Thuốc Alphalysosine được sử dụng chủ yếu để điều trị các vấn đề sức khoẻ như viêm xoang, căng tuyến vú, trĩ nội, trĩ ngoại,... Hiệu quả điều trị mà thuốc Alphalysosine mang lại sẽ tùy thuộc vào tình trạng đáp ứng, sức khỏe cũng như sự tuân thủ trong quá trình dùng thuốc của bệnh nhân.
1. Alphalysosine là thuốc gì?
Thuốc Alphalysosine thuộc nhóm thuốc chống viêm, giảm đau, hạ sốt. Thuốc được sử dụng chủ yếu để điều trị các tình trạng viêm nhiễm sau chấn thương / phẫu thuật, bệnh viêm xoang, trĩ ngoại khoa, tai mũi họng, căng tuyến vú, viêm nha chu, viêm mào tinh và viêm bàng quang.
Thuốc Alphalysosine được bào chế dưới dạng viên nén bao phim, quy cách đóng gói hộp 20 vỉ x 10 viên. Trong mỗi viên nén alphalysosine có hoạt chất chính là alphachymotrypsine với hàm lượng 4,2mg.
2. Thuốc Alphalysosine có tác dụng gì?
2.1 Thuốc Alphalysosine chữa bệnh gì?
Thuốc Alphalysosine thường được chỉ định sử dụng để điều trị các tình trạng dưới đây:
- Bệnh trĩ ngoại, trĩ nội hoặc sa hậu môn.
- Bị viêm nhiễm sau khi gặp chấn thương hoặc thực hiện phẫu thuật.
- Điều trị các vấn đề như polyp mũi, viêm xoang, viêm họng và viêm tai giữa.
- Sử dụng alphalysosine phối hợp cùng kháng sinh giúp điều trị nhiễm trùng hoặc long đờm liên quan đến bệnh về phổi (hen phế quản, viêm phế quản, lao).
- Điều trị các triệu chứng đục thuỷ dịch hoặc xuất huyết mắt.
- Trường hợp căng tuyến vú, rách hoặc cần phải khâu tầng sinh môn.
- Điều trị bệnh đường tiết niệu như viêm mào tinh, viêm âm đạo, viêm bàng quang.
- Khắc phục một số vấn đề nha khoa như áp xe răng, viêm lợi, viêm hàm hoặc viêm chân răng.
2.2 Thuốc Alphalysosine được sử dụng như thế nào?
Thuốc Alphalysosine được bào chế dưới dạng viên nén, do đó bệnh nhân cần dùng thuốc bằng đường uống theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên môn. Ngoài ra, trước khi sử dụng thuốc Alphalysosine, người bệnh cũng cần đọc kỹ hướng dẫn ghi trên bao bì thuốc của nhà sản xuất nhằm đảm bảo mang lại hiệu quả điều trị cao và ngăn ngừa các nguy cơ rủi ro liên quan đến thuốc.
Tuỳ thuộc vào từng đối tượng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định liều lượng alphalysosine cụ thể, bao gồm:
- Người lớn: Uống từ 1 – 2 viên, khoảng 2 – 3 lần / ngày.
- Trẻ em: Uống alphalysosine theo chỉ dẫn của bác sĩ nhi khoa.
Người bệnh nên sử dụng thuốc Alphalysosine theo đúng liều lượng, tránh dùng với số lợn lượng, ít hơn hoặc uống thuốc lâu hơn so với quy định. Bạn có thể uống trước hoặc sau bữa ăn, tuy nhiên cần tránh bẻ hoặc nghiền nát thuốc khi sử dụng.
2.3 Cần làm gì khi uống quá liều hoặc quên liều Alphalysosine?
- Đối với trường hợp uống quá liều thuốc Alphalysosine
Trong trường hợp uống quá liều thuốc Alphalysosine và xuất hiện các triệu chứng ngộ độc hoặc có các biểu hiện như phát ban, nổi mề đay, mẩn ngứa, khó thở, đau tức ngực, chóng mặt, đau đầu,... người bệnh cần nhanh chóng liên hệ đến trung tâm cấp cứu y tế 115 hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ. Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên ghi lại và mang thai danh sách thống kê các loại thuốc mà mình đã sử dụng, bao gồm cả viên uống thảo dược và vitamin.
- Đối với trường hợp quên uống một liều thuốc Alphalysosine
Nếu người bệnh trót bỏ lỡ một liều thuốc Alphalysosine, hãy dùng lại thuốc sớm nhất có thể, tránh quá sát với giờ dùng liều tiếp theo. Ngoài ra, bạn cần tránh bù gấp đôi liều cùng lúc so với quy định bởi điều này có thể tiềm ẩn nguy cơ quá liều thuốc.
3. Một số tác dụng phụ của thuốc Alphalysosine
Trong quá trình điều trị bằng thuốc Alphalysosine, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ ngoài ý muốn, bao gồm:
- Hoa mắt, buồn ngủ hoặc chóng mặt.
- Rối loạn chức năng gan / thận nghiêm trọng.
- Gây cảm giác khó chịu, tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn hoặc nôn mửa.
- Phản ứng dị ứng, nổi mề đay, phát ban và nổi mẩn ngứa trên da.
Ngoài những tác dụng phụ phổ biến trên, có thể tồn tại một số triệu chứng hiếm gặp khác chưa được liệt kê và có khả năng xảy ra ở một vài bệnh nhân khi dùng thuốc Alphalysosine. Nếu nhận thấy cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường ngay sau khi uống hoặc các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, khó chịu,... ngày một trầm trọng, bệnh nhân cần báo ngay cho bác sĩ để có hướng xử trí đúng cách và kịp thời.
4. Một số điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Alphalysosine
4.1 Cần thận trọng những gì khi dùng Alphalysosine?
Trước khi sử dụng thuốc bệnh nhân cần báo cho bác sĩ biết nếu:
- Bị dị ứng với hoạt chất hoặc bất kỳ dược chất nào khác có trong thuốc.
- Đang sử dụng thuốc chống đông hoặc các loại thuốc điều trị bệnh kê đơn, không kê đơn, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ hoặc thảo dược.
- Đã từng hoặc đang mắc các bệnh lý như rối loạn trầm trọng chức năng thận / gan, rối loạn đông máu.
- Phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai chỉ nên sử dụng thuốc khi thật sự cần thiết. Tốt nhất, bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ về những lợi ích cũng như rủi ro khi điều trị bằng thuốc alphalysosine.
- Hiện chưa có thông tin cụ thể về việc liệu thuốc alphalysosine có đi vào sữa mẹ không, do đó bà mẹ nuôi con bú cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định sử dụng.
- Người lái xe hoặc điều khiển các loại máy móc cần thận trọng khi sử dụng thuốc alphalysosine do thuốc có thể gây ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh.
4.2 Tương tác của thuốc Alphalysosine
Phản ứng tương tương giữa Alphalysosine với các loại thuốc khác có thể dẫn đến những tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc làm giảm công dụng của thuốc. Theo nghiên cứu, thuốc alphalysosine khi dùng chung với thuốc chống đông máu có thể làm tăng thêm tác dụng làm loãng máu của loại thuốc này. Nhằm ngăn ngừa tình trạng tương tác thuốc xảy ra, bệnh nhân nên cho bác sĩ biết các loại thuốc, thực phẩm mình đang sử dụng hoặc bất kỳ tình trạng sức khoẻ nào khác.
4.3 Điều kiện bảo quản thuốc Alphalysosine
Bạn nên bảo quản thuốc Alphalysosine ở nhiệt độ phòng, tránh nơi ẩm mốc hoặc có ánh sáng. Không bảo quản thuốc trong ngăn đá hoặc phòng tắm vì điều này có thể làm thay đổi cơ chế hoạt động của hoạt chất trong thuốc, từ đó làm giảm tác dụng điều trị. Giữ thuốc alphalysosine ở xa tầm với của trẻ em, tránh tự ý vứt thuốc vào đường ống dẫn nước hoặc toilet trừ khi được bác sĩ hướng dẫn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.