Alpathin là một loại thuốc thuộc nhóm trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng virus, kháng nấm thường được dùng để điều trị các nhiễm khuẩn có biến chứng. Dưới đây là toàn bộ thông tin về công dụng, cách dùng và liều dùng mà người bệnh cần nắm rõ trước khi được chỉ định sử dụng thuốc.
1. Alpathin là thuốc gì?
Alpathin là một dược phẩm được sản xuất bởi Alpa Laboratories Ltd. - Ấn Độ và được nhập vào Việt Nam do Công ty TNHH Y tế Cánh Cửa Việt đăng ký.
Alpathin thuộc nhóm thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng virus, kháng nấm với thành phần chính là hoạt chất Cefalothin (dưới dạng hỗn hợp Cefalothin natri và Natri Bicarbonat) hàm lượng 1g. Thuốc được dùng để chỉ định điều trị các nhiễm khuẩn có biến chứng, nhiễm khuẩn nặng.
Alpathin được bào chế dạng thuốc bột pha tiêm và được đóng gói theo quy cách hộp 1 lọ chứa 1g Cefalothin.
2. Công dụng thuốc Alpathin
2.1. Thuốc Alpathin có tác dụng gì?
Hoạt chất Cefalothin là kháng sinh Cephalosporin thế hệ 1 có tác dụng diệt khuẩn bằng cách ngăn cản sự phát triển và phân chia của tế bào vi khuẩn do ức chế sự tổng hợp thành tế bào vi khuẩn.
Cefalothin dùng theo đường tiêm có hoạt tính rất mạnh trên các cầu khuẩn và trực khuẩn gram dương, tác dụng trung bình với trực khuẩn gram âm.
Cefalothin thường kháng với enterococci, một số vi khuẩn ưa khí gram dương. Cefalothin thường không có hoạt tính với Listeria monocytogenes.
Trong các vi khuẩn gram âm, Cefalothin có tác dụng đối với một số Eerobacteriaceae bao gồm: Escherichia coli, Proteus mirabilis, Klebsiella pneumoniae và một số loài Salmonella, Shigella. Không có tác dụng với các Enterobacter, Proteus hoặc các loài Serratia.
Cefalothin có tác dụng với Moraxella catarrhalis (Branhamella catarrhalis) và các loài Neisseria, mặc dù thường khác ở mức trung bình với Haemophilus influenzae.
Cefalothi thường không nhạy cảm với Bacteroides fragilis, Pseudomonas aeruginosa, mycobacteria, mycoplasma và nấm.
2.2. Chỉ định dùng thuốc Alpathin
Alpathin được xem là thuốc lựa chọn thứ 2 dùng để thay thế Penicillin, điều trị các nhiễm khuẩn có biến chứng, nhiễm khuẩn do trực khuẩn gram dương nhạy cảm và cầu khuẩn gram dương.
Cefalothin được chỉ định trong điều trị nhiễm khuẩn huyết, viêm xương tủy, viêm màng trong tim và các thể nhiễm khuẩn nặng khác.
Các chỉ định khác bao gồm:
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu có biến chứng, viêm bàng quang nặng tái phát hay viêm thận bể thận cấp và mạn tính.
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi nặng, áp xe phổi hay viêm mủ màng phổi.
- Nhiễm khuẩn ngoại khoa như áp xe màng bụng, áp xe bụng, nhiễm khuẩn đường ruột nặng, nhiễm khuẩn sau phẫu thuật và các nhiễm khuẩn khác.
- Dự phòng phẫu thuật.
Chú ý: Cần nuôi cấy, thử nghiệm tính nhạy cảm của vi khuẩn trước và trong khi điều trị, đồng thời thực hiện xét nghiệm chức năng thận khi có chỉ định.
2.3. Chống chỉ định dùng thuốc Alpathin
Alpathin chống chỉ định đối với người bị mẫn cảm với Cefalothin, kháng sinh nhóm Cephalosporin và các thành phần khác có trong tá dược của thuốc.
3. Cách sử dụng, liều dùng thuốc Alpathin
Thuốc được sử dụng theo sự chỉ định của bác sĩ có chuyên môn, vì thế người bệnh cần tuân thủ đúng cách dùng và liều lượng của bác sĩ hoặc chuyên viên y tế.
Cách dùng:
Thuốc Alpathin được bào chế dạng bột pha tiêm, vì thế sẽ được dùng theo đường tiêm. Hòa tan lượng bột trong lọ thuốc cùng với 3ml nước cất pha tiêm để tiêm bắp sâu hoặc hoà với 6ml nước cất pha tiêm để tiêm từ từ tĩnh mạch trong 5 phút.
Cách tiêm truyền không liên tục cho nồng độ thuốc trong huyết thanh cao và có hiệu quả. Liều thích hợp trong 24 giờ là 8-12g, mỗi lần tiêm truyền 2g và tiêm 4 hoặc 6 lần trong một ngày.
Hòa tan 2g Cefalothin trong 100ml dung dịch tiêm natri clorid 0,9% hoặc 100ml dung dịch glucose tiêm 5%, truyền trong 30-50 phút.
Liều dùng:
- Người lớn và thanh thiếu niên: Liều dùng thông thường là tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch 500mg đến 1g, cách nhau 4-6 giờ/ lần tùy theo mức độ của nhiễm khuẩn. Trường hợp bị nhiễm khuẩn nặng nên dùng liều 2g tiêm tĩnh mạch và thực hiện tiêm 4 lần/ ngày. Nếu bệnh đe dọa đến tính mạng thì có thể tăng liều đến 12g/ ngày (mỗi lần 2g cách nhau 4 giờ).
- Bệnh nhân trẻ em: Liều dùng là từ 13,3- 26,6mg/kg cân nặng, cách mỗi 4 giờ hoặc 20 - 40mg/kg cân nặng cách mỗi 6 giờ, tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch.
- Bệnh nhân người lớn suy thận: Liều khởi đầu 1-2g tiêm tĩnh mạch và sau đó có thể điều chỉnh liều tiếp theo tùy thuộc vào độ thanh thải creatinin của bệnh nhân, liều duy trì tối đa như sau:
- Độ thanh thải creatinin lớn hơn 50ml/phút dùng liều tối đa 2g cách nhau mỗi 6h/lần;
- Độ thanh thải creatinin từ 50-25ml/phút thì liều 1,5g cách 6h/lần;
- Độ thanh thải 10-25ml/phút dùng liều 1g và cách 6h;
- Độ thanh thải dưới 10ml/phút thì dùng liều 0,5g và cứ 6h/lần.
- Dự phòng phẫu thuật: Người lớn dùng liều thông thường 1-2g tiêm tĩnh mạch trước khi phẫu thuật 30-60 phút và nhắc lại 1 liều 1-2g cách 6 giờ sau khi phẫu thuật, với những phẫu thuật kéo dài thì có thể thêm 1 liều 1-2g trong khi phẫu thuật. Còn trẻ em thì tiêm liều 20-30mg/kg cùng khoảng thời gian giống như người lớn.
Lưu ý: Liều dùng này do bác sĩ điều trị chỉ định dựa vào tình trạng cụ thể của bệnh nhân và diễn tiến của bệnh, khả năng hấp thụ. Vì thế, người bệnh cần tuân thủ đúng liều dùng của bác sĩ, không được tự ý thay đổi liều lượng khi chưa được sự cho phép.
4. Tác dụng phụ thuốc Alpathin
Khi sử dụng thuốc Alpathin, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ bao gồm:
- Phản ứng quá mẫn: Đau tại chỗ tiêm và ban da là phản ứng phụ thường gặp nhất.
- Toàn thân: Đau tại chỗ tiêm bắp và đôi khi còn bị chai cứng.
- Tiêu hóa: Tiêu chảy và viêm đại tràng giả mạc.
- Huyết học: Tăng bạch cầu ưa eosin, biến chứng chảy máu, hiếm gặp giảm bạch cầu trung tính/ tiểu cầu, thiếu máu tan máu, phản ứng Coombs dương tính.
- Gan: Tăng thoáng qua enzym gan.
- Thận: Tăng tạm thời urê huyết/ creatinin, nhiễm độc thận, viêm thận kẽ.
- Khác: Nhiễm nấm candida.
Chú ý: Nếu gặp các tác dụng phụ của thuốc hoặc có các dấu hiệu bất thường khác chưa được liệt kê ở trên thì người bệnh cần thông báo ngay cho bác sĩ, chuyên viên y tế để được hướng dẫn cách xử trí kịp thời.
5. Tương tác thuốc
- Cefalothin có thể gây trở ngại cho việc đo nồng độ creatinin theo phương pháp Jaffé và có thể cho giá trị giả cao. Vì thế, cần chú ý điểm này khi kiểm tra chức năng thận cho bệnh nhân.
- Cefalothin cũng gây dương tính giả các kết quả thử nghiệm Coombs và phản ứng glucose.
- Sử dụng kết hợp với các thuốc gây độc thận như Gentamicin hoặc các Aminoglycoside có thể làm tăng nguy cơ tổn thương thận.
Để tránh tương tác thuốc gây ảnh hưởng đến sức khỏe và các loại thuốc đang dùng thì người bệnh cần liệt kê cho bác sĩ danh sách các loại thuốc đang dùng trong thời gian gần đây để được tư vấn và có chỉ định phù hợp hơn.
6. Lưu ý, thận trọng khi dùng thuốc Alpathin
Để đảm bảo an toàn và có kết quả tốt khi sử dụng thuốc Alpathin thì người bệnh cần thận trọng, chú ý một số vấn đề sau đây:
- Thuốc được dùng theo sự kê đơn, chỉ định của bác sĩ có chuyên môn, vì thế cần dùng theo đúng chỉ định về cách dùng, liều dùng, thời gian sử dụng thuốc.
- Trước khi điều trị với Cefalothin thì phải kiểm kỹ về tiền sử dị ứng của bệnh nhân với các Cephalosporin, Penicillin và các thuốc khác.
- Vì có phản ứng quá mẫn chéo xảy ra ở bệnh nhân dị ứng với kháng sinh nhóm Penicillin (bao gồm cả sốc phản vệ), vì thế cần thận trọng và chuẩn bị phòng chống sốc phản vệ khi dùng Cefalothin cho bệnh nhân có tiền sử dị ứng với Penicillin.
- Thận trọng khi dùng Cefalothin cho người bệnh suy thận. Bởi sử dụng Cefalothin kết hợp với Gentamicin hoặc các Aminoglycoside khác sẽ có nguy cơ tăng nhiễm độc thận.
- Cần theo dõi chức năng thận và thời gian đông máu khi điều trị Cefalothin dài ngày và liều cao.
- Sử dụng Cefalothin kéo dài có thể gây quá sản các chủng vi khuẩn không nhạy cảm, do vậy cần theo dõi và ngừng thuốc nếu thấy bội nhiễm diễn ra.
- Đã có báo cáo về viêm đại tràng giả mạc khi sử dụng các kháng sinh phổ rộng nên cần thận trọng theo dõi và điều trị kịp thời đối với các trường hợp này.
- Cefalothin có thể dùng an toàn trong thời gian mang thai, tuy nhiên các thai phụ vẫn cần thận trọng khi sử dụng thuốc và chỉ dùng khi thật sự cần thiết theo chỉ định của bác sĩ chuyên môn.
- Cefalothin được bài tiết qua sữa mẹ ở nồng độ thấp, không ảnh hưởng đến trẻ đang bú mẹ, tuy nhiên bà mẹ cho con bú cần chú ý nếu thấy trẻ bị tưa lưỡi, tiêu chảy, nổi ban khi mẹ dùng thuốc.
7. Quá liều và cách xử lý
Quá liều các Cephalosporin có thể dẫn đến co giật, kích thích não, đặc biệt là đối với bệnh nhân suy thận. Khi xảy ra co giật thì cần ngừng thuốc và áp dụng các biện pháp chống co giật, điều trị hỗ trợ. Thẩm phân phúc mạc hoặc lọc máu có thể làm giảm nồng độ Cefalothin huyết tương.
Trong trường hợp nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng thì cần liên hệ với trung tâm cấp cứu 115 và đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất để được cấp cứu, xử trí kịp thời.
8. Cách bảo quản thuốc Alpathin
- Đối với thuốc chưa dùng, còn nguyên lọ thì cần bảo quản ở nơi khô thoáng, có nhiệt độ dưới 30 độ C và không có ánh nắng mặt trời chiếu vào, không bị ẩm. Còn đối với thuốc đã pha thì nên dùng ngay sau khi pha xong để đảm bảo chất lượng, nếu cần thì có thể bảo quản trong tủ lạnh với nhiệt độ từ 2°C đến 8°C trong vòng 24 giờ.
- Cần để thuốc tránh xa tầm với của trẻ nhỏ và các loài vật nuôi trong nhà.
- Đối với thuốc đã hết hạn hoặc không còn dùng nữa thì cần lưu ý không được vứt vào toilet hay xả dưới vòi nước sinh hoạt của gia đình, vứt bừa bãi. Hãy liên hệ với bác sĩ hoặc công ty xử lý rác thải để được hướng dẫn về cách tiêu hủy thuốc an toàn, đúng cách.
Trên đây là những thông tin về công dụng của thuốc Alpathin, cách sử dụng, liều dùng. Những thông tin này chỉ mang tính tham khảo mà không nhằm mục đích chẩn đoán hay điều trị y tế chuyên nghiệp. Vì vậy, người bệnh không được tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định và kê đơn của bác sĩ. Hãy liên hệ với bác sĩ chuyên môn hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn và chỉ định sử dụng thuốc tốt nhất.