháng sinh khác có tác dụng lâm sàng trị viêm đại tràng do C.difficile.
  • Nếu gặp triệu chứng ngộ độc, người dùng cần phải ngưng sử dụng Cefotaxim và đến bệnh viện để điều trị.

Cách xử lý: sử dụng phương pháp thẩm tách màng bụng hoặc lọc máu để làm giảm nồng độ cefotaxim trong máu.

5. Tác dụng phụ của thuốc Bacforxime 1000

Khi sử dụng Bacforxime, ngoài tác dụng chính mà thuốc đem lại, người dùng có thể sẽ gặp phải một số triệu chứng không mong muốn như sau:

Các trường hợp thường gặp:

  • Ảnh hưởng hệ tiêu hóa: Tiêu chảy.
  • Ảnh hưởng tại chỗ: Viêm tắc tĩnh mạch, đau và có phản ứng viêm ở chỗ tiêm bắp.

Các trường hợp ít gặp:

  • Ảnh hưởng đến máu: Giảm lượng bạch cầu ưa eosin hoặc bạch cầu, làm cho kết quả test Coombs dương tính.
  • Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa: Thay đổi vi khuẩn ở ruột, có thể bị bội nhiễm do vi khuẩn kháng thuốc như Enterobacter, Pseudomonas aeruginosa,...

Các trường hợp hiếm gặp:

  • Toàn thân: Gây sốc phản vệ, các phản ứng quá mẫn.
  • Ảnh hưởng đến máu: Giảm bạch cầu hạt/ tiểu cầu, thiếu máu, tan máu.
  • Ảnh hưởng hệ tiêu hóa: Viêm đại tràng có màng giả do Clostridium difficile, tăng bilirubin và các enzym của gan trong huyết tương.

Lưu ý: Người dùng khi cần thêm thông tin về thuốc hãy hỏi ý kiến bác sĩ và thông báo ngay những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.

6. Tương tác thuốc Bacforxime 1000

Bacforxime có thể tương tác với các loại thực phẩm chức năng, thuốc khác và thức ăn như:

  • Colistin và Cephalosporin: Có thể tăng nguy cơ bị tổn thương thận khi dùng chung Bacforxime với các nhóm kháng sinh Polymyxin này.
  • Các Uredo-penicillin và Cefotaxim: Có thể làm giảm độ thanh thải hoạt chất Cefotaxim ở người bệnh có chức năng thận suy giảm hoặc bình thường. Cần phải giảm lượng Cefotaxime nếu dùng phối hợp.
  • Hoạt chất Cefotaxim làm tăng độc tố với thận của hoạt chất Cyclosporin.

Lưu ý: Để làm giảm tối đa các triệu chứng không mong muốn, người bệnh cần nói với bác sĩ về những thực phẩm chức năng, các loại thuốc đang sử dụng để có được liều dùng tốt và phù hợp nhất.

7. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Bacforxime 1000

  • Tuyệt đối không được dùng nước pha tiêm có chứa hoạt chất lidocain để pha Cefotaxim tiêm tĩnh mạch, chỉ được sử dụng tiêm bắp.
  • Trước khi dùng Cefotaxim để điều trị, cần phải xác định tiền sử của bệnh nhân có những phản ứng mẫn cảm với hoạt chất Cephalosporin và các dẫn chất của Penicillin, Cephalosporin hoặc một số loại thuốc khác.
  • Khi dùng thuốc cho bệnh nhân bị suy thận, cần phải giảm liều dùng hàng ngày. Khi dùng phối hợp với các thuốc có khả năng gây độc thận thì cần phải kiểm tra, theo dõi chức năng thận thường xuyên.
  • Khi dùng thuốc có thể gây ra các kết quả dương tính giả với test Coombs, xét nghiệm về đường niệu.
  • Đối tượng là phụ nữ có thai và đang cho con bú cần phải thận trọng khi sử dụng thuốc.
  • Tuyệt đối không được dùng thuốc khi đã hết hạn sử dụng, có biểu hiện biến đổi màu, ẩm, mờ nhãn hoặc bất cứ nghi ngờ nào cần phải hỏi lại nơi bán.

Hy vọng với những thông tin chia sẻ trên về công dụng - chỉ định, liều dùng cũng như một số lưu ý của thuốc Bacforxime 1000 sẽ giúp cho người bệnh biết thêm thông tin và cảm thấy an tâm hơn khi sử dụng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe